Thông minh, ham học, nhưng lần đầu thi vào trường Quốc học Huế, Võ Nguyên Giáp thi trượt. Không nản chí, cậu học trò lại lều chõng vào cố đô và thi đỗ thứ nhì. Giáo sư Nguyễn Thúc Hào, người đỗ đầu đầu kỳ thi năm đó kể trong đặc san kỷ niệm Quốc học Huế 95 năm (1896-1991): "Tôi còn nhớ anh Giáp trắng trẻo như con gái, tuy thi đỗ thứ hai, nhưng suốt cả năm học của đệ nhất niên, tháng nào anh cũng được làm "major", nghĩa là đầu lớp..."
Rời làng An Xá trên con đò dọc để vào Huế học, người thiếu niên 14 tuổi Võ Nguyên Giáp mang theo trong tâm trí bài vè Thất thủ kinh đô mà cha hay ngâm; câu chuyện vị vua yêu nước Hàm Nghi dựng cờ Cần Vương chống thực dân Pháp mà mẹ hay kể. Lòng yêu nước từ đó theo cậu học trò đi tìm cách mạng.
Ở trường Quốc học, cùng hai người bạn thân là Nguyễn Chí Diễu và Nguyễn Khoa Văn, Võ Nguyên Giáp tham gia phong trào đòi trả tự do cho nhà yêu nước Phan Bội Châu và được gặp cụ Phan khi ông bị chính quyền thực dân Pháp đưa về an trí ở Huế. "Ông già bến Ngự" nhìn thấy sự thông minh và nghị lực trong đôi mắt sáng của người thiếu niên Võ Nguyên Giáp nên đã nói với với cậu học trò mà ông quý mến: "Khi nào tôi mất, tủ sách này để lại cho cậu Giáp".
Cũng trong thời gian này, Võ Nguyên Giáp viết bài báo đầu tiên, bằng tiếng Pháp: “À bas le tyraneau du Quoc hoc” (“Đả đảo tên tiểu bạo chúa trường Quốc học”). Bài báo tố cáo nền giáo dục ngu dân và quy chế cấm đọc sách báo yêu nước, đã được đăng trên tờ L’Annam của luật sư Phan Văn Trường, gây được tiếng vang lớn ở Huế và Sài Gòn
Tháng 4-1927, Võ Nguyên Giáp tham gia một cuộc bãi khóa lớn của học sinh 2 trường Quốc học, Đồng Khánh và bị đuổi học.
Trong những ngày lang thang vô định, chính trí thông minh, lòng yêu nước và hoài bão lớn đã dẫn dắt Võ Nguyên Giáp đến với những trí thức yêu nước và họ đã có ảnh hưởng sâu sắc đến con đường đi sau này của anh, đó là giáo sư Võ Liêm Sơn, Đào Duy Anh và cụ Huỳnh Thúc Kháng.
Tại nhà thầy Võ Liêm Sơn, Võ Nguyên Giáp lần đầu tiên được đọc cuốn Le Marxisme (Chủ nghĩa Mác) và nghe thầy dặn:"Các cậu học như thế là vừa, tập khổ hạnh đi để mà làm cách mạng". Khi anh Giáp chia tay thầy để về quê, thầy dặn anh về nhiệm vụ của người thanh niên, trách nhiệm của một người dân mất nước.
Về quê, anh Giáp đã truyền những cuốn sách yêu nước của cụ Phan, thầy Sơn cho những người bạn thân trong làng và người em trai Võ Thuần Nho, hình thành một nhóm thanh niên yêu nước ở làng An Xá. Sau này, họ đều trở thành đảng viên Đảng Cộng sản, là nòng cốt trong phong trào tổng khởi nghĩa Tháng Tám và trong kháng chiến chống Pháp ở quê nhà.
Năm 1928, Võ Nguyên Giáp được chính người bạn thân Võ Chí Diễu, lúc đó là ủy viên kỳ bộ Trung kỳ của Đảng Tân Việt, thay mặt tổ chức về tận quê nhà An Xá để kết nạp Võ Nguyên Giáp vào Đảng Tân Việt- một trong 3 tổ chức tiền thân của Đảng Cộng sản Đông Dương (Đảng Cộng sản Việt Nam bây giờ)
"Mùa thu năm 1928, anh Giáp trở lại Huế, anh bước vào đời, cuộc đời của một chiến sĩ cách mạng"..."Tâm hồn anh như có gió lộng" (Trung tướng Đỗ Hồng Cư)
Tạm biệt quê nhà và khước từ làm rể cụ Bá như sự sắp đặt của hai gia đình, Võ Nguyên Giáp trở lại Huế, làm việc tại Quan hải trùng thư, là nhà xuất bản của Tổng bộ Tân Việt; làm biên tập viên của tờ báo Tiếng dân do cụ Huỳnh Thúc Kháng, một trí thức yêu nước sáng lập; nhận nhiệm vụ ủy viên Trung ương dự bị phụ trách tuyên huấn và giao thông liên lạc của Đảng Tân Việt.
Trở thành nhà báo, Võ Nguyên Giáp đã quan tâm đưa tin về các cuộc đấu tranh đòi quyền lợi của các thợ thuyền, công nhân các nhà máy. Anh chú ý đến vấn đề nông thôn, đến đời sống khổ cực, sưu cao, thuế nặng, bị cường hào áp bức, bóc lột...của người dân mà anh đã quan sát được ở quê hương An Xá. Anh cũng tập trung nghiên cứu các vấn đề kinh tế, viết bài tố cáo sự bóc lột của tư bản thực dân đối với nhân dân lao động và sự chèn ép của chúng với tư sản dân tộc Việt Nam.
Chính trong những năm tháng tuổi trẻ đầy lý tưởng và hoài bão này, Võ Nguyên Giáp đã gặp người con gái, người đồng chí mà sau này là người vợ thân yêu của anh- chị Nguyễn Thị Quang Thái- người em gái của chị Nguyễn Thị Minh Khai. Họ tình cờ đi cùng một chuyến tàu từ Vinh vào Huế và sau này cùng hoạt động trong tổ chức bí mật.
Năm 1930, ủng hộ phong trào Xô viết Nghệ Tĩnh, nhiều sinh viên, học sinh ở Huế bị địch bắt và tống giam vào lao Thừa Phủ, trong đó có Võ Nguyên Giáp, Võ Thuần Nho, Nguyễn Thị Quang Thái. Võ Nguyên Giáp bị kết án 2 năm tù.
Trong nhà lao, gặp lại Quang Thái, khâm phục ý chí và nghị lực của người con gái tuổi mới đôi mươi, đẹp người, đẹp nết, Võ Nguyên Giáp càng thêm yêu quý người bạn gái của mình.
Võ Nguyên Giáp ra tù ngày 15-11-1931, vào lúc vừa tròn 20 tuổi. Đây là thời kỳ cách mạng thoái trào sau cuộc đàn áp dữ dội của thực dân Pháp với phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh.
Tuổi 20 của Võ Nguyên Giáp đầy sóng gió nhưng cũng là tuổi của tình bạn, tình yêu đẹp nhất trong cuộc đời anh. Quảng Bình-Hà Nội-Vinh, trên chặng đường đi-về ấy, với sự giúp đỡ của người bạn tri kỷ Đặng Thai Mai và sự cổ vũ của người yêu Nguyễn Thị Quang Thái, Võ Nguyên Giáp tiếp tục con đường học hành dang dở. Anh thi đỗ tú tài, trở thành thầy giáo dạy lịch sử ở trường Thăng Long, thi đỗ trường luật và lấy bằng cử nhân sau đó.
Ở trường Đại học Luật, Võ Nguyên Giáp là một học sinh xuất sắc, được thầy dạy của anh là giáo sư Gre'goie Khe'rian nhận xét: "Đó là anh sinh viên tôi rất thích. Anh ta học rất giỏi và can đảm". "Giáp là ngôi sao của những ngôi sao" (L'as des as).
Tháng 9 năm 1935, Võ Nguyên Giáp và Nguyễn Thị Quang Thái làm lễ cưới trong sự chứng kiến của hai gia đình và những người bạn thân thiết.
Ngôi nhà đôi vợ chồng trẻ thuê ở số 149 phố Henri d'Orléans chất đầy sách. Anh Giáp vừa đi dạy, đi học, làm báo vừa tham gia ủy ban vận động cách mạng nửa công khai của Đảng và được cử làm Chủ tịch ủy ban báo chí Bắc Kỳ. Chị Thái tham gia công tác vận động phụ nữ. Tổ ấm của họ trở thành nơi hội họp của Ủy ban vận động cách mạng nửa công khai của Đảng.
Năm 1939, niềm hạnh phúc đến với gia đình nhỏ của họ khi Hồng Anh, con gái đầu lòng của anh chị chào đời.
Nhưng, hạnh phúc của đôi vợ chồng cách mạng chỉ diễn ra ngắn ngủi. Tháng 5.1940, Võ Nguyên Giáp được tổ chức cử ra nước ngoài gặp lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc. Đó cũng là năm anh được kết nạp Đảng Cộng sản Việt Nam.
Ở nhà, chị Thái gửi con cho bà nội ở Quảng Bình để tiếp tục hoạt động cách mạng. Tháng 6 năm 1942, chị Quang Thái bị địch bắt, bị chúng tra tấn dã man, nhưng chị vẫn giữ vững khí tiết của người cộng sản. Chị hy sinh ngày 21.1.1944, khi mới 29 tuổi.
Mãi đến tháng 4.1945, Võ Nguyên Giáp mới hay tin người vợ, người đồng chí thân yêu của mình hy sinh. Đó là nỗi đau khôn nguôi trong lòng anh.
Sau này, chị Võ Hồng Anh- con gái của "ba Giáp-mẹ Thái" trở thành giáo sư, tiến sĩ khoa học. Chị có những đóng góp xuất sắc cho khoa học Vật lý và là một trong những phụ nữ đầu tiên của Việt Nam được trao tặng giải thưởng Kovalevskaia.
Cuộc gặp lịch sử giữa Võ Nguyên Giáp với lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã mở ra một trang mới trong cuộc đời Võ Nguyên Giáp và tạo nên những dấu ấn sâu đậm trong lịch sử cách mạng Việt Nam.
Với sự tin tưởng tuyệt đối của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đồng chí Võ Nguyên Giáp đã được giao nhiều trọng trách. Tháng 1 năm 1948, 37 tuổi, Võ Nguyên Giáp được phong quân hàm Đại tướng, Tổng tư lệnh Quân đội nhân dân Việt Nam. Từ đó, tên tuổi của Đại tướng gắn liền với những chiến công của dân tộc Việt Nam, vang đội trên khắp toàn cầu: Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, chiến thắng B.52 trên bầu trời Hà Nội, tổng tấn công và nổi dậy mùa xuân năm 1975.
Huy động sức mạnh toàn dân, kết hợp giữa lực lượng chính quy với du kích, sử dụng tất cả các vũ khí có được để đánh địch....là cách đánh sáng tạo mà Việt Nam đã làm để chiến thắng liên tiếp những kẻ thù có vũ khí tối tân và sức mạnh hơn hẳn.
Nhiều chiến sĩ trong đoàn quân Tây Tiến năm xưa vẫn không quên thư Đại tướng viết cho họ: "Các đồng chí biết rằng trên mặt trận này phải đương đầu với nhiều hiểm nghèo, khổ sở. Nhưng sự hiểm nghèo, khổ sở có bao giờ chinh phục được lòng anh dũng của những thanh niên hăng hái, có bao giờ chinh phục được chí hướng của một dân tộc...".
Khi nói về chiến lược chiến tranh nhân dân, Đại tướng Võ Nguyên Giáp lý giải: "Chúng tôi tìm cách bẻ gãy ý chí kéo dài chiến tranh của chính phủ Mỹ. Westmoreland đã sai lầm khi dựa vào sức mạnh hỏa lực vượt trội của ông ta để nghiền nát chúng tôi. Các đồng chí Liên Xô và Trung Quốc của chúng tôi cũng không nắm bắt được cách giải quyết của chúng tôi....Chúng tôi đang tiến hành cuộc chiến tranh nhân dân, à la manière vietnammien (theo kiểu Việt Nam)-một cuộc chiến tranh toàn diện, tổng lực, trong đó mỗi người đàn ông, mỗi người phụ nữ, mỗi đơn vị, dù lớn hay nhỏ, đều được duy trì từ toàn dân đã được động viên. Cho nên những vũ khí tinh vi của người Mỹ, những thiết bị điện tử và những thứ đại loại như vậy đều vô dụng. Cho dù có sức mạnh quân sự, người Mỹ đã tính toán sai những hạn chế trong sức mạnh của mình. Trong chiến tranh chỉ có hai yếu tố-con người và vũ khí. Dù vậy, cuối cùng con người vẫn là nhân tố quyết định. Con người, con người !"
Cecil B. Curre (1923-2013), Giáo sư sử học quân sự Mỹ, đã viết những dòng kết thúc trong cuốn sách nổi tiếng "Chiến thắng bằng mọi giá": “Tính tình ông linh hoạt, kiên nhẫn và ngoan cường. Ông biết chấp nhận thất bại, rút ra những bài học và quay trở lại cuộc chiến khi đã được chuẩn bị tốt hơn. Với tư cách vừa là người giảng dạy, vừa là người đào tạo, ông tạo cho quân đội của ông xuất thân từ nông dân một niềm tin vững chắc vào phẩm chất chỉ huy của ông, phát huy lòng dũng cảm để kháng cự, bất kể có lúc đang ở thế yếu rõ rệt so với đối phương, cũng như hun đúc cho họ ý chí quyết tâm hy sinh cho sự nghiệp của đất nước. Trên nhiều phương diện, ông là người tổ chức chính của cả nước.
Tướng Giáp thành thạo tài nghệ "tránh né" của người châu Á, biết cách sử dụng yếu tố thời gian và không gian sao cho có lợi, để chống lại khả năng phản ứng năng động và các công nghệ của phương Tây. Và ông đã thắng. Trong suốt chiều dài lịch sử, ít người dành được nhiều chiến tích có tầm cỡ ngang với ông".
Võ Nguyên Giáp không chỉ là một vị tướng tài ba, ông còn là một vị tướng có trái tim nhân hậu. Thượng tướng Phạm Văn Trà sinh thời đã dành những dòng đầy kính trọng cho "Người Anh cả": “Anh Văn được hưởng niềm yêu mến gần như tuyệt đối của toàn quân...Anh là Tư lệnh của các Tư lệnh, Chính ủy của các Chính ủy, là Tổng tư lệnh biết đau với từng vết thương của người lính, biết tiếc từng giọt máu của mỗi chiến binh. Anh Văn trở thành cây đa rợp bóng mát tình yêu thương đồng đội”.
Sau ngày đất nước hòa bình, thống nhất, được Đảng và Nhà nước giao những nhiệm vụ quan trọng khác như: Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Phó Chủ tịch Hội đồng bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban khoa học nhà nước...Ở cương vị nào, Đại tướng Võ Nguyên Giáp cũng thể hiện là một con người có trí tuệ mẫn tiệp, biết nhìn xa trông rộng, tập hợp được trí tuệ tập thể, đề xuất những chiến lược phát triển kinh tế, khoa học, công nghệ....có giá trị cho hiện tại và tương lai của đất nước.
Giáo sư Phan Huy Lê từng chia sẻ trên báo Dân Việt: "Ở Đại tướng Võ Nguyên Giáp, lớp trẻ nhận ra không chỉ một vị anh hùng lẫy lừng với những chiến công mà là một biểu tượng của những gì tốt đẹp, đáng trân quý nhất của dân tộc Việt Nam. Đó là biểu tượng của ý chí độc lập, tự do, của nghị lực và trí tuệ sáng tạo của dân tộc. Biểu tượng của một con người suốt đời sống và chiến đấu vì Dân, vì Nước.
Qua Đại tướng Võ Nguyên Giáp với những biểu tượng như vậy, lớp trẻ như tìm lại được niềm tin và lẽ sống của mình".
Nhân dịp bước sang thế kỷ mới, Báo Sinh viên Việt Nam đã có cuộc phỏng vấn Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Phóng viên tờ báo này đã nhắc lại lời chúc năm mới của Đại tướng: "Nhìn lại thế kỷ XX, dân tộc Việt Nam dũng cảm và thông minh, đã làm được những điều tưởng chừng như không thể làm được, đã làm cho hiện thực lịch sử trở thành huyền thoại. Bước vào thế kỷ XXI và những thiên niên kỷ mới, dân tộc ta với hoài bão lớn và trí tuệ sáng tạo, sẽ có những ước mơ tưởng như huyền thoại và quyết biến những ước mơ ấy trở thành hiện thực lịch sử" ...và hỏi Đại tướng, sinh viên Việt Nam sẽ làm gì để đóng góp cho sự phát triển đất nước và tương lai của dân tộc?
Đại tướng trả lời: "Vận mệnh và tiền đồ của đất nước phụ thuộc một phần quan trọng vào thế hệ trẻ. Thanh niên và sinh viên phải vươn lên cùng với cha anh làm chủ đất nước ngay từ bây giờ.
Để đóng góp cho sự phát triển của đất nước và tương lai của dân tộc, thanh niên và sinh viên phải có hoài bão và lý tưởng, có tri thức và kĩ năng, phải "học, học nữa, học mãi, học suốt đời, học đến hơi thở cuối cùng". Bác Hồ đã nói: "Một dân tộc dốt là một dân tộc yếu". Bác cũng thường xuyên nhắc nhở: Nước ta có sánh vai được với các cường quốc năm châu hay không, một phần lớn là nhờ công học tập của các cháu thanh thiếu niên.
Sinh viên cần phát huy truyền thống văn hiến của dân tộc, xây dựng xã hội Việt Nam trở thành một "xã hội học tập", "xã hội sáng tạo", đưa dân tộc ta trở thành một "dân tộc thông thái" chiếm lĩnh những đỉnh cao trí tuệ của nhân loại trong thế kỷ XXI và thiên niên kỷ thứ ba".
Với quê hương Quảng Bình, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã dành rất nhiều tình cảm và sự ân cần cho thế hệ trẻ.
Trong kháng chiến, ông đã có mặt trên những cung đường Trường Sơn, đường 20 Quyết thắng trên đất Quảng Bình, động viên tinh thần bộ đội, thanh niên xung phong, truyền cho những người trẻ tinh thần, ý chí và niềm tin chiến thắng.
Sau ngày đất nước hòa bình, thống nhất, với cương vị là Phó thủ tướng Chính phủ phụ trách công tác khoa học và giáo dục, ông luôn cổ cũ và tạo điều kiện để thế hệ trẻ cống hiến.
Ông khuyến khích người trẻ học tập không ngừng để nắm vững tri thức, tư duy độc lập và sáng tạo; nắm vững và vận dụng tốt khoa học công nghệ và kỹ thuật hiện đại để tạo nên những bước tiến mới trong sản xuất, nâng cao đời sống Nhân dân.
Đại tướng luôn dặn dò các cháu học sinh và thanh niên trên quê nhà: Phát huy truyền thống quê hương, "tự hào nhưng đừng tự mãn", "đừng ngủ quên trên vòng nguyệt quế" mà phải có tinh thần học hỏi, tiến lên trên con đường chinh phục tri thức, theo kịp xu thế của thời đại và mang lại những thành quả cụ thể, góp phần xây dựng quê hương, đất nước giàu mạnh.
Thầy giáo Dương Viết Tuynh, nguyên Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Đào Duy Từ (Đồng Hới) kể lại: “Năm 1992, trong chuyến về thăm quê hương, Đại tướng đã đến thăm thầy và trò trường Đào Duy Từ. Thời gian Đại tướng thăm trường tuy ngắn ngủi nhưng đã khích lệ thầy trò lập được nhiều thành tích xuất sắc trong dạy và học. Vào thăm lớp chuyên toán đầu tiên của trường, Đại tướng dặn dò các em: Lớp chuyên toán không chỉ học giỏi môn toán mà phải học giỏi cả văn và các môn xã hội để sau này giúp ích cho đời. Lớp ấy sau này có hai em đoạt giải quốc gia môn toán và tiếng Anh; 100 % em thi đỗ đại học, có em đỗ thủ khoa, nhiều em nay là tiến sĩ, phó giáo sư, kiến trúc sư nổi tiếng".
Mùa thu năm 2009, khi Đại tướng tròn 103 tuổi và thanh thản trở về yên nghỉ trên quê hương Quảng Bình, không ai có thể đếm hết những ngọn nến được thắp lên trên bầu trời Việt Nam bởi những người trẻ trong những ngày đáng ghi nhớ đó.
Với họ, ngọn nến thể hiện niềm tin yêu vào những gì thiêng liêng và đẹp đẽ nhất. Họ thắp nến tri ân và cầu nguyện cho một con người suốt đời vì nước, vì dân yên giấc ngàn thu. Đó cũng là lời hứa của họ với Đại tướng, như một dòng ghi trong sổ tang tại 30 Hoàng Diệu, Hà Nội những ngày tháng 10/2013 của một em học sinh: “Ông ơi, Ông hãy yên nghỉ nhé. Chúng cháu sẽ thực hiện những gì mà Ông mong muốn”.
Những ngọn nến được thắp lên cũng là biểu tượng cho thấy những ước nguyện tinh thần của Đại tướng, tinh thần dân tộc Việt sẽ được trao truyền và cháy sáng mãi trong trái tim những người trẻ.
(Mời quý vị độc giả cùng xem lại những hình ảnh xúc động của 103 đoàn viên thanh niên Quảng Bình với 103 ngọn nến tri ân Đại tướng Võ Nguyên Giáp tại Vũng Chùa-Đảo Yến, nhân 49 ngày mất của Đại tướng)
Nội dung: TRẦN THỊ HỒNG HIẾU
Thiết kế & Đồ họa: ĐOÀN XUÂN HOÀNG
Ảnh: Tư liệu
- Tư liệu phần đầu của bài viết được lược ghi theo lời kể trong cuốn sách : "Đại tướng Võ Nguyên Giáp thời trẻ" của Trung tướng Phạm Hồng Cư (với sự cộng tác của PGS.TS Đặng Bích Hà).
Nguồn tin: www.baoquangbinh.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn