Thị xã Ba Đồn: Kết quả thực hiện tái cơ cấu xây dựng nền nông nghiệp toàn diện theo hướng hiện đại

Thứ bảy - 14/08/2021 06:31
Trong những năm qua, thị xã Ba Đồn đã triển khai đồng bộ các giải pháp đẩy mạnh phát triển nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, phát triển bền vững và thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới. Đến nay, lĩnh vực nông nghiệp trên địa bàn đã có bước phát triển khá tốt, đóng góp tích cực vào thành quả phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nói chung, thị xã nói riêng.
Thị xã Ba Đồn: Kết quả thực hiện tái cơ cấu xây dựng nền nông nghiệp toàn diện theo hướng hiện đại
Giai đoạn 2010 - 2020, giá trị sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp trên địa bàn thị xã tăng 5,29%, đến năm 2020 đạt 4,35%, dự kiến năm 2021 là 4%. Giá trị sản xuất ngành nông, lâm, thủy sản đến năm 2020 đạt 922,452 tỷ đồng, tăng 35,4% so với năm 2010, dự kiến năm 2021 đạt 947,7 tỷ đồng. Cơ cấu cây trồng, vật nuôi chuyển dịch theo hướng nâng cao chất lượng, giá trị đáp ứng nhu cầu thị trường, gắn với tăng cường ứng dụng các tiến bộ khoa học và công nghệ vào sản xuất, chế biến sản phẩm. Tỷ trọng ngành nông, lâm, thủy sản trong GDP của thị xã chuyển dịch theo hướng tích cực, năm 2010 là 27,24% đến năm 2020 còn 19,8% giảm 7,44% so với năm 2010, dự kiến năm 2021 còn 18,6%.

Năm 2020, tổng sản lượng lương thực đạt 29.739 tấn, tăng 19,04% so với năm 2010; ước thực hiện sản lượng lương thực năm 2021 là 29.587,3 tấn, đạt 105,1% kế hoạch. Giá trị sản xuất chăn nuôi bình quân giai đoạn 2010 - 2020 tăng 4,61%/năm, tỷ trọng chăn nuôi trong giá trị sản xuất nông nghiệp tăng từ 41,17% năm 2010 lên 54,2% năm 2020. Giá trị sản xuất thủy sản bình quân giai đoạn 2010 - 2020 tăng 5,9%/năm, sản lượng thủy sản năm 2020 đạt 15.269 tấn, tăng 82,3% so với năm 2010; dự ước sản lượng thủy sản năm 2021 đạt 15.270 tấn. Giá trị sản xuất lâm nghiệp năm 2020 đạt 639 tỷ đồng, tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn 2010 - 2020 đạt 8,76%/năm.

Để đạt được kết quả đó, trên cơ sở quy hoạch nông nghiệp, nông thôn mới, thị xã Ba Đồn đã thực hiện các giải pháp đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn, tổ chức lại sản xuất; sử dụng giống cây trồng mới có năng suất, chất lượng cao, hữu cơ; áp dụng nhiều tiến bộ kỹ thuật, biện pháp canh tác tiên tiến vào sản xuất, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng và giá trị trên đơn vị diện tích canh tác; tích cực chỉ đạo dồn điền, đổi thửa, tích tụ ruộng đất, đưa cơ giới hóa vào sản xuất, giảm chi phí đầu tư; tập trung đẩy mạnh chuyển đổi đất lúa kém hiệu quả sang cây trồng khác, kết hợp trồng lúa và nuôi trồng thủy sản cho thu nhập cao hơn 1,5 - 8 lần so với trồng lúa. Từ năm 2015 đến nay, diện tích áp dụng biện pháp thâm canh lúa cải tiến (SRI) toàn thị xã đạt trên 550 ha. Thị xã cũng đã phát triển sản xuất theo chuỗi liên kết sản phẩm lúa gạo giá trị với diện tích trên 165 ha; tiếp tục củng cố và phát triển các vùng sản xuất hàng hóa tập trung theo chuỗi liên kết giá trị về lúa, ngô, rau màu...; hình thành một số cơ sở, diện tích trồng rau, quả, lúa áp dụng quy trình sản xuất công nghệ cao, hữu cơ đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm như 03 mô hình trồng rau, quả trong nhà lưới theo quy trình tưới Ixrael, thủy canh hồi lưu tại phường Quảng Long, Quảng Thọ và sản xuất lúa theo hướng hữu cơ tại xã Quảng Hòa.

Lĩnh vực chăn nuôi cũng từng bước chuyển mạnh theo hướng chất lượng, giá trị; phát triển theo hướng trang trại, gia trại, bán công nghiệp, đảm bảo an toàn dịch bệnh, vệ sinh môi trường; công tác thú y, phòng, chống dịch bệnh được chú trọng; nhiều tiến bộ kỹ thuật trong chăn nuôi được nhân rộng, góp phần ổn định sản xuất. Tổng đàn gia súc, gia cầm cũng như tỷ lệ bò lai, lợn ngoại trong cơ cấu đàn tiếp tục tăng, chất lượng đàn tăng nhờ tập trung đẩy mạnh thụ tinh nhân tạo. Các đối tượng chăn nuôi có giá trị kinh tế cao, tiêu thụ tốt gắn với mô hình chăn nuôi theo chuỗi giá trị, hữu cơ đảm bảo vệ sinh môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm cũng phát triển khá, mang lại hiệu quả cao.

Lĩnh vực thủy sản cũng chuyển dịch đúng hướng, phát triển đồng bộ cả khai thác và nuôi trồng. Năm 2020, sản lượng khai thác đạt 13.410 tấn, tăng 93,45% so với năm 2010, tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn 2010 - 2020 là 7,6%/năm. Ngư dân đã mạnh dạn đóng mới, cải hoán tàu có công suất lớn, cải tiến ngư cụ, chủ động tổ chức đánh bắt phù hợp mùa vụ và theo hình thức tổ hợp tác, tổ đoàn kết sản xuất ổn định, hiệu quả hơn. Hiện nay, thị xã Ba Đồn là địa phương có đội tàu vỏ thép lớn so với toàn tỉnh với số lượng 10 chiếc. Dịch vụ hậu cần hỗ trợ khai thác như cảng cá, bến cá, khu neo đậu tránh trú bão tàu cá tiếp tục được đầu tư xây dựng, nâng cấp. Công tác đảm bảo an toàn cho tàu thuyền trên biển được nâng cao. Thị xã cũng thực hiện tốt Quyết định 48/2010/QĐ-TTg, Nghị định 67/2014/NĐ-CP tạo điều kiện cho ngư dân mạnh dạn đầu tư khai thác vùng biển xa, đánh bắt các đối tượng có giá trị xuất khẩu và góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo.

Song song với hoạt động khai thác, nuôi trồng thủy sản cũng từng bước phát triển theo hướng bền vững, đa dạng hóa đối tượng nuôi, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm; diện tích, năng suất, sản lượng không ngừng tăng qua các năm. Năm 2020, diện tích thả nuôi 468ha và sản lượng 1.859 tấn, tăng 28,5% so với 2010. Hạ tầng nuôi trồng thủy sản tiếp tục được đầu tư nâng cấp, nhất là các vùng nuôi tập trung; các tiến bộ kỹ thuật, khoa học công nghệ cao được ứng dụng ngày càng nhiều. Chế biến thủy sản được đẩy mạnh, chất lượng các sản phẩm thủy sản được đảm bảo, tiêu thụ tốt, góp phần giải quyết đầu ra cho đánh bắt và việc làm cho ngư dân.

Về sản xuất lâm nghiệp, thị xã đã từng bước xã hội hóa và chuyển đổi theo hướng giá trị, phát triển, sử dụng rừng hợp lý và hiệu quả. Công tác giao đất gắn với giao rừng, cho thuê rừng được đẩy mạnh, chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng đã bước đầu tăng thêm nguồn lực cho công tác bảo vệ và phát triển rừng, khuyến khích người dân gắn bó với rừng, hạn chế tình trạng khai thác, vận chuyển, mua bán lâm sản, động vật hoang dã trái phép, giảm số vụ và thiệt hại do cháy rừng hàng năm, góp phần nâng tỷ lệ che phủ rừng lên 38,51% năm 2020.

Thời gian tới, thị xã tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp để hướng đến mục tiêu xây dựng nền nông nghiệp phát triển toàn diện theo hướng hiện đại, bền vững, sản xuất hàng hóa lớn, có năng suất, chất lượng, hiệu quả và khả năng cạnh tranh cao, đảm bảo vững chắc an ninh lương thực trước mắt và lâu dài; duy trì tốc độ tăng trưởng nông nghiệp ở mức bình quân 5,3%/năm; giảm tỷ trọng ngành nông, lâm, ngư nghiệp trong GDP toàn thị xã xuống 18%; cơ cấu sản xuất nông nghiệp và kinh tế nông thôn chuyển đổi theo nhu cầu thị trường; hình thành đội ngũ nông dân chuyên nghiệp, có kỹ năng sản xuất, quản lý, gắn kết trong các loại hình kinh tế hợp tác và kết nối với thị trường; nâng cao thu nhập của cư dân nông thôn lên 2 - 2,5 lần so với hiện nay; phấn đấu tốc độ tăng trưởng nông, lâm, ngư nghiệp năm 2025 đạt 4,5%, đến năm 2030 đạt 5,3%, tầm nhìn đến năm 2045 đạt 6,5%. Cơ cấu kinh tế đến năm 2025, nông, lâm, ngư nghiệp chiếm 18%; đến năm 2030 chiếm 16%; tầm nhìn đến năm 2045 chiếm 12%. Tổng sản lượng lương thực có hạt năm 2025 đạt 28.500 tấn; đến 2030, sản lượng lương thực đạt 29.000 tấn; tầm nhìn đến năm 2045 đạt trên 30.000 tấn.

PV: NQ

Nguồn tin: www.quangbinh.gov.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Thống kê
  • Đang truy cập249
  • Máy chủ tìm kiếm57
  • Khách viếng thăm192
  • Hôm nay20,808
  • Tháng hiện tại714,812
  • Tổng lượt truy cập34,245,531
SĐT nhận cung cấp thông tin
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây