Công an thị xã Ba Đồn: Cảnh giác với các phương thức thủ đoạn Tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Thứ hai - 06/06/2022 16:04
Đầu năm 2022, tình hình tội phạm hoạt động trên không gian mạng, đặc biệt là loại tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản thông qua mạng internet trên địa bàn thị xã Ba Đồn nói riêng và toàn tỉnh Quảng Bình nói chung tiếp tục có những diễn biến hết sức phức tạp, gây thiệt hại lớn đến tài sản của bà con nhân dân.
(Ảnh minh họa)
(Ảnh minh họa)
Để nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân, tránh để các đối tượng lợi dụng sự nhẹ dạ, cả tin, thiếu hiểu biết nhằm chiếm đoạt tài sản, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an thị xã Ba Đồn thông báo về phương thức, thủ đoạn phạm tội của các đối tượng và yêu cầu các cơ quan, tổ chức, Công an các xã, phường tăng cường công tác tuyên truyền một cách có hiệu quả tới toàn thể người dân trên địa bàn. Cụ thể:
1. Về phương thức, thủ đoạn hoạt động phạm tội của các đối tượng:
- Thủ đoạn chiếm quyền quản trị tài khoản Facebook để lừa đảo chiếm đoạt tài sản:
Hiện nay một số gia đình có con, người thân, bạn bè đang xuất cảnh lao động ở nước ngoài, hoặc đi làm ăn xa mà dùng facebook để liên lạc với gia đình, với bà con. Khi bà con nhận được tin nhắn hoặc cuộc gọi qua facebook không rõ tiếng, nhìn không rõ hình và lý nhí vài câu với thời lượng khoảng 10 đến 15 giây với nội dung là yêu cầu bà con gửi tiền để đầu tư kinh doanh, có bạn nhờ chuyển tiền và nói sẽ trả lại sau, nhờ chuyển tiền để mua đồ... Khi chúng ta hỏi lại vì sao không nghe rõ lại thì nói đang bận học, đang ở ngoài đường ồn ào hoặc do mạng yếu, do đó bạn không thể nghe rõ giọng con mình, người quen của mình thì chắc chắn đó là các đối tượng đã “hack” facebook của bà con, người thân của bà con để lừa tiền của bà con.
- Thủ đoạn giả danh Cơ quan Công an, Viện kiểm sát, Toà án doạ, yêu cầu chuyển tiền để chiếm đoạt tài sản:
Khi bà con nhận được các cuộc gọi điện thoại từ các số điện thoại lạ, người gọi điện thoại tự giới thiệu mình là cán bộ thuộc Cơ quan Công an, Viện kiểm sát, Toà án đang điều tra, giải quyết một vụ án trong đó có liên quan đến thân nhân và số tiền bà con gửi trong tài khoản tại ngân hàng và yêu cầu bà con chuyển số tiền lớn đến số tài khoản Ngân hàng mà chúng đưa ra để phối hợp điều tra và hẹn sau 2-3 ngày sẽ chuyển hoàn trả lại số tiền trên cho bà con, bên cạnh đó nhiều đối tượng yêu cầu bà con truy cập 01 đường link và sau đó nhập thông tin tài khoản ngân hàng, tên đăng nhập internetbanking, mobilebanking, mật khẩu và các thông tin cá nhân khác, sau đó các đối tượng sẽ rút toàn bộ số tiền trong tài khoản ngân hàng của bà con.
Nhiều đối tượng giả danh là cán bộ Cục Cảnh sát giao thông, Bộ Công an, Phòng Cảnh sát giao thông các tỉnh gọi điện thoại đến (hoặc sử dụng robocall - hệ thống gọi tự động), thông báo cho bà con đã vi phạm luật giao thông nên bị “phạt nguội” hoặc bà con có liên quan đến vụ tai nạn giao thông nào đó, sau đó các đối tượng yêu cầu bà con cung cấp thông tin cá nhân, số tài khoản ngân hàng, mã PIN, mã OTP… để xác minh sau đó chiếm đoạt tiền trong tài khoản của bà con.
- Thủ đoạn lừa đảo mua hàng nhận tiền hoa hồng:
Lúc đầu các đối tượng sẽ sử dụng tài khoản mạng xã hội “ảo” đăng bài chạy quảng cáo trên các trang mạng xã hội với những nội dung tuyển cộng tác viên mua bán hàng trên các sàn thương mại điện tử Shoppe, Lazada, Tiki… Theo đó mỗi lần mua hàng, các “cộng tác viên bán hàng” sẽ được hoàn trả tiền cộng thêm tiền “hoa hồng” từ 10 - 20% giá trị hợp đồng.
Sau khi bị hại nhận làm “cộng tác viên mua bán hàng”, đối tượng sẽ gửi một đường link sản phẩm thật trên các sàn thương mại điện tử Shoppe, Lazada, Tiki… yêu cầu tạo đơn hàng và thanh toán, sau đó “hệ thống” sẽ hoàn tiền, kèm theo hoa hồng. Đối với những đơn hàng giá trị nhỏ đầu tiên, bị hại sẽ được thanh toán kèm hoa hồng như đã hứa đầy đủ nhằm tạo lòng tin và đánh vào lòng tham, thấy việc kiếm tiền quá dễ dàng. Sau khi có được lòng tin của bị hại, những lần tiếp theo, với số lượng đơn hàng lớn hơn, các đối tượng lừa đảo đưa ra nhiều lý do như cú pháp soạn tin bị sai, hệ thống bị lỗi… để không trả tiền. Khi đó bị hại muốn nhận lại tiền thì chuyển khoản thêm tiền cho đơn hàng, nếu không sẽ bị mất toàn bộ tiền trước đó.
Bị hại tâm lý muốn nhận lại tiền, lại tin vào lời hứa số tiền chuyển vào sẽ được hoàn trả nên liên tục chuyển tiền cho các đối tượng cho đến khi không còn khả năng chi trả, khi phát hiện đã bị lừa thì các đối tượng sẽ chặn liên lạc và chiếm đoạt tiền đã chuyển vào. Với hình thức này nhiều bị hại đã mất từ vài triệu đồng đến hàng trăm triệu đồng.
- Thủ đoạn làm quen qua mạng xã hội rồi giả vờ tán tỉnh yêu đương, tặng quà, sau đó lừa đảo yêu cầu đóng phí dịch vụ hải quan, thuế để chiếm đoạt tài sản:
Khi có một số tài khoản facebook có hình ảnh đại diện là quân nhân nước ngoài kết bạn làm quen, nói chuyện với bạn. Sau thời gian nói chuyện các đối tượng tự nhận là quân nhân đang đóng quân ở các nước trung đông như Siry, Libya… gần về hưu, khi đã nói chuyện tạo được tình cảm, lòng tin các đối tượng sẽ nói là muốn về Việt Nam du lịch vì quý hoặc một lý do nào đó mà có tặng bạn một số đồ vật, tài sản, gói quà. Sau đó bạn nhận được điện thoại từ số lạ giới thiệu là nhân viên Hải quan thông báo bạn đã có phần quà gửi từ nước ngoài về với giá trị lớn, để nhận quà đề nghị bạn chuyển tiền vào tài khoản nào đó do các đối tượng cung cấp một số tiền với lý do dó là phí nhập khẩu, hoặc phí hải quan, sau đó vài ngày lại có cuộc điện thoại đề nghị bạn nộp tiền vào tài khoản nào đó với lý do phạt vì trong gói hàng có số lượng tiền ngoại tệ lớn là vi phạm pháp luật….
2. Mọi người cần phải làm gì khi nghi ngờ mình đang bị lừa đảo và những cách phòng tránh:
- Khi gặp những thủ đoạn nêu trên thì bà con cần bình tĩnh, không vội vàng tin ngay mà cần bàn bạc trao đổi, nói cho người thân biết, để kiểm tra thông tin. Tuyệt đối không chuyển tiền, nộp thẻ, không cung cấp bất cứ thông tin hoặc làm gì khác theo yêu cầu của đối tượng và báo ngay cho cơ quan Công an phường, xã hoặc Công an thị xã để được hướng dẫn và xử lý.
- Khi người thân nhờ chuyển tiền phải liên lạc trực tiếp bằng điện thoại với người nhắn tin để xác minh, trường hợp người nhắn tin đang ở nước ngoài có thể dùng cách thức liên lạc khác như gọi video với hình ảnh rõ ràng, nói chuyện đầy đủ thông tin, thời gian để kẻ gian không giả mạo được người thật. Đối với những người lớn tuổi thì nên gặp Công an viên, Cảnh sát khu vực để được hướng dẫn trước khi chuyển tiền.
- Bên cạnh đó, trong giao dịch hằng ngày bà con tuyệt đối không cho người khác mượn thẻ ngân hàng, giấy tờ tuỳ thân (CCCD, hộ chiếu…). Không cung cấp thông tin cá nhân, thông tin tài khoản ngân hàng cho người khác. Không truy cập, tải các website, đường link không rõ nguồn gốc. Không ký khống giấy tờ thiếu nội dung, giấy uỷ quyền chưa ghi thông tin người được uỷ quyền. Không tiết lộ tên đăng nhập, mật khẩu ứng dụng internetbanking, mobilebanking, mã OTP cho bất kỳ ai. Không công khai thông tin cá nhân như ngày sinh, số điện thoại… trên các tài khoản trên mạng xã hội như Facebook, Zalo…
3. Về đối tượng, địa bàn cần tập trung tuyên truyền:
Tuyên truyền rộng rãi tới toàn bộ người dân trên từng xã, phường. Tập trung vào các khu vực dân cư có con em đi xuất khẩu lao động, học tập và sinh sống ở nước ngoài, những người lớn tuổi sinh sống một mình…
4. Về phương thức tuyên truyền: Tập trung tuyên truyền thông qua nhiều hình thức khác nhau: Thông qua hệ thống loa truyền thanh, đảm bảo thời lượng, tần suất phát thanh, phát vào các cung giờ phù hợp để tất cả người dân đều được nghe về phương thức thủ đoạn và cách phòng tránh. Đồng thời mở rộng các hình thức tuyên truyền khác để đạt hiệu quả cao như: Tuyên truyền thông qua trang Facebook, Zalo của Công an các xã, phường; phát tờ rơi, in Pano, áp phích nội dung phòng tránh để dán tại những nơi đông người qua lại, trụ sở làm việc của UBND, các cơ quan, tổ chức; lồng ghép tuyên truyền thông qua các hội nghị, các buổi họp thôn, tổ dân phố… Quá trình tuyên truyền đảm bảo nội dung truyền tải ngắn gọn, ngôn từ dễ hiểu phù hợp với mọi tầng lớp người dân, tránh hình thức, phô trương.
Cán bộ và nhân dân tích cực tham gia tố giác Tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản thông qua mạng xã hội Facebook và các hình thức khác lợi dụng mạng Intermet, mạng viễn thông. Khi phát hiện các phương thức thủ đoạn, đặc điểm như trên thì kịp thời thông báo cho cơ quan Công an nơi gần nhất hoặc gọi điện thoại về Trực ban Cơ quan CSĐT Công an thị xã Ba Đồn thông qua số điện thoại: 0232.3.513.388 để kịp thời điều tra, bắt giữ, xử lý.

Nguồn tin: Công an thị xã Ba Đồn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

GIỚI THIỆU TỔNG QUAN WEBSITE BADONTV.VN - TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TỔNG HỢP TRUNG TÂM VĂN HÓA-THỂ THAO VÀ TRUYỀN THÔNG THỊ XÃ BA ĐỒN

Địa chỉ Website: badontv.vn Tên gọi: BĐRT (BaDon Radio Television) Trang thông tin điện tử tổng hợp Trung tâm Văn hóa - Thể thao và Truyền thông (Trung tâm VH-TT&TT) thị xã Ba Đồn. Tôn chỉ, mục đích: Website được xây dựng, hoạt động nhằm đăng tải, lưu trữ các văn bản bao gồm tin tức, sự kiện,...

Thống kê
  • Đang truy cập184
  • Máy chủ tìm kiếm31
  • Khách viếng thăm153
  • Hôm nay29,193
  • Tháng hiện tại758,989
  • Tổng lượt truy cập34,289,708
SĐT nhận cung cấp thông tin
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây