Thưa Bộ trưởng, tính đến thời điểm này, đã có hơn 16.000 giáo viên nghỉ việc. Bộ trưởng có thể chia sẻ gì về thực trạng này?
Theo thống kê từ các địa phương, trong 10 tháng năm 2022, cả nước có hơn 16.000 giáo viên bỏ việc, nghỉ việc, chuyển việc. Bình quân cứ 100 nhà giáo thì một người ra khỏi ngành. Con số này chiếm khoảng 1% lực lượng nhà giáo nói chung (gồm cả công và tư).
Con số này phát sinh phần lớn là bậc mầm non và tiểu học, xảy ra chủ yếu ở TP Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương, Long An… những nơi bị ảnh hưởng nặng nề nhất của dịch bệnh COVID-19. Một phần trong số đó bị buộc chuyển việc bất đắc dĩ vì gần 1.000 cơ sở mầm non (cả quy mô trường và nhóm trẻ giải thể) phải đóng cửa, vì vậy gọi nhóm này là mất việc làm thì chính xác hơn, số này khoảng hơn 2.000. Số khác mất việc tạm thời và đã làm việc trở lại khi 1.560 cơ sở nhóm trẻ tư thục hoạt động trở lại dịp đầu năm học vừa rồi.
Nhìn ở chiều cạnh khác, như vậy 99% nhà giáo trên khắp đất nước vẫn đang bám trường, bám lớp cùng học sinh. Số đông vẫn đang khắc phục khó khăn, đảm bảo việc dạy và học cùng các hoạt động của nhà trường. Tuyệt đại bộ phận giáo viên vẫn không ngừng phấn đấu vươn lên, đổi mới, tự đổi mới, đương đầu với thách thức và yêu cầu ngày càng cao của việc dạy học và kiểm tra đánh giá… Đây là điều cần ghi nhận và đánh giá cao. Chúng ta không bởi 1% giáo viên vì nhiều lý do khác nhau rời nghề, mà giảm đi niềm tin hoặc có cái nhìn ảm đạm về nghề giáo…
Tuy nhiên số giáo viên nghỉ việc, chuyển việc cũng cảnh báo chúng ta nhiều điều; rằng cần quan tâm hơn tới nhà giáo, đặc biệt là giáo viên mầm non và tiểu học, quan tâm hài hòa cả tới đội ngũ giáo viên hệ thống công và tư.
Theo Bộ trưởng, cần có những hỗ trợ như thế nào đối với giáo viên mầm non để giúp họ giảm bớt những khó khăn?
Hiện nay, mức thu nhập bình quân của giáo viên mầm non và tiểu học có thâm niên công tác 5 năm sau khi ra trường, là 4,5 - 4,7 triệu đồng/tháng, đã tính cả lương và phụ cấp ưu đãi 35%. Khi dạy được 5 năm, giáo viên sẽ có thêm phụ cấp thâm niên 5%. Người mới tuyển vào hệ thống, thu nhập chỉ khoảng 3 triệu đồng / tháng trong 2 - 3 năm đầu.
Giáo viên mầm non ở các vùng đặc biệt khó khăn, được trợ cấp ưu đãi 70%, cộng thêm phụ cấp thu hút của địa phương hoặc làm việc tại các trường chuyên biệt (trường cho trẻ em cần chăm sóc đặc biệt) thì lương sau 5 năm công tác có thể đạt 6 triệu đồng, nhưng số lượng không nhiều.
Một số giáo viên chia sẻ, đi làm cả chục năm, cuối tháng nhận lương 5 - 6 triệu đồng, rút ra đóng tiền học cho hai con hết 3 triệu. Số tiền ít ỏi còn lại chỉ đủ đi chợ chừng nửa tháng. Nhiều người ngoài giờ lên lớp, lại chạy đôn chạy đáo làm thêm các nghề khác để kiếm tiền lo cho gia đình.
Các giáo viên mầm non, tiểu học phải đến trường từ rất sớm để đón học sinh, lo cho các cháu từ bữa ăn, giấc ngủ, học hành. Một ngày làm việc của những thầy cô này thường rất dài, người ở xa trường có khi từ 6h sáng đến 6h tối. Trong khi đó, đồng lương họ nhận được vẫn không lo nổi cuộc sống.
Thực trạng này đòi hỏi phải cấp bách tăng lương và phụ cấp ưu đãi cho giáo viên, nhất là khối mầm non, tiểu học. Đó là việc chúng tôi đang đề xuất, kiến nghị. Trong đó, tốt nhất là có thể tăng phụ cấp ưu đãi cho giáo viên mầm non tương tự như phụ cấp ưu đãi của y tế cấp cơ sở, nếu không thì cũng tối thiểu tăng từ 35% lên 70%, ngang với mức ưu đãi cũ của y tế cơ sở.
Tôi cũng mong các địa phương hỗ trợ nhiều hơn đến nhóm giáo viên hiện nay chưa được quan tâm, đó là những cô giáo dạy mầm non tư thục theo mô hình nhóm trẻ.
Cô giáo Phạm Thị Hương, giáo viên tiếng Anh của Trường Phổ thông dân tộc bán trú tiểu học và trung học cơ sở Thàng Tín (Hoàng Su Phì, Hà Giang) phải dạy kiêm nhiệm cả khối trung học cơ sở và tiểu học. Ảnh: Nam Thái - TTXVN
Thưa Bộ trưởng, cũng có những ý kiến cho rằng "trước đây lương vẫn thấp, sao giáo viên không ào ào nghỉ việc như bây giờ?" và cho rằng còn có những lý do khác như bên cạnh lương thấp, một bộ phận giáo viên phải đối mặt với môi trường làm việc thiếu sự chia sẻ, đồng hành. Bộ trưởng có đánh giá như thế nào về ý kiến này?
Có rất nhiều yếu tố để giáo viên gắn bó với nghề chứ không chỉ vấn đề về lương. Đó còn là vấn đề về cơ hội phát triển nghề nghiệp, phát triển chuyên môn, vấn đề về môi trường làm việc, môi trường học đường, nguyên tắc, thái độ của học sinh, phụ huynh, xã hội và cả tâm thái nghề nghiệp của giáo viên. Tất cả những điều đó cần phải có những bước chăm lo, cải thiện để nhà giáo có thể gắn bó hơn với nghề.
Trong khi chờ cấp có thẩm quyền xem xét về tăng lương, phụ cấp cho nhà giáo, với thẩm quyền và trách nhiệm của mình, chúng tôi tiếp tục cải thiện môi trường làm việc, tăng cường quản trị trường học, điều lệ nhà trường và nâng cao văn hóa học đường, để giáo viên có môi trường làm việc thuận lợi, phát huy được trách nhiệm người thầy.
Bộ sẽ rà soát các chế độ chính sách khác như quản trị làm việc, hoạt động chuyên môn, phát triển bản thân, giảm những công việc hành chính ngoài chuyên môn cho giáo viên.
Đổi mới giáo dục là việc tất yếu phải làm theo Nghị quyết của Trung ương. Do đó, ngành tính toán hỗ trợ tối đa để giáo viên có thể điều chỉnh bản thân, thích ứng được yêu cầu, phương pháp dạy học, tiếp cận chương trình, sách giáo khoa, cách kiểm tra, đánh giá, tương tác với học sinh. Đây là thay đổi lớn nên cần quá trình, ngành giáo dục và nhà trường phải hỗ trợ, chia sẻ thì giáo viên mới có thể hoàn thiện, phục vụ tốt cho công việc.
Đặc biệt, về phía xã hội, phụ huynh, học sinh có sự chia sẻ, đồng hành với giáo viên. Ngành giáo dục cố gắng hỗ trợ các giáo viên, nhưng về phía phụ huynh, xã hội cũng cần sự chia sẻ và sự chia sẻ này cũng là tốt cho học sinh.
Thưa Bộ trưởng, ngành giáo dục đã và đang làm gì để giúp giáo viên có những chế độ, chính sách, tạo môi trường thế nào để giáo viên giữ được lửa nghề, yên tâm bám trụ với nghề? Đặc biệt là những giáo viên vùng sâu, vùng xa.
Ngành Giáo dục luôn trân trọng sự hy sinh, cống hiến của đội ngũ nhà giáo, đặc biệt là những giáo viên ở vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn của đất nước. Những kiến nghị, đề xuất về tăng lương, tăng phụ cấp cho giáo viên hay những điều chỉnh về chính sách nhằm tạo môi trường làm việc thuận lợi hơn cho giáo viên như tôi đã nói ở trên cũng chính là để giáo viên giữ được niềm tin với nghề, yên tâm bám trụ với nghề.
Nghề nhà giáo được coi là nghề cao quý, nghề vinh quang, điều đó có từ truyền thống. Sở dĩ dân tộc ta tôn vinh nhà giáo, bởi truyền thống quý trọng đạo nghĩa, trọng học, đề cao tri thức. Chăm lo cho nhà giáo là chăm lo cho giáo dục, để phát triển giáo dục, phát triển giáo dục để phát triển con người và phát triển đất nước.
Sự thành bại của công cuộc đổi mới giáo dục mà Đảng, Quốc hội, Chính phủ đang triển khai có can hệ tới việc thành bại của công cuộc đổi mới quốc gia, mà yếu tố quyết định là đội ngũ nhà giáo. Vì vậy, sự quan tâm một cách cụ thể đội ngũ nhà giáo không chỉ là chính sách xã hội, thể hiện một truyền thống văn hóa, mà thực chất nó là thể hiện một quan điểm phát triển và sự tính toán mang tính thực tế nhất cho phát triển đất nước.
Được biết, ngành giáo dục đang nghiên cứu xây dựng Luật Nhà giáo. Liệu đây có phải là giải pháp để giúp giáo viên gắn bó hơn với nghề giáo, đồng thời tháo được một số nút thắt ngành giáo dục đang gặp phải không, thưa Bộ trưởng?
Thực hiện Quyết định số 2114/QĐ-TTg ngày 16/02/2022 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch thực hiện Kết luận số 19-KL/TW của Bộ Chính trị và Đề án Định hướng Chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã xây dựng báo cáo Chính phủ về đề xuất xây dựng Luật Nhà giáo. Tháng 4/2022, Văn phòng Chính phủ có văn bản truyền ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, giao nhiệm vụ cho Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan lập đề nghị xây dựng Luật Nhà giáo, trình Chính phủ vào phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 12/2022.
Hiện nay, Bộ Giáo dục và Đào tạo đang hoàn thiện hồ sơ lập đề nghị xây dựng Luật Nhà giáo, sẽ chuyển Bộ Tư pháp thẩm định và trình Chính phủ theo quy định.
Với ý nghĩa và tầm quan trọng của dự án Luật này, quá trình xây dựng, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ nghiên cứu, xem xét đầy đủ các khía cạnh của nghề nhà giáođể có thể đưa ra các chính sách tốt đối với đội ngũ nhà giáo.
Ngày 20/11/2022 cũng là kỷ niệm 40 năm ngày Nhà giáo Việt Nam, Bộ trưởng gửi điều gì tâm đắc muốn chia sẻ với các giáo viên trên cả nước?
Kỷ niệm ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 năm nay cũng đồng thời là dịp kỷ niệm 40 năm của sự kiện này , điều này có rất nhiều ý nghĩa. Thay mặt lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo, tôi gửi đến các nhà giáo lời chúc mừng, sự ghi nhận về sự nỗ lực của thầy cô trong công cuộc đổi mới giáo dục đầy thách thức, khó khăn. Mong rằng, với trách nhiệm nghề nghiệp, sự tôn vinh của xã hội, mỗi nhà giáo đã nỗ lực, cố gắng sẽ nỗ lực, cố gắng hơn nữa để vượt qua khó khăn, thách thức.
Có thể nói, ngành Giáo dục đang đứng trước nhiều nhiệm vụ rất nặng nề, những thách thức rất lớn mà sự nghiệp đổi mới giáo dục đặt ra. Vì vậy, tôi mong rằng, mỗi nhà giáo chúng ta sẽ cố gắng vượt qua được những thách thức, hoàn thành sứ mệnh. Khi làm được điều đó thì vinh quang của nghề giáo sẽ được xã hội ghi nhận,tôn vinh. Bên cạnh đó, mỗi chúng ta cũng cần không ngừng cố gắng nâng cao trình độ về chuyên môn, đổi mới về kỹ năng của bản thân để hoàn thành tốt nhất cácnhiệm vụ.
Xin trân trọng cảm ơn Bộ trưởng!
Theo baotintuc.vn
https://tuyengiao.vn/khoa-giao/giao-duc/bo-truong-bo-gddt-nguyen-kim-son-ghi-nhan-nhung-no-luc-cua-thay-co-trong-cong-cuoc-doi-moi-giao-duc-141906
Nguồn tin: Tạp chí của Ban Tuyên giáo Trung ương.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn