Thị xã Ba Đồn: Nhiều giải pháp tăng thu nhập cho người dân

Thứ hai - 13/05/2024 13:36
      Những năm qua, thị xã Ba Đồn đã thực hiện nhiều giải pháp phát triển kinh tế để nâng cao thu nhập cho người dân, hướng tới xây dựng đô thị loại III vào năm 2026. Trong đó, địa phương chú trọng phát triển thương mại, dịch vụ được xem là thế mạnh của thị xã phía Bắc tỉnh Quảng Bình, đồng thời duy trì, phát triển các ngành CN-TTCN và NNNT; xây dựng các mô hình nông nghiệp hàng hóa mang lại hiệu quả kinh tế cao… 
Lao động nông thôn được đào tạo nghề để giải quyết việc làm, tăng thu nhập
Lao động nông thôn được đào tạo nghề để giải quyết việc làm, tăng thu nhập
      Trao đổi thêm về vấn đề này, ông Đoàn Minh Thọ, Chủ tịch UBND thị xã Ba Đồn cho biết, xác định phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân là nhiệm vụ trọng tâm để thực hiện thắng lợi các mục tiêu kinh tế-xã hội của địa phương, tạo nguồn lực xây dựng nông thôn mới nâng cao, thời gian qua, thị xã đã tích cực triển khai đồng bộ nhiều giải pháp nhằm nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân.
     Với việc thực hiện linh hoạt các biện pháp nhằm nâng cao thu nhập, phát triển kinh tế, như: Tạo điều kiện vay vốn, chuyển giao khoa học-kỹ thuật, dạy nghề, hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi…, đến nay, mức thu nhập bình quân của thị xã Ba Đồn đạt 54,6 triệu đồng/người/năm. Để phấn đấu đạt mục tiêu đến năm 2025, thu nhập bình quân đạt từ 55-60 triệu đồng/người/năm, thị xã đang thực hiện nhiều giải pháp giảm nghèo bền vững, nâng cao thu nhập. 
      Xã Quảng Thủy là địa phương sản xuất nông nghiệp là chính nên đời sống nhân dân còn nhiều khó khăn. Thời điểm nông nhàn rất nhiều lao động của xã phải đi làm ăn xa để kiếm thêm thu nhập trang trải cuộc sống. Vì thế, Đảng ủy, UBND xã đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai nhiều giải pháp phát triển kinh tế, chú trọng phát triển đa dạng ngành nghề sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp để giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho nhân dân.
       Là hộ gia đình thuộc diện đặc biệt khó khăn ở xã Quảng Thủy vì phải nuôi người con bị bại liệt do tai nạn giao thông, nhưng được sự hỗ trợ, tạo điều kiện cho vay 50 triệu đồng từ nguồn vốn ủy thác của Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội thị xã Ba Đồn thông qua Hội Nông dân, gia đình ông Nguyễn Bình Nhất, thôn Nam Thủy đã có nguồn thu nhập ổn định với hơn 200 triệu đồng/năm nhờ nghề trồng nấm.
     Ông Nhất cho biết, nếu không được sự động viên của các cán bộ, hội viên, nông dân xã Quảng Thủy chắc ông không có được ngày hôm nay. Nhà vốn đã khó khăn nay lại khó khăn hơn khi người con trai đầu bị tai nạn giao thông, nằm liệt một chỗ. Biết ơn chính quyền địa phương đã quan tâm giúp đỡ sau nhiều lần thất bại vì không có kinh nghiệm nuôi phôi nấm, nay ông đã thành công và còn tạo việc làm cho một số lao động địa phương với mức lương 3-5 triệu đồng/người/tháng.
Các gia đình thuộc diện khó khăn được vay vốn để mở rộng sản xuất, tăng thu nhập (1)
Các gia đình thuộc diện khó khăn được vay vốn để mở rộng sản xuất, tăng thu nhập

      Bên cạnh sự hỗ trợ, đồng hành của các cấp, ngành trong phát triển kinh tế, thị xã Ba Đồn còn tích cực tuyên truyền, vận động nhân dân phát huy khả năng, trí tuệ của mình để xây dựng, triển khai những mô hình, cách làm mang lại hiệu quả kinh tế cao, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi hợp lý.
     Đến thăm mô hình nông nghiệp sạch, công nghệ cao của anh Võ Minh Sáng, ở phường Quảng Long mới thật sự khâm phục ý chí dám nghĩ dám làm của anh. Anh Sáng đã biến gần 2.000m2 đất cát thành những vườn dưa lưới, dưa leo, măng tây đầy sức sống, xanh mơn mởn với thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm. Với việc học tập và chuyển giao công nghệ trồng cây trong nhà màng có hệ thống tưới nước, bón phân hữu cơ đều được nhập khẩu theo công nghệ Đức, Israel, anh Sáng là một trong những người tiên phong đi đầu trong việc sản xuất nông nghiệp sạch ở thị xã Ba Đồn.
   Để thúc đẩy phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng sản phẩm giá trị kinh tế cao, bền    vững, thị xã cũng đã tiến hành chuyển đổi các diện tích đất lúa kém hiệu quả sang trồng các loại cây thích hợp với thổ nhưỡng, như: Ngô, hoa, rau màu, ớt, lạc, tỏi… Nhờ sự linh hoạt trong chuyển đổi mà giá trị kinh tế của các loại cây này trên cùng một đơn vị diện tích đất cao gấp 3-5 lần so với trồng lúa.
      Công tác xúc tiến thương mại được quan tâm đã thúc đẩy phát triển thị trường. Trong những năm qua, những doanh nghiệp kinh doanh trong các lĩnh vực thu hút nhiều lao động, như: May mặc, sản xuất gạch, đồ gia dụng, mộc mỹ nghệ, thương mại, điện tử... được thị xã ưu tiên đầu tư phát triển. Hiện, thị xã Ba Đồn có gần 6.000 cơ sở sản xuất, kinh doanh góp phần tạo việc làm cho trên 12 nghìn lao động địa phương. Nhờ vậy, nền kinh tế đã có sự chuyển dịch đúng hướng.
     Với những kết quả đã đạt được cùng sự quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị, năm 2024 và những năm tiếp theo, tin rằng,thị xã Ba Đồn sẽ tiếp tục thu hút được nhiều nguồn lực đầu tư, khai thác tối đa lợi thế, tiềm năng của địa phương để nâng cao thu nhập cho người dân, phát triển kinh tế nhanh và bền vững.

Tác giả bài viết:   Lệ Hằng

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Thống kê
  • Đang truy cập79
  • Máy chủ tìm kiếm2
  • Khách viếng thăm77
  • Hôm nay8,303
  • Tháng hiện tại860,861
  • Tổng lượt truy cập38,776,532
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây