SỐ 5: LUÔN NHÌN VỀ HƯỚNG BIỂN

Thứ bảy - 07/08/2021 15:02

SỐ 5: LUÔN NHÌN VỀ HƯỚNG BIỂN

 

 

Mũi Rồng hướng về biển và những hòn đảo là nơi Đại tướng Võ Nguyên Giáp an nghỉ. Có một bình gốm đặt bên cạnh ngôi mộ cỏ, nổi lên dòng chữ : "Đất Trường Sa".

Cát Trường Sa đã được các cán bộ, chiến sĩ trên đảo chuyền tay nhau vượt 250 hải lý với ngàn sóng gió vào tận đất liền. Tròn 49 ngày mất của Đại tướng, trước mộ Người, Chuẩn đô đốc, Phó Chính ủy Quân chủng Hải quân Nguyễn Ngọc Tương chỉ huy các cán bộ, chiến sĩ Quân chủng Hải quân làm lễ dâng cát Trường Sa. Trong tiếng sóng Vũng Chùa và tiếng Hồng Chung trầm vọng, linh thiêng, Chuẩn đô đốc xúc động nói: “Chúng con xin dâng Người nắm đất từ nơi đầu sóng, ngọn gió, mảnh đất đã thấm đượm mồ hôi, công sức và xương máu của biết bao đời người dân đất Việt... Chúng con xin hứa trước anh linh của Đại tướng sẽ đoàn kết một lòng, phấn đấu hi sinh để bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc như Bác Hồ, Đại tướng và các bậc tiền bối hằng mong".

Trên mộ Đại tướng có cát Trường Sa, giữa quần đảo Trường Sa có tượng đài Đại tướng. Những gì Đại tướng đã làm để bảo vệ từng tấc đất, hòn đảo thiêng liêng của Tổ quốc luôn ở trong trái tim của muôn triệu Nhân dân.

 

Tiến sĩ Hoàng Trọng Lập, nguyên Phó trưởng ban Biên giới Chính phủ cho biết, nhãn quan chiến lược sâu sắc về biển đảo của Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã hình thành từ rất sớm và có nhiều sự kiện chứng tỏ điều đó: 

Ngày 7.5.1955, Đại tướng cho thành lập cục Phòng thủ bờ biển, đánh dấu sự ra đời của Hải quân nhân dân Việt Nam.

Tháng 3-1975, Đại tướng là người đã kiến nghị và Bộ Chính trị đã đồng ý ghi vào Nghị quyết ngày 25-3-1975 : "Vừa chuẩn bị cho trận quyết chiến chiến lược cuối cùng, vừa tiến hành giải phóng các đảo và quần đảo...".

17 giờ 30 phút ngày 4-4-1975, Đại tướng Tổng Tư lệnh gửi Chính ủy QK5 Võ Chí Công và Tư lệnh Chu Huy Mân bức mật lệnh số 990B/TK với nội dung: “Nghiên cứu và chỉ đạo thực hiện gấp rút, nhằm thời cơ thuận lợi nhanh nhất, đánh chiếm các đảo do quân Ngụy miền Nam chiếm đóng thuộc quần đảo Trường Sa. Lưu ý: Đây là một nhiệm vụ rất quan trọng”.

Trung tướng Ma Thanh Toàn, nguyên UVBCHTW Đảng, Tư lệnh QK2, Phó Trung đoàn trưởng, Tham mưu trưởng Trung đoàn 95 đánh giá: “Về mặt chiến lược, Đại tướng của chúng ta là một thiên tài. Trong lúc ta chưa giải phóng Sài Gòn nhưng Đại tướng và Bộ Tổng tham mưu đã thấy rõ, chiếm được đảo sớm là chiếm được vị trí phòng thủ đất nước từ xa, bảo vệ Tổ quốc từ xa. Nếu ta không giải phóng Trường Sa trước khi giải phóng Sài Gòn, các đảo rơi vào tay nước ngoài thì ngày giải phóng đất nước không trọn vẹn mà việc phòng thủ đất nước sẽ gặp rất nhiều khó khăn, không chỉ về quân sự mà cả về chính trị và ngoại giao”.

Năm 1977, với trọng trách là Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, Đại tướng đã chỉ đạo nghiên cứu, soạn thảo để có Nghị quyết 37/NQ-TƯ ngày 20.4.1981 về chính sách Khoa học kỹ thuật thành văn đầu tiên của nước ta. Đại tướng cũng là người đã đề xuất một chiến lược về kinh tế biển, khoa học-kỹ thuật về biển.

Tại hội nghị phát triển về biển ngày 8-6-1985, Đại tướng chỉ rõ: "Hướng biển là hướng xung yếu của nước ta về mặt quốc phòng và từ nhiều năm nay vẫn là một điểm chú ý về mặt an ninh chính trị. Kẻ địch từ xưa vẫn thường xâm lược nước ta từ hướng biển. Ngày nay chúng vẫn từ hướng biển mà phá hoại ta...Việc phân bố lực lượng sản xuất, phân bố lại lao động, phát triển kinh tế biển của các ngành, các địa phương phải theo sự bố trí chiến lược thống nhất, nhằm làm chủ cả kinh tế và quốc phòng".

Ngày 14-3-1988, tàu chiến Trung Quốc tấn công các chiến sĩ Hải quân ở đảo Gạc Ma thuộc quần đảo Trường Sa, 64 chiến sĩ đã anh dũng hy sinh để bảo vệ đảo. Tháng 6.1988, Ban chấp hành Trung ương khóa VI tổ chức một cuộc họp về tình hình biển đảo Trường Sa, tiến sĩ Hoàng Trọng Lập có mặt trong buổi họp đó nhớ lại, chính Đại tướng là người đã chỉ ra tầm quan trọng về chiến lược của các bãi ngầm và yêu cầu có biện pháp bảo vệ các bãi ngầm này, nhờ vậy mà sau này ta đã xây dựng các nhà giàn DK cao chân để bảo vệ, khai thác các bãi ngầm.

"Đến năm 1992, Trung Quốc ký kết bất hợp pháp với Công ty Creston (Mỹ), một khu vực khai thác dầu khí chồng lên phần lớn khu vực bãi ngầm trên thềm lục địa phía nam Việt Nam, nơi chúng tôi đã thành lập Cụm dịch vụ Kinh tế, Khoa học và Kỹ thuật và có các nhà giàn bảo vệ. Khi tham gia đấu tranh với hành vi sai trái vi phạm thô bạo nói trên của Trung Quốc, tôi càng thấm thía, khâm phục tầm nhìn chiến lược về biển đảo của Đại tướng Võ Nguyên Giáp"- Nguyên Phó trưởng ban Biên giới Chính phủ Hoàng Trọng Lập nhớ lại.

Trong các bài nói chuyện của mình, Đại tướng Võ Nguyên Giáp cũng luôn lưu ý: Thế kỷ XXI là thế kỷ của đại dương và nhân loại đang hướng ra biển. Khi tài nguyên trên đất liền cạn kiệt thì biển cả là cứu cánh cuối cùng của loài người, là không gian sống và sinh tồn của nhân loại. Quyền lợi từ biển đem lại cho các quốc gia rất to lớn nên đã có nhiều tranh chấp trên biển. Nước ta có vùng biển rộng gấp nhiều lần diện tích đất liền, trong tương lai dân ta sẽ sống trên biển, phải phát triển kinh tế biển gắn với bảo vệ chủ quyền biển đảo, muốn giữ biển phải gắn bó với dân.

Với quê hương Quảng Bình, Đại tướng luôn căn dặn: Quảng Bình rừng và biển liền kề, có điều kiện để phát triển kinh tế, nâng cao đời sống của người dân. Biển Quảng Bình rộng lớn, ngư trường đánh bắt xa, hải sản chất lượng tốt. Muốn phát triển kinh tế biển phải có tàu to, đi đánh bắt dài ngày. Trong đất liền thì phải chú trọng phát triển các ngành nghề phục vụ nghề biển. 

Trong chiến tranh, Quảng Bình có xã Cảnh Dương là làng chiến đấu kiểu mẫu thời chống Pháp; xã Quang Phú là lá cờ đầu nghề cá toàn miền Bắc thời chống Mỹ. Tỉnh nhà phát huy truyền thống, tập trung phát triển kinh tế biển, không quên nhiệm vụ quốc phòng, góp phần cùng cả nước vừa tăng cường tiềm lực kinh tế biển vừa bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo.

Đại tướng nhắc lại: "Kinh tế biển có mạnh thì quốc phòng mới mạnh. Muốn bảo vệ biển thì kinh tế biển phải mạnh, rất mạnh. Quảng Bình nên xây dựng những đội hải thuyền đi đánh bắt xa bờ, vừa mang lại nguồn lợi kinh tế lâu dài, vừa cùng góp phần bảo vệ vùng biển".

Trong một lần về thăm quê, Đại tướng Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp thanh thản nằm trên chiếc võng giữa rừng phi lao ở Vũng Chùa nghe sóng vỗ.

Và, lần trở về cuối cùng và mãi mãi, Đại tướng đã chọn Vũng Chùa- Đảo Yến để yên nghỉ!

Mỗi lần, những người con đất Việt từ Nam chí Bắc về viếng mộ Đại tướng, từ Mũi Rồng có thể nhìn thấy một vùng biển đảo hiền hòa và hùng vĩ mà thêm yêu Tổ quốc mình.

Luôn nhìn về hướng biển, từ biển mà phát triển tiềm lực kinh tế và khẳng định chủ quyền lãnh thổ, tinh thần của Đại tướng là khát vọng của dân tộc được trao truyền từ các thế hệ cha ông. 

Tinh thần ấy, Đại tướng luôn mong ước sẽ cháy mãi trong mỗi trái tim Việt!

 

 

Nội dung: TRẦN HỒNG HIẾU

Thiết kế & Đồ họa: ĐOÀN XUÂN HOÀNG

Ảnh: NGUYỄN HUY HOÀNG - Tư liệu

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Lịch phát thanh hàng ngày

- Buổi sáng (từ thứ 3 đến thứ 7): + Từ 5h10 phút đến 5h30 phút: Phát lại chương trình truyền thanh chiều hôm trước của Trung tâm Văn hóa - Thể thao và Truyền thông (Trung tâm VH-TT&TT) thị xã. + Từ 5h30 phút đến 6h00 phút: Tiếp âm Đài phát thanh - Truyền hình Quảng Bình; + Từ 6h00 phút đến...

Thống kê
  • Đang truy cập125
  • Máy chủ tìm kiếm3
  • Khách viếng thăm122
  • Hôm nay23,282
  • Tháng hiện tại834,008
  • Tổng lượt truy cập33,472,583
SĐT nhận cung cấp thông tin
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây