Thị xã Ba Đồn: Những tín hiệu tích cực từ Nông nghiệp hữu cơ

Thứ ba - 12/05/2020 08:16
        Sản xuất nông nghiệp hữu cơ là một xu hướng tất yếu nhằm nâng cao chất lượng nông sản và giảm thiểu tác động tiêu cực đến sức khỏe cộng đồng cũng như môi trường sống. Thời gian qua, thị xã Ba Đồn đã có nhiều chuyển biến tích cực trong phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, tăng năng suất, chất lượng và tính cạnh tranh. Các địa phương đã đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật và công nghệ tiên tiến vào sản xuất, hình thành nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp hiệu quả, tạo việc làm và nâng cao thu nhập cho người dân. 
      Tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp, đa dạng hóa cây trồng, vật nuôi nhằm mục tiêu nâng cao chất lượng chuỗi giá trị, thích ứng với biến đổi khí hậu, trong đó, đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp trên đất lúa kém hiệu quả, đất hoang hóa là chủ trương lớn được thị xã Ba Đồn triển khai thực hiện trong nhiều năm qua. Để nâng cao hiệu quả sử dụng đất, tăng giá trị sử dụng trên một đơn vị diện tích, Ba Đồn đã chú trọng đa dạng hóa các loại cây trồng theo hướng bền vững, phù hợp với điều kiện thực tế của từng địa phương. Năm 2019, thị xã thực hiện chuyển đổi đất lúa kém hiệu quả sang cây trồng khác với diện tích chuyển đổi lần đầu là 31,85ha. Điển hình là các mô hình: tỏi ở xã Quảng Minh, Quảng Hòa; cá-lúa ở các xã: Quảng Hòa, Quảng Lộc, Quảng Thủy; rau hoa ở phường Quảng Long; ngô xen khoai ở phường Quảng Phúc… Các mô hình đã đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn nhiều so với trồng lúa và tạo được hướng đi mới trong sản xuất nông nghiệp của người dân.
      Với mục tiêu thay đổi tập quán canh tác của người nông dân, từ đó xây dựng nền nông nghiệp hàng hoá, TX. Ba Đồn đã triển khai thực hiện mô hình cánh đồng lúa chất lượng áp dụng quy trình sản xuất thâm canh cải tiến SRI với hơn 550ha tại các xã: Quảng Tiên, Quảng Hải, Quảng Văn… Mô hình này đã mang lại hiệu quả thiết thực vừa tiết kiệm được chi phí đầu tư, vừa đem lại năng suất cao, bình quân đạt 58 tạ/ha. Cùng với đó, thị xã cũng đã thực hiện mô hình trồng thử nghiệm các loại cây thích ứng biến đổi khí hậu ở những vùng bị ngập mặn. Điển hình là mô hình trồng dừa xiêm ở xã Quảng Lộc, Quảng Văn và Quảng Tân với hơn 4ha. Bước đầu cho kết khả quan, cây thích ứng tốt, phát triển nhanh.
      Để đẩy mạnh phát triển nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ, đầu năm 2020, UBND thị xã Ba Đồn đã ký kết thỏa thuận hợp tác đầu tư sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp hữu cơ theo chuỗi giá trị với Tập đoàn Quế Lâm. Hai bên cùng hợp tác đầu tư phát triển sản xuất 5ha lúa hữu cơ tại xã Quảng Hòa và 2 mô hình nuôi lợn hữu cơ tại xã Quảng Tiên. Hiện tại, Tập đoàn Quế Lâm và Phòng Kinh tế thị xã đã phối hợp đưa giống, phân bón, hướng dẫn kỹ thuật cho các gia đình triển khai mô hình. Sau khi hoàn thiện, mô hình sẽ được nhân rộng ra các địa phương khác, từ đó, tiến tới thành lập các chuỗi chế biến, tiêu thụ sản phẩm nông sản hữu cơ trên địa bàn thị xã.
     Để phát triển nông nghiệp theo hướng bền vững, thị xã Ba Đồn đã xây dựng các mô hình liên kết theo chuỗi giá trị gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân. Các chuỗi liên kết: tỏi Ba Đồn, ruốc Nhân Thọ, lúa, gạo Quảng Hòa và đũa gỗ Quảng Thủy đã được tiêu thụ rộng rãi trên địa bàn tỉnh và một số tỉnh lân cận.
    Theo ông Đoàn Minh Thọ, Chủ tịch UBND TX. Ba Đồn, để phát triển nông nghiệp toàn diện theo hướng sản xuất hàng hóa, bền vững, đáp ứng nhu cầu thị trường, thị xã sẽ tiếp tục tái cơ cấu ngành trồng trọt, chú trọng chuyển đổi giống cây trồng; nhân rộng các mô hình chuyển đổi cây trồng hiệu quả, phù hợp với thị trường; mở rộng diện tích sản xuất lúa theo quy trình thâm canh cải tiến SRI, nâng cao tỷ lệ sản xuất lúa chất lượng cao; tìm kiếm, kêu gọi các doanh nghiệp liên kết với nông dân mở rộng sản xuất, tiêu thụ, thực hiện có hiệu quả cánh đồng lớn đối với một số cây trồng có lợi thế của địa phương. Bên cạnh đó, thị xã sẽ đẩy mạnh việc phát triển nông nghiệp theo hướng nông nghiệp công nghệ cao; đẩy mạnh liên kết đào tạo đội ngũ nhân lực tham gia, phục vụ cho việc ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất; đầu tư xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng đồng bộ, đáp ứng các yêu cầu cần thiết về điện, nước, đường giao thông… cho các vùng/khu nông nghiệp lợi thế, công nghệ cao và tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp đầu tư thực hiện các dự án phát triển sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Thị xã phấn đấu tăng giá trị sản xuất ngành nông-lâm-ngư giai đoạn 2020-2025 bình quân 3,5-4%/năm.       
    Có thể nói, trước nhu cầu bảo đảm an ninh lương thực, việc lạm dụng phân bón và hóa chất bảo vệ thực vật nhằm nâng cao năng suất cây trồng đang trở thành vấn đề cần được quan tâm cải thiện. Do đó, cần chú ý phát triển nền nông nghiệp sạch nhằm đóng góp vào việc cung cấp các sản phẩm an toàn phục vụ cho nhu cầu người dân. Với sự nỗ lực của chính quyền và người dân thị xã, thời gian tới, kỳ vọng nông nghiệp hữu cơ chắc chắn sẽ không còn xa lạ, mà ngược lại sẽ trở thành thói quen sản xuất nông nghiệp của địa phương.                                                                          

Tác giả bài viết: Lệ Hằng

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Thống kê
  • Đang truy cập144
  • Máy chủ tìm kiếm9
  • Khách viếng thăm135
  • Hôm nay10,390
  • Tháng hiện tại603,351
  • Tổng lượt truy cập40,123,140
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây