PHÒNG CHỐNG TỘI PHẠM TRỘM CẮP TÀI SẢN, LỪA ĐẢO CHIẾM ĐOẠT TÀI SẢN VÀ HOẠT ĐỘNG LIÊN QUAN “TÍN DỤNG ĐEN”

Thứ năm - 18/06/2020 09:03
Trong thời gian qua trên địa bàn tỉnh Quảng Bình nói chung và thị xã Ba Đồn nói riêng, tình hình các loại tội phạm trộm cắp tài sản, lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua mạng xã hội, hoạt động liên quan “Tín dụng đen” có diễn biến hết sức phức tạp, gây tâm lý lo lắng trong quần chúng nhân dân. Để góp phần nâng cao nhận thức của bà con đối với các loại tội phạm này để bà con nâng cao cảnh giác trong phòng, chống tội phạm, Công an thị xã Ba Đồn phối hợp với Đài Truyền thanh - Truyền hình thị xã Ba Đồn xin giới thiệu với bà con nhân dân thị xã Ba Đồn bài tuyên truyền tội phạm trộm cắp tài sản và lừa đảo qua mạng xã hội , hoạt động liên quan “tín dung đen” để bà con có biện pháp phòng ngừa:
1. Đối với tội phạm trộm cắp tài sản.
Theo số liệu của Công an thị xã, trong năm 2019 và 6 tháng đầu năm 2020 trên địa bàn thị xã xảy ra 33 vụ, thiệt hại tài sản khoảng 682.994.000đ. Sau khi tiến hành điều tra các vụ việc Công an thị xã đã làm rõ một số phương thức của tội phạm trộm cắp tài sản và sự lơ là, mất cảnh giác của người dân mà các đối tượng lợi dụng để trộm cắp tài sản, như:
Thứ nhất: Một số bà con để xe máy ở sân hoặc để những nơi công cộng (thậm chí không rút khóa), hoặc bỏ tiền, vàng và các vật có giá trị vào cốp xe.... Các đối tượng khi thấy xe có chìa khóa thì các đối tượng mở khóa và nổ máy trộm xe, còn nếu đã khóa cổ thì chúng sử dụng vam bẻ khóa; dùng móc để cạy lấy tiền và các tài sản có giá trị để trong cốp xe, thời gian để thực hiện chỉ khoảng 15 giây.
Vậy nên bà còn không nên để tiền, vàng và các vật có giá trị trong cốp xe. Nên tạo thói quen đưa xe vào nhà, rút chìa khóa và khóa cổng, lắp các hệ thống chống trộm hoặc mua khóa bánh xe khóa lại; buổi tối nên đưa xe vào nhà trước khi đi ngủ, gửi xe tại các điểm trông gửi xe...
Thứ hai: Người dân thường để điện thoại, ví tiền, máy tính và các vật có giá trị ở các vị trí dễ thấy, dễ lấy như ở bàn tiếp khách, cắm sạc điện thoại gần của sổ, để ví tiền trong quần treo lên móc và không khóa cửa chính, cửa sổ. Khi đi ra ngoài làm vườn, hoặc buổi đêm không đóng cửa sổ, cửa nhà… các đối tượng lợi dụng để lẻn vào trộm tài sản. Khi đêm xuống lúc mọi người ngủ say chúng sử dụng một cái cần có móc và có dính nam châm hoặc băng dính quấn đầu gậy để đưa điện thoại, chìa khóa ra ngoài; hoặc một số gia đình khi vắng nhà mà không  đóng cửa sổ có song cửa bằng gổ thì các đối tượng sẽ cưa song để vào nhà lấy trộm tài. Trong năm 2017 trên địa bàn thị xã đã liên tiếp xảy ra các vụ trộm két với tài sản bị thiệt hại rất lớn; Hiện nay bà con chúng ta có thói quen cho tiền, vàng, giấy tờ quan trọng vào trong két sắt, cất giữ cho rằng là an toàn, Các đối tượng trộm cắp rất xảo quyệt, tinh vi, chúng có thể dùng khò để phá; máy cắt, dùng xà beng, búa, dao to cạy chặt phá mặt két để lấy tài sản một cách dễ dàng.
Do đó khuyến cáo bà con không nên để tiền vàng, các vật có giá trị trong nhà mà nên gửi ở ngân hàng, không để điện thoại, ví, laptop ở các nơi dễ thấy, dễ lấy. Ban đêm hoặc khi đi vắng nên đóng hết tất cả các cửa.
Thứ ba: Hiện nay có rất nhiều vụ mất trộm chó, gà, các đối tượng thường lợi dụng đêm tối, lúc bà con ngủ say để trộm. Vì vậy, bà con nên gia cố chuồng  trại, thay các khóa có chất lượng, sử dụng đèn sáng để chiếu sáng ban đêm hay sử dụng hệ thống dây chuông tự động để khi các đối tượng vào trộm chuông sẽ phát tiếng kêu.
Thứ tư: Các đối tượng đóng giả là nhân viên chuyển phát nhanh, nhân viên bưu điện, giả là người quen của gia đình, đồng nghiệp của bố, mẹ, thợ sữa chữa ống nước, thợ điện để lợi dụng sơ sở của người dân, đặc biệt là lợi dụng lúc bố mẹ vắng nhà để vào nhà trộm cắp tài sản. Khi tiếp xúc cần phải cẩn trọng, nâng cao cảnh giác để nhận biết người đang đối diện mình. Đặc biệt nhất là chú ý đến thời gian và địa điểm tiếp xúc, sau đó là ngôn ngữ, cử chỉ. Do đó khuyến cáo bà con khi người già và trẻ em ở nhà, có người lạ mặt đến, tuyệt đối khổng mở cổng để người đó vào nhà, cần gọi điện để xác minh thông tin, hoặc sử dụng các câu hỏi để nhận biết các đối tượng phạm tội.
Thứ năm: Các đối tượng thường đến các khoa, phòng điều trị tại các Bệnh viên, chúng thường đi lại nhiều lần ngoài hành lang hoặc trực tiếp vào phòng điều trị bệnh nhân, giả vờ là người nhà đi thăm, nuôi để tiếp cận bệnh nhân, người nhà bệnh nhân đang nằm một mình lúc sáng sớm, buổi trưa, buổi tối, thời gian mà người nhà bệnh nhân đi ăn, ngủ, được vào thăm gặp để lợi dụng sơ hở trộm tiền, điện thoại…để giấu ở đầu giường, trong túi quần áo. Nếu bị phát hiện thì chúng giả vờ người nhà bệnh nhân đến thăm nuôi để tẩu thoát. Trong 6 tháng đầu năm 2020 Công an thị xã đã điều tra làm rỏ 02 đối tượng ở xã Quảng Tiên và xã Phù Hóa, huyện Tuyên Hóa thực hiện 10 vụ trộm cắp tài sản tại Bệnh viện Đa khoa Bắc Quảng Bình.
Vậy các đối tượng thường làm gì trước khi gây án, đó là chúng thường có các hoạt động tiếp cận hiện trường để thăm dò, xem xét, tìm hiểu quy luật đi lại của người có tài sản, vị trí cất giấu tài sản của bà con, sơ đồ nhà, vườn, chổ tẩu thoát nếu bị phát hiện, đặc biệt là một số người dân có số tiền lớn sau khi bán đất, bò, heo, rút tiền từ ngân hàng về hoặc nhận tiền con gửi ở nước ngoài về...  để nắm những sơ hở, thiếu sót, mất cảnh giác trong công tác quản lý, bảo vệ tài sản để thực hiện hành vi trộm cắp.
Để đối phó với thủ đoạn này, bà con cần cảnh giác, khi đi ra khỏi nhà nên kiểm tra kỹ lưỡng các cửa ra vào, đóng cửa cẩn thận trước khi ra khỏi nhà, nếu đi xa nên nhờ người trông nhà hộ. Đồng thời không nên để tài sản, tiền mặt số lượng lớn ở trong nhà. Bà con không nên để chìa khóa ở dưới chậu cây, vị trí che khuất nên khi các đối tượng theo dõi sẽ biết được địa điểm cất chìa khóa, do đó trong gia đình mỗi người nên cần có một chìa khóa riêng và bỏ thói quen dấu chìa khóa ở những vị trí mà bà con cho là an toàn, kín đáo…
Một điều mà bà con nhân dân cấn lưu ý đó là khi phát hiện trộm đột nhập vào nhà, Công an thị xã Ba Đồn khuyến cáo, người dân không nên một mình đánh lại trộm tránh trường hợp nhiều tên tội phạm mang hung khí nguy hiểm gây ảnh hưởng đến tính mạng, sức khỏe cho bà con nhân dân; nên tìm các biện pháp để gọi báo Công an, người thân, hàng xóm để hỗ trợ từ bên ngoài vào. Ngoài ra củng mong bà con nếu phát hiện các đối tượng có biểu hiện nghi vấn trộm cắp tài sản thì báo tin cho lực lượng công an để theo dõi.
2. Đối với tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Thời gian qua Công an thị xã Ba Đồn đã tiếp nhận được nhiều tin báo, tố giác của người dân về việc bị lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua mạng viễn thông, mạng xã hội, một số thủ đoạn các đối tượng thường xuyên sử dụng như sau:
Thứ nhất: Khi bà con nhận được cuộc gọi từ số lạ giới thiệu là nhân viên ở một công ty nào đó thông báo với bạn rằng bạn đã may mắn trúng thưởng hoặc có người gửi cho bạn món quà là một chiếc xe máy, điện thoại, tivi hoặc số tiền lớn và để được nhận thưởng hoặc nhận hàng họ đề nghị bạn cào thẻ cào viettel, mobi hoặc vina với số tiền lớn gửi cho họ hoặc gửi một số tiền vào tài khoản của họ để được nhận thưởng. Chúng còn yêu cầu bà con không được tắt điện thoại và không được cho bất kỳ ai biết thì đó chính là đối tượng lừa đảo qua điện thoại.
Thứ hai: Khi bà con nhận được các cuộc gọi điện thoại từ các số điện thoại lạ, người gọi điện thoại tự giới thiệu mình là cán bộ thuộc Bộ Công An, Viện kiểm sát đang điều tra một vụ án trong đó có liên quan đến số tiền bà con gửi trong tài khoản tại ngân hàng và yêu cầu bà chuyển số tiền lớn đến số tài khoản Ngân hàng mà chúng đưa ra để phối hợp điều tra và hẹn sau 2-3 ngày sẽ chuyển hoàn trả lại số tiền trên cho bà con, thì đó cũng là một thủ đoạn của bọn tội phạm lừa đảo.
Thứ ba: Hiện nay một số gia đình có con, người thân, bạn bè đang xuất cảnh lao động nước ngoài, hoặc đi làm ăn xa mà dùng facebook để liên lạc với gia đình, với bà con. Khi bà con nhận được tin nhắn hoặc cuộc gọi qua facebook không rõ tiếng, nhìn không rõ hình và lý nhí vài câu với thời lượng khoảng 10 đến 15 giây với nội dung là yêu cầu bà con gửi tiền, gửi mã số thẻ cào viettel, mobi hoặc vina để đầu tư kinh doanh, bán thẻ cào với giá gấp đôi cho khách du lịch để thu lãi rất cao. Khi chúng ta hỏi lại vì sao không nghe rỏ lại thì nói đang bận học, hoặc đang ở ngoài đường ồn ào mà bạn không thể nghe rỏ giọng con mình, người quen của mình thì chắc chắn đó là các đối tượng đã hack facebook của con bạn, người thân của bạn  để lừa tiền của bạn.
Thứ tư: Khi có một số tài khoản facebook có hình ảnh đại diện là quân nhân nước ngoài kết bạn làm quen, nói chuyện với bạn. Sau thời gian nói chuyện các đối tượng tự nhận là quân nhân đang đóng quân ở các nước trung đông như Siry, Libya… gần về hưu, khi đã nói chuyện tạo được tình cảm, lòng tin các đối tượng sẽ nói là muốn về Việt Nam du lịch vì quý hoặc một lý do nào đó mà có tặng bạn một số đồ vật, tài sản, gói quà. Sau đó bạn nhận được điện thoại từ số lạ giới thiệu là nhân viên hải quan thông báo bạn đã có phần quà gửi từ nước ngoài về với giá trị lớn để nhận quà đề nghị bạn chuyển tiền vào tài khoản nào đó do các đối tượng cung cấp một số tiền với lý do dó là phí nhập khẩu, hoặc phí hải quan, sau đó vài ngày lại có cuộc điện thoại đề nghị bạn nộp tiền vào tài khoản nào đó với lý do phạt vì trong gói hàng có số lượng tiền ngoại tệ lớn là vi phạm pháp luật…
Thứ năm: Xuất hiện các cuộc từ nước ngoài về thông báo bạn có bưu phẩm có giá trị đang chờ nhận và yêu cầu bấm phím nào đó để được biết thông tin chi tiết. Sau khi bấm phím theo yêu cầu từ số điện toại trên sẻ gặp người thật giới thiệu là người của các đơn vị chuyển phát nhanh trao đổi làm rỏ các thông tin về bưu phẩm đang chờ phát. Sau đó đối tượng sẻ lấy thông tin cá nhân và hướng dẫn chuyển tiền đến một tài khoản để đóng phí nhận bưu phẩm, nếu bạn không biết hoặc thắc mắc về vụ việc, đối tượng thông báo cho kết nối đến số điện thoại mà các đối tượng nói là số điện thoại nóng của Công an. Sau vài lần thông báo và kết nối với đường dây nóng mà các đối tượng cho thì sẻ xuất hiện người giả danh Công an yêu cầu xác thực thông tin, sau đó hù dọa, thông báo thông tin tài khoản của bạn liên quan đến tội phạm bị điều tra, yêu cầu bạn chuyển tiền vào tài khoản mà các đối tượng cho để xác minh và hứa sau khi xác minh xong sẻ chuyển trả lại số tiền đó cho khách hàng. Sau khi bạn chuyển tiền chúng sẻ rút tiền và biến mất.
Những lúc như thế này bà con cần bình tĩnh, không vội vàng tin ngay mà cần bàn bạc nói cho người thân biết và báo ngay cho cơ quan công an để được hướng dẫn và xử lý.
3. Đối với hoạt động liên quan “tín dụng đen”
 Thời gian gần đây tình hình hoạt động hỗ trợ tài chính, đặc biệt là hoạt động “tín dụng đen”, cho vay với lãi suất cao trên địa bàn cả nước, tỉnh Quảng Bình nói chung và thị xã Ba Đồn nói riêng ngày càng gia tăng, diễn biến phức tạp mặc dù Công an tỉnh và Công an thị xã đã tập trung đấu tranh mạnh với tội phạm liên quan “tín dụng đen” tuy nhiên các đối tượng đã dùng các thủ đoạn tinh vi, sảo quyệt đội lốt các các cơ sở kinh doanh có điều kiện như dịch vụ Cầm đồ, hỗ trợ tài chính, vay tiền nhanh…(có phép hoặc không phép, treo biển hoặc không treo biển) để hoạt động nhằm qua mặt các cơ quan chức năng, chúng tiến hành các hoạt động rãi, dán tờ rơi cho vay thuận tiện, nhanh chóng không cần thế chấp tại các khu vực dân cư đông đúc nhằm dụ dỗ, lôi kéo những người đang cần tiền gấp để giải quyết các nhu cầu cấp bách trong cuộc sống. Đối tượng đi vay chủ yếu là học sinh, sinh viên, các con bạc và những người cần tiền gấp để phục vụ nhu cầu cá nhân và gia đình.
Trong đó hình thức cho vay nóng luôn có lãi suất rất cao, khi làm hợp đồng vay các đối tượng cho vay thường ghi mức lãi suất không quá mức mà pháp luật quy định cho phép, nhưng thực tế lại thu theo thỏa thuận bằng miệng với lãi suất rất cao. Có trường hợp đối tượng lợi dụng thành lập các cơ sở kinh doanh dưới hình thức cho thuê, mua bán, cầm đồ tài sản để trá hình thực hiện hành vi cho vay với lãi xuất cao.
Hoạt động của các đối tượng, cơ sở cho vay lãi nặng không chỉ xâm phạm đến trật tự quản lý kinh tế mà hệ lụy của nó còn làm nảy sinh các loại tội phạm xâm phạm quyền nhân thân, quyền sở hữu tài sản như: đòi nợ thuê, cưỡng đoạt tài sản, cố ý gây thương tích, bắt giữ người trái pháp luật, gây rối trật tự công cộng, đe dọa qua điện thoại, ném chất bẩn, chất thải vào nhà…làm cho nhiều người dân lâm vào cảnh trắng tay, nợ nần, thậm chí có rất nhiều người vì không có khả năng chi trả những khoản tiền lãi “cắt cổ” nên phải bán hết tài sản, gia đình ly tán, có người không chịu được áp lực từ phía các đối tượng cho vay đã tìm đến con đường tự tử… gây dư luận xấu trong đời sống nhân dân, ảnh hưởng đến tình hình ANTT trên địa bàn.
Dự báo trong thời gian tới tình hình hoạt động tín dụng đen, hỗ trợ tài chính cho vay với lãi suất cao trên địa bàn thị xã Ba Đồn sẽ còn diễn biến phức tạp có xu hướng mở rộng, liên kết địa bàn, phương thức hoạt động ngày càng chuyên nghiệp, tinh vi hơn với nhiều thủ đoạn, hình thức trốn tránh sự xử lý của cơ quan chức năng như: Cho vay tiền gộp, trả gốc và lãi hàng ngày, trả gốc vào một thời điểm ấn định và cho vay mua xổ số, chơi lô đề, cá độ bóng đá… Có trường hợp đối tượng lợi dụng thành lập các cơ sở kinh doanh dưới hình thức cho thuê, mua bán, cầm đồ tài sản để trá hình thực hiện hành vi cho vay với lãi xuất cao. Như: Người vay ký giấy bán xe hoặc tài sản có giá trị, sau đó làm hợp đồng thuê lại tài sản đã làm thủ tục mua, bán. Số tiền thuê tài sản chính là số tiền lãi và gốc đã vay, nếu người vay không trả được nợ đúng hạn thì các đối tượng đến gây áp lực buộc người vay giao tài sản để trừ nợ. Mục đích của các đối tượng cho vay chính là nhằm đối phó, che giấu hành vi nếu bị lực lượng Công an phát hiện. Khi đó các đối tượng sẽ trình ra các hợp đồng đã ký với người vay để chứng minh đây là các giao dịch dân sự thông thường đúng quy định pháp luật, không có nội dung thể hiện việc cho vay lãi nặng…
Có thể nói tín dụng đen là một hiện tượng xã hội nhức nhối, cần phải có sự vào cuộc xử lý của các cơ quan pháp luật, đồng thời phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị, của đông đảo quần chúng nhân dân trên địa bàn thị xã mới phòng ngừa và đấu tranh có hiệu quả với hoạt động “tín dụng đen” trên địa bàn. Do đó Công an thị xã khuyến cáo bàn con nhân dân không tham gia và vận động con em mình không tham gia vào các hoạt động cho vay trái quy định pháp luật, nêu cao cảnh giác tích cực phòng ngừa, cung cấp cho lực lượng Công an thị xã các thông tin, tài liệu liên quan hoạt động “tín dụng đen” để Công an thị xã tập trung đấu tranh với các đối tượng này.
          Với những phương thức và thủ đoạn của các loại tội phạm trên Công an thị xã kính thông báo với bà con để bà con nâng cao cảnh giác trong phòng ngừa tội phạm trộm cắp tài sản, lừa đảo tài sản qua mạng xã hội và tội phạm liên quan “tín dung đen”. Khi phát hiện hoặc bà con có các thông tin liên quan các loại tội phạm trên đề nghị bà con cung cấp thông tin cho công an thị xã qua số điện thoại: Trực ban: 02323.513.388;  Cảnh sát 113: 02323.513.113 hoặc Công an xã, phường nơi gần nhất để được xử lý./.
 

Tác giả bài viết: Công an thị xã Ba Đồn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Thống kê
  • Đang truy cập497
  • Máy chủ tìm kiếm9
  • Khách viếng thăm488
  • Hôm nay19,307
  • Tháng hiện tại324,076
  • Tổng lượt truy cập39,843,865
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây