Kỳ vọng từ chương trình “Mỗi xã, phường một sản phẩm”
Thứ ba - 27/11/2018 08:49
Sau một năm triển khai, chương trình “Mỗi xã, phường một sản phẩm” (OCOP) đã giúp thị xã Ba Đồn phát triển 5 sản phẩm, trong đó nhiều sản phẩm đã chiếm lĩnh thị trường trong tỉnh và vươn ra một số tỉnh lân cận. Từ đó, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân, phát triển kinh tế vùng nông thôn.
Thị xã Ba Đồn có nhiều sản phẩm nông nghiệp, thủ công chất lượng, như: tỏi, bánh đa Quảng Hoà, bột bánh canh Ba Đồn, mây tre đan Quảng Văn, nón lá Quảng Tân… Tuy nhiên, những sản phẩm này vẫn chưa thực sự phát huy tiềm năng, thế mạnh, chưa xây dựng được thương hiệu cho riêng mình. Cũng vì thế, quy mô sản xuất của các sản phẩm hàng hoá nông nghiệp cơ bản còn nhỏ, lẻ, năng suất lao động, giá trị canh tác trên đơn vị diện tích còn thấp. Các sản phẩm nông sản chủ yếu là xuất thô, chưa được chế biến sâu, bao bì, mẫu mã sản phẩm đơn giản, thị trường tiêu thụ hạn hẹp. Số doanh nghiệp và HTX hoạt động hiệu quả trong lĩnh vực nông nghiệp còn ít và chưa đạt điều kiện nhà sản xuất… OCOP là chương trình phát triển kinh tế khu vực nông thôn theo hướng nội sinh và gia tăng giá trị; gắn phát triển nông thôn với đô thị; giải pháp, nhiệm vụ trọng tâm trong xây dựng nông thôn mới. Trọng tâm của OCOP là phát triển sản phẩm nông nghiệp, phi nông nghiệp, dịch vụ có lợi thế theo hướng gia tăng giá trị, do các tổ chức kinhh tế tập thể và tư nhân thực hiện. Trong đó, Nhà nước đóng vai trò kiến tạo, ban hành khung pháp lý và chính sách, hỗ trợ đào tạo, hướng dẫn kỹ thuật, ứng dụng khoa học công nghệ, xây dựng thương hiệu, xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm, định hướng quy hoạch các vùng sản xuất hàng hoá, dịch vụ… Với những mục tiêu này, việc triển khai chương trình OCOP sẽ là cơ hội để “đánh thức” tiềm năng, thế mạnh của các sản phẩm nông nghiệp, thủ công có chất lượng của thị xã Ba Đồn. Ông Nguyễn Văn Khánh, Trưởng phòng Kinh tế, UBND thị xã Ba Đồn cho biết, triển khai chương trình OCOP, thị xã Ba Đồn xác định giải pháp quan trọng, hàng đầu là tập trung vào tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân, giúp họ hiểu rõ vai trò, vị trí chủ thể của mình khi tham gia thực hiện chương trình. Đồng thời, thị xã cũng lập, triển khai quy hoạch vùng sản xuất hàng hoá nông nghiệp tập trung; lựa chọn các sản phẩm, xây dựng các hình thức tổ chức sản xuất; có cơ chế hỗ trợ để các tổ chức kinh tế phát triển sản phẩm… Để đẩy mạnh quá trình thực hiện chương trình OCOP, từ đầu năm 2018 đến nay, thị xã Ba Đồn đã tổ chức các hội nghị tuyên truyền về mục tiêu, nội dung của chương trình OCOP; khảo sát, điều tra đánh giá các sản phẩm truyền thống trên địa bàn; hướng dẫn đăng ký sản phẩm; lựa chọn ý tưởng sản phẩm… Sau một thời gian thực hiện, chương trình OCOP đã từng bước khẳng định vai trò trong phát triển kinh tế của thị xã Ba Đồn. Nhờ hiệu quả kinh tế mang lại từ chương trình OCOP, đến nay, toàn thị xã đã có 5 chuỗi sản phẩm liên kết sản xuất và tiêu thụ được các xã, phường đăng ký thực hiện, gồm: đũa Quảng Thủy; mây tre đan, nón lá Quảng Văn; nón lá HTX Nón lá xã Quảng Tân; tỏi Ba Đồn; ruốc Nhân Thọ, phường Quảng Thọ. Chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ đũa Quảng Thủy được thực hiện tại HTX sản xuất đũa gỗ Quảng Thủy. Với nguồn nguyên liệu thu mua tại Gia Lai, Đắc Lắc và các tỉnh lân cận, HTX sản xuất đũa gỗ Quảng Thủy đã sản xuất nhiều loại đũa khác nhau, như: đũa cây ké sừng cẩn 2 gạch, đũa cây giáp mật vuông trơn, đũa cây lát hoa, đũa giáp mật ghép hình thiếu nữ… Trao đổi với chúng tôi, ông Lê Thanh Triển, Phó Giám đốc HTX sản xuất đũa gỗ Quảng Thủy, cho biết: “Mặc dù HTX mới được thành lập không lâu, nhưng chúng tôi đã có 7 năm kinh nghiệm trong việc kinh doanh sản phẩm đũa gỗ. Tiêu chí hướng đến của HTX là sản xuất đũa sạch, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, nói không với hoá chất và phẩm màu độc hại”. Với những tiêu chí đặt ra trong việc sản xuất, đũa Quảng Thủy đã được nhiều người tiêu dùng trong tỉnh và tỉnh bạn tin dùng. Đặc biệt, năm 2018 sản phẩm đũa Quảng Thủy đã đạt huy chương Vàng hàng Việt Nam chất lượng cao. Nhờ việc sản xuất, kinh doanh có hiệu quả, HTX sản xuất đũa gỗ Quảng Thủy thu được lợi nhuận trên 400 triệu đồng/năm. HTX cũng giải quyết việc làm cho gần 30 lao động, với thu nhập bình quân 3 triệu đồng/người/tháng. Trong thời gian tới, HTX sản xuất đũa gỗ Quảng Thủy sẽ hướng đến thị trường xuất khẩu đũa vươn ra thị trường thế giới. Anh Triển chia sẻ: “Để làm được điều này, ngoài sự nỗ lực của HTX, chúng tôi rất mong muốn có được sự hỗ trợ máy móc, thiết bị cũng như nguồn vốn để HTX tiếp tục mở rộng quy mô nhà xưởng và nâng cao năng suất, hiệu quả sản xuất”. Cùng với việc phát triển chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ đũa Quảng Thủy, chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ tỏi Ba Đồn cũng được triển khai thực hiện ở 3 xã: Quảng Hoà, Quảng Minh và Quảng Lộc. Diện tích tỏi được trồng gần 19 ha, với 213 hộ tham gia. Theo kết quả đánh giá, giá trị kinh tế của cây tỏi đạt bình quân hơn 88 triệu đồng/ha, cao hơn trồng cây lúa 3- 4 lần. Đặc biệt, sản phẩm tỏi Ba Đồn được Trung tâm Chất lượng Nông Lâm sản và Thủy sản vùng 3, Chi cục Quản lý chất lượng Nông Lâm sản và Thủy sản tỉnh Quảng Bình đánh giá bảo đảm an toàn, chất lượng nên rất được người tiêu dùng tin tưởng lựa chọn. Để bảo đảm đầu ra của tỏi ổn định, bước đầu đã có 6 cơ sở thu mua tỏi tham gia chuỗi cung ứng sản phẩm an toàn. Bên cạnh đó, để nâng cao giá trị chất lượng của tỏi Ba Đồn, Công ty CP Tư vấn đầu tư và xây dựng 2-9 đã thực hiện chế biến sâu, tạo ra các sản phẩm tỏi củ, tỏi đen, rượu tỏi đen được trưng bán tại hệ thống siêu thị, cửa hàng trên địa bàn tỉnh. Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Anh Như, Giám đốc Công ty CP Tư vấn đầu tư và xây dựng 2-9, cho biết: “Mục đích của chúng tôi khi sản xuất rượu tỏi đen, tỏi đen nhằm khơi dậy ý thức sử dụng sản phẩm chức năng có nguồn gốc từ thiên nhiên. Cung cấp sản phẩm tỏi với chất lượng tốt, xây dựng lòng tin đối với khách hàng để đưa sản phẩm của quê hương đến gần hơn với người tiêu dùng trong nước và quốc tế”. Không riêng gì tỏi Ba Đồn, đũa Quảng Thủy đã tìm được hướng đi khẳng định thương hiệu của mình. Nón lá Quảng Tân; mây tre đan Quảng Văn, ruốc Nhân Thọ cũng đang từng bước khẳng định thương hiệu của riêng mình. Những sản phẩm này đã vươn ra thị trường các tỉnh bạn, như: Đà Nẵng, TP.Hồ Chí Minh, Nghệ An, Thanh Hoá, Hà Nội… Thiết thực hơn, việc sản xuất các sản phẩm này đã giải quyết việc làm cho hàng chục lao động, với mức thu nhập trung bình 3 triệu đồng/người/tháng. Bên cạnh những kết quả đạt được, chương trình OCOP ở thị xã Ba Đồn vẫn còn những hạn chế (khó khăn về nguồn vốn, tiếp cận quy trình đưa hàng hoá vào siêu thị, thiếu sự gắn kết đồng bộ trong công tác quy hoạch vùng sản xuất…). Để tiếp tục triển khai chương trình thực sự có hiệu quả, ông Đinh Thiếu Sơn, Phó Chủ tịch UBND thị xã Ba Đồn, cho biết, thời gian tới UBND thị xã Ba Đồn sẽ tập trung chỉ đạo hoàn thiện và phát triển các chuỗi sản phẩm thực hiện năm 2018; phấn đấu xây dựng 2-3 chuỗi sản phẩm trong năm 2019. Rà soát các sản phẩm mang tính đặc trưng của địa phương bảo đảm về quy mô, sản lượng để có sản phẩm cung ứng ra thị trường. Có chính sách khuyến khích nông dân đầu tư mở rộng sản xuất, chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp. Hỗ trợ HTX nâng cao năng lực hoạt động để thực hiện có hiệu quả chuỗi liên kết cung ứng dịch vụ đầu vào và tiêu thụ…
- Buổi sáng (từ thứ 3 đến thứ 7):
+ Từ 5h10 phút đến 5h30 phút: Phát lại chương trình truyền thanh chiều hôm trước của Trung tâm Văn hóa - Thể thao và Truyền thông (Trung tâm VH-TT&TT) thị xã.
+ Từ 5h30 phút đến 6h00 phút: Tiếp âm Đài phát thanh - Truyền hình Quảng Bình;
+ Từ 6h00 phút đến...