Đình làng bên sông

Thứ tư - 27/02/2019 14:24
Làng Phù Trịch (Quảng Lộc, TX. Ba Đồn) vốn nổi danh bởi chiến thắng Phù Trịch - La Hà những năm chống Pháp ác liệt. Mảnh đất này vẫn còn lưu dấu bao giá trị lịch sử, văn hóa vững bền theo thời gian. Đình làng Phù Trịch là nơi hội họp, diễn ra các hoạt động văn hóa-văn nghệ, lưu giữ nhiều phong tục, tập quán tốt đẹp và còn là hiện thân của tình đoàn kết cộng đồng.
     Sáng đầu xuân, gió từ sông Gianh thổi vào làng mát rượi. Miền quê này bao đời nay vẫn vậy: bình yên bên những nếp nhà nhỏ nép mình bên sông. Ông Nguyễn Hữu Trường, một người có nhiều năm nghiên cứu văn hóa, gắn bó với mảnh đất Quảng Trạch ngày trước rất tự hào khi dẫn chúng tôi đi thăm thú cảnh sắc vùng quê Quảng Lộc.
dinh lang ben song
Đình làng Phù Trịch (Quảng Lộc) bên bờ sông Gianh
       Ông bảo, rất hiếm nơi nào giống như nơi này, một mảnh đất nhỏ bên sông Gianh nhưng có đến 4 công trình được Nhà nước công nhận là di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh và quốc gia: đình Phù Trịch, điện Thành hoàng Vĩnh Lộc, trận chiến thắng Phù Trịch-La Hà, Truy Viễn đường làng Vĩnh Phước.
      Bởi thế, từ bao đời nay, dù khi vất vả hay khi đủ đầy, người Quảng Lộc vẫn một lòng yêu thương mảnh đất bên dòng sông Gianh này. Với họ, niềm tự hào về quê hương, xứ sở cứ như ngọn lửa ấm truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác.
Một trong những giá trị làm nên niềm tự hào vững bền của người dân Quảng Lộc nói chung và làng Phù Trịch nói riêng là mái đình Phù Trịch cổ kính, mang đậm dấu ấn thời gian. Đình Phù Trịch được xây dựng vào năm 1843, là một công trình kiến trúc ẩn chứa nhiều giá trị lịch sử, văn hóa của địa phương.
      Ông Trường chia sẻ rằng, điều đáng quý là bên trong đình Phù Trịch hiện đang lưu giữ 12 sắc phong thời nhà Nguyễn từ vua Tự Đức đến vua Duy Tân, điều đó thể hiện được sự trân trọng quá khứ, cũng như công lao của các bậc tiên hiền.
      Mặt đình hướng ra sông Gianh, lưng tựa vào làng tạo thế đứng vững chắc giữa không gian thoáng đãng. Đình được thiết kế hai phần: đình tiền và đình hậu. Đình tiền được xây dựng khá rộng, có thiết kế đẹp, công phu. Các đường nét hoa văn được chạm khắc trau chuốt, tỉ mỉ. Ở hai đầu hồi phía đông và tây đắp hình hai con chim phượng có tư thế đang bay, với cách đắp ốp những đường nét cong lượn tinh tế, sắc sảo, uyển chuyển, hài hòa, tuyệt mỹ, mang cốt cách đăng đối cung đình.
      Đình hậu có kiểu kiến trúc và cách bố trí mang những nét tương đồng như những đình khác ở các địa phương khu vực miền Trung, từ các chi tiết hoa văn phối cảnh bên ngoài cho đến phần nội thất bên trong. Đình hậu được xây dựng theo hình chữ nhật, mái lợp bằng ngói Hưng Ký. Đình hậu là nơi thờ phụng vị thành hoàng danh tướng Phạm Bá Quý và các vị thần, vị tướng có công danh, đức độ, các vị khoa bảng danh thơm, tiếng tốt, phò dân, giúp nước được nhân dân mến mộ.
      Cách đình khoảng 20m về phía tay trái, dân làng còn lập riêng một lăng miếu được xây cất khá công phu thờ Thành hoàng Phạm Bá Quý, người có công lớn trong việc khai khẩn ruộng đất lập nên làng Phù Trịch, vừa là một vị tướng có tài.   Phía trên hương án treo 2 chữ Hán “Anh Linh” do vua ban tặng, thể hiện là nơi trang nghiêm và kính cẩn để thờ ngài.
      Năm 1817, ông được vua Thành Thái sắc phong “Bản thổ Thành hoàng chi thần”, sau đó sắc phong là “Thượng đẳng Tôn thần”. Bởi thế, khi xây dựng miếu thờ, dân làng đã khắc hai câu đối bằng chữ Hán: “Sinh vi tướng Binh Lồi cứu quốc/Tử phong thần bản thổ thành hoàng”. Phía trên 4 nóc miếu vẫn còn giữ được những nét chạm trổ rồng, phượng tinh xảo và nguyên bản, thể hiện uy quyền của một danh tướng.
      Về phía đông cách đình khoảng 1.200m nhân dân địa phương còn lập nên một khu miếu gọi là “Tam tòa tứ miếu”, gồm có 4 ngôi miếu. Mỗi ngôi miếu được thiết kế theo ba tòa kiến trúc giống nhau, các đường nét đắp ốp, uốn lượn, chấm họa đều theo một thể thống nhất. Bốn ngôi miếu dùng để thờ các vị: Nam Hán Lang Lai, Tả phụ thiền tướng công Nguyễn Hữu Hiền, thân phụ các tả phụ thiền quận công, tứ vị thần nông, những vị có công trong việc trấn ải biên thùy, khai cơ điền thổ, xây dựng bảo vệ quê hương và được sắc phong qua các triều vua. Đã hơn hai trăm năm qua mà các đường nét hoa văn chạm trổ vẫn nguyên vẹn trên vùng đất có nhiều chiến tích.
      Ngoài việc thờ tự vong linh những vị tổ khai cơ lập nghiệp nên làng, những vị có công đức được nhân dân tôn kính, đình Phù Trịch còn gắn liền với những sự kiện lịch sử quan trọng trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ.
     Ông Nguyễn Thọ, Ban truyền thống làng Phù Trịch tự hào chia sẻ: “Ở Phù Trịch có một truyền thống đáng trân trọng là các họ đều có các ngày cúng tế riêng. Đồng thời, vào ngày 6 tháng giêng hàng năm, các họ tựu trung lại đình làng để tổ chức lễ khai canh đầu xuân của làng. Đây là dịp để các tộc họ, con cháu gần xa trở về tham dự lễ, cùng ôn lại truyền thống và niềm tự hào của làng”.
       Trải qua những thăng trầm của lịch sử cùng sự tàn phá của thời gian, đình làng Phù Trịch đang có nguy cơ bị xuống cấp. Người dân Phù Trịch mong mỏi công trình lịch sử văn hóa này sẽ được quan tâm đầu tư tu bổ, để ngôi đình cổ bên bờ sông Gianh sẽ vững bền cùng thời gian. Và nơi ấy vẫn mãi là nơi chốn đi về đầy tự hào của bao thế hệ người dân nơi đây.  
 

Tác giả bài viết: Diệu Hương (Báo QBĐT)

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Thống kê
  • Đang truy cập399
  • Máy chủ tìm kiếm9
  • Khách viếng thăm390
  • Hôm nay19,193
  • Tháng hiện tại323,962
  • Tổng lượt truy cập39,843,751
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây