Chỉ vì một chữ "duyên"

Thứ sáu - 27/08/2021 09:30
Say mê dân ca từ nhỏ, chị Phạm Thị Tuyết (Trung tâm Văn hóa-Thể thao (VH-TT) thị xã Ba Đồn) đã có nhiều đóng góp cho phong trào văn hóa-văn nghệ địa phương. Chị Tuyết được biết đến là một đào nương của nghệ thuật ca trù, trực tiếp biểu diễn và truyền dạy dân ca nói chung, ca trù nói riêng cho các câu lạc bộ (CLB) đàn hát dân ca, các trường học và những người yêu thích, tâm huyết với văn nghệ dân gian trên địa bàn thị xã.
Tình cảm của khán giả là nguồn động viên rất lớn của Tuyết sau các chương trình biễu diễn
Tình cảm của khán giả là nguồn động viên rất lớn của Tuyết sau các chương trình biễu diễn
Từng được nghe và rất ấn tượng với các tiết mục diễn xướng ca trù của ca nương Phạm Thị Tuyết tại các hội diễn cấp tỉnh, song khi gặp Tuyết ngoài đời, chúng tôi rất ngạc nhiên vì chị trẻ hơn nhiều so với trên sân khấu biểu diễn. Hỏi chị vì sao lại chọn đi theo con đường nghệ thuật truyền thống trong khi rất nhiều người trẻ khác lại chọn các loại hình âm nhạc mới, âm nhạc hiện đại, Tuyết cho hay, chị đến với dân ca, nhất là ca trù chỉ vì một chữ “duyên”.
 
Phạm Thị Tuyết quê ở xã Quảng Thạch (Quảng Trạch), lập gia đình và sinh sống tại thị xã Ba Đồn. Từ nhỏ, chị đã rất thích hát dân ca và theo học dân ca tại Trường trung cấp Văn hóa nghệ thuật Huế. Ngay từ khi còn theo học ở trường, Tuyết đã đoạt nhiều giải thưởng quan trọng tại các cuộc thi.

Sở hữu giọng hát ngọt ngào, truyền cảm, ngoại hình “sáng sân khấu”, Tuyết gây ấn tượng đặc biệt với người nghe bởi các làn điệu dân ca Bình Trị Thiên, ca Huế… Khi trở thành viên chức của Trung tâm VH-TT thị xã Ba Đồn, phụ trách lĩnh vực văn hóa-văn nghệ dân gian, Tuyết mới có cơ hội tiếp cận với ca trù và say từ lúc nào không hay.
 
Ba Đồn là vùng đất giàu bản sắc văn hóa truyền thống. Nơi đây là xứ sở của các làn điệu dân ca, nổi bật nhất là ca trù. Để bảo tồn, phát huy làn điệu dân ca độc đáo này, Sở Văn hóa-Thể thao, Trung tâm VH-TT thị xã đã mời các nghệ nhân từ những CLB ca trù nổi tiếng ở miền Bắc về truyền dạy cho những người có năng khiếu hát dân ca trên địa bàn tỉnh. Tuyết là một trong những người tham gia và nhanh chóng “cảm” được ca trù để rồi trở thành một đào nương có tiếng, được giới chuyên môn đánh giá cao và công chúng yêu dân ca yêu thích.
 
Chị Tuyết chia sẻ: Ca trù là một loại hình nghệ thuật độc đáo, đòi hỏi người hát phải thực sự say mê, dày công luyện tập. Do truyền dạy qua hình thức truyền miệng, nên người học phải nghe rất kỹ, tập rất nhiều mới có thể hát được, nhất là những nốt ngân, luyến. Cái khó nữa của ca trù là thường sử dụng ngôn ngữ cổ nên người học phải đầu tư nhiều thời gian để hiểu nội dung và thuộc phần lời.
 
Yêu thích và say mê từ buổi học đầu tiên, Tuyết tích cực luyện tập. Không chỉ tiếp thu những kinh nghiệm từ các bậc thầy truyền dạy, chị còn tìm nghe các bản ca trù cổ để tập hát theo. Tuyết dành nhiều thời gian cho việc xử lý những kỹ thuật khó của ca trù và càng khó lại càng thôi thúc chị cố gắng, càng tạo động lực để chị chinh phục bằng được. Dần dần, Tuyết đến với ca trù như một lẽ tự nhiên. Hiện tại, chị là một trong số những đào nương được đánh giá là có kỹ thuật hát “nảy hạt”, kỹ thuật đặc trưng của nghệ thuật thuật hát ca trù qua cách lấy hơi, ém hơi, nhả chữ…
 
Nhiều khán giả yêu dân ca, quen thuộc với giọng hát của Phạm Thị Tuyết cho rằng: Nghe, nhìn Tuyết diễn xướng ca trù với những thanh âm bay bổng, thiết tha, hòa với tiếng trống, tiếng phách rộn ràng, lúc khoan, lúc nhặt, tiếng đàn đáy sâu lắng quyện lẫn lời ca nỉ non như tiếng đồng vọng của quá khứ khiến cho tâm hồn con người lắng lại, đánh thức nỗi niềm sâu thẳm của trái tim hướng về quê hương, nơi có cây đa cổ thụ, giếng nước, mái đình…
 
Không chỉ hát tốt, biểu diễn thành công ở nhiều hội diễn, liên hoan ca trù, liên hoan đàn, hát dân ca cấp huyện, tỉnh…, Phạm Thị Tuyết còn tham gia truyền dạy dân ca, trong đó có ca trù cho các CLB ca trù, CLB đàn, hát dân ca và giáo viên các trường học trên địa bàn thị xã. Để trau dồi kỹ năng hát, biểu diễn, Phạm Thị Tuyết thường xuyên gặp gỡ, giao lưu, học hỏi từ các nghệ nhân dân gian ở những CLB ca trù trên địa bàn thị xã.
 
Những nghệ nhân như: Lê Thị Liệu (SN 1929, thôn Trung Thôn, xã Quảng Trung), người hát ca trù gần một thế kỷ và các nghệ nhân cao tuổi ở CLB ca trù Quảng Phong, Quảng Minh… đã tiếp thêm cho Tuyết ngọn lửa đam mê, nhiệt huyết với loại hình nghệ thuật đặc trưng này.
 
Sinh ra trong một gia đình có truyền thống nghệ thuật, bố mẹ đều yêu thích dân ca, chị gái đang công tác tại Đoàn ca kịch Huế, em trai là nghệ nhân đàn đáy (một nhạc cụ không thể thiếu trong diễn xướng ca trù), cũng là động lực để chị Tuyết yêu và gắn bó với con đường mình đã chọn.
 
Ca trù là một loại hình nghệ thuật truyền thống vừa mang đậm tính dân gian lại vừa rất uyên bác cả trong âm nhạc lẫn lời ca. Trong bối cảnh hiện nay, ca trù rất kén người nghe và khá khó khăn khi hòa nhập với đời sống đương đại. Thực tế cho thấy, số người biết hát và hát tốt thể loại này không nhiều, nhất là lớp trẻ. Vì vậy, ca nương trẻ Phạm Thị Tuyết và nhiều nghệ nhân ca trù luôn trăn trở làm thế nào để bảo tồn, gìn giữ, phát huy được di sản, giá trị tốt đẹp mà cha ông để lại.
 
“Cháy” cùng nghệ thuật truyền thống, Phạm Thị Tuyết đã gặt hái được nhiều thành tích tại các hội diễn văn nghệ như: huy chương vàng hội diễn nghệ thuật quần chúng “Câu hò nối những dòng sông”, huy chương bạc liên hoan đàn, hát dân ca “Giai điệu quê hương”, giải A tại liên hoan nghệ thuật quần chúng Công-Nông-Binh Quảng Binh, giải A tại liên hoan nghệ thuật quần chúng đàn, hát dân ca Quảng Bình và nhiều giải thưởng quan trọng khác.

 
Nh. V

Nguồn tin: baoquangbinh.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Lịch phát thanh hàng ngày

- Buổi sáng (từ thứ 3 đến thứ 7): + Từ 5h10 phút đến 5h30 phút: Phát lại chương trình truyền thanh chiều hôm trước của Trung tâm Văn hóa - Thể thao và Truyền thông (Trung tâm VH-TT&TT) thị xã. + Từ 5h30 phút đến 6h00 phút: Tiếp âm Đài phát thanh - Truyền hình Quảng Bình; + Từ 6h00 phút đến...

Thống kê
  • Đang truy cập86
  • Máy chủ tìm kiếm3
  • Khách viếng thăm83
  • Hôm nay8,616
  • Tháng hiện tại143,823
  • Tổng lượt truy cập38,963,885
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây