Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên và chuyện kéo điện về Rào Nan
Thứ hai - 13/02/2023 10:07
(QBĐT) - Tôi có vinh dự được một số lần gặp bác Đồng Sỹ Nguyên, giờ đây, bác Nguyên đã đi về yên nghỉ với ông bà, tổ tiên, với các chiến sĩ Trường Sơn. Nhân kỷ niệm 100 năm Ngày sinh của bác Nguyên, tôi trân trọng viết lại những hồi ức về bác mà chưa bao giờ quên. Năm 2023, tôi bước sang tuổi 90, thế là bác Nguyên hơn tôi 11 tuổi nên tôi xin được gọi bằng bác cho ấm áp tình cảm, như những lần trước đây bác thường gọi tôi chú Song.
Lần đầu được gặp bác Nguyên là khoảng sau năm 1975 khi đất nước thống nhất. Vào khoảng năm 1977, 1978 trên đường đi công tác, bác ghé về thăm mẹ ở thôn Trung Thôn, xã Quảng Trung. Chúng tôi được đón bác bằng một chiếc đò gắn máy đi từ Cửa Hác sông Gianh qua nhà, lúc này bác vui mừng được gặp mẹ, gặp bà con, anh em trong gia đình, làng xóm, họ hàng. Bao năm xa cách bác theo việc nước, lần này được gặp mẹ, bác mừng nhưng không ở được lâu, thăm hỏi xong bác vội vàng ra Hà Nội.
Lần thứ hai vào năm 1979, bác công tác từ miền Nam ra, chúng tôi nhận được điện của Văn phòng Trung ương Đảng báo đón Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Đồng Sỹ Nguyên về Quảng Trạch. Tôi được đi vào đón bác Nguyên ngay trên địa phận Đồng Hới, đi thẳng ra Quảng Trạch rồi ra sông xuống đò qua nhà. Được tin bác Nguyên về bà con đến đông. Lần này, bác tranh thủ gặp cán bộ thôn Trung Thôn, có một số lão thành cách mạng cùng dự. Trong buổi gặp này, bác yêu cầu nói tình hình địa phương cho bác nghe.
Tôi có cảm giác lần này bác Nguyên không được vui, tôi nghĩ có lẽ bà cụ đang ốm, nhưng bác theo việc nước không có điều kiện gần gũi bà được lâu nên bác buồn, tôi suy nghĩ vậy. Nhưng sau khi nghe báo cáo về tình hình xong, bác Nguyên trầm ngâm trải lòng: “Mình đi làm cách mạng đánh đổ đế quốc, phong kiến để đem lại cơm no áo ấm cho dân. Bây giờ nước nhà độc lập, về quê thấy bà con còn nghèo đói mà trong lòng xót xa”.
Bác hỏi: "Hòa bình 7 năm rồi sao để dân đói nghèo thế, vì sao ruộng hợp tác xã làm không hết mà không cho dân làm ăn, ao hồ, mương máng, cỏ, năn mọc mà không cho dân làm, trồng cây môn nước, rau muống ăn, chăn nuôi. Dân đói mà các đồng chí ngồi yên được, tôi nghe mà xót xa lắm!". Lúc này, một bác lão thành nói: “Dân cũng muốn làm nhưng không có chủ trương cho dân làm, nên địa phương không dám. Nếu có ai liều làm một vài luống rau thì bị phê phán chân trong chân ngoài, chân ngoài dài hơn chân trong, họ còn nói con đường riêng lẻ là miếng đất tốt cho chủ nghĩa tư bản".
Bác Nguyên nghe vậy mà bực bội trong lòng, bác bảo: Dân chết đói không sợ, mà sợ chi, lo chi cao xa thế. Nếu hợp tác xã không làm hết thì giao cho dân làm mà ăn, mương máng ao hồ cứ để cho người ta làm, không được bỏ hoang. Bác nhìn qua tôi hỏi: Đại thủy nông Rào Nan làm trong bom đạn thời kỳ Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Tư Thoan phát động, đem lại hiệu quả thay đổi cuộc sống cho nhân dân vùng Nam Quảng Trạch, nhưng tại sao ở trên hồ đập, nước đầy mà ở dưới ruộng lại khô vào thời kỳ lúa đang trổ, là sao? Tôi thưa: "Dạ đúng, nhiều lúc như thế, ở hồ có nước nhưng ở ruộng lại khô là vì khâu tưới không chủ động được, huyện nhiều lần cũng phải đi chữa cháy nhưng cũng chỉ tạm thời, còn lâu dài thì khó khắc phục được".
Bác Nguyên nói: Huyện không có khả năng thì tỉnh bàn, tỉnh không bàn được thì báo xin ý kiến Trung ương. Các đồng chí cứ để mãi thế dân đói người ta tha oán đến Đảng. Tôi nói mãi mà các đồng chí không nghe, không chuyển, ruộng đất cứ khoán cho dân làm, ao hồ cứ để dân làm không được bỏ hoang, không được để dân đói.
Sau lần gặp bác Đồng Sỹ Nguyên đó, huyện Quảng Trạch chuẩn bị đại hội lần thứ XVI cho nên những ý kiến của bác được quan tâm lưu ý để đem vào chương trình nghị sự của đại hội, chú ý những gợi mở của bác. Nội dung đại hội lần này bàn nhiệm vụ phát triển kinh tế, chú trọng giải quyết khâu lương thực, trọng tâm là bàn biện pháp làm sao để sử dụng hết hiệu quả của các công trình thủy lợi, chú ý 2 công trình Rào Nan và Vực Tròn. Sau khi đại hội kết thúc, Huyện ủy bàn cụ thể về chương trình hành động, phát động phong trào cách mạng quần chúng, đồng thời tranh thủ tối đa sự giúp đỡ của tỉnh và Trung ương.
Phân công các đồng chí trong Ban Thường vụ Huyện ủy chuẩn bị phương án các chương trình để đi Trung ương, Ban Thường vụ Huyện ủy phân công đồng chí Trần Hòa, Phó Chủ tịch UBND huyện, phụ trách công nghiệp làm luận chứng về việc xin Trung ương kéo điện từ trạm Ba Đồn về Rào Nan.
Sau khi có được luận chứng, tỉnh đồng ý cho chúng tôi đi gặp Trung ương, chúng tôi xin ra Hà Nội báo cáo với bác Đồng Sỹ Nguyên để nhờ bác giúp đỡ, được bác đồng ý.
Thế là quý III/1984, chúng tôi ra Hà Nội. Đoàn có 6 người do tôi và đồng chí Trần Hòa chủ trì buổi làm việc. 8 giờ sáng, khi đến văn phòng của Hội đồng Bộ trưởng, ở đó đã có 6 cán bộ lãnh đạo của ngành Trung ương. 8 giờ 15 phút, bác Nguyên đến làm việc với bộ, ngành Trung ương. Đi vào nội dung, bác chỉ nêu tóm tắt: "Hôm nay, các đồng chí ở Quảng Trạch ra xin gặp tôi để nhờ tôi giúp đỡ, nhưng tôi thì không thể giúp được nên mới nhờ các đồng chí bộ, ngành Trung ương giúp tôi. Bây giờ, đề nghị các đồng chí Quảng Trạch, báo cáo nội dung cho các đồng chí nghe".
Tôi đứng lên chào và cảm ơn, nói vài lời về chủ trương của Huyện ủy Quảng Trạch, sau đó đồng chí Trần Hòa báo cáo nội dung cụ thể, xin kéo điện từ Ba Đồn qua Rào Nan. Đồng chí Trần Hòa báo cáo xong, bác Nguyên yêu cầu các ngành phát biểu. Người đầu tiên tham gia là đồng chí Nguyễn Đình Tranh, Thứ trưởng Bộ Điện lực phát biểu ủng hộ chủ trương Quảng Trạch xin kéo điện từ Ba Đồn qua Rào Nan. Tiếp đó, đồng chí Trần Nhơn, Thứ trưởng Bộ Thủy lợi hoan nghênh và đồng ý kéo điện từ Ba Đồn qua Rào Nan. Hai đồng chí nói xong thì có một ý kiến phát biểu nói huyện Quảng Trạch không nên làm, hãy chờ khi nào có đường điện quốc gia đi qua thì làm điện sẽ tốt hơn, người phát biểu thứ tư là một đồng chí trưởng phòng cấp vốn của Ủy ban Kế hoạch Nhà nước. Đồng chí nói: Có ai làm công trình mà không xây dựng kế hoạch từ đầu năm, nếu huyện Quảng Trạch muốn làm thì đợi năm sau xây dựng kế hoạch mới có vốn, bây giờ đã đến quý III làm gì có vốn mà làm.
Qua 4 ý kiến phát biểu, bác Đồng Sỹ Nguyên nói: "Bây giờ, các bộ bị động, không được thông báo nội dung làm việc trước, tôi đề nghị chiều nay nghỉ, về trao đổi với các đồng chí ở nhà, sáng mai ta tiếp tục làm việc tiếp". Bác Nguyên động viên các ngành bằng câu nói vui nhưng hết sức sâu sắc và tế nhị, bác nói: Dân nói kêu trời không thấu, kêu huyện kêu tỉnh không làm được, các đồng chí buộc phải chạy ra Trung ương, chẳng lẽ ra Trung ương mà cũng chịu à, các đồng chí biết đó, từ trước đến nay làm việc với Trung ương chỉ có tỉnh thôi, còn huyện có đâu, bây giờ huyện Quảng Trạch mạnh dạn chạy ra đây nếu Trung ương không giúp được mà về có đành không? Thôi thì nghỉ sáng mai bàn tiếp.
Sáng hôm sau, các thành viên hội nghị có mặt đầy đủ, bác Nguyên cũng đến sớm và chủ trì cuộc họp. Bác nhấn mạnh thêm đề nghị trao đổi qua lại những ý kiến hôm qua để cho thống nhất. Tiếp đó, đồng chí Thứ trưởng Bộ Điện lực phát biểu đi sâu vào công tác chuyên môn của ngành Điện, đồng chí đồng ý với chủ trương kéo điện từ Ba Đồn qua Rào Nan và nêu những ý kiến thuận lợi kéo điện Ba Đồn qua Rào Nan chậm lắm cũng chỉ một năm là xong, vì hiện tại trạm điện đã được nâng cấp, trạm bơm Rào Nan cũng đã được sửa chữa, 2 việc đó không phải làm, chỉ làm cột kéo dây qua sông. Địa phương và bộ phối hợp làm thì nhanh, việc này giữa Bộ Điện lực và Quảng Trạch sẽ bàn cụ thể, còn có ý kiến hôm qua nêu chờ điện Bắc-Nam thì việc đó còn lâu, chỉ mới bàn chủ trương nằm trên giấy chưa triển khai, nếu triển khai thì ít nhất cũng 5-7 năm nữa mới có điện Bắc-Nam.
Đồng chí đến từ Ủy ban Kế hoạch Nhà nước phát biểu: "Chiều qua, cháu đã báo cáo với chủ nhiệm và đề nghị đi họp cho đúng thành phần, nhưng chủ nhiệm nói đã điện xin phép trước, ủy quyền cho cháu đi họp, chủ nhiệm nhất trí cho Quảng Trạch kéo điện từ Ba Đồn qua Rào Nan. Chủ nhiệm giao cho cháu kiểm tra lại vốn mà các công trình đang làm xem cái nào quý III, quý IV không làm hết thì chuyển qua Quảng Trạch làm cho kịp theo yêu cầu của Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng. Sau đó, có vốn thì chuyển trả lại. Hiện tại, cháu đã kiểm tra có 2 đơn vị không dùng hết vốn trong quý IV, nếu Quảng Trạch làm cháu sẽ chuyển qua cho Quảng Trạch, cháu đã báo cáo với chủ nhiệm, chủ nhiệm đồng ý".
Sau khi đồng chí phát biểu xong, hội nghị vỗ tay hoan nghênh, bởi lẽ bế tắc là vấn đề vốn nhưng có vốn thì kế hoạch kéo điện từ Ba Đồn qua Rào Nan sẽ thành công. Đến đây, cũng không có ai phát biểu nữa, bác Đồng Sỹ Nguyên kết luận: Trung ương đồng ý cho huyện Quảng Trạch kéo điện từ Ba Đồn qua Rào Nan, bắt đầu từ quý III/1984. Giao cho huyện Quảng Trạch tiếp tục làm việc với các bộ, ngành Trung ương có liên quan, Bộ Điện lực nỗ lực giúp huyện Quảng Trạch việc này. Hội nghị kết thúc lúc 9 giờ.
Công trình kéo điện Ba Đồn qua Rào Nan đã hoàn thành vào mùa hè năm 1985. Mùa xuân 1986, bác Đồng Sỹ Nguyên về quê và lần này bác ở lại thời gian dài hơn. Bác làm việc với huyện Quảng Trạch và thăm cán bộ, nhân dân rồi bác chụp ảnh với cán bộ nhân dân Quảng Trạch, tôi vinh dự được chụp ảnh riêng với Bác.
Bác Đồng Sỹ Nguyên đã để lại những tình cảm sâu sắc dành cho nhân dân, cán bộ Quảng Trạch nói riêng và tỉnh Quảng Bình nói chung. Nhân dân Quảng Trạch mãi nhớ ơn Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên. Công trình kéo điện từ Ba Đồn qua Rào Nan thành công đã chủ động được khâu tưới, mỗi vụ tiết kiệm được 40 tấn dầu, sau khi hoàn thành vùng Nam Quảng Trạch không mất mùa, mở rộng các ngành nghề, đời sống nhân dân được ấm no.
Nguyễn Đình Song
(Nguyên Bí thư Huyện ủy Quảng Trạch,
nguyên Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy)