Dòng sông thiêng

Thứ hai - 25/10/2021 07:33

Dòng sông thiêng

Có một dòng chảy do đất trời sinh tạo từ mấy triệu năm về trước vẫn còn dài rộng, sung mãn đến hôm nay. Bắt đầu từ một nét đứt gãy địa chất ở vùng đất phía Bắc tỉnh Quảng Bình, một địa hào đã được tạo nên để trên bản đồ Tổ quốc, nơi eo thắt nhất của miền Trung nắng gió bão lũ dữ dằn có hành trình ra biển cả của sông Gianh. Tôi gọi đấy là con sông Mạ (Mẹ) của vùng đất mình sinh ra, nằm thắt thẻo van vát ở phía Nam đèo Ngang tựa như sông Cái giữa châu thổ Hồng Hà mênh mang, trù phú vậy. Tôi không vô cớ khi viết thế vì thời xa xưa sông Gianh mang tên khác, chữ nghĩa sang trọng có đủ ba âm tiết Đại Linh Giang.
Trong tâm thức của ông cha thì rõ ràng đây là con sông thiêng lớn. Sự kỳ vĩ, linh thiêng sông núi là hồng phúc của ai được sinh ra và lớn lên trên đó. Sông núi quê hương mang trong nó những huyệt mạch bí ẩn, huyền diệu không thể giải thích được và dường như đã can dự sâu sắc vào diện mạo, sinh khí, hồn vía của một vùng đất để có những tinh hoa nổi bật trong cộng đồng dân cư quần tụ ở đó. Địa linh nhân kiệt là câu thường nghe, ngẫm ngợi càng kỹ càng thấy có lý; vũ trụ bao la đan dệt chằng chịt muôn vàn mối quan hệ hữu hình và vô hình trong đó.
 
Sông Gianh nối hai phương mặt trời lặn-mọc, nguồn chính khởi thủy từ vạn lý Trường Sơn trùng điệp ở miền Tây Quảng Bình, khi thao thác, khi thong dong chảy qua các huyện, thị Minh Hóa, Tuyên Hóa, Quảng Trạch, Ba Đồn, Bố Trạch để cuối cùng hòa nhập với biển Việt mênh mang ở phía đông qua cửa Gianh thuộc hai xã Quảng Phúc (bờ Bắc), Thanh Trạch (bờ Nam). Con sông dài chừng 160 cây số, uốn khúc quanh co nằm gần trọn trong vùng đất phía Bắc của tỉnh Quảng Bình.
 
Sông Gianh là một phần của đời tôi, dĩ nhiên là vậy rồi. Đời sông thì dài, đời người quá ngắn nhưng cũng đều có những nông sâu, bồi lở cả. Lưu vực sông tương đối ổn định còn lưu vực người chẳng ai biết trước được dài rộng đến đâu. Đến lúc nào đó sông sẽ nói về người, ví dụ khi người đã thành hạt bụi trong cõi mung lung chẳng hạn, còn bây giờ người sẽ nói về sông như một sự tri ân chân chất.
Trái tim sông Gianh. Ảnh: Phạm Văn Thức
Trái tim sông Gianh. Ảnh: Phạm Văn Thức

Phần sông Gianh thuộc quê mẹ của tôi (xã Thanh Trạch, huyện Bố Trạch) chỉ là một đoạn ngắn ở cuối hạ lưu, khiêm nhường đóng khung trong phạm vi từ chỗ nó tiếp nhận thêm dòng chảy của rào Chùa, phía bờ Nam đến cửa biển cùng tên. Ngược lên phía thượng nguồn dăm đến bảy cây số gì đó, sông Gianh chảy qua thị xã Ba Đồn, nơi cha tôi cất tiếng khóc chào đời vào năm Ất Hợi 1935.
 
Tuy thế, khi nghĩ về sông núi quê nhà tôi vẫn chưa bao giờ quên niềm kiêu hãnh hồn nhiên Đại Linh Giang được bốn nguồn rào góp nước mà thành. Mỗi nguồn rào được định danh bằng một tên và có điểm phát nguyên riêng biệt. Nhánh chủ là nguồn Nậy, dân quê tôi thường gọi rào Nậy khởi thủy từ những đỉnh núi cao của dãy Trường Sơn ở vùng biên giới Việt-Lào, thuộc huyện Tuyên Hóa phía tây bắc tỉnh Quảng Bình chảy theo hướng đông nam về biển cả.
 
Nguồn Trổ, còn gọi là rào Trổ, phát nguyên từ hệ quần sơn Mồng Gà-đèo Ngang giữa Hà Tĩnh và Quảng Bình chảy theo hướng nam, nhập lưu với rào Nậy ở Minh Cầm. Nguồn Nan (rào Nan) bắt đầu từ những đỉnh núi cao ở Trường Sơn phía Tây Tuyên Hóa; nguồn Son (rào Son) thì phát nguyên từ vùng núi tây Bố Trạch cả hai cùng mải miết chảy theo hướng đông về nhập lưu với nguồn Nậy ở vùng La Hà-Văn Phú mà ra biển. Bốn nguồn rào góp nước cho một sông Gianh càng xuống hạ lưu càng bát ngát, càng gần biển càng dạt dào sóng vỗ.
 
Sông có khúc, người có lúc. Mỗi khúc sông là một làng quê, bến mưa bến nắng, bến đục bến trong, gắn bó với bao kiếp người tần tảo, lam lũ, thăng trầm, chìm nổi. Ký ức làng xã còn cất giữ cho sông bao câu chuyện lịch sử, những áng thơ văn lấy cảm hứng từ sông. Mỗi lần về nơi mình sinh ra, thong thả bước trên bờ sông lồng lộng gió, ngước nhìn mây nước mang mang trong tôi dâng lên bao cảm xúc bồi hồi. Không biết bao nhiêu lớp người đã xa khuất rồi ở nơi vùng đất vốn có rất nhiều biến động đổi thay, binh đao giặc giã, hạn hán bão lũ triền miên.
 
Sông Gianh là nơi in dấu vết quá khứ gắn liền với tên tuổi nhiều vị anh hùng, danh nhân nổi tiếng của dân tộc. Lý Thường Kiệt, danh tướng thời Lý, người tương truyền đã viết ra bài thơ Thần bất hủ Nam quốc sơn hà Nam đế cư bên sông Như Nguyệt ở thế kỷ 11 đã có đôi lần đến đây. Khi thì dẫn đầu đạo quân tiên phong vô Nam để bình Chiêm sau khi đã đánh tan giặc Tống. Khi thì theo lệnh vua, ông đi tuần tra vẽ lại địa đồ cương vực.
 
Theo Đại Nam nhất thống chí, năm 1471, vua Lê Thánh Tông dẫn quân đi đánh quân Chiêm Thành, khi ghé qua cửa biển này đã làm bài thơ Linh Giang hải tấn. Cụ Nguyễn Đình Diệm đã dịch rất hay bài thơ này: Núi bọc xung quanh biển mịt mờ/Bố Chinh ngày trước vẫn hoang sơ/Ven sông làng xóm nhà tranh cỏ/Khuất bến tre pheo dựng cột cờ/Gái thắt lưng ong khoe yểu điệu/Dân hòa giọng quých nói líu lo/Trời Nam đã rưới ơn mưa móc/Chẳng phải xa xôi bỏ cõi bờ. Hóa ra con gái vùng này thời xa lắc xa lơ đã duyên dáng đến thế rồi ư! Gái thắt lưng ong khoe yểu điệu.
 
Cũng lạ cho ông vua Lê Thánh Tông, việc nước việc quân bộn bề ngổn ngang như thế mà khi đi qua cửa biển Linh Giang mịt mờ khói sóng vẫn để mắt tới tấm lưng ong thon thắt nõn nà của các cô gái miền phên dậu này. Có một câu thơ mang tầm nhìn xa rộng trong kế sách giữ nước của vua Lê Thánh Tông. Đó là: Khẳng hạn phong cương ngoại đạo vi, không vì ngoài biên cương hiểm trở mà bỏ người dân nơi này.
 
Chưa hết những bài thơ viết về Linh Giang của các bậc tiền nhân. Mỗi bài thơ ra đời trong một hoàn cảnh khác nhau nhưng hình như nó đều có cái man mác, mênh mang, phảng phất u hoài. Khi phục vụ trong nhà Lê, nhà thơ Phan Huy Ích trong một lần theo lệnh vua đi công cán Thuận Hóa vào năm 1774 đã có thi phẩm Độ Đại Linh Giang viết theo thể tứ tuyệt, dịch nghĩa ra thế này: Cánh buồm lênh đênh qua sông Gianh/Cầm cờ tiết giữa dòng nghe khúc đò đưa/Đã hai trăm năm con sông dải áo ngăn cách/Mà nay một lá thuyền bình yên trong sóng lặng. Hai trăm năm ấy là thời gian Trịnh-Nguyễn phân tranh. Linh Giang trở thành giới tuyến của hai thế lực phong kiến lừng lững ở đôi miền Bắc-Nam.
 
Mọi cuộc chiến tranh chấm dứt nhưng dư âm của nó còn kéo dài rất lâu. Đôi khi còn lâu hơn cả một đời người nếu may mắn được sống sót sau nạn binh đao khốc liệt. Nó len vào giấc ngủ, loảng xoảng tiếng gươm khua ngựa hí, tiếng thét hờn căm, tiếng bom đạn ùng oàng, tiếng những linh hồn trăn trở bên bầm dập cỏ cây.
 
Núi sông có tạm thời chia cắt nhưng khát vọng thống nhất non sông, hòa hợp dân tộc muôn đời là ước mong lớn nhất của nhân dân. Thời nào cũng chung khát khao, ước vọng ấy. Nó thật giản dị nhưng cũng khó khăn biết bao. Đất nước Việt Nam đã có mấy lần cát cứ, cắt chia. Tuy nhiên, như lịch sử đã minh chứng nội xâm hay ngoại xâm mưu toan chia cắt giang sơn này cuối cùng đều bị thất bại.
 
Nguyễn Hữu Quý

Nguồn tin: www.baoquangbinh.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Thống kê
  • Đang truy cập116
  • Máy chủ tìm kiếm9
  • Khách viếng thăm107
  • Hôm nay7,884
  • Tháng hiện tại600,845
  • Tổng lượt truy cập40,120,634
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây