Thị xã Ba Đồn tạo “cú hích” cho nông nghiệp hữu cơ

Chủ nhật - 08/05/2022 08:52
        Thời gian qua, nhiều nông dân ở thị xã Ba Đồn đã bỏ công sức, nguồn vốn để làm nông nghiệp hữu cơ (NNHC). Mục tiêu của họ vừa đáp ứng nhu cầu nông sản sạch của người tiêu dùng vừa góp phần mở ra hướng phát triển nông nghiệp trong bối cảnh thị trường tiêu thụ cạnh tranh khốc liệt. Việc phát triển nông nghiệp hữu cơ cũng đang là hướng đi đúng theo như chương trình hành động được đưa ra tại Đại hội Đảng bộ thị xã Ba Đồn khóa XXV, nhiệm kỳ 2020-2025 đó là phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ gắn với Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới.
Mô hình trồng dưa lưới của anh Võ Minh Sáng cho hiệu quả kinh tế cao
Mô hình trồng dưa lưới của anh Võ Minh Sáng cho hiệu quả kinh tế cao
      Thay vì trồng các loại cây truyền thống tại địa phương như: lúa, ngô, sắn hay các loại rau, hoa…thì anh Võ Minh Sáng (sinh năm 1976, TDP Chính Trực, phường Quảng Long) đã lựa chọn mô hình trồng dưa lưới trong nhà màng để khởi nghiệp. Mô hình đã mang lại hiệu quả kinh tế khả quan. Nhận thấy dưa lưới là loại quả được ưa chuộng và giá thành khá ổn định nên anh Sáng đã lựa chọn trồng mô hình này. Với số vốn đầu tư ban đầu gần 900 triệu đồng, anh đã trồng hơn 2.500 gốc dưa lưới trên diện tích 1.200m2. Theo anh Sáng cho biết, việc trồng dưa lưới trong nhà màng có nhiều ưu điểm như: Quản lý cây trồng tốt hơn, giúp che mưa và ngăn côn trùng xâm nhập, nông dân giảm chi phí do không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, đảm bảo sản phẩm sạch và bảo vệ sức khỏe người trồng lẫn người tiêu dùng. Tuy nhiên, cũng theo anh thì việc trồng dưa lưới trong nhà màng cũng có những khó khăn nhất định. Đó là vốn đầu tư tương đối lớn, việc phát triển mô hình trồng dưa lưới đòi hỏi công chăm sóc phải tỉ mỉ và đặc biệt là phải theo dõi và thụ phấn cho cây đúng thời gian cây vừa ra hoa vào lúc 8h30-10h sáng.
      Anh Sáng cho biết: Với việc thu về khoảng 250 triệu đồng mỗi vụ thu hoạch, mỗi năm tôi trồng được 3-4 vụ, mỗi vụ khoảng 3 tấn dưa. Hướng khởi nghiệp mới từ trồng dưa lưới trong nhà màng của tôi đã góp phần giải quyết việc làm cho 05 lao động. Hiện tôi đã mở rộng được mô hình trồng dưa lưới của mình, đồng thời trồng thêm măng tây và một số loại rau khác.
    Đặc biệt, mới đây Tổng công ty Sông Gianh phối hợp với nông dân xã Quảng Tiên thực hiện chuỗi liên kết sản xuất lúa-gạo hữu cơ ST25. Theo đó, Vụ đông-xuân 2021-2022, Tổng công ty Sông Gianh thực hiện dự án liên kết kinh doanh lúa-gạo hữu cơ ST25 tại thôn Tiên Phan, xã Quảng Tiên với diện tích 26ha. Qua đánh giá, cây lúa sinh trưởng phát triển tốt, chống chịu sâu bệnh khá, năng suất dự ước đạt 70 tạ/ha. Tham gia mô hình này, Tổng công ty Sông Gianh thu mua toàn bộ lúa cho bà con nông dân với giá thị trường (thu mua lúa tươi ngay tại ruộng với mức giá dự kiến 7.000 đồng/kg).  Quá trình thực hiện mô hình, Tổng công ty Sông Gianh cung cấp giống lúa ST25, phân bón hữu cơ các loại, các chế phẩm sinh học, hướng dẫn kỹ thuật canh tác cho bà con nông dân.
dong chi truong an ninh uy vien ban thuong vu tinh uy bi thu thi uy ba don truc tiep tham quan mo hinh trinh dien giong lua st 25 tai thon tien phan
Đồng chí Trương An Ninh, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Thị ủy Ba Đồn trực tiếp tham quan mô hình trình diễn giống lúa ST 25 tại thôn Tiên Phan
      Tại hội nghị đầu bờ đánh giá mô hình liên kết này, đồng chí Bí thư Thị ủy Ba Đồn Trương An Ninh đánh giá cao nỗ lực, cố gắng của Tổng công ty Sông Gianh, UBND xã Quảng Tiên, các phòng, ban, đơn vị liên quan và bà con nhân dân thôn Tiên Phan đã triển khai thực hiện thành công mô hình liên kết kinh doanh lúa-gạo hữu cơ ST25. Đồng chí Bí thư Thị ủy đề nghị, thời gian tới, các ban, ngành liên quan tiếp tục triển khai sản xuất lúa hữu cơ đối với giống lúa ST25 ở xã Quảng Tiên và nhân rộng trên địa bàn các xã, phường trên địa bàn thị xã nhằm sản xuất hàng hoá với số lượng lớn, đáp ứng nhu cầu tiêu thụ sản phẩm an toàn trên thị trường cả nước và xuất khẩu; làm thay đổi nhận thức của người nông dân, sản xuất theo hướng hàng hóa, tạo cho người nông dân cách sản xuất tập trung mang tính cộng đồng. Ngoài ra, quá trình triển khai thực hiện cần có sự tham gia liên kết 4 nhà, gồm: Nhà nước-nhà doanh nghiệp-nhà khoa học-nhà nông nhằm bảo đảm lợi ích, tăng cường trách nhiệm của mỗi bên, gắn sản xuất với chế biến và tiêu thụ, góp phần thúc đẩy sản xuất nông nghiệp phát triển ổn định, bền vững.
    Việc xây dựng thành công mô hình đã mở ra hướng liên kết mới, chặt chẽ trong sản xuất nông nghiệp, gắn được quyền lợi nhà nông và doanh nghiệp một cách hài hòa, bền vững; bảo đảm đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của thị trường trong nước và hướng đến xuất khẩu; góp phần thực hiện tốt hành động “Nâng cao giá trị gia tăng hàng nông lâm thủy sản trong chế biến và giảm tổn thất sau thu hoạch”, đặc biệt từng bước xây dựng thương hiệu gạo hữu cơ Sông Gianh.
      Để tạo “cú hích” trong sản xuất nông nghiệp tại địa phương, thị xã Ba Đồn phấn đấu đến năm 2025, giá trị sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp tăng bình quân 05 năm 3,5 - 04%; sản lượng lương thực bình quân hàng năm đạt 27,5 - 28 nghìn tấn; tổng đàn gia súc tăng bình quân 05 năm là 4,54% và gia cầm 11,59%, thủy sản tăng 4,35%, đạt 18.400 tấn... Ngoài ra, trong giai đoạn 2021 - 2025, phấn đấu xây dựng được từ 03 - 05 mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao ở các xã, phường có tiềm năng, lợi thế; hình thành, mở rộng diện tích canh tác sản xuất theo hướng nông nghiệp sạch, hữu cơ, phấn đấu đến năm 2025 đạt trên 200 ha. Hiện nay, Ba Đồn đã ưu tiên cơ cấu theo nhóm sản phẩm trên địa bàn với việc sản xuất lúa giữ ổn định diện tích gieo trồng 4.700 ha/năm, sản lượng lương thực 27.500 - 28.000 tấn/năm, làm nòng cốt bảo đảm an ninh lương thực; mở rộng diện tích giống chất lượng cao chiếm 65 - 70% diện tích gieo trồng, đẩy mạnh chuyển đổi linh hoạt các loại đất kém hiệu quả sang cây trồng khác có giá trị kinh tế cao.
      Thời gian tới, thị xã sẽ tiếp tục tái cơ cấu ngành trồng trọt, chú trọng chuyển đổi giống cây trồng; nhân rộng các mô hình chuyển đổi cây trồng hiệu quả, phù hợp với thị trường; mở rộng diện tích sản xuất lúa theo quy trình thâm canh cải tiến SRI, nâng cao tỷ lệ sản xuất lúa chất lượng cao; tìm kiếm, kêu gọi các doanh nghiệp liên kết với nông dân mở rộng sản xuất, tiêu thụ, thực hiện có hiệu quả cánh đồng lớn đối với một số cây trồng có lợi thế của địa phương. Bên cạnh đó, thị xã sẽ đẩy mạnh việc phát triển nông nghiệp theo hướng nông nghiệp công nghệ cao; đẩy mạnh liên kết đào tạo đội ngũ nhân lực tham gia, phục vụ cho việc ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất; đầu tư xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng đồng bộ, đáp ứng các yêu cầu cần thiết về điện, nước, đường giao thông…

Tác giả bài viết: Lệ Hằng

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Thống kê
  • Đang truy cập101
  • Máy chủ tìm kiếm11
  • Khách viếng thăm90
  • Hôm nay10,892
  • Tháng hiện tại286,264
  • Tổng lượt truy cập39,106,326
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây