Cô giáo 2 năm cõng học trò đến lớp

Thứ tư - 20/01/2021 09:54
 Cô giáo Hoàng Thị Anh Minh xuất thân trong một gia đình có truyền thống đấu tranh cách mạng. Cha cô là ông Hoàng Khắc Nhượng, một chủ đại lí thuốc Bắc nổi tiếng của làng Minh Lệ. Trong kháng chiến chống Pháp ông đã mưu trí trộn thuốc hùng hoàng với khoai lang và cua đồng nướng vứt vào hàng rào để diệt bầy chó trong đồn hương vệ Hòa Ninh. Nhờ thế đội trinh sát của tiểu đoàn 418 dễ dàng vẽ lại được các vị trí bố trí hỏa lực của địch. Năm 1950, tiểu đoàn 418, trung đoàn 57, Quân khu Bốn đã đánh tan đồn giải phóng quê hương.
Cô giáo Hoàng Thị Minh Anh đi làm công tác từ thiện ở các nhà trường ở Trùng Khánh - Cao Bằng năm 2012
Cô giáo Hoàng Thị Minh Anh đi làm công tác từ thiện ở các nhà trường ở Trùng Khánh - Cao Bằng năm 2012
            Sau ngày hòa bình lập lại, ông Nhượng được bầu chiến sỹ thi đua trên mặt trận sản xuất nông nghiệp. Trong những năm chiến tranh chống Mỹ ông đã góp phần dập tắt bệnh dịch tả ở xã Quảng Tiên bằng thuốc Nam trong khi thuốc Tây chưa về kịp. Chị gái của cô Minh là liệt sỹ Hoàng Thị Phương Thiện, cán bộ huyện ủy Quảng Trạch đã anh dũng hy sinh trên bến đò Phú Trịch.
          Sau ngày 5 tháng 8 năm 1964, các tàu hải quân của tiểu đoàn sông Gianh thường về trú ẩn trong hói dưới những lùm tre xóm Nam làng Minh Lệ, đêm đêm chạy xuống Cửa Gianh chọi nhau với tàu địch. Một số cơ quan nhà nước cũng chuyển về sơ tán ở xã  Quảng Minh nên bọn địch tập trung đánh phá ác liệt. Xã Quảng Minh trở thành “tọa độ lửa”, mục tiêu oanh tạc của máy bay, tàu chiến địch. Suốt ngày máy bay quần thảo, dòm ngó, dội bom xuống dòng sông và các xóm ven sông. Ban đêm thì chúng thả pháo sáng, rải bom bi, phóng rốc két. Pháo ngoài biển (Hạm đội 7) bắn vào cấp tập, không lúc nào ngớt. Hầu như tuần nào cũng có người chết và bị thương. 
           Bước vào năm học 1967- 1968 chúng ném một loạt bom sát thương xuống bến Hiệp Lực làm mấy kho hàng nhà nước gửi trong nhà dân ở xóm Nam bên bờ sông Nan bị cháy hết. Một quả bom trúng nhà Hoàng Văn Bảy, một học sinh lớp 3 do cô giáo Hoàng Thị Anh Minh chủ nhiệm. Một mảnh bom róc mất mảng thịt ở chân trái của Bảy làm lòi ra ống xương trắng hếu. Cô đã cùng dân quân cáng Bảy ra trạm xá đóng ở xóm Bắc. Xóm Bắc cách xóm Nam gần một cây số, ít bom đạn hơn.
         Trước tết Mậu Thân chừng một tháng, địch thả bom na-pan, phốt pho đốt sạch cả xóm Nam, các lớp trong xóm Nam phải sơ tán ra ngoài xóm Bắc để học. Nhiều gia đình ra làm hầm giữa các cánh đồng. Một số chạy sang rừng Ma Ca bên kia sông để tránh bom. Chúng ném bom xuống xóm Bắc và những căn hầm giữa đồng, cô Minh lại cùng dân quân đi cứu sập hầm. Ban đêm cô còn cùng các chị dân quân vào xóm Nam chèo đò chở bộ đội qua sông. Chèo đò xong, cô ghé về thăm nhà Bảy. Hồi đó không có điều kiện phẩu thuật như bây giờ nên vết thương của Bảy để hở chảy mãi không lành. Thấy vết thương đã lên da non nhưng vẫn không đi lại được lòng cô đau nhói. Không thể để học trò của mình bỏ học giữa chừng, cô đã đến nhà cõng Bảy ra xóm Bắc để học. Năm học 1968 – 1969, Bảy lên lớp 4, cô cõng đi thi đạt giải học sinh giỏi văn của huyện. Cô Minh được đi dự hội nghị chiến sỹ thi đua của ngành giáo dục Quảng Bình tổ chức tại xã Đại Trạch. Cô được phóng viên thông tấn xã Dương Đức Quảng nêu gương trên báo Người giáo viên nhân dân.
         Sau này khi lên học cấp 3 Bảy đổi tên thành Hoàng Văn Điệt. Trường cấp 3 Nam Quảng Trạch chuyển từ xã Quảng Hòa lên xã Quảng Thủy, vết thương tiếp tục chảy mủ, nhiều lần định bỏ học nhưng nhớ tới công lao của cô Minh 2 năm trời cõng đi học, Điệt cắn răng chịu đựng học tiếp. Anh thi đậu khoa văn trường đại học sư phạm Vinh với số điểm rất cao. Ra trường, anh dạy văn ở trường Bổ túc Công nông rồi chuyển về trường cấp 3 Cự Nẫm. Vết thương tái phát lan xuống xương bàn chân hoại tử dần dần phải tháo khớp. Năm 1998 vào tháo khớp lần thứ 2 ở bệnh viện Việt Nam - Cu Ba, Đồng Hới gặp lại cô Minh, Điệt cứ ôm lấy cô nghẹn ngào trong nước mắt: “Ngày ấy nếu không có cô thì đời em rồi cũng chẳng biết làm gì để kiếm được hột cơm mà sống”. 
         Đất nước thống nhất, cô Minh được điều về giảng dạy ở trường Sư phạm Mẫu giáo Quảng Bình. Về hưu cô tích cực tham gia các công tác xã hội như hội Cựu giáo chức và hội Cựu chiến binh ở phường Đồng Phú. Cô được nhân dân tín nhiệm bầu vào hội đồng nhân dân phường. Cậu con trai Trần Phúc Ánh của cô khi đang học lớp 8 đã nhận được 3000 đô la giải thưởng của chính phủ Nhật Bản về đồ án nghiên cứu phòng chống thiên tai, động đất. Ba cô con gái cô đều là thạc sỹ kinh tế. Lúc về già hai vợ chồng cô ra Hà Nội sống với các con. Cô đi làm công tác từ thiện ở các trường vùng sâu vùng xa trên biên giới. Tuy ở xa quê hương cô vẫn hướng về làng, luôn quan tâm đến học sinh ở quê nhà. Tấm gương của cô trong sự nghiệp trồng người còn sáng mãi trong nhiều thế hệ học trò của xã Quảng Minh. 

Tác giả bài viết: CTV Hoàng Minh Đức

Tổng số điểm của bài viết là: 10 trong 2 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 2 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

GIỚI THIỆU TỔNG QUAN WEBSITE BADONTV.VN - TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TỔNG HỢP TRUNG TÂM VĂN HÓA-THỂ THAO VÀ TRUYỀN THÔNG THỊ XÃ BA ĐỒN

Địa chỉ Website: badontv.vn Tên gọi: BĐRT (BaDon Radio Television) Trang thông tin điện tử tổng hợp Trung tâm Văn hóa - Thể thao và Truyền thông (Trung tâm VH-TT&TT) thị xã Ba Đồn. Tôn chỉ, mục đích: Website được xây dựng, hoạt động nhằm đăng tải, lưu trữ các văn bản bao gồm tin tức, sự kiện,...

Thống kê
  • Đang truy cập168
  • Máy chủ tìm kiếm20
  • Khách viếng thăm148
  • Hôm nay32,405
  • Tháng hiện tại762,201
  • Tổng lượt truy cập34,292,920
SĐT nhận cung cấp thông tin
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây