Hội cựu chiến binh xã Quảng Minh với việc giáo dục truyền thống cách mạng cho thanh, thiếu niên

Thứ sáu - 02/02/2024 14:07
         Quảng Minh là một xã có bề dày truyền thống đấu tranh cách mạng trong các cuộc chiến tranh giữ nước và dựng xây đất nước.  Hội cựu chiến binh có một vai trò lớn trong việc tuyên truyền giáo dục cho các thế hệ thanh, thiếu niên.
Hoạt động ngoại khóa tìm hiểu văn hóa - lịch sử địa phương
Hoạt động ngoại khóa tìm hiểu văn hóa - lịch sử địa phương
         Thời Cần vương đã có phó tác Lãnh binh Hoàng Văn Bính cùng ông Hoàng Điễn dẫn những nghĩa binh Minh Lệ gia nhập đội quân của Lãnh binh Mai Lượng đánh Pháp, bảo vệ vua Hàm Nghi. Trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp, chống giặc Mỹ xâm lược và làm nghĩa vụ quốc tế cao cả, xã Quảng Minh có 171 liệt sĩ, 17 bà mẹ Việt Nam anh hùng. Ngày nay có nhiều con em trong xã học hành đỗ đạt có nhiều thành tích trong học tập và công tác. Truyền thống đó đã được Hội cựu chiến binh xã tổ chức nói chuyện nhiều lần trong những ngày lễ lớn, nhằm khơi dậy lòng tự hào dân tộc trong thanh, thiếu niên, học sinh.
         Xã Quảng Minh có 2 nghĩa trang liệt sĩ, trong đó có một nghĩa trang nằm tại chân đồi Ông Tri, thuộc thôn Minh Tiến, nơi 7 liệt sĩ đã nằm lại trong trận đánh ngày 15 tháng 6 năm 1947, chống thực dân Pháp. Nơi đây có liệt sĩ Hoàng Trặng, Tiểu đội trưởng là người con xã Quảng Minh. Họ nằm trong một hầm pháo của quân đội Nhật (công sự bắn máy bay đồng minh năm 1945). Tại nghĩa trang liệt sĩ trung tâm giữa cánh đồng Minh Lệ có những liệt sĩ chưa xác định được danh tính ở các miền quê khác nhau khi đánh đồn Minh Lệ (từ năm 1947-1950). Đáng ghi nhớ nhất là liệt sĩ Trương Vành, thôn đội trưởng thôn Bắc Minh Lệ bị giặc bắt trong trận càn vào làng tháng 3 năm 1949. Mặc dù bị giặc tra tấn cho đến chết ông vẫn không hé răng khai đồng đội của mình. Vì không có bằng chứng gì nên buộc bọn địch phải thả tất cả bà con, trong đó có nhiều du kích thôn Bắc Minh Lệ. Khi đánh chết ông, bọn địch đưa xác ông phơi lên hàng rào đồn Minh Lệ rồi bắn 3 phát vào đầu và vu cho ông là vượt rào bỏ trốn. Tháng 3 năm 1949, chiến sĩ Trần Văn Phất cùng nhà văn Văn Linh, (tác giả tiểu thuyết Mùa hoa dẻ, thuộc Tiểu đoàn 273, Hà Tĩnh) về hoạt  động vùng địch hậu. Ông đã bị bọn phản động (Trúc, Huỳnh, Đình, Hằng) trong làng phát hiện. Chúng đã bắn chết ông trên dòng sông trước cửa nhà ông. Liệt sĩ Hoàng Đức một du kích thiếu niên dũng cảm gan dạ đã bao phen làm địch thất điên bát đảo. Một lần bị địch vây ráp ông đã chạy ra một hồ nước sát rìa làng và dùng bèo tây phủ lên. Chúng đã tập trung ném lựu đạn xuống hồ rồi dùng cuốc xĩa kéo lên băm vằm ra từng mảnh. Các ông Nguyễn Huệ, Nguyễn Thiêm, Bí thư chi bộ xã Hà Châu (nay thuộc xã Quảng Minh) bị giặc bắt bỏ vào rọ thả xuống khúc sông Cồn Dâu. Ông Nguyễn Thảo, Chủ tịch xã Hà Châu bị địch bắt đem vào bắn ở rú Hóc Chọ. Họ là những chiến sĩ cộng sản đầu tiên của xã Quảng Minh đã hy sinh trong cuộc kháng chiến chống Pháp.
        Trong cuộc chiến tranh phá hoại của Đế quốc Mĩ, có liệt sĩ Đoàn Văn Chon đã rà phá được 153 quả bom từ trường trên dòng sông Son, đến quả thứ 154 thì ông hi sinh. Liệt sĩ Nguyễn Hoàng Lưu, người đã sáng tạo ra chiếc thước ngắm pháo binh nổi tiếng được trưng bày ở Bảo tàng Quân sự Việt Nam. Ngoài ra còn có những nhân chứng sống trong chiến tranh như bà Hoàng Thị Ruyễn đã địch vận được đồn trưởng Tôn Thất Ân đi theo cách mạng. Trong chống Mỹ có ông Trần Hữu Dần là dũng sĩ diệt máy bay và dũng sĩ diệt xe cơ giới, ông mang trong thân mình 37 mảnh đạn khi đánh sân bay Phú Bài.
        Trong lĩnh vực chinh phục đỉnh cao của khoa học có nhiều giáo sư tiến sĩ trưởng thành từ củ khoai củ sắn mà vươn lên. Hội cựu chiến binh xã đã tổ chức cho thanh thiếu niên gặp gỡ các giáo sư, tiến sĩ về thăm làng để các em noi theo.
        Hội Cựu chiến binh xã còn tổ chức cho thanh thiếu niên tham gia cùng cha anh làm vệ sinh, tôn tạo lại các di tích lịch sử văn hóa trong xã. Học sinh Trường THCS Quảng Minh ngày ba mươi, mồng một (âm lịch) hàng tháng đã đến làm vệ sinh và thắp hương tại đình làng và nghĩa trang liệt sĩ xã. Trong những ngày lễ lớn, liên đội các trường tiểu học tổ chức kết nạp, đội viên tại nghĩa trang liệt sĩ hoặc đình làng. Đây là một nét mới của Hội Cựu chiến binh xã Quảng Minh. Đặc biệt, Chi hội 9 còn tổ chức khen thưởng cho học sinh từ tiểu học đến đại học có thành tích cao và tặng quà cho các gia đình thương binh liệt sĩ trong chi hội. Tiêu biểu nhất là chi hội trưởng Hoàng Nam Khồng mua tặng cho các em học giỏi 2 chiếc đồng hồ đeo tay. Ông còn kể các trận đánh trong thành Cổ mà ông và các đồng đội đã tham gia.
          Giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ trong thời kì công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập kinh tế thế giới là góp phần giáo dục, đào tạo một thế hệ vừa “hồng” vừa “chuyên” làm rường cột cho tương lai đất nước như niềm mong ước của Bác Hồ. Hội Cựu chiến binh Quảng Minh là lực lượng đi đầu trong việc giáo dục truyền thống cách mạng cho thanh, thiếu niên trong xã.

Tác giả bài viết: Hoàng Minh Đức

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Thống kê
  • Đang truy cập747
  • Máy chủ tìm kiếm35
  • Khách viếng thăm712
  • Hôm nay16,481
  • Tháng hiện tại321,250
  • Tổng lượt truy cập39,841,039
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây