Nhà khoa học gắn bó với Phong Nha-Kẻ Bàng

Thứ bảy - 04/06/2022 06:41

Nhà khoa học gắn bó với Phong Nha-Kẻ Bàng

Khi nhắc đến những người có công đầu với di sản Phong Nha-Kẻ Bàng, có lẽ nhiều người sẽ nghĩ đến GS.TSKH.NGND Nguyễn Quang Mỹ, nhà hang động học hàng đầu Việt Nam, người con của Quảng Bình. Nhưng ít ai biết rằng, một người con Quảng Bình khác, cũng góp công rất lớn trong việc xây dựng hồ sơ di sản để UNESCO vinh danh Phong Nha-Kẻ Bàng. Đó là GS.TSKH.NGND Trần Nghi, nguyên Phó hiệu trưởng Trường đại học Khoa học tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội.
Đi lên từ vùng quê nghèo  
 
GS.TSKH.NGND Trần Nghi và một số sách do ông viết, làm chủ biên.
GS.TSKH.NGND Trần Nghi và một số sách do ông viết, làm chủ biên.

GS.TSKH.NGND Trần Nghi sinh năm 1947 tại xã Quảng Minh, TX. Ba Đồn. Thời còn đi học, ông là một học sinh xuất sắc, các môn học đều đạt điểm 5 (điểm tối đa thời bấy giờ) và là học sinh duy nhất của Trường phổ thông cấp 3 Quảng Trạch vinh dự được nhận phần thưởng của Bác Hồ.

Điều đặc biệt là ông học giỏi cả các môn khoa học tự nhiên lẫn khoa học xã hội. Năm lớp 10 (cuối cấp 3-cấp THPT hiện nay), ông được nhà trường chọn thi học sinh giỏi cấp tỉnh cả hai môn Văn và Toán.


Nhưng vì lịch thi hai môn trùng nhau, số thành viên đội tuyển thi văn của trường ít hơn nên các thầy chỉ định ông thi môn Văn và ông đạt giải nhất cấp tỉnh kỳ thi học sinh giỏi môn Văn năm đó. Là học sinh xuất sắc, ông thi đỗ vào Trường đại học Tổng hợp Hà Nội, theo học ở Khoa Địa lý-Địa chất khóa 1966-1970 và đam mê nghiên cứu khoa học địa chất, khoa học Trái đất từ đó. Tốt nghiệp, ông được trường giữ lại làm cán bộ giảng dạy.
 
Từ năm 1970-1977, ông được cử dự khóa thi nghiên cứu sinh làm luận án tiến sĩ ở nước ngoài và đã đỗ thủ khoa về lĩnh vực khoa học Trái đất. Năm đó, dự thi cả nước có 1.500 người cho tất cả các lĩnh vực khoa học nhưng chỉ đỗ có 200 người, trong đó có ông. Đề tài nghiên cứu sinh của ông là địa chất dầu khí nên ông được phân công sang nghiên cứu sinh tại Trường đại học Tổng hợp Bucharest, Rumani và ông đã bảo vệ xuất sắc luận án tiến sĩ năm 1982.
 
Năm 1996, ông được phong hàm Giáo sư, trở thành một trong ba giáo sư trẻ nhất của ngành khoa học Trái đất ở Việt Nam. Năm 2008, GS.TSKH Trần Nghi được Nhà nước phong tặng danh hiệu Nhà giáo nhân dân, danh hiệu cao quý nhất của nghề giáo. 
 
Nói về hoạt động khoa học của mình, giáo sư vui mừng chia sẻ ông là người đầu tiên cùng các cộng sự thành lập “Bản đồ địa chất Biển Đông và các vùng kế cận tỷ lệ 1/1.000.000” cùng “Bản đồ địa chất Pliocen-Đệ Tứ vùng biển Việt Nam và kế cận tỷ lệ 1/1000000” (trước đó chưa ai vẽ). Ông cũng là người đầu tiên xác định được tuổi cổ nhất của hang động Phong Nha-Kẻ Bàng là 32 triệu năm, đồng thời xác định được 8 thế hệ tuổi trẻ dần từ 5 triệu năm đến nay của hang động khu vực Phong Nha-Kẻ Bàng và lân cận.
 
Đến nay, ông đã có 23 đầu sách khoa học, trong đó 8 đầu sách là giáo trình ở bậc đại học và sau đại học, 15 đầu sách chuyên khảo. Khi đánh giá về cuốn sách “Địa chất trầm tích Việt Nam” của ông, PGS.TSKH Nguyễn Địch Dỹ, nguyên Chủ tịch Hội Đệ Tứ-Địa mạo Việt Nam đã viết: “Cuốn sách “Địa chất trầm tích Việt Nam” của GS. Trần Nghi đã giới thiệu những kết quả nghiên cứu chọn lọc của tác giả hơn 40 năm trở lại đây. Những kết quả này được tích hợp thành những nguyên lý, công thức lý thuyết và các hệ số trầm tích định lượng góp phần hoàn thiện và khắc phục những tồn tại trong nghiên cứu trầm tích luận của thế giới. Các hệ số đó đã và đang được các nhà nghiên cứu, học viên cao học và nghiên cứu sinh sử dụng một cách có hiệu quả trong lĩnh vực trầm tích dầu khí và trầm tích Đệ Tứ ở Việt Nam”.
 
GS.TS Trần Thanh Hải, Hiệu trưởng Trường đại học Mỏ Địa chất cũng nhận xét về GS.Trần Nghi rằng: “Thầy là một nhà khoa học đầu ngành của địa chất, lỗi lạc và uyên bác”.
 
GS.Trần Nghi đã có 160 bài báo công bố trên các tạp chí quốc tế và trong nước; chủ nhiệm, chủ biên 5 đề tài khoa học cấp Nhà nước, tham gia thực hiện 10 đề tài cấp Nhà nước khác. Trong công tác đào tạo, ông đã hướng dẫn bảo vệ luận văn thạc sĩ cho 40 học viên, hướng dẫn và bảo vệ thành công 35 luận án tiến sĩ và hiện đang hướng dẫn 2 nghiên cứu sinh làm luận án tiến sĩ.
 
Dấu ấn với Phong Nha-Kẻ Bàng
 
GS.Trần Nghi bộc bạch, từ nhỏ, ông đã nghe kể về Phong Nha-Kẻ Bàng và rất tự hào khi quê hương Quảng Bình có được một hệ thống hang động nổi tiếng trong nước. Khi đã trở thành nhà khoa học địa chất nói riêng và một nhà khoa học Trái đất nói chung của Việt Nam, ông luôn canh cánh nỗi niềm khi Vườn Quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng với những ưu điểm và thế mạnh nổi trội về nhiều mặt lại chưa được UNESCO công nhận là di sản thiên nhiên thế giới.
 
Thế là từ năm 1998, theo đề nghị của tỉnh Quảng Bình và sự phân công của Trường đại học Khoa học Tự nhiên (Đại học quốc gia Hà Nội), ông tham gia với tư cách chủ biên cùng nhóm cộng sự là GS.TS Tạ Hòa Phương, PGS.TS Đặng Văn Bào, KS Lê Huy Cường và các nhà lâm nghiệp thuộc Trung tâm Tài nguyên và Môi trường lâm nghiệp, Viện điều tra Quy hoạch rừng đã tập trung nghiên cứu xây dựng hồ sơ di sản thiên nhiên thế giới Phong Nha-Kẻ Bàng. Sau nhiều năm nghiên cứu, xây dựng, vào năm 2003, Phong Nha-Kẻ Bàng đã được UNESCO công nhận là di sản thiên nhiên thế giới.
 
“Để được UNESCO công nhận là di sản thiên nhiên thế giới thì tôi và cả nhóm nghiên cứu đã phải nghiên cứu và chứng minh được 4 vấn đề quan trọng, gồm: (1) Đa dạng địa chất, địa mạo và lịch sử phát triển lâu dài của vỏ trái đất khu vực Phong Nha-Kẻ Bàng và toàn tỉnh Quảng Bình; (2) Chứng minh hang động có tuổi cổ; (3) Tính độc đáo của hệ thống hang động; (4) Đa dạng sinh học và những loài động thực vật đang có nguy cơ tuyệt chủng”, GS.Trần Nghi cho hay.
 
“Hoàn thành được các công trình khoa học đã là điều tuyệt vời. Có được đề tài khoa học gắn với quê hương và có giá trị thực tiễn cao lại càng hạnh phúc. Vì thế, thành công về xây dựng hồ sơ để Vườn Quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng được UNESCO công nhận là Di sản thiên nhiên thế giới, với tôi, luôn là niềm hạnh phúc lớn lao”, GS.TSKH.NGND Trần Nghi xúc động chia sẻ.
 
Đinh Xuân Trường

Nguồn tin: www.baoquangbinh.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Thống kê
  • Đang truy cập128
  • Máy chủ tìm kiếm6
  • Khách viếng thăm122
  • Hôm nay9,098
  • Tháng hiện tại602,059
  • Tổng lượt truy cập40,121,848
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây