Hội nghị trực tuyến tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp trong bối cảnh đại dịch Covid-19
Thứ tư - 22/09/2021 16:13
Sáng ngày 22/9, Thường trực Tỉnh ủy đã tổ chức hội nghị trực tuyến với các doanh nghiệp và một số sở, ngành, địa phương liên quan về tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp trong bối cảnh đại dịch Covid-19.
Dự và chủ trì hội nghị tại điểm cầu trung tâm có đồng chí Vũ Đaị Thắng, UVTW Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh; đồng chí Trần Hải Châu, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; đồng chí Trần Thắng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh. Dự hội nghị có lãnh đạo Thường trực HĐND tỉnh; lãnh đạo UBND tỉnh; Đoàn ĐBQH tỉnh; đại diện các doanh nghiệp đang triển khai các dự án trên địa bàn tỉnh. Hội nghị cũng được kết nối đến 130 điểm cầu tại các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Tham dự hội nghị trực tuyến tại điểm cầu thị xã Ba Đồn có đồng chí Trương An Ninh-UVTV Tỉnh ủy-Bí thư Thị ủy; đồng chí Phạm Duy Quang-Phó Bí thư Thường trực Thị ủy-Chủ tịch HĐND thị xã; đồng chí Đoàn Minh Thọ-Phó Bí thư Thị uỷ-Chủ tịch UBND thị xã. Phát biểu khai mạc tại hội nghị, đồng chí Trần Thắng, Chủ tịch UBND tỉnh cho biết, triển khai thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021 trong điều kiện gặp rất nhiều khó khăn. Hậu quả lũ lụt năm 2020 và tình hình diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 trên cả nước ảnh hưởng nặng nề đến các hoạt động sản xuất, kinh doanh và đời sống Nhân dân. Trong bối cảnh đó, Tỉnh ủy, HĐND tỉnh, UBND tỉnh đã tập trung chỉ đạo với những giải pháp quyết liệt, kịp thời, đồng bộ, linh hoạt nhằm hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho người dân, doanh nghiệp; cùng với sự quyết tâm, nỗ lực của chính quyền các cấp, các ngành, cộng đồng doanh nghiệp và Nhân dân trong toàn tỉnh nên kinh tế - xã hội của Quảng Bình trong 8 tháng đầu năm đạt được một số kết quả khá tích cực; công tác an sinh xã hội tiếp tục được quan tâm; đời sống Nhân dân ổn định; tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững. Những kết quả đạt được đó có sự vào cuộc, cống hiến, đóng góp rất lớn của cộng đồng doanh nghiệp, hỗ trợ chính quyền địa phương và Nhân dân trong công tác phòng, chống dịch. Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh cũng cho rằng, những diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh thời gian qua đã tác động dài hạn đến tăng trưởng kinh tế của tỉnh. Vì vậy, để đạt được mục tiêu sớm ngăn chặn, kiểm soát và đẩy lùi dịch bệnh, bảo vệ tính mạng, sức khỏe của Nhân dân là trên hết, đồng thời duy trì và phục hồi sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, nỗ lực cao nhất để không đứt gãy chuỗi sản xuất, cung ứng, bảo đảm đời sống Nhân dân và an sinh xã hội, lãnh đạo tỉnh mong muốn các doanh nghiệp, doanh nhân thấu hiểu, chia sẻ, đồng thuận và đồng hành với các nỗ lực trong phòng, chống dịch bệnh của tỉnh nhà. Về phía lãnh đạo tỉnh cũng cam kết tiếp tục đồng hành cùng doanh nghiệp để vượt qua những khó khăn, thách thức; tập trung chỉ đạo quyết liệt việc triển khai các chính sách, giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp của Trung ương và của tỉnh, duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh tại những khu vực đảm bảo an toàn, không để xảy ra những đứt gãy lớn trong hoạt động của doanh nghiệp nói riêng và kinh tế tỉnh nhà nói chung. Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh cũng khẳng định, hội nghị này là cơ hội để lãnh đạo tỉnh, các sở, ngành, địa phương lắng nghe những ý kiến, tâm tư, nguyện vọng của doanh nghiệp; cùng chia sẻ, tháo gỡ, giải quyết các khó khăn, vướng mắc của cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư trong bối cảnh hoạt động sản xuất, kinh doanh bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19; lắng nghe các ý kiến đóng góp, các ý tưởng của cộng đồng doanh nghiệp trong phát triển kinh tế - xã hội để cùng nhau xây dựng tỉnh nhà ngày càng phát triển.
Theo báo cáo của lãnh đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư, mặc dù tỉnh đã tập trung triển khai kịp thời, đồng bộ kế hoạch hỗ trợ đối tượng bị ảnh hưởng dịch Covid-19. Tuy vậy, do tác động của dịch Covid-19, ước tính trong quý III năm 2021 có khoảng 7.750 người lao động tạm ngừng việc làm hoặc mất việc làm; nhiều doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh tạm dừng hoạt động và hoặc cắt giảm 50% số lượng lao động dẫn đến người lao động buộc phải tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động. Mặc dù vậy, cộng đồng doanh nghiệp tỉnh Quảng Bình vẫn đang cố gắng tìm cách khắc phục, thu hẹp hoặc thay đổi ngành nghề để duy trì hoạt động. Nhiều doanh nghiệp ngoài tỉnh phải chấm dứt hoặc tạm ngừng hoạt động các đơn vị trực thuộc tại tỉnh Quảng Bình để thu hẹp sản xuất, kinh doanh. Tại hội nghị, đại diện lãnh đạo các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã chia sẻ những khó khăn, vướng mắc trong hoạt động sản xuất, kinh doanh do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 như việc lưu thông, đi lại giữa các vùng cách ly theo các mức độ phòng, chống dịch khác nhau vẫn còn nhiều bất cập, nhiều khác biệt giữa các đơn vị hành chính; việc triển khai các dự án tại tỉnh gặp khó khăn về nguồn lao động do lao động ngoại tỉnh phải thực hiện biện pháp giãn cách xã hội nên khó khăn trong việc di chuyển đến tỉnh làm việc; các vật liệu, thiết bị nhập khẩu đa số bị tắc nghẽn; các vật liệu, thiết bị trong nước phải nhập từ các thành phố lớn về tỉnh, thủ tục vận chuyển phức tạp… do đó các doanh nghiệp khó khăn trong việc kết nối nguồn cung cấp kể cả các đơn hàng đã ký kết hợp đồng. Nhiều doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp hoạt động trên lĩnh vực du lịch, dịch vụ phải tạm ngừng hoạt động do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19… Kết luận tại hội nghị, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Vũ Đại Thắng cảm ơn sự tham gia nhiệt tình và các ý kiến tâm huyết của các DN đại diện cho các nhóm ngành nghề, lĩnh vực. Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy nhấn mạnh: Mặc dù dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, nhưng với sự quyết tâm, nỗ lực của Đảng bộ, chính quyền, sự đồng thuận của Nhân dân, đặc biệt là sự ủng hộ của cộng đồng DN nên đến nay, Quảng Bình cơ bản đã khống chế được dịch bệnh. Sau ngày 22-9, các địa phương sẽ cơ bản chuyển trạng thái trong phòng, chống dịch, DN có thể hoạt động sản xuất, kinh doanh cũng như sinh hoạt của người dân có thể trở lại với trạng tháng "bình thường mới". Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy cũng ghi nhận sự đóng góp quan trọng, to lớn của cộng đồng DN đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, đặc biệt trong thời điểm Quảng Bình gặp nhiều khó khăn do đại dịch Covid-19, nhiều DN, doanh nhân đã tích cực ủng hộ trang thiết bị, vật tư y tế, thuốc men, tài chính…cho công tác phòng, chống dịch của tỉnh Quảng Bình. Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy chia sẻ với những khó khăn của các DN do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19; đồng thời khẳng định lãnh đạo tỉnh, các cấp, ngành đã triển khai nhanh chóng, quyết liệt Nghị quyết số 68/NQ-CP của Chính phủ, Quyết định số 23/QĐ-TTg và các quy định khác của Trung ương về chính sách hỗ trợ người lao động, DN gặp khó khăn do Covid-19. Tỉnh sẽ tiếp tục thực hiện tốt chế độ chính sách cho người lao động, DN gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 nhằm giúp DN sớm trở lại sản xuất, kinh doanh. Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Vũ Đại Thắng đề nghị các sở ngành, địa phương cần tiếp thu tối đa kiến nghị của DN để sớm đề xuất lãnh đạo tỉnh tháo gỡ những “điểm nghẽn” trong hoạt động sản xuất, kinh doanh của các DN, mong muốn các DN tiếp tục đồng hành với tỉnh để tìm ra những giải pháp nhằm sớm tháo gỡ khó khăn. Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy cũng nhấn mạnh các nhóm nhiệm vụ, giải pháp cần tập trung thực hiện trong thời gian tới, đó là: Tạo điều kiện cho DN sản xuất, kinh doanh gắn với phòng, chống dịch hiệu quả; xây dựng kế hoạch và triển khai kịp thời việc tiêm vắc xin để người lao động yên tâm trở lại làm việc; xây dựng các phương án phục hồi sản xuất, kinh doanh, đặc biệt là các ngành mũi nhọn mà Quảng Bình có thế mạnh như du lịch, dịch vụ. Bảo đảm việc lưu thông hàng hóa, nghiên cứu các phương án tổ chức sản xuất phù hợp với từng DN, tạo điều kiện cho DN, người lao động trở lại làm việc. Bí thư Tỉnh ủy Vũ Đại Thắng cũng đề nghị các ngành Tài chính, Thuế, Ngân hàng, các tổ chức tín dụng ưu tiên đẩy nhanh tiến độ triển khai các chính sách nhằm tháo gỡ khó khăn cho DN; đề nghị hỗ trợ 1 phần chi phí xét nghiệm Covid-19 cho DN; các khoản phí liên quan đến cấp quyền sử dụng đất… Cần vận dụng linh hoạt các chính sách của Trung ương trong hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động, đặc biệt những ngành sử dụng nhiều lao động, xây dựng phương án hỗ trợ người lao động quay trở lại làm việc; phương án đào tạo nghề, tạo việc làm cho lao động ở các tỉnh, thành phía Nam trở về quê. Bên cạnh đó, cần tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả 10 cam kết của lãnh đạo tỉnh tại hội nghị xúc tiến đầu tư tỉnh Quảng Bình năm 2021; đồng thời, các cơ quan quản lý nhà nước đẩy mạnh cải cách hành chính, chuyển sang nền hành chính phục vụ người dân và DN một cách minh bạch, công khai, năng động, sáng tạo…