Nông nghiệp sạch, công nghệ cao là cụm từ thường được nhắc đến nhiều trong các văn bản, cuộc họp khi bàn về chiến lược phát triển nông nghiệp ở TX. Ba Đồn. Đây được xem là mũi nhọn được các cấp, ngành quan tâm nhằm hướng tới nền nông nghiệp phát triển bền vững ở địa phương trong tương lai gần.
Khát vọng nông nghiệp sạch
Ở TX. Ba Đồn, khi hỏi về "vua lúa”, không ai là không biết. Ông là Nguyễn Thanh Hương, ở thôn Vĩnh Phú, xã Quảng Hòa, người tiên phong trong việc xây dựng thương hiệu gạo sạch. Sinh ra đã gắn bó với những thửa ruộng, nên dù đã từng thử sức với nghề thợ xây, sửa chữa xe hay đi buôn nhỏ lẻ…ông Hương vẫn không ngừng nuôi giấc mơ làm giàu trên chính những mảnh ruộng bị bỏ hoang ở địa phương mình.
Ông Hương chia sẻ, tư duy xây dựng một thương hiệu gạo sạch do chính mình làm ra đã theo tôi suốt một quãng thời gian rất dài, dù đang làm việc khác nhưng đầu óc tôi lúc nào cũng suy nghĩ phải bắt đầu từ đâu, bắt đầu như thế nào để có thể biến những hạt gạo của mình làm ra được nhiều người biết đến.
Năm 2016, ông bàn với chính quyền địa phương cải tạo 5ha đất ruộng bị bỏ hoang để đầu tư trồng lúa. Sau những vụ mùa đầu tiên cho năng suất và mang lại hiệu quả kinh tế khả quan, ông tiến hành đấu thầu thêm 6ha đất nữa để mở rộng diện tích. Đam mê với nghề nông, trong quá trình trồng lúa, ông Hương đã không ngừng học hỏi, tìm hiểu kinh nghiệm sản xuất trên các kênh truyền hình, sách báo với mong muốn áp dụng những tiến bộ kỹ thuật mới, như đưa cơ giới hóa vào đồng ruộng ở tất cả các khâu trong sản xuất.
Để “chắp cánh” cho dự định xây dựng thương hiệu gạo sạch của ông, UBND TX. Ba Đồn đã hỗ trợ gần 450 triệu đồng và hướng dẫn ông thành lập Hợp tác xã Sản xuất và chế biến nông sản sạch Quảng Hòa. Nhờ có nguồn hỗ trợ đó mà ông Hương có thêm điều kiện để mua sắm các máy móc thiết yếu phục vụ quy trình sản xuất gạo an toàn khép kín và tạo nhãn mác, bao bì thương hiệu riêng của mình.
Cùng với sự quan tâm của các cấp chính quyền, nhiều người dân cũng đã mạnh dạn thay đổi tư duy và phương thức sản xuất truyền thống để hướng đến một nền nông nghiệp hữu cơ mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Ít ai có thể tin rằng, trên vùng đất cát pha của phường Quảng Long lại có thể trồng được loại cây dưa lưới “khó tính”, bởi sự khắt khe về độ ẩm và cách chăm sóc. Thế nhưng, anh Võ Minh Sáng, ở tổ dân phố Chính Trực lại thành công và thu về hàng trăm triệu đồng mỗi năm nhờ trồng loại cây này trong nhà màng.
Để thành công ngày hôm nay, anh Sáng phải lặn lội khăn gói vào tận Ninh Thuận để tìm hiểu và học hỏi cách trồng loại cây này trong nhà màng. Sau 2 năm, anh về quê, bàn với gia đình dốc hết vốn liếng, vay mượn thêm bạn bè, người thân đầu tư gần 1 tỷ đồng mua sắm các thiết bị cần thiết để xây dựng mô hình nhà màng có diện tích hơn 1.200m2, sử dụng công nghệ tưới nhỏ giọt Israel. Anh Sáng chia sẻ, người thân thấy tôi đầu tư vốn quá nhiều thì can ngăn, thậm chí có người còn cho rằng tôi bị "điên" mới vay tiền làm nông nghiệp. Không ai tin là tôi có thể thành công từ trồng cây dưa lưới vì quá mạo hiểm nhưng quyết là làm, không chỉ vì kế sinh nhai mà còn cả giấc mơ làm giàu từ nông nghiệp sạch.
Trời không phụ lòng người, trong vụ mùa đầu tiên, những quả dưa lưới được chăm sóc kỹ càng, tỉ mỉ, đặc biệt là không sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật nguy hại đã được người tiêu dùng trong và ngoài địa phương đón nhận với mức thu nhập từ vụ mùa đầu tiên là hơn 250 triệu đồng. Hiện nay, mỗi năm anh sản xuất 3 vụ, số tiền thu được từ trồng dưa lưới đã giúp anh cải thiện được kinh tế gia đình và có điều kiện để mở rộng diện tích trồng thêm các loại cây khác, như: Măng tây, dưa chuột baby…
Hướng tới nền nông nghiệp bền vững
Không chỉ trên lĩnh vực trồng trọt, mà nhiều người dân ở TX. Ba Đồn còn thử sức mình với mô hình chăn nuôi hữu cơ. Nhận thấy nhu cầu tiêu thụ thịt lợn trên thị trường ngày càng nhiều, trong khi đó trên địa bàn thị xã chưa có nhiều mô hình nuôi lợn quy mô lớn, vì vậy, ông Hoàng Văn Long, ở xã Quảng Tiên đã mạnh dạn thuê 5.000m2 đất để làm trang trại chăn nuôi.
Mới đầu, ông chỉ dám nuôi thử nghiệm một ít lợn, gà, bò…nhưng do chưa biết cách chăm sóc nên số vật nuôi trên đã bị nhiễm bệnh và chết dần. Sau nhiều lần thất bại, ông đã tìm ra nguyên nhân chính đó là do hệ thống chuồng trại không bảo đảm, cách phòng bệnh và cho ăn chưa đúng cách.
Để chăn nuôi đồng bộ, giảm thiểu dịch bệnh và được người tiêu dùng tin tưởng ông đã chọn hướng đi mới đó là nuôi lợn hữu cơ. Mới đầu, đây là khái niệm khá xa lạ với ông và người dân trên địa bàn, bởi chăn nuôi theo hướng hữu cơ là phương pháp chăn nuôi hoàn toàn sử dụng những nguyên liệu thức ăn hữu cơ, bao gồm cám gạo, ngô, đậu tương… và không sử dụng bất cứ chế phẩm công nghiệp nào. Cơ sở chăn nuôi phải có diện tích chuồng trại, diện tích thả bảo đảm mật độ theo, phải có nơi để chứa, ủ phân, chất thải rắn, có hố để xử lý chất thải lỏng theo yêu cầu vệ sinh thú y, vệ sinh môi trường.
May mắn, khi ông vừa nhen nhóm ý định xây dựng mô hình chăn nuôi theo hướng hữu cơ thì cũng là lúc UBND TX. Ba Đồn và Công ty CP Tập đoàn Quế Lâm ký biên bản thỏa thuận hợp tác đầu tư về sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp hữu cơ theo chuỗi giá trị trên địa bàn. Và may mắn trang trại của ông Hoàng Văn Long là một trong hai trang trại được lựa chọn triển khai mô hình chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm.
Với quyết tâm của mình cùng với sự hướng dẫn của cán bộ chuyên môn, ông Long đã xây dựng được hệ thống chuồng trại bảo đảm, có máng ăn, hệ thống phun sương tự động và đặc biệt là ông đã áp dụng nuôi lợn có đệm lót sinh học (rải trấu) để không xả thải ra môi trường. Từ 11 con giống mua của Công ty CP Tập đoàn Quế Lâm, đến nay, sau 2 năm, quy mô đàn lợn không ngừng mở rộng và xuất bán nhiều lần.
Ông Đoàn Minh Thọ, Chủ tịch UBND TX. Ba Đồn cho biết, xây dựng một nền nông nghiệp hữu cơ đang là hướng đi mà TX. Ba Đồn tập trung hướng đến. Để làm được điều này, bên cạnh việc tiếp tục tuyên truyền, tạo sự chuyển biến tích cực trong nhận thức của người sản xuất về sản xuất nông nghiệp sạch. TX. Ba Đồn sẵn sàng hỗ trợ, tạo mọi điều kiện thuận lợi để các nhà đầu tư, cá nhân, tổ chức đầu tư vào nông nghiệp sạch, công nghệ cao, góp phần hướng tới nền nông nghiệp phát triển bền vững tại địa phương.
- Buổi sáng (từ thứ 3 đến thứ 7):
+ Từ 5h10 phút đến 5h30 phút: Phát lại chương trình truyền thanh chiều hôm trước của Trung tâm Văn hóa - Thể thao và Truyền thông (Trung tâm VH-TT&TT) thị xã.
+ Từ 5h30 phút đến 6h00 phút: Tiếp âm Đài phát thanh - Truyền hình Quảng Bình;
+ Từ 6h00 phút đến...