NGÀY 1/5 TRỞ THÀNH NGÀY QUỐC TẾ LAO ĐỘNG NHƯ THẾ NÀO?
Cuối thế kỷ XIX, chủ nghĩa tư bản bước sang giai đoạn độc quyền. Cùng với sự phát triển của nền kinh tế tư bản, giai cấp tư sản tăng cường bóc lột và bần cùng hóa công nhân lao động, dẫn đến mâu thuẫn giai cấp ngày càng sâu sắc và đi liền cùng đó là các cuộc đấu tranh giữa giai cấp vô sản với giai cấp tư sản diễn ra với quy mô ngày càng lớn. Một trong những nội dung quan trọng của các cuộc đấu tranh đó chính là vấn đề thời gian lao động.
Đặc biệt, C. Mác coi việc rút ngắn thời gian lao động là một nhiệm vụ đấu tranh của giai cấp vô sản. Vì thế, sau khi thành lập Quốc tế I (1864), tại Đại hội lần thứ nhất Quốc tế I (9/1866), vấn đề đấu tranh đòi ngày làm việc 8 giờ được coi là một nhiệm vụ quan trọng. Khẩu hiệu “Ngày làm 8 giờ” sớm xuất hiện ở một số nơi của nước Anh - quốc gia có nền công nghiệp phát triển sớm nhất thế giới. Từ đây, yêu sách này dần lan rộng sang các nước khác.
Nghị quyết của Đại hội Liên đoàn Lao động Mỹ họp tại thành phố Chicago (1884) nêu rõ: “Từ ngày 1/5/1886, ngày lao động của tất cả các công nhân sẽ là 8 giờ”. Vì thế, ngày 1/5/1886, khi yêu cầu ngày làm 8 giờ không được đáp ứng, công nhân toàn nước Mỹ đã tham gia bãi công, gây áp lực buộc giới chủ thực hiện yêu sách của mình... Hơn một năm sau ngày đấu tranh đó, các thủ lĩnh của cuộc đấu tranh ở Chicago đã bị chính quyền Mỹ xử tử, song chính quyền cũng buộc phải ban hành đạo luật ngày làm 8 giờ...
3 năm sau cuộc đấu tranh tại Chicago (1886), Quốc tế II được thành lập (1889). Dưới sự lãnh đạo của Ph. ĂngGhen, Đại hội lần thứ nhất - Quốc tế II đã quyết định lấy Ngày 1/5 hằng năm làm ngày biểu dương lực lượng và đấu tranh chung của giai câp vô sản các nước. Từ đó, 1/5 trở thành Ngày Quốc tế Lao động và ngày này được kỷ niệm với quy mô thế giới.
NGUYỄN ÁI QUỐC ĐẶC BIỆT QUAN TÂM ĐỜI SỐNG NHÂN DÂN LAO ĐỘNG
Vào thập niên 1920, trên hành trình bôn ba đi tìm đường cứu nước, hòa mình với cuộc đấu tranh của giai cấp vô sản, với đời sống của nhân dân lao động ở các quốc gia, tại nhiều châu lục, Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh đã tham dự một số lễ kỷ niệm Ngày Quốc tế Lao động 1/5.
Năm 1920, tại nước Pháp, mật thám Giăng ghi trong hồ sơ: "Nguyễn Ái Quốc dự mít tinh kỷ niệm ngày 1/5 với nhóm đảng viên Xã hội ở Cremlanh- Bixéttơrơ. Anh đã lên diễn đàn, đề cập đến vấn đề đang được bàn trên báo L'Humanité: "Chương trình hoạt động của nhóm Xã hội đòi ngừng gửi người thuộc địa sang Pháp"(1). Buổi tối Ngày Quốc tế Lao động 1/5/1922, tại nước Pháp, Người đã dự "cuộc mít tinh kỷ niệm ngày 1/5 tại số 33 La Gơ rănggiơ ô Benlơ"(2).
Ngày 30/4/1924, tại nước Nga, Nguyễn Ái Quốc nhận được thư mời tham dự lễ kỷ niệm Ngày Quốc tế Lao động 1/5 tổ chức tại Quảng trường Đỏ ở thủ đô Mátxcơva; trong đó ghi rõ: "Theo đề nghị của Thành ủy Mátxcơva, Ban Bí thư Quốc tế Cộng sản mời đồng chí ngày mai, 1 tháng 5, từ 12giờ đến 2 giờ chiều có mặt tại Hồng trường để nói chuyện với những người biểu tình" và đi kèm thư mời là Thẻ đi lại (GIẤY PHÉP ĐƯỢC ĐI LẠI KHẮP NƠI) do Bộ Tư lệnh bảo vệ Thủ đô Mátxcơva cấp, ghi cụ thể: "Thẻ đi lại công tác, cấp cho đồng chí Nguyễn Ái Quốc, được quyền đi lại trên Quảng trường Đỏ trong ngày biểu dương lực lượng 1 tháng 5"(3).
Tại Trung Quốc, trong Ngày Quốc tế Lao động 1/5/1925, Nguyễn Ái Quốc cùng với những người cộng sản Trung Quốc tham gia tổ chức Đại hội lần thứ nhất của nông dân tỉnh Quảng Đông, để chuẩn bị thành lập Hội Nông dân tỉnh và thống nhất công tác lãnh đạo và đấu tranh của giai cấp nông dân trên địa bàn tỉnh...
Không chỉ quan tâm đến vấn đề đời sống nhân dân lao động các nước tư bản, Nguyễn Ái Quốc còn đặc biệt quan tâm vấn đề này ở các nước thuộc địa và phụ thuộc. Những vấn đề liên quan đến đời sống của nhân dân lao động, nhất là ngày làm việc 8 giờ đã được ghi rõ trong Chánh cương vắn tắt của Đảng, được thông qua tại Hội nghị hợp nhất các tổ chức cộng sản, thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (1930). Cụ thể, Chánh cương vắn tắt của Đảng nêu rõ: "Chủ trương làm tư sản dân quyền cách mạng và thổ địa cách mạng để đi tới xã hội cộng sản"; "đánh đổ chủ nghĩa đế quốc Pháp và phong kiến. Làm cho nước Nam hoàn toàn độc lập. Dựng ra chính phủ công nông binh. Tổ chức ra quân đội công nông"; "thủ tiêu hết các thứ quốc trái. Thâu hết sản nghiệp lớn (…) của tư bản đế quốc Pháp giao cho Chính phủ công nông binh quản lý"; "thâu hết ruộng đất của đế quốc chủ nghĩa làm của công chia cho dân cày nghèo", "bỏ sưu thuế cho dân cày nghèo", "mở mang công nghiệp và nông nghiệp", "thi hành luật ngày làm 8 giờ"(4)…
NGÀY QUỐC TẾ LAO ĐỘNG VÀ NHỮNG CAO TRÀO CÁCH MẠNG
Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, cách mạng Việt Nam đã có người cầm lái. Con đường cách mạng Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng không chỉ đáp ứng nhu cầu tất yếu của lịch sử dân tộc mà còn phù hợp xu thế thời đại, hòa mình vào dòng chảy chung của sự nghiệp cách mạng thế giới. Trên hành trình đấu tranh cho độc lập, tự do, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh: "Đảng là đội tiên phong của vô sản giai cấp, phải thu phục cho được đại bộ phận giai cấp mình, phải làm cho giai cấp mình lãnh đạo được dân chúng"(5); đồng thời, "phải thu phục cho được đại bộ phận dân cày nghèo" và "trong khi liên lạc với các giai cấp, phải rất cẩn thận, không khi nào nhượng một chút gì lợi ích gì của công nông mà đi vào đường thỏa hiệp"(6)…
Dưới sự lãnh đạo của Đảng, một làn sóng đấu tranh cách mạng đã nổ ra từ khắp thành thị đến nông thôn. Nhân dân lao động đã treo cờ Đảng ở nơi công cộng, rải truyền đơn ở các đường phố, công sở… Nhiều cuộc mít tinh biểu tình, bãi công, tuần hành thị uy được tiến hành ở nhiều nơi. Trên cơ sở đó, Đảng chủ trương lấy việc kỷ niệm Ngày Quốc tế Lao động 1/5 để phát động một cao trào cách mạng rộng lớn trong toàn quốc.
Trên hành trình đấu tranh cho độc lập, tự do, hưởng ứng cuộc đấu tranh đòi quyền lợi cho giai cấp công nhân, phong trào đấu tranh ngày 1/5/1930 đã mở đầu cho cao trào cách mạng 1930-1931 mà đỉnh cao là Xô Viết- Nghệ Tĩnh. Lần đầu tiên trong lịch sử cách mạng Việt Nam, giai cấp công nhân và nhân dân lao động toàn quốc đã mít tinh, biểu tình kỷ niệm Ngày Quốc tế Lao động 1/5; đã thể hiện rõ sức mạnh của khối liên minh công - nông trong việc đấu tranh đòi quyền lợi và bày tỏ tình đoàn kết với giai cấp công nhân thế giới…
Tại nhà máy xe lửa Trường Thi, nhà máy Cưa, nhà máy diêm Bến Thủy (Nghệ An), hàng nghìn thợ thuyền cùng sát cánh với các giới thợ hỏa xa, thợ in, nông dân ngoại thành đòi ngày làm việc 8 giờ, giảm sưu thuế. Cùng với đó, cuộc đấu tranh của 4.000 công nhân nhà máy sợi Nam Định và cuộc mít tinh với 5.000 người tham dự được tổ chức tại rạp hát Thành Xương (Sài Gòn)… đã góp phần vào cao trào cách mạng toàn quốc do Đảng lãnh đạo.
Sau cao trào cách mạng 1930 - 1931, việc kỷ niệm Ngày Quốc tế Lao động 15 không được tiến hành rầm rộ ở bên ngoài, song vẫn được tổ chức trong các lao tù của đế quốc. Các chiến sĩ cộng sản bị bắt giam trong nhà tù đã tổ chức kỷ niệm Ngày 1/5 để không chỉ giữ vững tinh thần đấu tranh cách mạng mà còn bồi đắp tinh thần, ý chí và quyết tâm cho cuộc đấu tranh sắp tới, vì độc lập, tự do của Tổ quốc.
Bước sang thời kỳ 1936-1939, lợi dụng điều kiện hoạt động công khai hợp pháp, Đảng lãnh đạo nhân dân lao động tổ chức kỷ niệm Ngày Quốc tế Lao động 1/5 một cách trọng thể, rộng lớn, nhằm đạt những mục tiêu cụ thể, thiết thực. Ở Sài Gòn, bộ phận công khai của Đảng tổ chức mít tinh có hàng ngàn người tham gia, với các khẩu hiệu đòi tự do, dân chủ, triệt để thi hành luật lao động, đòi tăng lương, giảm sưu thuế, chống chiến tranh, ủng hộ hòa bình, ủng hộ Liên Xô và cuộc kháng chiến của nhân dân Trung Quốc, Tây Ban Nha. Đặc biệt, cuộc mít tinh ngày 1/5/1938 tại trường Đấu xảo Hà Nội (Cung Văn hóa Lao động Hữu nghị Việt - Xô ngày nay) đã thu hút trên 25.000 người của 25 đoàn khác nhau tham gia. Đây là cuộc mít tinh lớn nhất nhằm biểu dương sức mạnh của nhân dân lao động trong trong thời kỳ vận động dân chủ.
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời, Ngày 1/5 trở thành ngày hội lớn của giai cấp công nhân và nhân dân lao động cả nước. Ngày 18/2/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 22 -C/NV/CC về những ngày nghỉ Tết, kỷ niệm lịch sử và lễ tôn giáo; trong đó, công bố: Ngày 1/5 là một trong những ngày lễ chính thức và công nhân, lao động cả nước được nghỉ một ngày có hưởng lương. Kể từ đây, Ngày Quốc tế Lao động 1/5 được coi là một trong những ngày lễ chính thức hằng năm ở Việt Nam.
Để cổ vũ, động viên nhân dân lao động cả nước trong thực hiện các phong trào thi đua yêu nước nhân kỷ niệm Ngày Quốc tế Lao động 1/5, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh: “Trọng tâm thi đua là: Quân đội thi đua giết giặc lập công. Công nhân thi đua tăng gia sản xuất. Nông dân thi đua sản xuất lương thực. Trí thức thi đua sáng tác, phát minh. Cán bộ thi đua cần, kiệm, liêm, chính. Toàn dân thi đua tích cực tham gia kháng chiến” (1/5/1951); "cùng với nhân dân lao động toàn thế giới, chúng ta nhiệt liệt chào mừng Ngày 1/5 trong lòng đầy tin tưởng và phấn khởi quyết tâm vượt mọi khó khăn, tiến lên làm tròn những nhiệm vụ mới” (1/5/1958) và Người đã gửi điện khen ngợi thanh niên trên công trường khôi phục đường sắt Thanh Hoá - Vinh; trong đó, có việc xây lại Cầu Hàm Rồng (1/5/1964)…Ngày 29/4/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 56/SL quy định công nhân được hưởng lương ngày nghỉ lễ Quốc tế Lao động 1/5. Ngày 1/5/1946, lần đầu tiên trong lịch sử nước ta, ngày Quốc tế Lao động được tổ chức trọng thể tại Hà Nội, với sự tham dự của 20 vạn nhân dân lao động. Nhân dịp này, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc lời kêu gọi: “Cùng toàn quốc đồng bào! Cùng anh chị em lao động! Ngày 1 tháng 5 là một ngày tết chung cho lao động cả các nước trên thế giới. Đó là một ý nghĩa đoàn kết rất sâu xa. Ở nước ta, lần này là lần đầu đồng bào ta, anh chị em lao động ta, được tự do đón tiếp ngày 1 tháng 5. Vậy nên nó có ý nghĩa đặc biệt sâu xa hơn nữa. Đối với chúng ta nó là một ngày để tỏ cho thế giới biết rằng ngày này chẳng những là ngày tết lao động, mà nó còn là ngày toàn dân đoàn kết. Đoàn kết để giữ vững tự do dân chủ. Đoàn kết để kiến thiết nước nhà. Đoàn kết để xây dựng một đời sống mới”(7).
Sau thắng lợi của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975, miền Nam đã được giải phóng, Tổ quốc thống nhất, cả nước cùng đi lên chủ nghĩa xã hội. Trải qua quá trình đấu tranh cách mạng, giai cấp công nhân Việt Nam đã trưởng thành về chính trị, tư tưởng và tổ chức; đã phát triển rất nhanh chóng cả về số lượng, chất lượng, cơ cấu và ngày càng đóng vai trò lớn trong quá trình phát triển kinh tế, đảm bảo sản xuất ở tất cả các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế. Hơn lúc nào hết, giai cấp công nhân Việt Nam - lực lượng nòng cốt trong liên minh công nhân, nông dân, đội ngũ trí thức dưới sự lãnh đạo của Đảng đang đi đầu trong sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc.
TIẾP TỤC PHÁT HUY TINH THẦN NGÀY QUỐC TẾ LAO ĐỘNG 1/5
Thực tế cho thấy, từ những hoạt động thực tiễn của mình, Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh đã sớm đến với Ngày Quốc tế Lao động 1/5 và Ngày 1/5 cũng sớm đến với phong trào đấu tranh cách mạng của giai cấp công nhân và nhân dân lao động Việt Nam. Trở thành ngày hội lớn, Ngày Quốc tế Lao động 1/5 hằng năm là ngày Tết đầy ý nghĩa của nhân dân lao động cả nước. Thông qua ngày lễ kỷ niệm đó, giai cấp công nhân và nhân dân lao động cả nước đoàn kết, cùng chung sức, đồng lòng, thi đua lập thành tích để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; đồng thời, đoàn kết rộng rãi và thắt chặt quan hệ với các tổ chức công đoàn trên thế giới, thực hiện đường lối đối ngoại của Đảng vì hòa bình, hợp tác phát triển, góp phần quan trọng vào sự nghiệp đổi mới và hội nhập quốc tế của đất nước. |
Phát huy tinh thần, ý nghĩa và giá trị thiết thực của ngày Quốc tế Lao động, Ngày 1/5, từ năm 2011, tại Lễ kỷ niệm 125 ngày Quốc tế Lao động 1/5, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã phát động "Tháng Công nhân” năm 2011. Ngày 24/2/2012, Ban Bí thư Trung ương Đảng đồng ý chủ trương lấy tháng 5 hằng năm là “Tháng Công nhân", với mục tiêu chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của công nhân, viên chức và người lao động; xây dựng quan hệ lao động hài hoà, ổn định, tiến độ trong doanh nghiệp; nhất là tăng cường sự lãnh đạo của các cấp uỷ đảng và nâng cao trách nhiệm của chính quyền các cấp để chăm lo xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hoá đất nước. "Tháng Công nhân” hằng năm trở thành ngày hội của công nhân, viên chức và người lao động cả nước, vừa là ngày kỷ niệm Quốc tế Lao động lại vừa là điểm xuất phát của nhiều phong trào thi đua yêu nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Trong "Tháng Công nhân", cấp ủy, chính quyền và các tổ chức đoàn thể chính trị, xã hội cả nước chú trọng xây dựng kế hoạch hành động nhằm xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam có bản lĩnh chính trị vững vàng, có tinh thần đoàn kết, có trình độ chuyên môn, nghề nghiệp vững, đáp ứng yêu cầu của công việc…; đồng thời, tuyên truyền, giáo dục, làm cho tổ chức và cá nhân người sử dụng lao động nhận thức sâu sắc ý nghĩa và tầm quan trọng của "Tháng Công nhân”; chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên và người lao động…
Sau hơn 35 năm thực hiện công cuộc đổi mới và hội nhập quốc tế, nhất là sau hơn 12 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 6 khóa X/Nghị quyết số 20/NQ-TW về "Tiếp tục xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước", giai cấp công nhân Việt Nam không chỉ tăng về số lượng, trưởng thành về chất lượng; tổ chức công đoàn các cấp không chỉ ngày càng phát triển, hoạt động hiệu quả… mà còn tiếp tục khẳng định và phát huy vai trò, địa vị của mình trong thực tiễn xây dựng, bảo vệ Tổ quốc…
Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng tiếp tục nhấn mạnh và nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò của giai cấp công nhân. Nghị quyết nêu rõ yêu cầu "xây dựng giai cấp công nhân hiện đại, lớn mạnh; nâng cao bản lĩnh chính trị, trình độ học vấn, chuyên môn, kỹ năng nghề nghiệp, tác phong công nghiệp, kỷ luật lao động thích ứng với cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư"(8); Đưa Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng vào cuộc sống với tinh thần trên cần "chăm lo đời sống vật chất, tinh thần, nhà ở và phúc lợi xã hội cho công nhân; bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của công nhân. Đổi mới tổ chức và hoạt động của công đoàn phù hợp với cơ cấu lao động, nhu cầu, nguyện vọng của công nhân và yêu cầu hội nhập quốc tế…"(9). "Định hướng và quản lý tốt sự ra đời và hoạt động của các tổ chức công nhân tại doanh nghiệp ngoài tổ chức công đoàn hiện nay"(10) gắn với việc nâng cao kiến thức, hiểu biết pháp luật về quyền và nghĩa vụ của người lao động cho đoàn viên và người lao động.
Đồng thời, chú trọng đổi mới các hình thức tuyên truyền, giáo dục, nâng cao bản lĩnh chính trị, giữ vững bản chất giai cấp, kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội cho giai cấp công nhân gắn với việc mở đợt sinh hoạt chính trị rộng rãi để tuyên truyền, phổ biến, tham gia đóng góp ý kiến xây dựng Đảng, tiếp tục thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị khóa XII về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”.
Trong bối cảnh vượt qua khó khăn, khắc phục hệ lụy xấu từ dịch Covid- 19, phát huy vai trò của mỗi đoàn viên công đoàn và người lao động, phát huy tính chủ động, sáng tạo, sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, áp dụng khoa học tiên tiến của mỗi người lao động trong lao động sản xuất để không chỉ nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả trong sản xuất kinh doanh của đơn vị, doanh nghiệp mà còn thiết thực góp phần thực hiện mục tiêu kép: vừa chống dịch vừa bảo đảm tăng trưởng kinh tế.
TS. Văn Thị Thanh Mai
----------------------------
(1) (2) (3) Viện Hồ Chí Minh và các lãnh tụ của Đảng: Hồ Chí Minh biên niên tiểu sử, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2006, t.1, tr.95, 163, 128.
(4) (5) (6) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia -Sự thật, Hà Nội, 2011, t.3, tr.1-2, 3, 3.
(7) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2011, t.4, tr.251.
(8) (9) (10) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2021, t.1, tr.166, 166, 166.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn