Ai đó từng nói rằng, tuổi đôi mươi là giai đoạn đẹp nhất của đời người với bao hoài bão, khát vọng khám phá. Nhưng với Hà, những ước mơ của tuổi trẻ vừa kịp hé đã vụt tắt với biến cố đời người. 5 năm qua đi, thế giới quan của Hà là bầu trời thăm thẳm qua song cửa sổ với thân thể héo mòn từng ngày...
Năm 2017, ngay ngày đầu tiên đi làm sau mấy năm đèn sách, tai nạn bất ngờ khiến em Nguyễn Thị Hà (SN 1995, thôn Trung Thôn, xã Quảng Trung, TX. Ba Đồn) bại liệt tứ chi nằm một chỗ, những dự định tương lai cũng khép lại từ đây.
Tuổi xuân ngắm bầu trời qua cửa sổ
Căn nhà cũ kỹ, đầy rêu phong lọt thỏm giữa làng quê nghèo Trung Thôn, bốn bức tường còn loang lỗ dấu vết bùn đất của trận lũ năm trước. Đằng sau cánh cửa sổ luôn mở, hướng ra cổng đã mục nát, rệu rã chực rơi ra, một đôi mắt sáng ngời đầy hiếu kỳ nhìn chúng tôi bước vào với lời "chào bé Hà".
Ngạc nhiên, hiếu kỳ không chỉ bởi khách lạ ít đến nhà mà cái tên Hà, có lẽ đã lâu lắm mới được nghe người khác gọi. 5 năm với thăng trầm đời người không dài nhưng 5 năm của một cô gái trẻ tuổi xuân phơi phới bỗng dưng tật nguyền, tương lai vô định đã mài mòn không ít ký ức.
Được đỡ dậy tựa lưng vào đầu giường, 2 chân bất động, đôi tay co quắp, mắt nhìn ra cửa sổ quen thuộc, Hà kể lại câu chuyện mình trong tiếng nấc ngắt quãng, cố nén nước mắt rơm rớm. Tốt nghiệp trường kế toán, không như những bạn đồng lứa cố bám trụ lại thành phố, Hà quyết định về quê tìm việc, hy vọng ở gần nhà sẽ đỡ đần thêm cho bố mẹ.
Một sáng trời mưa tháng 7/2017, Hà trong ngày đầu tiên đi nhận việc ở khu du lịch động Thiên Đường (Bố Trạch), với nhiều dự định ấp ủ. Nhưng rồi, đã cướp đi tương lai của cô kế toán trẻ và lời hứa hẹn của chàng người yêu kỹ sư từ thuở sinh viên, chờ công việc ổn định rồi cưới.
Ngã xuống, Hà bất tỉnh và được đưa vào bệnh viện. Qua thăm khám tưởng chừng chỉ xây xát nhẹ nhưng đến chiều, mẹ Hà bất chợt òa khóc vì thấy con gái tiểu tiện không tự chủ được. Bệnh viện Trung ương Huế sau đó kết luận bị gãy cột sống cổ, chèn tủy dẫn đến liệt tứ chi. Gia đình chạy vạy khắp nơi, bán cả đất, cầm cố cả sổ đỏ để lo cho con nhưng đã qua giai đoạn trị liệu vì khô tủy. Hà bắt đầu với chuỗi tháng ngày "lấy nước mắt rửa mặt".
Từ một cô gái trẻ hoạt bát, yêu đời, giờ đây mọi sinh hoạt ăn uống, vệ sinh đều trên chiếc giường nhỏ, nằm sát cửa sổ theo ước nguyện của Hà. Những hôm đẹp trời, Hà được người nhà bế lên chiếc xe lăn cũ mua lại từ một người ra viện, đẩy ra sân, ngằm nhìn lũ trẻ trong xóm chạy nhảy ngoài đồng. Mỗi lần như thế, chỉ khoảng vài phút, nước mắt của Hà, của bố mẹ lại trào ra...
"Chó cắn áo rách"
Từ ngày con gái bị tai nạn nằm một chỗ, bà Phạm Thị Nga, mẹ Hà phải gác lại công việc đồng áng, chợ búa ở nhà chăm. Phần vì thương con, phần vì sợ con nghĩ quẩn. Kinh tế gia đình đã khánh kiệt vì lo chạy chữa cho con, mọi gánh nặng "cơm áo, gạo tiền" đè lên vai người cha, ông Nguyễn Khắc Thông.
Người em trai của Hà (SN 2002), học hết cấp 3 cũng đành bỏ ngang đại học, đi học nghề để phụ thêm bố mẹ, chăm lo cho chị gái.Tưởng chừng đã tận cùng số khổ, đến đầu năm 2022, tai họa lại ập xuống. Bố Hà tranh thủ việc đồng áng đi làm thợ xây, bị ngã giàn giáo, nằm ở Bệnh viện Trung ương Huế hơn 2 tháng nay. Bà Nga phải vào viện chăm chồng, ở nhà Hà được bà thím chăm nom.
Nhận điện thoại từ người lạ, nhưng chỉ cần nhắc đến bệnh tình của chồng con, người mẹ bên kia đầu dây nói trong tiếng nấc nghẹn ngào. Bà kể, chồng bà (ông Thông-PV) sức khỏe ngày càng yếu, nhưng các bác sỹ vẫn chưa chẩn đoán được bệnh. Hôm trước máu mũi chảy nhiều quá phải chuyền thêm máu. Con gái ở nhà đành nhờ người thân, hàng xóm chăm sóc nhưng mỗi lần điện thoại về đều phải tỏ ra vui vẻ, để con gái khỏi lo lắng thêm mệt người.
"Mấy sào lúa bị giông tạt đổ rạp mấy bữa ni cũng chưa gặt được, chắc mọc mầm cả rồi. Trong nhà, có cái chi bán được đều bán hết, giờ đến mô tính đó. Tui cũng nỏ biết mần răng nữa...", đầu dây bên kia bật khóc thành tiếng. Có lẽ, quãng thời gian 5 năm này còn dài hơn cả cuộc đời đã sống trước đó của người đàn bà lam lũ ở quê nghèo.
Giấc mơ trên chiếc xe lăn... ra đồng
Hôm chúng tôi tới nhà, Hà đang được bà thím Cao Thị Loan, ở gần nhà đến chăm nom. Gần 2 tháng nay, mọi sinh hoạt của Hà đều một tay bà lo tất. Buổi tối thì có người dì ở xa hơn tới ngủ lại thay ca. Bà Loan chia sẻ, phải có người kề bên để trở người cho Hà, chứ nằm hay ngồi một chỗ quá lâu sẽ bị hoại tử. Trước đó đã bị rồi. Mấy bữa nay trở trời, Hà đau nhức khắp người không ngủ được. Hai ngày nay chỉ uống được ít sữa thay cơm. Thương lắm, việc bố Hà bệnh trở nặng cả nhà đều giấu không cho biết.
Cả nhà giấu chuyện, nhưng có lẽ Hà cũng cảm nhận được. Mỗi ngày chỉ chờ điện thoại của bố mẹ gọi về. Từ lúc bố bị tai nạn, em cũng không đòi được đẩy xe ra sân nữa. Chiếc xe lăn cũ kỹ, rỉ sét nằm lạnh lẽo trong góc nhà.
Trò chuyện được một lúc, thấy mệt, Hà được bà Loan đỡ nằm xuống nhưng đôi mắt vẫn nhìn qua song cửa sổ, ngắm nhìn bầu trời trong xanh. Khuất sau phía hàng rào là cánh đồng làng, nơi tuổi thơ chăn trâu, thả diều của em và những người bạn thuở thơ ấu. 5 năm nay, thân thể của cô gái trẻ đương tuổi xuân teo túm theo thời gian, Hà chỉ ước một lần được tự mình ra đồng xem trẻ nhỏ vui chơi, hít hà hương lúa mới nhưng có lẽ không bao giờ thực hiện được nữa.
Biết ý nguyện của con gái, mấy năm nay bố mẹ Hà cũng cố gắng tằn tiện, dành dụm để mua cho được chiếc xe lăn bằng điện, để con tự lái ra đường làng, ngắm xóm, ngắm đồng cho khuây khỏa. Nhưng rồi, bố Hà tai nạn... mơ ước nhỏ nhoi cũng tắt ngúm.
X.Phú
Mọi sự hỗ trợ, chia sẻ của bạn đọc hảo tâm với gia đình em Nguyễn Thị Hà, xin vui lòng gửi về tài khoản hoạt động từ thiện của Báo Quảng Bình, số TK: 128000000559-Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam-Chi nhánh Quảng Bình.
- Buổi sáng (từ thứ 3 đến thứ 7):
+ Từ 5h10 phút đến 5h30 phút: Phát lại chương trình truyền thanh chiều hôm trước của Trung tâm Văn hóa - Thể thao và Truyền thông (Trung tâm VH-TT&TT) thị xã.
+ Từ 5h30 phút đến 6h00 phút: Tiếp âm Đài phát thanh - Truyền hình Quảng Bình;
+ Từ 6h00 phút đến...