Hội người mù thị xã Ba Đồn- mái ấm cho những người khiếm thị
Thứ ba - 16/04/2019 13:34
Qua khảo sát sơ bộ cho thấy, đa số người mù tại thị xã Ba Đồn là những đối tượng có điều kiện hoàn ảnh rất khó khăn. Họ không biết chữ, không nghề nghiệp, cuộc sống hoàn toàn phụ thuộc vào gia đình và xã hội, thường sống mặc cảm tự ti với bản thân. Năm 2014, Hội người mù thị xã được thành lập đã trở thành ngôi nhà chung cho những người mù. Sau 5 năm hoạt động, Hội đã thực sự trở thành một tổ chức liên kết những người khiếm thị Thị xã Ba Đồn cùng đoàn kết, vượt khó vươn lên, bình đẳng hòa nhập cộng đồng.
Hội Người mù thị xã Ba Đồn - tiền thân là Hội Người mù huyện Quảng Trạch - được chia tách từ tháng 10/2014 theo Quyết định số 2523/QĐ-UBND ngày 15 tháng 9 năm 2014 của UBND tỉnh Quảng Bình. Từ khi thành lập, Hội người mù Ba Đồn luôn nhận được sự lãnh đạo, chỉ đạo, quan tâm giúp đỡ của cấp ủy, chính quyền và nhân dân, các tổ chức, cá nhân hảo tâm trong, ngoài thị xã. Từ đó, cùng với sự nỗ lực vươn lên của chính những người khiếm thị, Hội đã có nhiều hoạt động đạt nhiều hiệu quả thiết thực trên các mặt công tác, giúp người mù xoá đói, giảm nghèo, xoá bỏ tự ti mặc cảm, hoà nhập cuộc sống cộng đồng. Anh Trần Xuân Thành-Chủ tịch Hội Người mù thị xã Ba Đồn cho biết: Đa số người mù là người không biết chữ, không có nghề, cuộc sống của họ phụ thuộc hoàn toàn vào sự cưu mang của gia đình và xã hội. Vì vậy, học rất mặc cảm và tự ti. Bên cạnh đó, có nhiều người trong chính gia đình của họ còn kì thị, đối xử chưa tốt với người mù. Tuy khó khăn là vậy, nhưng với sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, quan tâm giúp đỡ của cấp ủy, chính quyền và nhân dân, các tổ chức, cá nhân hảo tâm trong, ngoài thị xã, Hội đã mở được nhiều lớp học. Như học chữ, học phục hồi chức năng cho người mù, học các nghề phù hợp với người mù như nghề làm tăm tre, nghề làm chổi, nghề tẩm quất bấm huyệt cổ truyền…
Tổ chức hội đã tập hợp được hơn 200 người mù và kém mắt trên 16 xã phường trong thị xã, thành lập 04 hội cơ sở và 01 tổ nhóm. Được tham gia và dự các Hội nghị sinh hoạt trong tổ chức Đảng, Chính quyền Mặt trận các cấp, có tiếng nói trong xã hội. Hàng năm hội đã vận động hội viên tham gia đi học ở các trường đào tạo cho người mù, học chữ, học nghề xoa bóp bấm huyệt, làm tăm tre, đào tạo nguồn cán bộ kế cận cho Hội.
Hiện nay trên địa bàn trung tâm thị xã có 04 cơ sở xoa bóp bấm huyệt của người mù đang duy trì hoạt động tạo việc làm ổn định cho 15 lao động với mức thu nhập từ 3 đến 4 triệu đồng một người/tháng. Đến nay đã có trên 85% người mù và kém mắt được hưởng chế độ bảo trợ xã hội và các chế độ ưu đãi khác. Hội có phòng làm việc, có trang thiết bị khác phục vụ cho hoạt động của hội, Hội được nhà nước cấp kinh phí hoạt động hàng năm và các chế độ ưu đãi khác.
Bên cạnh đó. Hội đã tổ chức thăm hỏi động viên khi hội viên gặp hoàn cảnh khó khăn, ốm đau, hoạn nạn, điếu phúng khi hội viên qua đời, tặng quà cho hội viên nhân ngày lễ, ngày tết, các đợt thiên tai, lũ lụt, chia sẻ động viên tạo môi trường tốt cho người mù hòa nhập cộng đồng và phấn đấu vươn lên. Hội đã tiếp nhận và quản lý gần 200 triệu đồng nguồn vốn ưu đãi từ Quỹ QGGQVL cho 47 lượt hội viên vay, tiếp nhận dự án hổ trợ cho người mù làm chổi đót, tổ chức làm tăm tre để tiêu thụ trong các trường học xây dựng Quỹ hội, tạo việc làm cho hội viên.
Từ ngày thành lập đến nay Hội luôn tự sáng tạo, tự vận động, tổ chức lao động sản xuất, xin các cơ quan, các nhà hảo tâm hổ trợ giúp đỡ Hội thêm một phần kinh phí cho hoạt động và động viên người mù. Sau gần 5 năm đoàn kết phấn đấu, cán bộ hội viên người mù trong thị xã hết sức tự hào về những việc đã làm được thực hiện theo lời dạy của Bác Hồ “Tàn nhưng không phế” hội đã làm tốt nhiệm vụ tập hợp, hướng nghiệp và chăm sóc động viên chia sẻ mọi vui buồn của người mù, đã làm vơi đi sự mặc cảm tự ti để người mù tự tin, tích cực tham gia hòa nhập cộng đồng.
Tuy nhiên bên cạnh những thuận lợi, những thành tích mà hội đã đạt được thì thực tiễn hoạt động của hội vẫn còn gặp nhiều khó khăn: Nhiều xã phường chưa có tổ chức hội nên người mù không có điều kiện để sinh hoạt. Một số cán bộ các cấp hội trình độ còn có phần hạn chế, đa số hội viên hầu hết là tuổi đã già, sống cuộc sống phải dựa vào người thân và xã hội nên họ ngại hoà nhập với xã hội. Anh Trần Xuân Thành Chủ tịch Hội Người mù thị xã Ba Đồn cho biết thêm: Theo khảo sát thì chúng tôi biết là có rất nhiều người có mong muốn được học nghề phù hợp với khả năng của họ. Vì vậy, chúng tôi luôn luôn mong muốn các cấp ủy đảng chính quyền, các cơ quan đoàn thể quan tâm, tạo điều kiện để người mù được chăm sóc một cách thiết thực hơn. Chúng tôi xác định việc giáo dục đào tạo và dạy nghề là việc làm quan trọng nhất. Cho nên hàng năm mong muốn UBND thị xã quan tâm cấp kinh phí để chúng tôi mở các lớp xóa mù chữ và dạy nghề cho người mù.
Có thể nói hoạt động của Hội người mù thị xã Ba Đồn đã và đang đi vào nề nếp, đáp ứng được tâm tư nguyện vọng của hội viên, khơi dậy tính tự lực tự cường, tích cực chủ động khắc phục khó khăn hòa nhập cộng đồng. Hội đã giúp các hội viên tìm lại được ánh sáng, hòa nhập cuộc sống cộng đồng. Hội viên được học chữ, học nghề, có cơ hội làm việc phù hợp để ổn định cuộc sống và được tham gia vào các hoạt động văn hóa xã hội tốt hơn. Những kết quả của các hội viên hội người mù thị xã Ba Đồn đạt được trong thời gian qua đã khẳng định lòng cam đảm, nghị lực và quyết tâm cao của những con người “mù hai con mắt nhưng tâm hồn trong sáng”. Điều đó cũng khẳng định “Không có việc gì khó, chỉ sợ lòng không bền…” như lời dạy của Bác Hồ kính yêu!
Tác giả bài viết: Lệ Hằng