Thị xã Ba Đồn: Phát triển đàn vật nuôi trên địa bàn.
Thứ tư - 03/07/2024 06:05
Thời gian qua, thị xã Ba Đồn thường xuyên tăng cường công tác quản lý chăn nuôi, đặc biệt là công tác kê khai, rà soát tổng đàn để thực hiện tiêm phòng định kỳ và tiêm phòng bổ sung, đảm bảo ngành chăn nuôi phát triển theo hướng bền vững, an toàn dịch bệnh.
Nhằm phát triển kinh tế nông nghiệp, trong đó có chăn nuôi, thời gian qua, phương thức chăn nuôi trên địa bàn thị xã có sự dịch chuyển từ quy mô nhỏ, hộ gia đình, tự cung tự cấp sang chăn nuôi quy mô trang trại sản xuất hàng hóa; bước đầu đã hình thành các chuỗi liên kết và có đầu tư chăn nuôi quy mô lớn, ứng dụng khoa học kỹ thuật nâng cao năng suất và chất lượng đàn vật nuôi. Hiện toàn thị xã có trên 900 con trâu; hơn 6.700 con bò; gần 14.000 con lợn; tổng đàn gia cầm hơn 300 ngàn con. Toàn thị xã có 07 trang trại đạt chuẩn theo tiêu chí của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trong đó có 02 trang trại về nuôi trồng thủy sản, 03 trang trại chăn nuôi và 02 trang trại tổng hợp. Để đảm bảo phát triển chăn nuôi bền vững, thị xã đã tập trung tuyên truyền các địa phương rà soát, thống kê lại tổng đàn gia súc, gia cầm ở các hộ, trang trại, gia trại trong diện tiêm. Đồng thời, thực hiện có hiệu quả việc kiểm tra, kiểm soát tình hình buôn bán, giết mổ gia cầm và ngăn chặn việc vận chuyển, kinh doanh gia cầm, sản phẩm gia cầm không rõ nguồn gốc, chưa qua kiểm dịch, không bảo đảm an toàn thực phẩm trên địa bàn. Ngoài ra, thị xã còn chỉ đạo các ngành, địa phương thường xuyên theo dõi tình hình thời tiết, chủ động triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh cho gia súc, gia cầm. Hiện đang vào thời điểm nắng nóng khiến sức đề kháng của đàn vật nuôi giảm sút, đây chính là điều kiện thuận lợi để mầm bệnh phát triển. Chủ động phòng, chống dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm, thị xã Ba Đồn đã đưa ra nhiều giải pháp đồng bộ nhằm nâng cao nhận thức trong phòng, chống bệnh cho người dân, đồng thời kiểm soát tốt dịch bệnh. Một trong những biện pháp hữu hiệu để phòng chống dịch bệnh cho đàn vật nuôi chính là tiêm phòng đầy đủ các loại vắc-xin phòng bệnh, phun tiêu độc khử trùng và thực hiện nghiêm ngặt các biện pháp phòng, chống dịch bệnh theo khuyến cáo của ngành thú y. Bên cạnh đó, để bảo đảm phòng, chống dịch bệnh có hiệu quả, thị xã đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hướng dẫn người chăn nuôi thực hiện chăn nuôi an toàn sinh học, thường xuyên quét dọn vệ sinh, khử trùng chuồng trại và khu vực chăn nuôi bằng hóa chất hoặc vôi bột; bổ sung chất dinh dưỡng, khoáng chất để nâng cao sức đề kháng cho vật nuôi; tiêm phòng đầy đủ vắc-xin cho gia súc, gia cầm theo quy định... Khuyến khích các hộ chăn nuôi trong khu dân cư áp dụng các biện pháp để giảm thiểu vấn đề ô nhiểm môi trường như sử dụng đệm lót sinh học, …; áp dụng khoa học kỹ thuật mới trong chăn nuôi để tăng năng suất, chất lượng, hạn chế dịch bệnh.
Triển khai, thực hiện tốt về quy định khu vực không được phép chăn nuôi, công tác kê khai hoạt động chăn nuôi, tiêm phòng vắc xin cho đàn gia súc, gia cầm, góp phần phát triển ngành chăn nuôi theo hướng bền vững, an toàn dịch bệnh, đảm bảo nguồn cung thực phẩm cho người tiêu dùng.