Sáng ngày 24//2 (tức ngày 15 tháng Giêng âm lịch), phường Ba Đồn long trọng tổ chức Lễ hội đình làng Phan Long. Đây là hoạt động thờ cúng truyền thống mỗi dịp đầu năm của người dân địa phương.
Đình làng Phan Long là công trình văn hóa mang ý nghĩa lịch sử có niên đại hàng trăm năm, được xây dựng vào khoảng cuối thời Lê Trung Hưng (1533-1789). Kiến trúc của đình theo lối chữ công truyền thống gồm một đình chính 3 gian 2 chái, phía sau là đình hậu. Đình Làng Phan Long là nơi thờ Thành hoàng làng Nguyễn Đức Tuân và các vị tiên hiền, những người có công khai phá, bảo vệ và che chở cho dân làng trong lao động cũng như trong đời sống; là trung tâm sinh hoạt văn hóa cộng đồng và cũng là nơi gắn liền với nhiều sự kiện lịch sử của địa phương qua các thời kỳ. Đặc biệt sau cách mạng, đình là nơi làm việc của chính quyền mới, nơi hội họp của dân làng, nơi dân quân luyện tập. Mỗi năm người dân tế thành hoàng 2 lần vào tháng Giêng và tháng 8. Trong kháng chiến chống Mỹ, đình bị phá hủy hoàn toàn do bom đạn. Đến năm 2007, được phục dựng lại trên nền móng cũ và khánh thành vào tháng 2/2010. Ngày 6/7/2021, Đình được công nhận xếp hạng Di tích Lịch sử cấp tỉnh.
Lễ hội đình làng Phan Long được tổ chức vào ngày 15 tháng Giêng Âm lịch, đây là ngày hội lớn của người dân phường Ba Đồn, vào ngày này, con em địa phương sinh sống trên mọi miền của Tổ quốc và người dân phường Ba Đồn tụ họp về dâng lễ, dâng hương bày tỏ lòng thành kính của bản thân, gia đình, dòng họ để ghi nhớ công lao của các bậc tổ tiên. Lễ hội được diễn ra bao gồm phần lễ và phần hội. Lễ có 2 phần chính: phần thứ nhất là lễ Tế, được các cụ Chủ tế trong phường đọc văn tế, dâng rượu. Phần thứ hai là lễ Dâng hương, là lúc mà toàn thể lãnh đạo, cán bộ và nhân dân địa phương bày tỏ lòng thành kính của mình với ông tổ Nguyễn Đức Tuân và các vị tiên tổ.
Phần hội gồm nhiều trò chơi dân gian truyền thống như kéo co, chơi cờ thẻ, bóng chuyền... và các tiết mục văn nghệ đặc sắc. Đây là lễ hội được tổ chức hàng năm nhằm thể hiện sự tri ân sâu sắc của lớp người đi sau đối với những người đi trước, đồng thời giáo dục truyền thống "uống nước nhớ nguồn", củng cố khối đại đoàn kết toàn dân, tô điểm thêm nét đẹp văn hóa quê hương...