Những phụ nữ làng tôi năm xưa đánh giặc

Thứ tư - 03/03/2021 07:31
Bà Nguyễn Thị Miện đang say sưa kể lại trận đánh ngày 12/6/1966 bắn rơi chiếc máy bay F4H của giặc Mỹ cho đồng đội và các cháu học sinh nghe.
Bà Nguyễn Thị Miện đang say sưa kể lại trận đánh ngày 12/6/1966 bắn rơi chiếc máy bay F4H của giặc Mỹ cho đồng đội và các cháu học sinh nghe.
           Năm 1965, giặc Mỹ điên cuồng bắn phá miền Bắc. Mảnh đất Quảng Minh quê tôi trở thành một cái túi bom khổng lồ, thành “tọa độ lửa”. Thanh niên trai tráng lên đường vào Nam đánh Mỹ, phụ nữ ở nhà thay nam giới đảm đang việc làng, việc nước.
          Trận bom đầu tiên địch ném xuống làng tôi làm chết và bị thương nhiều người. Không ít người hoảng sợ nhưng bà Hoàng Thị Trìa - một xã đội phó xông vào nơi bom rơi đạn nổ để cứu sập hầm.
          Những người phụ nữ quê tôi là như vậy đó. Bà Hoàng Thị Thiệu là Bí thư Đoàn xã Quảng Minh trong những năm đầu xây dựng hợp tác xã bậc thấp đã áp dụng khoa học kỹ thuật đưa năng suất khoai làng Minh Lệ lên 10 tấn/ ha. Bà là đại biểu Quốc hội khóa 3, được chụp ảnh chung với Bác Hồ. Bà lần lượt làm chủ nhiệm hợp tác xã rồi Bí thư phụ nữ, thường trực Đảng ủy, Ủy ban cho đến lúc về hưu. 
         Trong kháng chiến chống Pháp, đầu năm 1949, Trung đoàn 57 đã bố trí bà Hoàng Thị Ruyển (lúc đó mới 19 tuổi) viết thư tỏ tình địch vận Tôn Thất Ân, đồn trưởng đồn Minh Lệ đi theo cách mạng. Kế hoạch binh biến chưa kịp thực hiện thì bị bại lộ. Giặc Pháp đưa tên đồn trưởng Tôn Thất Xứng gian ác về thay đồn Ân. Bà bị bắt giam vào nhà lao Đồng Hới 2 năm 7 tháng.
          Giặc Mỹ tiến hành chiến tranh phá hoại. Bà Ruyển lại chèo đò đưa bộ đội qua sông, bà mang túi cứu thương đi đào hầm sập, bà đi đỡ đẻ, san lấp hố bom, bà cùng hai khẩu đội 12,7 mm bắn rơi máy bay giặc Mỹ vv… Bà khoe với tôi những huân, huy chương chống Pháp và chống Mỹ. Cả những huân chương giải phóng phụ nữ và bảo vệ sức khỏe của Bộ Y tế.
         Đặc biệt nhất là trung đội nữ dân quân làng Minh Lệ. Ngày 12/6/1966, hai chiếc máy bay F4H từ ngoài biển lao vào. Chị Hoàng Thị Lễ, Trung đội trưởng hô to: “Các khẩu đội chú ý! Bám sát mục tiêu. Chiếc thứ 2 có hiện tượng bổ nhào. Hướng ba - tư, tốc độ một ngàn năm trăm, cự li một ngàn tám, điểm xạ dài”. Lá cờ lệnh trên tay chị quất mạnh. Những luồng đạn từ 2 khẩu đội 12,7 mm ở trận địa Giếng Đồng vút lên quất thẳng vào mặt hai con quạ sắt. Chúng đã phát hiện được trận địa ta. Lần này lợi dụng ánh nắng chói chang phía tây ngọn núi Nhà Ngùi, lao xuống. Đạn 20 li quất ràn rạt. Chị Nguyễn Thị Miện khẩu đội trưởng bị mảnh đạn sớt qua mang tai, máu chảy ròng ròng. Các chị vẫn bình tĩnh chờ cho chiếc máy bay thứ 2 lọt vào thước ngắm “to bằng con vịt” mới siết cò. Chiếc máy bay tròng trành ngóc đầu lên rồi ngụp xuống, nó gắng gượng đến hòn Léc thì sập hẳn.   
          Sau ngày giặc Mỹ ngừng ném bom miền Bắc lần thứ nhất, tất cả trung đội nữ dân quân đều xung phong vào chiến trường miền Nam đánh giặc. Họ tham gia “bộ đội không sao”, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến. Hết chiến tranh, có người nằm lại ở chiến trường, có người con cái sinh ra bị tật nguyền vì nhiễm chất độc da cam. Chị Hoàng Thị Thảy người xạ thủ số 2 có 2 đứa cháu bị tật nguyền, 1 đứa chết vì ung thư máu.  Bản thân chị bị chết vì bệnh đái tháo đường lúc 69 tuổi. Chị Miện về quê lấy chồng suốt 15 năm trời không sinh nở. Ra khám tại bệnh viện Việt Đức, Bác sỹ cho biết là chị đã bị nhiễm chất độc da cam không thể có con được nữa. Chị đến nhà nuôi con cho đồng đội, những cựu chiến binh góa vợ, góa chồng, để nguôi ngoai nỗi cô đơn. Tiền thương tật, tiền chế độ nạn nhân chất độc da cam không đủ sống, chị phải làm thêm nghề tráng bánh đa và nấu rượu. Có tiền chị lại giúp đỡ cho các cháu, con các thương, bệnh binh khó khăn hơn. Chị trở thành một “hộ lý ngoài biên chế” chăm sóc đồng đội đi nằm viện.
          Bà Hoàng Thị Dị thuộc Đoàn 104, thanh niên xung phong. Năm 1972, có một lần bà đang làm trên cung đường 69 thì gặp chồng trong đội hình Sư đoàn 968 hành quân về Khăm Muộn (Lào). Bà mang thai rồi bị thương nên về quê sinh nở. Bà làm Phó Bí thư phụ nữ rồi làm Chủ tịch Hội Cựu thanh niên xung phong của xã. Về hưu, hai vợ chồng bà thành lập câu lạc bộ ca trù. Nhà Văn hóa thôn Bắc Minh Lệ xây dựng, hai ông bà là người ủng hộ số tiền nhiều nhất thôn. Khi hai cọc treo khẩu hiệu xóm 2 bị bão bẻ gãy ông bà đã bàn với bà Trần Thị Niềm, Bí thư chi bộ xóm dựng một cái cổng chào bằng sắt, xây đế bê tông vững chãi. Số tiền ủng hộ của xóm chỉ mới được hơn một nửa thế là bà và bà Niềm đã ủng hộ gần 3 triệu 5 trăm ngàn đồng. Chỉ với số tiền thương, bệnh binh ít ỏi nhưng bà đã ủng hộ phong trào xây dựng nông thôn mới tất cả các khoản trị giá trên 5 triệu đồng.
         Từ ngày người chồng thân yêu và đứa con trai qua đời vì căn bệnh ung thư, bà đã một tay nuôi đứa cháu khôn lớn trưởng thành. Bà phát động hội viên thanh niên xung phong giúp nhau xóa đói giảm nghèo, làm kinh tế giỏi. Đáp ứng lời kêu gọi của Trung ương Hội chia sẻ khó khăn do đại dịch covid -19 gây ra, toàn Hội đã đóng góp 2 triệu 530 ngàn đồng.  
2
Từ trái sang phải bốn phụ nữ Cựu chiến binh nguyên là Xã đội phó, Chủ tịch xã, khẩu đội trưởng 12,7 mm và bà Hoàng Thị Ruyển gặp mặt chuẩn bị kỷ niệm ngày quốc tế phụ nữ 8/3.
         Người phụ nữ nhỏ nhất năm xưa, nay cũng đã là bà lão bảy mươi lăm tuổi. Trong thời đại công nghệ 4.0, con thuyền cách mạng Việt Nam đang căng buồm lướt sóng ra khơi, vươn mình ra biển lớn. Họ lại tiếp tục làm một trong những mũi nhọn trong việc xây dựng nông thôn mới ở quê nhà. Họ tiếp tục là những tấm gương sáng của người cao tuổi cho con cháu noi theo.

Tác giả bài viết: CTV Hoàng Minh Đức

Tổng số điểm của bài viết là: 15 trong 3 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 3 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Thống kê
  • Đang truy cập153
  • Máy chủ tìm kiếm37
  • Khách viếng thăm116
  • Hôm nay1,689
  • Tháng hiện tại800,248
  • Tổng lượt truy cập34,330,967
SĐT nhận cung cấp thông tin
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây