Ký ức người lính Trường Sơn

Chủ nhật - 19/02/2023 15:03
(QBĐT) - "Hiền lành, gần gũi, thương bộ đội như con em trong nhà...", đó là chia sẻ mở đầu câu chuyện của người chiến sĩ lái xe năm nào khi nói về Tư lệnh Đồng Sỹ Nguyên sau những chuyến tháp tùng thủ trưởng vượt mưa bom, bão đạn trên các tọa độ lửa của đường Trường Sơn huyền thoại. Chiến tranh đã lùi xa, nhưng những kỷ niệm một thời hào hùng vẫn vẹn nguyên trong ký ức của người lính Trường Sơn Mai Văn Hà (Khu phố 1, phường Ba Đồn, TX. Ba Đồn).
"Át chủ bài" của Binh trạm 12
 
Sinh năm 1936 ở đất học làng La Hà, xã Quảng Văn (TX. Ba Đồn), sau kháng chiến chống thực dân Pháp thắng lợi, ông Mai Văn Hà được tuyển vào lái xe tại Cục thiết kế cơ bản đường bộ (nay thuộc Bộ Giao thông vận tải). Đến năm 1967, chiến tranh tiếp tục leo thang, đế quốc Mỹ ngày đêm điên cuồng đánh phá ác liệt trên khắp tuyến đường Trường Sơn nhằm cắt đứt nguồn chi viện của hậu phương miền Bắc.
 
Đồng chí Đồng Sỹ Nguyên được Bộ Quốc phòng điều làm Tư lệnh Đoàn 559 kiêm Chủ nhiệm Tổng cục Hậu cần tiền phương, với nhiệm vụ đẩy mạnh công tác vận chuyển, chi viện cho chiến trường miền Nam. Cùng năm đó, ông Hà được điều động tăng cường lực lượng cho Đoàn 559 với nhiệm vụ chính là vận chuyển bộ đội, hàng hóa trên các trục đường 12A, đường 20-Quyết Thắng...
images750888 lx
Ông Mai Văn Hà (người bên phải ảnh).
Ông Hà kể, nhiều năm lái xe phục vụ công tác khảo sát, thông tuyến các mạch đường trên địa bàn tỉnh nên ông rất quen thuộc địa hình và thuộc loại tay lái cừ. Bởi vậy, khi về Đoàn 559 ông được giao ngay chiếc xe Zil 157, loại ba cầu của Liên Xô cũ (hầu hết lính vận tải đều chạy loại xe tải nhỏ, do Trung Quốc sản xuất).
 
Giai đoạn này, những đoàn xe vận tải luôn là mục tiêu đánh phá số 1 của máy bay địch. Nhiều quả đồi bị san phẳng do bom đạn cày đi, xới lại, những cánh rừng bị bom rải thảm cháy ngùn ngụt ngày đêm. Ông Hà nhớ lại, cánh lái xe mỗi lần nhận nhiệm vụ là xác định "cảm tử" nhưng chẳng ai nao núng, nhận lệnh là nổ máy lên đường. Hầu hết đều phải đi ban đêm, bật đèn gầm và mò mẫm để tránh máy bay địch phát hiện. Ban ngày thì tấp xe vào các vị trí đã xác định sẵn để ngụy trang.
 
Ông nói, sợ nhất là bị máy bay phát hiện, chúng rải bom cháy. Chất phốt pho khi bắt lửa thì cháy lan dần và rất khó dập tắt. Nhiều lần di chuyển thấy xe đồng đội bắt lửa đó nhưng đành ngậm ngùi nhấn ga đi tiếp, chần chừ là máy bay đánh tới liền. Có nhiều trận bom đánh trúng cả dàn xe tải chuyển vũ khí, đứng từ trên đỉnh nhìn như con rắn lửa trong đêm.
 
Với những tay lái kinh nghiệm như ông Hà, thì pháo sáng của địch và nhất là trời sáng trăng là thời điểm vui nhất, tắt đèn và nhấn ga. Đi được một chặng dài thì dừng xe lại, để tránh máy nóng quá, may bay địch dò được sóng nhiệt.
 
Ông Mai Văn Hà làm lái xe Trường Sơn cho đến sau ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước và trở về đơn vị cũ. Năm 1985, ông được Nhà nước trao tặng Huân chương Kháng chiến hạng Nhì.
Nhắc đến những kỷ niệm thời hoa lửa, ánh mắt người lái xe Trường Sơn Mai Văn Hà rực sáng với những hồi ức vui buồn lẫn lộn. Năm 1968, ông Hà thoát chết một cách may mắn và đến bây giờ hồi tưởng lại, giọng âm trầm hẳn đi, khóe mắt đục lại rươm rướm nước mắt. Ngày hôm đó, cũng như nhiều ngày khác, đoàn xe của ông sau trả hàng cho trạm kế tiếp thì di chuyển vào điểm RH1, gần ngầm Ka Tang, Quốc lộ 12A để nghỉ ngơi.
 
Sau khi ngụy trang cho xe xong, trời chưa sáng nên mười mấy lính lái xe vào nghỉ tại một hang đá quen thuộc. Trời bắt đầu sáng, ông Hà dậy, ra suối rửa mặt thì máy bay ập đến đánh bom đúng vào hang. Mười mấy đồng đội, cách đây mấy tiếng còn trêu đùa nhau... Sau trận đó, ông Hà bị một mảnh bom phạt vào đùi, được quân y sơ cứu và chuyển về tuyến sau an dưỡng. Một tháng sau, ông trở lại đơn vị nhận nhiệm vụ.
 
Điều đặc biệt, ông Hà luôn tự hào là dù người bị thương, nhưng chiếc xe Zil ba cầu theo ông nhiều năm chưa một lần "mất" hàng, hay bị hư hỏng, tai nạn... và luôn trả hàng đúng nơi tập kết. Danh hiệu "xe mạnh, người giỏi", khi nào cũng có tên ông và tiếng tăm "át chủ bài" vang dội khắp các tuyến, tọa độ lửa Trường Sơn.
 
"Không phải cầm súng đánh giặc mới là anh hùng..."
 
Sau Tết Mậu Thân 1968, máy bay Mỹ càng điên cuồng đánh phá, rải thảm trên tuyến đường Trường Sơn. Việc vận chuyển ngày càng khó khăn, ác liệt hơn.
 
Đầu năm 1969, ông Hà bất ngờ nhận được lệnh đón một người đặc biệt từ vùng Tây Bố Trạch đi công tác ở vùng Long Đại, Lệ Kỳ (Quảng Ninh) hiện nay. Trời tối, đón được người tại điểm liên lạc, vị khách ngồi bên lái phụ, trong cabin còn mấy cán bộ dân sự. Quãng đường vài chục km nhưng thời chiến, cũng phải mất cả đêm mới hoàn thành. Mò mẫm giữa đêm nhưng các vị khách rất ngạc nhiên vì xe chẳng phải vấp đá núi hay miệng hố bom. Đến gần khu vực Long Đại thì xe chững lại, trước mắt là cả đoàn xe vận tải của quân ta bị bom đánh trúng, lửa cháy ngùn ngụt, bắt lan cả mấy cánh rừng. Trên trời còn nghe tiếng máy bay địch gầm gừ, pháo sáng thả chói cả khoảng trời, tiếng lửa cháy bén và cả tiếng đồng đội kêu thảm vì người bị bắt lửa. 
images750889 IMG 2282
Với những thành tích trong chiến đấu, ông Mai Văn Hà được Nhà nước trao tặng Huân chương Kháng chiến hạng Nhì.
Vị khách xưng bằng anh và gọi chú với ông Hà, nói: "Chú thấy đi được không?". Ông Hà trả lời: "Thưa thủ trưởng, đi tiếp thì còn đường sống, nếu dừng lại thì chắc chắn bị máy bay đánh tiếp". "Vậy đi tiếp", vị khách điềm tĩnh trả lời. Ngay sau đó, ông Hà dứt khoát nhảy xuống xe, cởi áo trộn vào bùn dưới hố bom, quấn chặt miệng và đắp bùn phủ kín bình dầu của xe để tránh bắt lửa. Rồi dứt khoát vượt trận địa hoang tàn, khói lửa ngay trước mắt.
 
Sau khi tới trạm kế tiếp, ông Hà mới biết vị khách chính là Tư lệnh Đồng Sỹ Nguyên tiếng tăm lừng lẫy trên tuyến đường Trường Sơn.
 
Giai đoạn 1969-1970, máy bay địch đánh ác liệt, nhiều tuyến đường bị hư hại nặng. Ông Hà gần như chạy liên tục, cũng bởi có những tuyến chỉ xe Zil ba cầu mới qua kịp được. Một lần khác, ông Hà lại nhận được lệnh chở Tư lệnh Đồng Sỹ Nguyên vào vùng Lệ Thủy để nắm bắt tình hình chiến trường. Hôm đó, bất ngờ máy bay địch quần thảo liên tục, phải nghỉ ngày và đi mấy đêm mới tới. Ông Hà nhớ lại, trên đường, Tư lệnh Đồng Sỹ Nguyên còn nhường cả khẩu phần lương khô, nước uống và bảo: "Ăn đi cho lại sức để đi tiếp. Bác biết tiếng tay lái cừ của chú rồi!".
 
Lúc chia tay, vị tướng Trường Sơn vỗ vai cười và nói một câu đến bây giờ ông Hà vẫn nhớ, "không phải cầm súng đánh giặc mới là anh hùng"...
 
 X.Phú

https://www.baoquangbinh.vn/dat-va-nguoi-quang-binh/202302/ky-uc-nguoi-linh-truong-son-2207287/

Nguồn tin: Báo Quảng Bình điện tử.

Tổng số điểm của bài viết là: 28 trong 7 đánh giá

Xếp hạng: 4 - 7 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Thống kê
  • Đang truy cập102
  • Máy chủ tìm kiếm26
  • Khách viếng thăm76
  • Hôm nay13,696
  • Tháng hiện tại777,226
  • Tổng lượt truy cập34,307,945
SĐT nhận cung cấp thông tin
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây