Kỳ thị người mắc Covid-19, nguy cơ mắc bệnh cho nhiều người

Thứ sáu - 01/10/2021 14:43
Không ai mong muốn mình bị mắc Covid-19, không ai chủ động hay cố tình để mình trở thành những F0 hay F1 và cũng chẳng có ai muốn mình rơi vào tình cảnh vừa mắc bệnh lại vừa bị người khác trong cộng đồng kỳ thị.
Kỳ thị người mắc Covid-19, nguy cơ mắc bệnh cho nhiều người
Khi một người mắc Covid-19, không chỉ cá nhân họ mà cả gia đình của họ cũng bị ảnh hưởng bởi dư luận, dẫn đến họ bị cảm giác tội lỗi là đã làm lây lan dịch bệnh cho hàng xóm, láng giềng và những người tiếp xúc gần, khiến một bộ phận dân cư bị cách ly, mọi công việc, hoạt động bình thường bị đình trệ. Thay vì được chia sẻ, được cảm thông và giúp đỡ vì chẳng may bị mắc bệnh thì họ phải hứng chịu lời ra, tiếng vào, thậm chí là sự hắt hủi, xúc phạm. Sự kỳ thị không chỉ đến với họ mà còn đến cả với những người thân của họ.
Chính vì sợ hàng xóm, láng giềng dèm pha nên có khi mình mắc triệu chứng ho, khó thở lại không dám ra trạm y tế địa phương để khám hoặc có những F1, F2 từng không dám khai báo y tế. Rõ ràng, tâm lý kỳ thị đã làm giảm hiệu quả của công tác phòng, dịch. Không chỉ là miệng lưỡi thế gian mà không ít lần đời tư của những người nhiễm hay những người nghi nhiễm bị phanh phui trên các trang mạng xã hội. Một số trang mạng xã hội, nhiều tài khoản cá nhân sử dụng mạng xã hội đã truy lùng danh tính của những người bị nhiễm bệnh. Thậm chí, có những cá nhân còn bị tung tin đồn thất thiệt, nhiều trường hợp bệnh nhân còn bị cộng đồng mạng săn lùng, suy diễn để thu hút sự chú ý của mọi người. Khi các thông tin cá nhân bị công khai như vậy đã gây ra rất nhiều hậu quả tiêu cực.
Nếu tìm thông tin về một người mắc Covid-19 chúng ta dễ dàng có được chi tiết mọi thứ, từ lịch trình dày đặc di chuyển hết sức phức tạp, đi massage,.. Nhiều tờ báo, trang mạng hoặc các cá nhân trên mạng xã hội thông tin chi tiết quá mức về lịch trình, khai thác thái quá đời tư của người bệnh, thậm chí sử dụng những từ ngữ dẫn dắt cảm xúc tiêu cực cho người đọc.
Tất nhiên, chúng ta thấy rằng mỗi người nhiễm bệnh hoặc liên quan đến bệnh nhân Covid-19 đều phải có trách nhiệm cung cấp trung thực, đầy đủ thông tin về lịch trình di chuyển, tiếp xúc cho cơ quan chức năng, nhưng không có nghĩa chúng ta được cung cấp tất cả thông tin lên trên mạng xã hội, mặt báo. Nguy hiểm hơn cả, nó sẽ tạo tâm lý, sợ hãi khi thông báo cho cơ quan chức năng do tiếp xúc với F1, F2. Họ sẽ trở thành nạn nhân của truyền thông. Nếu lỡ khu vực họ làm việc, sinh sống bị cách ly, họ sẽ trở thành “tội đồ” của cả khu vực đó. Vì thế, công tác chống dịch sẽ ngày càng khó khăn hơn và thậm chí việc lây lan nhanh cũng liên quan đến câu chuyện người dân từ chối cung cấp thông tin vì sợ lộ bí mật.
Pháp luật đã quy định rất rõ ràng về tôn trọng, bảo vệ đời tư của cá nhân, người bệnh và không phải cứ muốn là được phép đưa. Cụ thể, Điều 38 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định: “1. Đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình là bất khả xâm phạm và được pháp luật bảo vệ.”; tại Điều 8 Luật Khám bệnh, chữa bệnh quy định: “Bệnh nhân có quyền được giữ bí mật thông tin tình trạng sức khỏe và đời tư được ghi trong hồ sơ bệnh án.”. Tại Điều 33 Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm quy định: “Thầy thuốc và nhân viên y tế có trách nhiệm giữ bí mật thông tin liên quan đến người bệnh.”. Theo đó, thông tin về dịch bệnh Covid-19 phải do cơ quan nhà nước có thẩm quyền về y tế cung cấp khi bệnh nhân đồng ý hoặc một số trường hợp khác do pháp luật quy định. Ngoài ra, việc đăng tải các thông tin, hình ảnh chưa được kiểm chứng, không đúng sự thật còn bị xử lý theo Nghị định số 15/2020/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử. Cụ thể:
“Điều 101. Vi phạm các quy định về trách nhiệm sử dụng dịch vụ mạng xã hội
1. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi lợi dụng mạng xã hội để thực hiện một trong các hành vi sau:
a. Cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân;….”
Các trường hợp nhiễm bệnh hoặc nghi nhiễm bệnh có trách nhiệm phải khai báo y tế, khai báo đầy đủ lịch trình di chuyển của họ với cơ quan chức năng. Nếu không thực hiện đúng mà làm lây lan dịch bệnh thì mỗi công dân sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại “Điều 240: Tội làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người” với hình phạt có thể đến 05 năm tù; trường hợp việc lây lan làm chết người hay dẫn đến phải công bố dịch thuộc thẩm quyền của Chủ tịch UBND tỉnh hoặc Bộ trưởng Bộ Y tế thì có thể bị phạt đến 10 năm tù giam.
Như vậy, mọi hành vi vi phạm của công dân đều có các quy định của pháp luật điều chỉnh. Mỗi người chúng ta hãy làm tròn nhiệm vụ của mình, đối xử với nhau bằng lòng nhân ái, đoàn kết, chia sẻ yêu thương để cùng chung tay đẩy lùi dịch bệnh Covid-19./.

Theo báo Công an Đắk Lắk
 

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Thống kê
  • Đang truy cập651
  • Máy chủ tìm kiếm3
  • Khách viếng thăm648
  • Hôm nay45,523
  • Tháng hiện tại270,651
  • Tổng lượt truy cập41,416,105
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây