Thị xã Ba Đồn: Làm tốt công tác hòa giải cơ sở

Thứ sáu - 30/07/2021 15:08
Những năm qua, công tác hòa giải cơ sở ở trên địa bàn thị xã Ba Đồn luôn được chú trọng. Nhờ đó những mâu thuẫn, tranh chấp trong nhân dân kịp thời giải quyết, góp phần giảm thiểu các vụ việc khiếu nại vượt cấp, kéo dài, giúp tình hình trật tự địa phương luôn ổn định, bà con an tâm lao động sản xuất.
Tổ hòa giải tại thôn Thượng Thôn, xã Quảng Trung nhiều lần hòa giải thành công các vụ việc về hôn nhân gia đình và tranh chấp đất đai xảy ra trên địa bàn
Tổ hòa giải tại thôn Thượng Thôn, xã Quảng Trung nhiều lần hòa giải thành công các vụ việc về hôn nhân gia đình và tranh chấp đất đai xảy ra trên địa bàn
Nhận thức tầm quan trọng của công tác hòa giải, đặc biệt khi Luật Hòa giải ở cơ sở có hiệu lực, 16 xã, phường trên địa bàn thị xã Ba Đồn đã củng cố, kiện toàn hoạt động các tổ hòa giải và lực lượng hòa giải viên. Hiện, thị xã có 114 tổ hòa giải với 822 hòa giải viên, họ đều là những người đang tham gia hoạt động trong các tổ chức đoàn thể, có khả năng vận động thuyết phục cao, được người dân tín nhiệm.
Với phương châm “giải quyết dứt điểm từ cơ sở”, các vụ việc liên quan đến tranh chấp đất, đến ranh giới đất đai, làm ruộng lấn bờ, lối đi, hôn nhân gia đình, những mâu thuẫn nhỏ trong cuộc sống hàng ngày... đã được các tổ viên tổ hòa giải ở các thôn, TDP phối hợp cùng cán bộ các xã, phường phân tích hợp tình, hợp lý, khéo léo vận động nhân dân để giải quyết dứt điểm ngay từ khi mới phát sinh, góp phần hạn chế đơn, thư khiếu nại vượt cấp.
Trong năm 2020, toàn thị xã đã tiếp nhận và thực hiện 100 vụ việc hòa giải trên các lĩnh vực, trong đó đã hòa giải thành 87 vụ việc, đạt 87% số vụ việc hòa giải.
Để công tác hòa giải trên địa bàn thị xã có những kết quả phải kể đến sự đóng góp không nhỏ của đội ngũ hòa giải viên cơ sở. Có nhiều năm tham gia tổ hòa giải, bà Nguyễn Thị Mai, thành viên tổ hòa giải ở TDP Cầu, phường Quảng Thuận, cho biết: “Làm công tác hòa giải cơ sở có nhiều khó khăn nhưng cũng có nhiều niềm vui. Hòa giải không chỉ để giải quyết mâu thuẫn nhất thời mà còn giúp hàn gắn tình làng nghĩa xóm, tình cảm gia đình. Làm việc này phải từ cái tâm, trách nhiệm thì mới bền lâu được. Chính vì suy nghĩ đó, mà mỗi khi tại địa phương có tranh chấp, mẫu thuẫn gì thì các thành viên trong tổ hòa giải chúng tôi đã ngồi lại, bàn cách làm, hướng giải quyết, thuyết phục để giải quyết mâu thuẫn đó một cách êm đẹp, vừa hợp lý, vừa giữ được tình làng, nghĩa xóm”.
Cũng có hơn 8 năm kinh nghiệm hoạt động trong lĩnh vực hòa giải nhiều năm, ông Nguyễn Mạnh Tăng, tổ phó tổ hòa giải thôn Thượng Thôn, xã Quảng Trung, cho biết: “Bà con hàng xóm với nhau nhiều khi chỉ vì những chuyện nhỏ nhặt nhưng không biết phân định đúng sai nên dẫn đến cãi vã rồi kiện tụng nhau làm mất tình làng nghĩa xóm. Một phần do sự hiểu biết của họ còn hạn chế, một phần do bản tính nóng nảy của mỗi con người nên đẩy mọi chuyện đi xa hơn. Lúc này vai trò của những hòa giải viên cơ sở như chúng tôi mới thực sự phát huy hiệu quả. Những người hòa giải viên phải bàn và thống nhất cách làm để làm sao đó mà khúc mắc giữa đôi bên được gỡ bỏ một cách thỏa đáng nhất, tránh kiện tụng vượt cấp”.
Trao đổi thêm với phóng viên, bà Lương Thị Bích Thủy- Trưởng phòng Tư pháp thị xã, nói thêm: Thời gian qua, chất lượng hoạt động hòa giải của thị xã Ba Đồn được nâng lên đáng kể. Các tổ hòa giải ở địa phương hoạt động ngày càng hiệu quả. Để nâng cao chất lượng, cung cấp kiến thức mới, bồi dưỡng nghiệp vụ, kỹ năng cho đội ngũ hòa giải viên, hàng năm Phòng Tư pháp thị xã tổ chức các hội nghị tập huấn kiến thức pháp luật và nghiệp vụ hòa giải ở cơ sở cho các tổ trưởng tổ hòa giải. Bên cạnh đó, kịp thời biểu dương, khen thưởng các hòa giải viên có nhiều cố gắng, tinh thần trách nhiệm, chủ động, sáng tạo trong quá trình thực hiện nhiệm vụ. Nhờ vậy, hoạt động hòa giải ở cơ sở trên địa bàn thị xã trong những năm qua ngày càng đi vào nền nếp, từng bước nâng cao chất lượng, hiệu quả, đúng quy định của pháp luật.
Thời gian tới, để nâng cao công tác hòa giải ở cơ sở, thị xã Ba Đồn tiếp tục củng cố, kiện toàn nâng cao chất lượng tổ hòa giải và hòa giải viên thông qua việc thường xuyên bồi dưỡng kiến thức pháp luật cho các hòa giải viên về đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước trong từng lĩnh vực của đời sống xã hội và nâng cao kỹ năng, nghiệp vụ hòa giải cho các hòa giải viên. Làm tốt việc cung cấp tài liệu hướng dẫn nghiệp vụ, tài liệu pháp luật cho đội ngũ hòa giải viên cũng như đẩy mạnh công tác xây dựng, quản lý tủ sách pháp luật tại xã, phường để có nguồn văn bản cho các hòa giải viên tham khảo. Kết hợp chặt chẽ công tác hòa giải ở cơ sở với cuộc vận động xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư; phong trào xây dựng nông thôn mới.

Tác giả bài viết: Hồng Sâm

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Thống kê
  • Đang truy cập185
  • Máy chủ tìm kiếm9
  • Khách viếng thăm176
  • Hôm nay40,803
  • Tháng hiện tại40,803
  • Tổng lượt truy cập41,186,257
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây