Đất và người bên dòng Linh Giang

Thứ hai - 04/04/2022 09:22
Hệ thống sông Linh Giang gồm ba nhánh chính: Rào Son, Rào Nan, Rào Nậy đều chạy qua thị xã Ba Đồn, đổ về Cửa Gianh, chảy ra biển cả.
Đất và người bên dòng Linh Giang
          Bên dòng Rào Nan có Mai Phúc Khánh, thủy tổ của dòng họ Mai ở làng Thọ Linh, xã Quảng Sơn, quê gốc từ đạo Nam Sơn (nay thuộc Hà Nội) vâng lệnh vua Lê Thánh Tông dẫn quân vào Nam đánh dẹp quân phiến loạn Champa ở Ô Châu rồi ở lại. Năm 1473 ông đặt tên làng là Kim Linh. Về sau, vua Minh Mạng cho đổi tên thành làng Thọ Linh vì phạm húy Đức thủy tổ Cao hoàng nhà Nguyễn. Hậu duệ của ông là Lãnh binh Mai Lượng, Phó đô đốc Hải quân Mai Xuân Vĩnh đã làm rạng rỡ cho quê hương đất nước.
         Thành hoàng làng Minh Lệ là “Trung lang Thượng tướng quân” Trương Hy Trọng. Bốn họ Trương, Nguyễn, Hoàng, Trần ngoài Hải Dương vào đây “Bình Lồi thiết xã”. Đình làng Minh Lệ và khu “Giang sơn Bến Lội” đã được Bộ Văn hóa Thể thao Du lịch, Ủy Ban Nhân dân tỉnh Quảng Bình công nhận di tích Lịch sử Văn hóa và xếp hạng.
        Xuôi xuống La Hà, Thổ Ngọa, hai làng được nằm trong “Bát Danh hương” của tỉnh Quảng Bình. Thời Nguyễn, La Hà đã có tới 6 người đậu tiến sĩ, 1 người đậu phó bảng. Đặc biệt Tiến sĩ Trần Văn Chuẩn, người làm đến chức Thượng thư bộ Công kiêm phó khâm sai đại thần. Trong phong trào Cần Vương có ông Tham La Hà đã cùng Lãnh binh Mai Lượng, Đề đốc Lê Trực, Bạch Xỉ - Đoàn Chí Tuân, Nguyễn Phạm Tuân, Lê Mô Khởi… bảo vệ Sơn Triều.
        Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, người dân Thổ Ngọa, Thuận Bài sát bến phà Gianh đã hạ nhà mình cho những chuyến xe ra tiền tuyến. Mẹ Choàng (Quảng Thuận) là người mở đầu phong trào “xe chưa qua nhà không tiếc”.
         Xã Quảng Phúc có cô dân quân Nguyễn Thị Xuân, một mình, một khẩu súng bộ binh với 20 viên đạn đã bắn rơi máy bay phản lực của Mỹ. Cô đã vinh dự 5 lần được gặp Bác Hồ. Cô đã được ăn cơm với Bác và được tặng một cây phong lan do chính tay Người trồng.
        Làng Thanh Khê có Đại tá công an, anh hùng Nguyễn Tri Phương đã chỉ huy dân quân và công nhân phà Bắc ra ứng cứu tàu hải quân dưới làn bom đạn Mỹ. Anh đã vinh dự ba lần được gặp Bác Hồ.
       Bên dòng sông Son, làng Cao Lao Hạ có Lê Mô Khởi, một chỉ huy của phong trào Cần Vương phía hữu ngạn sông Gianh. Ông đã đánh tan đạo quân Pháp vào làng Cao Lao Hạ trước lúc Hàm Nghi bị bắt. Trong kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ cứu nước có Trung tướng Lê Văn Tri đã từng chỉ huy Trung đoàn 95 đánh tan quân Pháp chiếm đóng ở Ba Đồn, giải phóng quê hương. Ông từng là Tư lệnh Quân chủng Phòng không - Không quân, chỉ huy bộ đội Phòng quân – Không quân đập tan cuộc tập kích chiến lược bằng B52 của Mỹ trên bầu trời Hà Nội”.
        Bên dòng Rào Nậy có làng Thanh Thủy nổi tiếng. Đầu làng có Hoàng giáp Phạm Duy Đôn, cuối làng có Đề đốc Lê Trực. Đề đốc Lê Trực đã cùng Tổng đốc Hoàng Diệu tử thủ thành Hà Nội năm 1882. Ông là cánh tay phải của vua Hàm Nghi trong phong trào Cần Vương. Ngày nay các địa danh như hòn Bồ Muối, các kho quân lương ở Tiến Hóa và Mai Hóa, những núi Lò Rèn, khe Mài Gươm, cồn Đánh Mõ, bãi Tập, đồng Đón Thỏng gắn liền với tên tuổi của ông.
         Các làng Lệ Sơn, Văn Hóa, Châu Hóa, Phù Hóa, Trung Thôn là những làng có các tướng lĩnh thời Văn thân và cách mạng sau này.
         Nguyễn Hàm Ninh, hậu duệ đời thứ 5 của cụ Nguyễn Đăng Khoa – một người đã từng đỗ Tú tài tại Trường Hà Nội, di cư vào làng Phù Hóa rồi đến Trung Thuần, Quảng Lưu. Nguyễn Hàm Ninh văn thơ nổi tiếng một thời được Thương Sơn Công (tức Tùng Thiện Vương) mến mộ.
        Xã Châu Hóa có bà Đặng Thị Cấp là người mẹ, người bà của ba vị tướng: Đồng Sĩ Nguyên, Nguyễn Anh và Nguyễn Hữu Cường. Trung tướng Đồng Sĩ Nguyên nổi tiếng với con đường Hồ Chí Minh huyền thoại.
        Làng Lũ Phong sát bến đò Phú Trịch là quê hương của bác Nguyễn Văn Huyên (Bí danh là Tế) người đã nhen nhóm ngọn lửa cách mạng cho Trung tướng Đồng Sĩ Nguyên tại làng Trung Thôn. Đình Lũ Phong là nơi ông Trần Sớ, Chủ tịch Ủy ban Khởi nghĩa đọc lệnh xuất phát cướp chính quyền phủ Quảng Trạch ngày 23 tháng 8 năm 1945.
        Làng Vĩnh Phước có danh tướng Nguyễn Khắc Minh, một sứ giả của hoà bình nhằm thống nhất đất nước trong thời kỳ Trịnh - Nguyễn phân tranh.  
        Làng Tượng Sơn có danh Tướng Nguyễn Dụng đã đem đoàn voi chiến của Quang Trung vượt qua sông Gianh về làng Đại Đan chăm sóc góp phần đánh tan gần ba mươi vạn quân Thanh xâm lược. Nguyễn Dụng được phong đến chức “Thống chế Quận Công”. Ông là tướng tiên phong trong chiến dịch “Quang Trung đại phá quân Thanh”.
        Ngày nay đất nước ta đang từng ngày đổi mới. Những người con bên lòng Linh Giang lịch sử đang viết tiếp bản hùng ca của cha ông làm rạng ngời một vùng địa linh nhân kiệt.

Tác giả bài viết: Hoàng Minh Đức

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Thống kê
  • Đang truy cập543
  • Hôm nay17,700
  • Tháng hiện tại322,469
  • Tổng lượt truy cập39,842,258
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây