Thị xã Ba Đồn hạn chế thiệt hại do cháy nổ gây ra

Thứ hai - 15/03/2021 15:11
     Thời tiết hiện nay đang bước vào thời điểm nắng nóng, vì vậy, nhu cầu sử dụng điện của người dân tăng đột biến, tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ cao. Xác định công tác phòng cháy chữa cháy (PCCC) là nhiệm vụ trọng tâm, đặc biệt trong mùa nắng nóng nên thị xã Ba Đồn đang tích cực quan tâm chỉ đạo thực hiện công tác tuyên truyền, kiểm tra, kiểm soát việc phòng chống cháy nổ (PCCN) trên địa bàn nhằm ngăn ngừa, hạn chế tối đa những thiệt hại về người và tài sản do cháy nổ gây ra...
Các cơ quan đơn vị được tập huấn phòng cháy chữa cháy
Các cơ quan đơn vị được tập huấn phòng cháy chữa cháy
     Theo số liệu thống kê, hiện nay, trên địa bàn toàn thị xã có hơn 200 cơ quan, doanh nghiệp, trường học; có 21 chợ, trong đó chợ Ba Đồn là đầu mối giao thương mua bán hàng hoá với số lượng lớn của khu vực phía Bắc tỉnh Quảng Bình; có 6 siêu thị; 16 cửa hàng xăng dầu; 47 điểm bán ga và 30 cơ sở mua bán phế liệu; hơn 20 kho hàng hóa nằm xen lẫn trong các khu dân cư. Phần lớn các trụ sở làm việc, kinh doanh đều là nhà cao tầng được xây dựng kiên cố, có số lượng hàng hóa lớn, được trang bị nhiều phương tiện máy móc hiện đại, lượng tiêu thụ điện năng lớn dễ dẫn đến tiềm ẩn nguy cơ cháy, nổ do điện gây ra. Chính vì vậy, để đảm bảo an toàn PCCC tại các cơ sở, đặc biệt trong mùa nắng nóng, thị xã Ba Đồn đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật về PCCC và tổ chức thực tập phương án chữa cháy tại chỗ nhằm nâng cao ý thức chấp hành pháp luật và tham gia công tác PCCC tại cơ sở.
      Ngoài ra, thị xã cũng tập trung đẩy mạnh các công tác nghiệp vụ cơ bản, tăng cường quản lý, kiểm tra an toàn PCCC đối với các cơ sở, địa bàn trọng điểm như: Chợ, siêu thị, trung tâm thương mại, nhà cao tầng, các công ty, doanh nghiệp trên địa bàn… hướng dẫn việc sử dụng bình chữa cháy đúng cách, kiểm tra thao tác và cách xử lý khi có tình huống cháy nổ xảy ra. Thường xuyên tự kiểm tra, phát hiện và khắc phục ngay những sơ hở, thiếu sót về PCCC tại cơ sở để hạn chế thấp nhất số vụ cháy và thiệt hại do cháy gây ra, góp phần đảm bảo an ninh trật tự, bảo đảm an toàn phòng chống cháy nổ, hạn chế tối đa những thiệt hại về người và tài sản do cháy nổ gây ra. Năm 2020, công tác PCCC ở thị xã Ba Đồn đã có nhiều chuyển biến tích cực, không có cháy, nổ xảy ra, số vụ cháy giảm 06 vụ, thiệt hại giảm 4,2 tỷ đồng so với năm 2019.
CÁc doanh nghiệp được tập huấn công tác phòng cháy chữa cháy
Nhân viên các doanh nghiệp được tập huấn công tác phòng cháy chữa cháy
    Để tăng cường PCCC mùa nắng nóng, thị xã đã tăng cường thực hành phương án PCCC tại các cơ quan, đơn vị và ký cam kết với các hộ kinh doanh hàng hoá dễ cháy nhằm bảo đảm phương án huy động phương tiện tại chỗ để kịp thời xử lý khi có sự cố về cháy nổ xảy ra. Các cơ quan chuyên môn kiểm tra thực tế tại các đơn vị, cơ sở có nguy cơ cháy nổ cao nhằm phát hiện những sơ hở, thiếu sót để chỉ đạo có biện pháp khắc phục ngay, đồng thời rút kinh nghiệm để chỉ đạo chung trên toàn thị xã. Theo nhận định của UBND thị xã, năm 2021, tình hình cháy nổ trên địa bàn vẫn còn tiềm ẩn những phức tạp, khó lường, có thể xuất phát từ các nguyên nhân, như: thời tiết nắng nóng, khô hạn gay gắt và kéo dài trên diện rộng; một số dự án, công trình trên địa bàn hiện đang triển khai xây dựng tương đối quy mô nên nhu cầu sử dụng điện, chất đốt, khí dầu mỏ hóa lỏng phục vụ sản xuất, sinh hoạt gia tăng; việc chấp hành các quy định của pháp luật về PCCC của một số cơ quan, đơn vị chưa nghiêm; lực lượng PCCC ở nhiều nơi còn mỏng, hoạt động chưa hiệu quả; công tác PCCC ở đa số các chợ chưa được chú trọng, hệ thống chữa cháy tại chỗ còn thiếu, hư hỏng nhưng chưa được bổ sung, thay thế; tình trạng câu móc, sử dụng điện tùy tiện không đúng quy cách vẫn còn xảy ra... Vì thế, nguy cơ cháy, nổ là rất cao. Vì vậy, vừa qua, Thị xã đã tổ chức hội nghị triển khai công tác phòng cháy chữa cháy,  cứu nạn cứu hộ và quản lý, bảo vệ, phòng cháy chữa cháy rừng năm 2021, qua đó xác định nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2021, đối với công tác PCCC, cần chú trọng quản lý cơ sở vật chất, đặc biệt là kiểm tra hệ thống điện; triển khai huấn luyện, luyện tập cho cán bộ PCCC; phối hợp với các địa phương tăng cường vận động nhân dân tham gia giám sát; tiếp tục triển khai nghiêm túc luật PCCC; đẩy mạnh công tác tuyên truyền công tác PCCC; Tiếp tục thực hiện tốt phương châm 4 tại chỗ khi có cháy, nổ xảy ra; hoàn thành chỉ tiêu 100% thôn, tổ dân phố có đội dân phòng; triển khai thực hiện phương án PCCCR đến tận cơ sở theo phương châm 4 tại chỗ, lấy công tác phòng là chính, chữa cháy phải khẩn trương, kịp thời..vv…
    Đồng thời, để đảm bảo an toàn phòng cháy và chữa cháy đối với nhà ở, phòng ở, chủ hộ và các thành viên trong gia đình cần thực hiện các biện pháp sau đây:
    - Không để nhiều đồ dùng, hàng hoá dễ cháy ở nơi đun nấu. Không dự trữ xăng, dầu, khí đốt và các chất lỏng dễ cháy ở trong nhà.

    - Không sử dụng gỗ, tấm nhựa, mút xốp... để ốp tường, trần, vách ngăn nhằm hạn chế cháy lan.
    - Khi sử dụng bàn là, bếp điện, lò sấy phải có người trông coi, không để trẻ nhỏ, người già mắt kém, người bị tàn tật, người bị tâm thần sử dụng các thiết bị điện.
    - Bố trí nơi thờ cúng hợp lý, tường phía đặt bàn thờ, trần phía trên bàn thờ phải bằng vật liệu không cháy. Đèn, hương, nến phải đặt chắc chắn trên các vật không cháy, cách xa vật dễ cháy.

   - Nơi đun nấu phải có vách ngăn bằng vật liệu không cháy
   - Trước khi đi ra khỏi nhà và trước khi đi ngủ phải kiểm tra nơi đun nấu, nơi thờ cúng, tắt các thiết bị điện không cần thiết.
   - Mỗi gia đình nên có dự kiến các tình huống thoát nạn khi có cháy xảy ra. Trang bị dụng cụ trữ nước, xô thùng xách nước để vừa phục vụ sinh hoạt, vừa phục vụ chữa cháy, trang bị bình chữa cháy và mọi người trong gia đình phải học tập để sử dụng thành thạo các dụng cụ chữa cháy đã được trang bị.
   - Khi xảy ra cháy tìm mọi cách báo cháy nhanh nhất cho mọi người xung quanh biết, gọi điện thoại cho Cảnh sát Phòng cháy và Chữa cháy theo số 114 hoặc đội dân phòng, chính quyền, công an xã, phường gần nhất, đồng thời sử dụng phương tiện để chữa cháy và thoát nạn theo tình huống đã dự kiến.
     Đối với công tác bảo vệ và phát triển rừng, cần xây dựng kế hoạch cụ thể; huy động sức mạnh nhân dân, đặc biệt tại các xã có diện tích rừng lớn; tăng cường công tác tuyên truyền; tổ chức phương án tuần tra thường xuyên; nâng cao trách nhiệm của đơn vị kiểm lâm… Bên cạnh đó chỉ đạo các đơn vị sản xuất kinh doanh có nhiều nguy cơ xảy ra cháy nổ xây dựng, bổ sung phương án PCCC, UBND thị xã yêu cầu các cơ quan, đơn vị và địa phương tăng cường tuyên truyền, nhắc nhở cán bộ và nhân dân nâng cao ý thức tuân thủ các quy định về PCCC, phát hiện và xử lý kịp thời các sự cố phát sinh cháy nổ, nhất là vào các thời điểm nắng nóng, các khu vực tập trung đông người.
     Để có thể bảo đảm an toàn, hạn chế phát sinh cháy nổ trong mùa nắng nóng, điều quan trọng nhất là mỗi người, mỗi nhà, mỗi cơ sở sản xuất kinh doanh cần nâng cao hơn nữa ý thức cảnh giác và sự chủ động phòng ngừa, đảm bảo an toàn cho các hoạt động hàng ngày. Vì vậy, thị xã Ba Đồn luôn chú trọng và tích cực tuyên truyền kiểm tra, hướng dẫn về công tác cháy nổ một cách sâu rộng đến từng cán bộ và nhân dân để mọi người tự giác thực hiện và đề phòng tai nạn do nguyên nhân cháy nổ gây ra.

Tác giả bài viết: Lệ Hằng

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Thống kê
  • Đang truy cập141
  • Hôm nay2,247
  • Tháng hiện tại495,560
  • Tổng lượt truy cập38,411,231
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây