"Vắc xin phòng Covid-19 là vũ khí quan trọng hàng đầu để bảo vệ sức khỏe, tính mạng của người dân"
Thứ hai - 08/08/2022 08:42
Thời gian gần đây, tình hình dịch Covid-19 có những diễn biến phức tạp, khó lường, nhiều biến chủng mới xuất hiện và số ca mắc mới gia tăng trở lại, trong khi kháng thể vắc-xin giảm dần theo thời gian. Để rõ hơn tác dụng của vắc-xin phòng Covid-19 trước nguy cơ bùng phát dịch trở lại, phóng viên Báo Quảng Bình đã có cuộc trao đổi nhanh với bác sĩ CKII Dương Thanh Bình, Giám đốc Sở Y tế.
PV: Bác sĩ có thể cho biết về diễn biến tình hình dịch Covid-19 hiện nay và nguy cơ “dịch chồng dịch” có hiện hữu?
- Bác sĩ CKII Dương Thanh Bình: Hiện nay, dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp, khó lường và đã bùng phát trở lại tại một số quốc gia với sự xuất hiện của biến chủng Omicron và các biến thể phụ BA.4, BA.5, BA.2.75, BA.2.12.11.
Tại Việt Nam, số ca mắc Covid-19 đang gia tăng trở lại và đã ghi nhận các biến thể phụ BA.4; BA.5. Nếu các ca bệnh tiếp tục tăng cao có thể gây quá tải hệ thống y tế, nhất là trong bối cảnh nguy cơ xảy ra “dịch chồng dịch” do một số bệnh dịch lưu hành (cúm A, sốt xuất huyết, tay chân miệng…) đang trong mùa cao điểm và khả năng xâm nhập của các dịch bệnh mới nổi (đậu mùa khỉ, viêm gan cấp tính…).
Ở tỉnh ta, số ca cũng đang có xu hướng gia tăng (trong 4 tuần vừa qua, tỷ lệ ca mắc trung bình/ngày của 2 tuần đầu là 37 ca/ngày; tuy nhiên 2 tuần gần đây là 92 ca/ngày). Với sự gia tăng của các biển thể mới, sự lơ là, chủ quan của người dân, hiệu quả miễn dịch của vắc-xin giảm dần theo thời gian thì nguy cơ số ca mắc dự báo là vẫn tiếp tục tăng lên và có thể bùng phát trên diện rộng nếu không tiếp tục triển khai quyết liệt các biện pháp phòng, chống dịch.
PV: Ý nghĩa của việc tiêm vắc-xin phòng Covid-19 và bài học kinh nghiệm qua thực tiễn chống dịch tại Việt Nam 2 năm qua là gì, thưa bác sĩ?
- Bác sĩ CKII Dương Thanh Bình: Đến thời điểm hiện tại, chiến lược tiêm vắc-xin Covid-19 vẫn hết sức quan trọng trong bối cảnh các biến thể mới lây lan nhanh hơn, gây khó khăn trong công tác phòng, chống dịch.
Thực tiễn chống dịch Covid-19 trong 2 năm qua đã cho thấy, tỷ lệ tiêm chủng tăng thì tỷ lệ ca bệnh nặng và tử vong đã giảm đi rất nhiều khi mắc. Số ca nhiễm phải cần nhập viện cũng giảm và giảm quá tải cho hệ thống y tế, đặc biệt tại các bệnh viện. Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cũng đã khẳng định điều đó.
PV: Tại sao phải tiêm mũi nhắc lại (mũi 3 và 4) khi đã tiêm đủ liều cơ bản, nhất là đối với những người đã mắc Covid-19, thưa bác sĩ?
- Bác sĩ CKII Dương Thanh Bình: Các nghiên cứu trên thế giới đã ghi nhận hiệu quả bảo vệ của mũi tiêm cơ bản vắc-xin phòng Covid-19 giảm dần theo thời gian.
Việc tiêm mũi nhắc lại của vắc-xin Covid-19 giúp tăng cường sự bảo vệ hoặc khôi phục khả năng bảo vệ có thể đã giảm theo thời gian sau khi tiêm liều cơ bản, giúp bảo vệ chúng ta khỏi bị bệnh nặng hoặc tử vong và phòng ngừa trước nguy cơ xuất hiện các biến thể mới của SARS-CoV-2, ngăn đại dịch quay trở lại khi tuân thủ đúng lịch tiêm được khuyến cáo.
Hiện nhiều người có suy nghĩ, nếu đã mắc Covid-19 rồi thì sẽ có miễn dịch tốt hơn nên không cần tiêm mũi 4. Điều này không đúng, vì về lý thuyết, sau khi khỏi bệnh Covid-19, cơ thể sẽ có kháng thể để chống lại virus gây bệnh. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, không phải ai cũng có được kháng thể đủ tốt bởi việc nhiễm virus là khác nhau tùy vào chủng, tình huống nhiễm, mức độ nhiễm và đặc điểm của cơ thể. Có khá nhiều trường hợp nhiễm và tái nhiễm nhiều lần do kháng thể tạo ra không đủ tốt hoặc nhiễm lần đầu chỉ ở dạng thoáng qua sau đó lần nhiễm lại mới gặp tình trạng nặng.
Ngoài ra, các bằng chứng khoa học cho thấy, khi đã nhiễm tự nhiên mà được tiêm vắc-xin thì kháng thể bảo vệ được tạo ra sẽ cao hơn rất nhiều và góp phần hạn chế tái nhiễm cũng như hạn chế các tình trạng hậu Covid-19. Đây chính là lý do dù đã mắc Covid-19 nhưng người dân vẫn được khuyên tiếp tục tiêm chủng để tạo được miễn dịch tốt hơn.
PV: Thưa bác sĩ, hiện nay, một bộ phận người dân có tâm lý không muốn tiêm mũi nhắc lại vắc-xin phòng Covid-19, vậy bác sĩ có khuyến cáo gì?
- Bác sĩ CKII Dương Thanh Bình: Chúng ta đã biết vai trò của vắc-xin phòng Covid-19 là “lá chắn” quan trọng để khống chế, ngăn chặn sự tái bùng phát của dịch Covid-19. Tiêm nhắc lại nhằm duy trì kháng thể, kể cả đối với những người đã bị nhiễm Covid-19, giúp hạn chế sự lây nhiễm, giảm trường hợp bị bệnh nặng phải nhập viện và tử vong.
Vì vậy, tiêm vắc-xin Covid-19 là tiêm vắc xin phòng, chống dịch Covid-19, đó vừa là quyền lợi, nghĩa vụ, vừa là trách nhiệm của mỗi người dân để bảo vệ sức khỏe của chính bản thân, gia đình và cả cộng đồng.
PV: Đặc biệt, đối với trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi, nhiều bậc phụ huynh lo lắng về tác dụng phụ của vắc-xin phòng Covid-19, nên có tâm lý e ngại không muốn cho con tiêm chủng. Vậy bác sĩ có thể nói rõ hơn về vấn đề này?
- Bác sĩ CKII Dương Thanh Bình: Mặc dù trẻ em dưới 18 tuổi có ít nguy cơ tử vong do Covid-19 và nếu mắc bệnh thì cũng thường nhẹ hơn so với các nhóm tuổi khác. Tuy nhiên, vẫn có các trường hợp trẻ mắc Covid-19 tiến triển nguy kịch, thậm chí tử vong và để lại các di chứng hậu COVID (mệt mỏi, đau đầu, rối loạn giấc ngủ, mất tập trung, đau cơ…) ảnh hưởng khả năng học tập và vui chơi, có thể có những hậu quả lâu dài.
Bên cạnh đó, dù chúng ta đang kiểm soát được tình hình dịch bệnh, nhưng việc xuất hiện liên tục các biến thể mới vẫn có khả năng xảy ra. Do đó, để bảo vệ trẻ thì vắc-xin chính là "chìa khóa" hiệu quả. Khi trẻ được tiêm vắc-xin phòng Covid-19, nếu không may mắc Covid-19 thì biểu hiện bệnh sẽ nhẹ và ít biến chứng.
Việc tiêm vắc-xin không chỉ bảo vệ bản thân trẻ mà còn giảm đi sự lây nhiễm đối với những người xung quanh, những người sống cùng nhà, đặc biệt là những người có nguy cơ cao, như: Người cao tuổi, người có bệnh nền... Ngoài ra, khi được tiêm chủng, trẻ cũng sẽ tự tin hơn khi tham gia các hoạt động khác, nhất là việc đến trường học tập trực tiếp trong năm học mới.
Vắc-xin phòng Covid-19 đã được cơ quan quản lý thuốc và thực phẩm Hoa Kỳ (FDA), Bộ Y tế cấp phép và được sử dụng ở nhiều quốc gia. Vắc-xin được đánh giá là an toàn cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi, không có tác dụng phụ nào đáng kể ngoài những dấu hiệu hay gặp khi tiêm các loại vắc xin khác, như: Sốt, mệt mỏi, đau nhức cơ thể,…
PV: Hướng dẫn mới nhất về thời gian tiêm vắc-xin phòng Covid-19 của Bộ Y tế như thế nào đối với các nhóm đối tượng, thưa bác sĩ?
- Bác sĩ CKII Dương Thanh Bình: Tại hướng dẫn mới nhất (Công văn số 3896/BYT-DP ngày 22/7/2022) về thời gian tiêm vắc xin Covid-19, Bộ Y tế nêu rõ:
Tiêm mũi 3: - Người trên 18 tuổi: Tiêm mũi 3 ngay sau mũi 2 ba tháng; người đã mắc Covid-19 thì tiêm ngay khi khỏi bệnh.
- Người từ 12 đến dưới 18 tuổi: Tiêm mũi 3 ngay sau mũi 2 năm tháng; người đã mắc Covid-19 thì tiêm ngay sau khi khỏi bệnh ba tháng.
Tiêm mũi 4: - Tiêm ngay sau mũi 3 bốn tháng; người đã mắc Covid-19 thì tiêm ngay sau khi khỏi bệnh ba tháng.
Tiêm cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi: Trẻ đã mắc Covid-19 thì tiêm ngay sau khi khỏi bệnh ba tháng.
PV: Bác sĩ có thể đánh giá thực tế tình hình triển khai tiêm chủng vắc-xin phòng Covid-19 của tỉnh ta hiện nay?
- Bác sĩ CKII Dương Thanh Bình: Hiện nay, việc đạt tiến độ tiêm mũi 3, mũi 4 cho người từ 18 tuổi trở lên và tiêm cho trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi trên địa bàn tỉnh ta trong những tuần gần đây đã có chiều hướng chuyển biến tích cực, tỷ lệ tiêm chủng các nhóm đối tượng đã tăng lên từng ngày; cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và toàn thể người dân cùng với lực lượng tuyến đầu… khi đủ thời gian và điều kiện tiêm mũi 3, 4 đã chủ động đi tiêm.
Đặc biệt, các phụ huynh học sinh đã tích cực đưa con đi tiêm theo hướng dẫn của ngành Y tế để chuẩn bị cho năm học mới. Cùng với sự chỉ đạo quyết liệt của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, sự vào cuộc của các cấp ủy, chính quyền địa phương, mặt trận, đoàn thể và sự ủng hộ, đồng tình của người dân đã cho thấy, công tác tiêm chủng của tỉnh nhà đang theo chiều hướng tốt.
Nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người dân tham gia tiêm chủng, Sở Y tế đã chỉ đạo các địa phương tổ chức thêm các điểm tiêm chủng tại bệnh viện để tiêm cho trẻ em, người lớn có bệnh nền hoặc nguy cơ cao. Mỗi ngày tổ chức khoảng 25-30 điểm tiêm tới tận các xã, phường, thị trấn và cập nhật các điểm tiêm vắc xin phòng Covid-19 hàng ngày trên địa bàn, đăng tải ở Trang Thông tin điện tử Sở Y tế và các phương tiện thông tin đại chúng của tỉnh cho người dân được biết để chủ động tham gia tiêm chủng.
Để phòng, chống đại dịch Covid-19, vắc-xin vẫn được coi là một trong những vũ khí chiến lược hiệu quả và quan trọng hàng đầu để bảo vệ sức khỏe, tính mạng của người dân và cộng đồng; đồng thời, hướng tới mục tiêu kiên quyết kiểm soát dịch bệnh hiệu quả để thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội bền vững.
Nội Hà (thực hiện)
https://www.baoquangbinh.vn/suc-khoe/202208/vac-xin-phong-covid-19-la-vu-khi-quan-trong-hang-dau-de-bao-ve-suc-khoe-tinh-mang-cua-nguoi-dan-2202608/
Địa chỉ Website: badontv.vn
Tên gọi:
BĐRT (BaDon Radio Television)
Trang thông tin điện tử tổng hợp Trung tâm Văn hóa - Thể thao và Truyền thông (Trung tâm VH-TT&TT) thị xã Ba Đồn.
Tôn chỉ, mục đích: Website được xây dựng, hoạt động nhằm đăng tải, lưu trữ các văn bản bao gồm tin tức, sự kiện,...