Phạm Phú Thép với "Cháo canh Ba Đồn"

Thứ ba - 07/07/2020 08:23

Phạm Phú Thép với "Cháo canh Ba Đồn"

Lúc cầm bản thảo truyện ngắn và ký của nhà báo Phạm Phú Thép, tôi thắc mắc: “Cả tập có 5 bài ký, 8 truyện ngắn, sao Thép lại chọn bài ký “Cháo canh Ba Đồn” đặt tên cho tập sách?”. Thép im lặng một lúc rồi nói: “Nhà tôi ba đời sinh sống ở Ba Đồn, đã chứng kiến sự lên ngôi và sụp đổ của nhiều thứ. Nhưng cháo canh thì mãi là đặc sản. Nhiều người nhờ cháo canh mà khá giả, thậm chí nổi tiếng. Đây là món ăn mang đậm dấu ấn của người Ba Đồn."
Từ duyên nợ với Ba Đồn
 
“Cháo canh Ba Đồn” là một tập sách khá đặc biệt bởi mỗi truyện ngắn và bài ký trong tác phẩm đều là sự hiện diện của những nhân vật với khung cảnh, chi tiết có thật của Ba Đồn. Tác giả đã khôn khéo hình tượng hóa các nhân vật vào tính cách xã hội. Là dân gốc Ba Đồn, Phạm Phú Thép am hiểu từng ngõ ngách, phong tục, tập quán, con người Ba Đồn và thể hiện trong từng trang viết.
 
Anh thú nhận, đó vừa là thuận lợi nhưng cũng là khó khăn, bởi nếu viết không khéo sẽ trở thành thô thiển, thậm chí có khi động chạm đến những điều “tế nhị” gây hiểu nhầm đáng tiếc.
 Trang bìa tập sách
Trang bìa tập sách "Cháo canh Ba Đồn" của nhà báo Phạm Phú Thép (Ảnh: Đ.V).

Trong 5 bài ký của mình, Phạm Phú Thép chủ yếu viết về người thân, đó là bà nội, bà ngoại, cha, mẹ, anh em, bạn bè. Đó là sự nuối tiếc về một rừng mai vàng nở trên cát trắng đã thành dĩ vãng. Đó là sự hồi tưởng về những cái Tết nghèo thời bao cấp và sự gìn giữ cốt cách người nghèo. Đó là sự phát hiện tưởng như tầm thường nhưng rất tinh tế: “Chỉ có người Ba Đồn gốc khi ăn cháo canh mới không dùng đũa”.
 
Ở 8 truyện ngắn, cái chất Ba Đồn cũng hiện lên mồn một. Có những truyện ngắn, anh không cần thay đổi địa danh. Còn lại, dù có đổi khác, thì nhân vật, sự kiện đều xảy ra ở Ba Đồn và các “vệ tinh” của Ba Đồn. Cách kể chuyện chậm rãi, không ồn ào và ngôn ngữ thể hiện cũng "rất Ba Đồn". Những truyện ngắn này anh viết lai rai từ thế kỷ trước cho đến nay, cái mới nhất cũng đã 10 năm nhưng tính thời sự vẫn y nguyên.
 
Nó mang tính dự báo về đất đai, tài nguyên, sự đổ vỡ của phát triển nóng, chụp giật, thế thái nhân tình. “Cháo canh Ba Đồn” hấp dẫn ở chỗ đó. Thêm điều nữa, nó thể hiện sự đau đáu, khao khát làm giàu cho Ba Đồn, sự khẩn thiết bảo vệ những giá trị truyền thống, nhân văn của con người và mảnh đất Ba Đồn trong tâm tác giả. Anh gọi đó là duyên nợ.
 
Đến tìm cái lớn lao trong những điều giản dị
 
Đọc “Cháo canh Ba Đồn”, tôi nhận thấy ý thức, nhân sinh quan nêu trên của tác giả. Bắt đầu từ cái tên sách giản dị khiến nhiều độc giả thắc mắc. Nhưng như Phạm Phú Thép đã nói, anh muốn cho mọi người hiểu được giá trị trong món ăn giản dị, bình dân của người Ba Đồn. 
 
Các nhân vật trong ký của Phạm Phú Thép rất đỗi bình thường. Đó là một bà nội góa chồng khi 27 tuổi,lam lũ buôn thúng bán mẹt nhưng dạy con cháu bằng lễ giáo gia phong. Đó là bà ngoại không biết chữ nhưng thương cháu con hơn bản thân mình. Đó là những người dân chân lấm tay bùn, những viên chức nghèo nhưng đầy lòng tự trọng. Ở 8 truyện ngắn cũng vậy, không có một nhân vật nào được bắt đầu từ cao sang, quý phái. Dù là “Giám đốc Hàn” hay “tỷ phú làng” thì cũng là những gã xuất thân nghèo hèn, lười học. Tiếc thay, họ có chí làm giàu nhưng sự chụp giật, ít học, đi theo những tha hóa xã hội đã khiến họ “đâu lại vào đấy”.
 
Với những nhân vật bình thường khác, tác giả đã rất khéo làm nổi bật sự lớn lao trong bình dị của họ. Đó là một “ông Cát Pha” tay súng tay cày nhưng sự hy sinh thầm lặng của ông làm ngỡ ngàng cả nhân vật được hưởng ân huệ và độc giả. Đó là một anh cán bộ hợp đồng không được vào “biên chế” nhưng cương quyết không nhận phong bì của các đơn vị đến làm việc. Đó là một kiến trúc sư trong “hắn” được người đời cho là nát rượu, tàng tàng nhưng cương quyết đấu tranh chống tiêu cực đến cùng.
 
Khi bị đánh cho bỏ đất mà đi, “hắn” gặp được “đất lành” trở về quê hương với cương vị là đối tác. Thì ra, sự nát rượu của “hắn” trước đây phần lớn do yếu tố “khách quan”. Đó là một “lão Hành” âm địa nhưng lại là ân nhân của những gia đình không may có người qua đời. Lão làm nghề khâm liệm mà tiền công chỉ là mớ xôi thịt đủ ăn. Khi đột ngột ra đi, không ai khâm liệm cho lão, phần vì lão nghèo nhưng chủ yếu là người ta chủ quan có lão nên không ai học cái nghề thấp hèn đó.
 
Thậm chí dù là kẻ không bình thường, nhưng “lão Hành” đã dùng tình yêu để cứu rỗi một cô gái điên dại thành người. Những sự lớn lao ấy đều nằm trong những con người bình dị, dưới mức bình dị mà tôi đồ rằng chỉ có Phạm Phú Thép-kẻ “lang thang” với họ mới khai thác được.
 
Các tình tiết trong văn của Phạm Phú Thép cũng chủ yếu là bình dị. Đó là cát trắng, tre xanh, hoa xoan, là ngô, khoai, sắn, là cháo canh, là “Tết nghèo”, là miền quê đói khổ, là những chén rượu, bữa nhậu bình dân…Tôi  đặc biệt ấn tượng với bát cháo trắng mà bố của Thép cúng gia tiên trong ngày kết thúc Tết Nguyên đán. Đó là bài học nhân sinh, giàu sang không quên khốn khó.
 
Sự bình dị trong từng chi tiết, tình huống ấy là “đòn bẩy” để Phạm Phú Thép làm nổi bật những điều lớn lao mà anh muốn khơi dậy. Có lẽ vì vậy mà tôi nghe người ta kể rằng, có một bà rất “bình dị” ghé vào nhà Thép xin mua “Cháo canh Ba Đồn”. Thép ứa nước mắt đem tặng nhưng bà cương quyết: “Nếu viết để tặng thì nhà văn ăn cái gì để viết...”
 
Để kết thúc bài này, tôi muốn nói đôi điều đáng tiếc. Có lẽ, do các tác phẩm viết từ khi còn trẻ nên đa số là bằng thi pháp cũ, thậm chí quá cũ. Văn phong có chỗ còn rề rà, ngôn ngữ địa phương đôi khi cũng là con dao hai lưỡi, có chỗ rất “báo chí”. Hy vọng sau “Cháo canh Ba Đồn”, sẽ có một Phạm Phú Thép khác, đam mê văn chương hơn, bút pháp mới hơn...
 
Đỗ Thành Đồng

Nguồn tin: Báo Quảng Bình

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Thống kê
  • Đang truy cập96
  • Máy chủ tìm kiếm6
  • Khách viếng thăm90
  • Hôm nay8,734
  • Tháng hiện tại69,998
  • Tổng lượt truy cập39,589,787
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây