Giữa những ngày nắng nóng cao điểm đầu tháng 7/2020, tôi đến thăm ông Trần Huy Hoàng, 62 tuổi ở Tổ dân phố Thủy Sơn, phường Quảng Long, thị xã Ba Đồn, Quảng Bình, một người có hoàn cảnh rất khó khăn, chuyên nhặt ve chai, đồng nát để kiếm sống nhưng rất giàu lòng nhân ái bởi những hành động thiện nguyện của mình.
Với bản chất đồng quê bình dị, ông từ tốn tâm sự: mình sinh được 4 đứa con trai, 3 đứa đầu đã lập gia đình và có đứa đi làm ăn xa, còn đứa thứ 4 tên Trần Công Thứ, năm nay đã 32 tuổi nhưng chỉ quay đi quẩn lại trong nhà, không nói không rằng từ nhỏ do mắc chứng thần kinh. Ngoài đứa con, còn có đứa cháu ở chung, ông chùn giọng kể tiếp: mình nuôi đứa cháu con thằng con trai thứ 2 từ khi mới được 10 ngày tuổi, bởi khi mẹ nó sinh ra nó thì mắc chứng bệnh trầm cảm, ngây ngây dại dại không nuôi được, mình đành đưa nó về nuôi, đến nay nó đã chập chững lên 5. Thế rồi bố nó cũng phải đi làm ăn xa, vợ chồng mình cáng đáng hết. Còn người vợ, ông bảo: vợ mình thường xuyên chạy chợ, kiếm từng bữa ăn nhờ bán mớ rau, nải chuối, ấy vậy nhưng cũng đủ nuôi cả 4 miệng ăn. Từ lúc còn trẻ đến khi lấy vợ, sinh con, ông chuyên bốc vác thuê ở bến đò chợ Ba Đồn. Do tuổi tác ngày càng cao, thấy sức khỏe không đảm bảo, năm 2010 ông nghỉ việc, ở nhà trồng trọt và trông nom người con tật nguyền. Nhưng, từ khi nuôi thêm đứa cháu nội, ông phải bươn chải kiếm “nghề mới” để phù hợp với sức khỏe hơn. Gần 5 năm nay, ông đi khắp nơi, không có tiền để mua, ai cho cái gì ông nhận cái đó, chủ yếu là nhặt lượm những đồ phế thải, có những thứ mà nhiều người đã gọi là rác. Sau một ngày, hễ được đồng nào, ông phụ giúp cùng vợ để lo cái ăn cho cả nhà. Ấy vậy mà hơn hai năm nay, ông đã dành toàn bộ số tiền tích cóp được từ “nghề” ve chai để trao hàng trăm suất quà cho người nghèo, người già ốm đau và các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn biết vươn lên học giỏi, mỗi suất từ 100-300.000 đồng. Mới đây, ngày 5/7/2020 tại trường Tiểu học Quảng Long quê ông, người nhặt ve chai ấy đã trao 2 suất quà cho 2 học sinh nghèo học giỏi, trong sự xúc động, thán phục của các thầy cô giáo, các bậc phụ huynh và các em học sinh. Nhìn trước nhà, nơi chứa ve chai, thùng, bìa các-tông, giấy loại… một chiếc xe đạp đã rỉ rét, trầy xước, là phương tiện hành nghề của ông. Tôi hỏi: “Cơ duyên nào đã đưa ông đến với những việc làm ý nghĩa này?”. Ông tâm sự: Những năm tháng nhặt ve chai, mình gặp rất nhiều người có hoàn cảnh khó khăn, ốm đau, bệnh tật và đã suy nghĩ phải làm cái gì đó để giúp đỡ họ. Nhiều đêm mình đã trằn trọc không sao ngủ được”. Ngoài ra, mình còn hay đưa con đi bệnh viện, từ những hoàn cảnh ở trong bệnh viện lại càng thôi thúc mình hơn. Thế rồi, từ ý nghĩ tốt đẹp đó, ông bắt đầu gom ve chai và dành toàn bộ số tiền bán được để gây quỹ làm từ thiện. Trong câu chuyện đang độ hào hứng , ông còn khoe thêm “mình có 2 chiếc xe, một chiếc để đi chơi, còn một chiếc để đi làm”, cái chiếc “đi chơi” ấy là xe máy Honda hiệu RSX được mấy đứa con tích cóp mua cho, mục đích cũng là để đi trao quà cho tiện. Câu chuyện ông kể cứ thế làm tôi thêm xúc động, trong đại dịch Covid-19 vừa qua, ông chính là người đầu tiên tại địa phương mang 3 thùng mì tôm và 200.000 đồng, ủng hộ các chiến sĩ Quân đội và Công an đang làm nhiệm vụ tại khu vực cách ly phường Quảng Long. Mỗi dịp Tết đến xuân về, từ phong trào gói bánh chưng ủng hộ người nghèo, xây dựng qũy nhân đạo phường, đến các dịp lễ hội cướp cù, hội vật đầu năm... ông đều tham gia từ 200 - 300.000 đồng, với tinh thần của ít lòng nhiều, lá lành đùm lá rách... Những suy nghĩ và việc làm đầy tình người của ông được bà con nhận biết và được nhiều người giúp đỡ hơn. Người ta không chú trọng mua bán, mà cốt để dành cho ông, thậm chí nhiều người đã đồng hành, chia sẽ cùng ông, cuốn số ghi danh sách làm từ thiện của ông cũng ngày càng dài thêm. Ông Trần Huy Hoàng, người nhặt ve chai đã trở thành điển hình trong phong trào thi đua “Người tốt, việc tốt” của Ủy ban Mặt trận TQVN phường Quảng Long. Song điều ý nghĩa nhất với ông, đó là bà con lối xóm, trong phường, ngoài xã… ai ai cũng biết và quý mến ông hơn. Những hành động đẹp của ông, đã gieo vào lòng người những tia hi vọng, những gam màu lung linh trong cuộc sống. Đây cũng chính là điều kiện tốt, để ông tiếp tục hành trình thiện nguyện đầy tính nhân văn, cao cả của mình.
Tác giả bài viết: CTV Nguyễn Xuân Hoàng - trường THCS Quảng Long
- Buổi sáng (từ thứ 3 đến thứ 7):
+ Từ 5h10 phút đến 5h30 phút: Phát lại chương trình truyền thanh chiều hôm trước của Trung tâm Văn hóa - Thể thao và Truyền thông (Trung tâm VH-TT&TT) thị xã.
+ Từ 5h30 phút đến 6h00 phút: Tiếp âm Đài phát thanh - Truyền hình Quảng Bình;
+ Từ 6h00 phút đến...