SỐ 2: DĨ CÔNG VI THƯỢNG

Thứ sáu - 06/08/2021 23:42

SỐ 2: DĨ CÔNG VI THƯỢNG

.

“Một đêm đông, trời rất lạnh, trong lán Nà Lừa, nằm trên cái sạp nứa, đau lưng lắm....nửa đêm, đang nói chuyện thì Bác dừng lại rồi nói với tôi: Chú Văn à, làm cách mạng là phải “dĩ công vi thượng”. Bác chỉ nói vậy thôi rồi quay sang nói chuyện khác, nhưng tôi nhớ đến bây giờ”

 

 

Dĩ công vi thượng là đặt lợi ích chung lên trên hết, tất cả vì nước, vì dân, đem lòng chí công vô tư mà đối xử với người, với việc, không mảy may có chút chủ nghĩa cá nhân. 

Chủ tịch Hồ Chí Minh là một tấm gương mẫu mực dĩ công vi thượng, suốt đời phụng sự Tổ quốc, Nhân dân. 

Đại tướng Võ Nguyên Giáp, người học trò xuất sắc, người đồng chí gần gũi của Bác Hồ cũng là một tấm gương như vậy. 

Ở cương vị nào, được Đảng, Nhà nước  phân công làm việc gì, vì lợi ích của đất nước, của Nhân dân, Đại tướng cũng nỗ lực hết mình để hoàn thành nhiệm vụ. 

Khi là thầy giáo, thầy Võ Nguyên Giáp được học trò kính trọng bởi đã đem hết nhiệt huyết truyền kiến thức và lòng yêu nước cho họ. 

Khi là Tổng tư lệnh, ông là vị tướng ở giữa Nhân dân, tin tưởng Nhân dân nên được Nhân dân tin yêu. 

Là chỉ huy, ông ở bên chiến sĩ của mình trên chiến trường. Ông là vị chỉ huy “chỉ đánh khi chắc thắng, nếu không thắng thì không đánh”, để tránh thương vong cho chiến sĩ. 

Khi là Phó Thủ tướng Chính phủ, ông đã dành phần lớn thời gian và tâm huyết để nghiên cứu về khoa học và giáo dục, lĩnh vực mà ông được phân công phụ trách; luôn lắng nghe, tập hợp chắt lọc ý kiến của các nhà giáo, các nhà khoa học đầu ngành để xây dựng định hướng cho khoa học công nghệ Việt Nam; đề xuất những vấn đề có tính chiến lược và những bước đi cụ thể trong từng thời kỳ phát triển khoa học, giáo dục, văn hóa của nước nhà.

“Tôi đã cống hiến một cách tự nguyện, đã thanh thản trong mọi thử thách, thế là tôi sống vui, sống lâu. Như vậy, tôi đã làm theo lời dạy của Bác Hồ là “dĩ công vi thượng”. Đại tướng từng chia sẻ.

Khi đã nghỉ hưu ở tuổi 80, Đại tướng vẫn dành nhiều thời gian cho việc viết sách, tổng kết chiến tranh, đúc rút những bài học kinh nghiệm. Thời gian cuối đời, ông vẫn  không ngừng quan tâm, đóng góp ý kiến cho những vấn đề cơ bản và cấp bách của đất nước liên quan đến quân sự, an ninh quốc gia, giáo dục và môi trường. 

Trong dịp kỷ niệm 100 năm ngày sinh của Đại tướng, khi đáp lại lời chúc mừng của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng, Đại tướng Võ Nguyên Giáp nói: “Tôi sống ngày nào, cũng là vì đất nước ngày đó”. 

Tấm lòng vì nước vì dân của Đại tướng đã sáng mãi cho đến phút cuối cuộc đời và soi sáng cho các thế hệ sau bước tiếp.

Là vị tướng được thế giới ngưỡng mộ về thiên tài quân sự, được Nhân dân yêu kính về tài năng, đức độ, nhưng Đại tướng luôn khiêm nhường, dành vinh quang và mọi lời ngợi ca cho Nhân dân . Ông nói: “Vị tướng dù có công lao đến đâu cũng chỉ là giọt nước trong biển cả. Chỉ có Nhân dân Việt Nam là người đánh thắng Mỹ. Các ngài gọi tôi là vị tướng thần thoại, nhưng tôi tự nghĩ tôi bình đẳng với những người lính của mình”

 

Với quê hương Quảng Bình, mỗi lần về thăm quê hay có dịp gặp gỡ, trò chuyện với cán bộ lãnh đạo tỉnh, Đại tướng  đều nhắc lại lời dạy của Bác Hồ “Dĩ công vi thượng”. 

“Những điều Đại tướng quan tâm và mong muốn cho quê hương thì nhiều, nhưng có thể gói gọn trong 2 vấn đề liên quan mật thiết với nhau, đó là con người và môi trường sống của con người. Con người thì trước hết phải đoàn kết, đoàn kết từ trong lãnh đạo, trong Đảng, trong dân và trong toàn tỉnh. Đoàn kết sẽ làm được mọi điều. Đoàn kết như tôi hiểu và mọi người hiểu là làm bé cái tôi đi và làm lớn cái chúng ta lên. Có như thế mới dĩ công vi thượng được. Về vấn đề đoàn kết, đã có nhiều chuyện xảy ra trong quá khứ như những bài học mà hiện tại chúng ta vẫn còn vấp nên Đại tướng cứ dặn đi, dặn lại là phải làm tốt”. Sinh thời, Giáo sư, tiến sĩ khoa học Võ Hồng Anh, con gái đầu của Đại tướng Võ Nguyên Giáp từng chia sẻ.

(Mời quý độc giả  xem băng ghi hình về những lời căn dặn của Đại tướng với cán bộ, đảng viên toàn tỉnh, năm 1999)

 

 

Trong hạt cát có cả vũ trụ, trong mỗi hành vi chứa đựng cả nhân cách con người. Triết lý của đạo Phật không phải là điều gì đó cao xa khi ta nhìn vào cuộc đời Đại tướng, vào những gì ông đã làm cho quê hương, đất nước.

 

Nội dung: TRẦN HỒNG HIẾU

Thiết kế & Đồ họa: ĐOÀN XUÂN HOÀNG

Ảnh: Tư liệu

Nguồn tin: baoquangbinh.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Lịch phát thanh hàng ngày

- Buổi sáng (từ thứ 3 đến thứ 7): + Từ 5h10 phút đến 5h30 phút: Phát lại chương trình truyền thanh chiều hôm trước của Trung tâm Văn hóa - Thể thao và Truyền thông (Trung tâm VH-TT&TT) thị xã. + Từ 5h30 phút đến 6h00 phút: Tiếp âm Đài phát thanh - Truyền hình Quảng Bình; + Từ 6h00 phút đến...

Thống kê
  • Đang truy cập73
  • Máy chủ tìm kiếm10
  • Khách viếng thăm63
  • Hôm nay26,114
  • Tháng hiện tại689,798
  • Tổng lượt truy cập34,220,517
SĐT nhận cung cấp thông tin
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây