HỘI NGƯỜI MÙ THỊ XÃ BA ĐỒN - KỶ NIỆM 50 NĂM NGÀY THÀNH LẬP HỘI NGƯỜI MÙ VIỆT NAM 17/4/1969 – 17/4/2019
Thứ ba - 02/04/2019 09:51
Trong những ngày tháng tư lịch sử, nhân dân cả nước đang tưng bừng kỉ niệm 44 năm ngày Giải phóng hoàn toàn miền nam, thống nhất Tổ quốc (30/4/1975 - 30/4/2019), người khuyết tật tiếp tục khẳng định ý chí, nghị lực và đón nhận sự quan tâm của cả cộng đồng nhân kỉ niệm 39 năm ngày Người khuyết tật Việt Nam (18/4/1980 - 18/4/2019). Hòa chung niềm vui của toàn dân tộc, cán bộ, hội viên Hội Người mù Việt Nam vô cùng phấn khởi, tự hào mừng tổ chức Hội vừa tròn 50 tuổi.
Sự ra đời của Hội là một dấu ấn lịch sử, một bước ngoặt quan trọng cho sự phát triển bình đẳng, hạnh phúc của người mù. Trong suốt 50 năm qua, Hội đã tập hợp, đoàn kết, giúp người mù trong cả nước từng bước vươn lên, tự tin hòa nhịp với sự phát triển chung của xã hội, từ đó, góp phần làm thay đổi cách nhìn, cách nghĩ của cộng đồng đối với người mù nói riêng, người khuyết tật nói chung. Vượt qua chặng đường đầy gian khổ, vinh quang, Hội đã từng bước trưởng thành, lớn mạnh, là mái nhà chung, chỗ dựa tin cậy của người mù cả nước. Là một tổ chức của người khuyết tật, ra đời giữa lúc chiến tranh diễn ra hết sức ác liệt trên cả hai miền Nam - Bắc, kinh tế xã hội đất nước đang rất khó khăn, hoạt động của hội những ngày đầu cũng gặp muôn vàn trở ngại, thử thách. Được sự quan tâm của Đảng, hổ trợ giúp đỡ của Nhà nước và Mặt trận Tổ quốc, sự bảo trợ, phối hợp của các bộ, ban, ngành, sự giúp đỡ của bạn bè quốc tế cũng như sự giúp đỡ của cấp ủy chính quyền và nhân dân các cấp thương yêu đùm bọc. Cán bộ, hội viên Hội Người mù đã đoàn kết khắc phục mọi khó khăn, từng bước xây dựng Hội trở thành một tổ chức xã hội đặc thù vững mạnh, là ngôi nhà chung, là chỗ dựa tinh thần và vật chất của hàng triệu người mù và khiếm thị trong cả nước. 50 năm qua là quảng thời gian không dài so với lịch sử của đát nước nhưng đó là một chạng đường đầy gian khổ vinh quang đối với toàn thể Hội Người mù. Từ chỗ 95% người mù không biết chữ, không có việc làm, cuộc sống vật chất, tinh thần hết sức nghèo nàn, lạc hậu, đầy mặc cảm, tự ti. Đến nay do được sinh hoạt và phấn đấu trong môi trường của tổ chức hội, đa số người mù đã trở thành những công dân có văn hóa có nghề nghiệp, tự chủ động vươn lên trong cuộc sống và đóng góp một phần cho gia đình và xã hội. Tổ chức Hội đã có mặt ở 59 tỉnh, thành phố, trên gần 500 quận huyện và hơn 2000 hội xã phường ở cả những nơi xa xôi hẻo lánh của đất nước. Ngày đầu thành lập, Hội chỉ tập hợp được 100 hội viên đại diện cho 4 địa phương Hà Nội, Hải Phòng, Hà Tây và Nam Định, cơ sở vật chất và kinh phí hoạt động hầu như không có. Hội xác định phương châm hành động là: Tự thân vận động, sự nghiệp của hội phải do cán bộ hội viên xây dựng lên, làm từ khó đến dễ, từ nhỏ đến lớn. Lấy con đường văn hóa để mở các lớp học chữ, học nghề, tập hợp hội viên, tổ chức lao động sản xuất tạo việc làm, là nhiệm vụ trung tâm, là phương thức chính để chăm sóc đời sống người mù. Mặt khác tích cực tuyên truyền để các cấp, các ngành và nhân dân hiểu đúng về người mù khả năng của người mù, từ đó có sự hổ trợ, chung tay góp sức cùng hội giúp đỡ mọi mặt để thành lập các hội ở địa phương. Hội xác định phương thức hoạt động hiện nay là đẩy mạnh xã hội hóa các mặt công tác, đoàn kết, đổi mới và hội nhập, gắn hoạt động của hội với các chương trình của nhà nước để phát huy tinh thần tự chủ, bình đẳng và hội nhập. Trung ương hội đã phát động cuộc vận động “ Tăng cường đoàn kết, chủ động vươn lên, bình đẳng hòa nhập cộng đồng”, chương trình “Hành động việc làm xóa đói giảm nghèo”. Với phương thức đúng đắn lại được tham gia vào các chương trình của nhà nước, địa phương và sự giúp đỡ của các cấp, các ngành, tổ chức Hội đã phát triển nhanh chóng cả bề rộng, chiều sâu mang lại nhiều lợi ích cho cuộc sống người mù. 50 năm qua, với chủ trương lấy lao động sản xuất tạo việc làm là nhiệm vụ trung tâm của hội, cuộc sống vật chất của hội viên đã có nhiều thay đổi bằng chính sức lao động của mình. Phong trào học tập trong hội viên đến nay đã có hàng chục nghìn người đã xóa được mù chữ, có hàng trăm hội viên trẻ đã và đang theo học cao đẳng, đại học và trên đại học, trên 7000 trẻ em mù học hòa nhập tại các trường phổ thông, chương trình tiếp cận và ứng dụng công nghệ thông tin được triển khai từ Trung ương hội đến cơ sở, đến nay đã có gần 50 trung tâm phòng máy tính phổ cập kiến thức tin học cơ bản cho người mù. Các họat động văn hóa văn nghệ được diễn ra sôi nổi, hàng năm và ngày càng được nâng lên về chất lượng, đời sống văn hóa tinh thần được phong phú trong hoạt động của hội viên. Sau khi Trung tâm đào tạo-phục hồi chức năng do Na Uy giúp đỡ xây dựng, tiếp đến là các dự án do Hội người mù các nước tài trợ cho hội đến nay. Trong quá trình hoạt động hội đã nhận được sự chỉ đạo, tạo điều kiện ban hành cơ chế, chính sách, hổ trợ vật chất, tinh thần cho hội và hội viên như: Chỉ thị số 51 và kết luận số 73 của ban Bí thư Trung ương Đảng về giúp đỡ Hội người mù Việt Nam, Nhà nước đã ban hành nhiều văn bản tạo điều kiện và cơ chế cho hội hoạt động, đặc biệt là luật người khuyết tật đã đem lại niền tin, sự phấn khởi cho cộng đồng người khuyết tật nói chung và người mù nói riêng. Nhân dịp kỷ niệm 50 năm ngày thành lập, Hội người mù Việt Nam xin bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc đến Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc, các bộ, ban, ngành đoàn thể Trung ương, các tổ chức quốc tế, xin chân thành cảm ơn Đảng bộ, Chính quyền, các tổ chức, cá nhân hảo tâm cùng nhân dân các địa phương trong cả nước đã quan tâm, chỉ đạo, phối hợp, giúp đỡ tổ chức hội và người mù với tấm lòng thương yêu, tinh thần “ Lá lành đùm lá rách” của dân tộc ta. Xin trân trọng cảm ơn các thế hệ cán bộ hội viên đã nhiệt tình tâm huyết đống góp trí tuệ, công sức xây dựng ngôi nhà tương thân tương ái cho người mù. Hội Người mù thị xã Ba Đồn - tiền thân là Hội Người mù huyện Quảng Trạch - được chia tách từ tháng 10/2014 theo Quyết định số 2523/QĐ-UBND ngày 15 tháng 9 năm 2014 của UBND tỉnh Quảng Bình. Là một tổ chức xã hội đặc thù đặc biệt, được sự quan tâm giúp đỡ của Thị ủy, HĐND, UBND, UBMTTQ, cấp ủy, chính quyền mặt trận các cấp và các nhà hảo tâm, Hội đã đi vào hoạt động có ý nghĩa thiết thực đối với người mù trong thị xã. Tổ chức hội đã tập hợp được hơn 200 người mù và kém mắt trên 16 xã phường trong thị xã, thành lập 04 hội cơ sở và 01 tổ nhóm. Hội đã hiệp thương chọn ra những hội viên tiêu biểu làm chi hội trưởng ở các Hội cơ sở. Xây dựng nội dung chương trình hoạt động và đề ra quy chế điều hành trong tổ chức Hội. Được tham gia và dự các Hội nghị sinh hoạt trong tổ chức Đảng, Chính quyền Mặt trận các cấp, có tiếng nói trong xã hội. Hàng năm hội đã vận động hội viên tham gia đi học ở các trường đào tạo cho người mù, học chữ, học nghề xoa bóp bấm huyệt, làm tăm tre, đào tạo nguồn cán bộ kế cận cho Hội. Tổ chức thăm hỏi động viên khi hội viên gặp hoàn cảnh khó khăn, ốm đau, hoạn nạn, điếu phúng khi hội viên qua đời, tặng quà cho hội viên nhân ngày lễ, ngày tết, các đợt thiên tai, lũ lụt, chia sẻ động viên tạo môi trường tốt cho người mù hòa nhập cộng đồng và phấn đấu vươn lên. Hội đã tiếp nhận và quản lý gần 200 triệu đồng nguồn vốn ưu đãi từ Quỹ QGGQVL cho 47 lượt hội viên vay, tiếp nhận dự án hổ trợ cho người mù làm chổi đót, tổ chức làm tăm tre để tiêu thụ trong các trường học xây dựng Quỹ hội, tạo việc làm cho hội viên. Hiện nay trên địa bàn trung tâm thị xã có 04 cơ sở xoa bóp bấm huyệt của người mù đang duy trì hoạt động tạo việc làm ổn định cho 15 lao động với mức thu nhập từ 3 đến 4 triệu đồng một người/tháng. Đến nay đã có trên 85% người mù và kém mắt được hưởng chế độ bảo trợ xã hội và các chế độ ưu đãi khác. Hội có phòng làm việc, có trang thiết bị khác phục vụ cho hoạt động của hội, Hội được nhà nước cấp kinh phí hoạt động hàng năm và các chế độ ưu đãi khác. Từ ngày thành lập đến nay Hội luôn tự sáng tạo, tự vận động, tổ chức lao động sản xuất, xin các cơ quan, các nhà hảo tâm hổ trợ giúp đỡ Hội thêm một phần kinh phí cho hoạt động và động viên người mù. Sau gần 5 năm đoàn kết phấn đấu, cán bộ hội viên người mù trong thị xã hết sức tự hào về những việc đã làm được thực hiện theo lời dạy của Bác Hồ “ Tàn nhưng không phế” hội đã làm tốt nhiệm vụ tập hợp, hướng nghiệp và chăm sóc động viên chia sẻ mọi vui buồn của người mù, đã làm vơi đi sự mặc cảm tự ti để người mù tự tin, tích cực tham gia hòa nhập cộng đồng. Tuy nhiên bên cạnh những thuận lợi, những thành tích mà hội đã đạt được thì thực tiễn hoạt động của hội vẫn còn gặp nhiều khó khăn: Nhiều xã phường chưa có tổ chức hội nên người mù không có điều kiện để sinh hoạt. Một số cán bộ các cấp hội trình độ còn có phần hạn chế, đa số hội viên hầu hết là tuổi đã già, sống cuộc sống phải dựa vào người thân và xã hội nên họ ngại hoà nhập với xã hội. Một số cơ chế chính sách đối với Hội và người mù còn chưa phù hợp với thực tế đang diễn ra. Những khó khăn đó đòi hỏi tập thể cán bộ và hội viên cần tăng cường đoàn kết, tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, sâu sát tình hình thực tế, hướng về cơ sở, về hội viên. Mặt khác cần gắn hoạt động hội với các chương trình của nhà nước và của địa phương, huy động nhiều nguồn lực để nâng cao hiệu quả hoạt động, thiết thực chăm lo cho đời sống cho người mù. Kỷ niệm 50 ngày thành lập Hội là dịp ôn lại chặng đường xây dựng và phát triển của tổ chức Hội Người mù Việt Nam cũng như Hội Người mù thị xã. Tin tưởng rằng với sự quan tâm của Đảng, hỗ trợ của Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc, các cấp, các ngành và toàn xã hội, cùng với sự đổi mới hoạt động của Hội, Hội người mù thị xã sẽ được vững mạnh về tổ chức, tổ chức nhiều hoạt động có ý nghĩa góp phần tích cực vào sự nghiệp đổi mới của Đảng của Đất nước và địa phương, đem lại cuộc sống tốt đẹp hơn, hạnh phúc hơn cho cộng đồng người mù./.