Một trong những nội dung nhận được sự đồng tình ủng hộ lớn của người dân nói chung, các bậc phụ huynh nói riêng là từ năm học 2019-2020, học sinh hạn chế sử dụng tấm ni lông để bao bọc sách vở.
Các cháu có thể sử dụng báo cũ, các loại giấy hoa, vật liệu thân thiện với môi trường để bao bọc sách vở hoặc để nguyên bìa sách vở và chỉ cần dán nhãn. Đây là một việc làm thiết thực không chỉ hạn chế rác thải nhựa mà quan trọng hơn sẽ góp phần giáo dục, nâng cao ý thức bảo vệ môi trường cho các em học sinh.
Tuy nhiên, tại thời điểm Sở và các phòng Giáo dục-Đào tạo phát hành công văn này (đầu tháng 8-2019), có nhiều em học sinh đã được bố mẹ mua sách vở và bao bọc bằng tấm ni lông như nhiều năm học trước đây. Sau khi nhận được công văn chỉ đạo, nhiều thầy cô giáo ở các trường đã yêu cầu học sinh phải tháo bỏ bìa vở bằng ni lông để vứt đi và bao bọc lại bằng giấy báo, giấy hoa hoặc để nguyên bìa sách vở.
Nhiều học sinh và cả phụ huynh phản ứng bởi lẽ họ cho rằng, việc không sử dụng tấm ni lông bao bọc sách vở là đúng, đặc biệt là góp phần giáo dục ý thức bảo vệ môi trường cho các em học sinh. Tuy nhiên, đối với những em học sinh đã bao bọc sách vở bằng tấm ni lông, nhà trường cần tuyên truyền để các em hiểu để rút kinh nghiệm thay vì yêu cầu một cách máy móc như thế, vừa gây tốn kém, mất thời gian và khiến “căn bệnh” hình thức trong giáo dục nặng thêm.
Và để đối phó với cách hiểu cứng nhắc của một số thầy cô giáo về quy định mới này, những phụ huynh đã trót bọc sách vở bằng ni lông cho con giờ có “sáng kiến” mới là dùng giấy báo bọc thêm bên ngoài thay vì gỡ tấm ni lông ra vừa mất thời gian vừa làm rách sách vở. Và có không ít bậc phụ huynh phải vất vả ngược xuôi mới tìm được báo để bao bọc vở cho con theo quy định của nhà trường.
Tương tự, việc bài trừ rác thải nhựa một cách triệt để và cứng nhắc cũng đã và đang diễn ra tại nhiều trường sau khi nhận được công văn chỉ đạo của cấp trên. Một số em học sinh mua tập giấy kiểm tra được đóng sẵn trong túi ni lông đã bị giáo viên yêu cầu vứt túi ni lông và thay bằng túi giấy.
Mặc dù điều này là vô lý nhưng các em học sinh cũng phải chấp hành, đồng nghĩa với việc đầu năm học mới lại có thêm một số lượng rác thải nhựa bị thải ra môi trường, còn các em thì loay hoay đi làm túi giấy để đựng giấy kiểm tra.
Một số trường khác thì do hiểu chưa rõ về nội dung công văn chỉ đạo nên kiên quyết yêu cầu phụ huynh không được bao bọc sách vở cho các cháu. Chị Hoàng Thị Ph, phường Hải Đình, thành phố Đồng Hới cho biết: "Hưởng ứng lời kêu gọi của tỉnh và nhà trường, bước vào năm học mới, tôi và con đã tiến hành bao bọc sách vở bằng giấy báo. Thế nhưng, khi đến lớp, cô giáo kiên quyết không cho bao bọc sách vở bởi theo lời cô là “cấp trên” yêu cầu như thế.
Con tôi đang học tiểu học, cháu khá hiếu động nên nếu sách vở không được bao bọc cẩn thận sẽ rất nhanh cũ. Tôi muốn giữ sách vở của cháu sạch đẹp để hết năm học có thể mang để quyên góp cho các cháu học sinh vùng khó khăn. Thế nhưng chúng tôi không thể cưỡng lại quy định máy móc của nhà trường. Tôi cho rằng việc làm này sẽ không mang lại hiệu quả tích cực như mong muốn".
Chống rác thải nhựa là điều nên làm và cần được tiến hành thường xuyên. Quy định của Sở Giáo dục-Đào tạo bắt đầu từ năm học này sẽ tiền đề quan trọng để những năm học tiếp theo, công cuộc chống rác thải nhựa trong trường học sẽ đi vào nền nếp.
Bởi bên cạnh việc sẽ thải ra số lượng tấm ni lông rất lớn sau mỗi năm học, việc các trường học, cơ sở giáo dục “nhanh nhạy” đặt sách vở về cho học sinh và tiến hành bao bọc sách bằng tấm ni lông với mức giá 1.500 đồng đến 2.000 đồng/một cuốn, đã khiến phụ huynh phải tốn thêm số tiền trung bình 100.000 đồng/học sinh. Toàn tỉnh có khoảng 230.000 học sinh, con số này là rất lớn, trong khi bước vào năm học mới, phụ huynh đã phải “cõng” rất nhiều những khoản thu lớn nhỏ.
Sự cứng nhắc về tư duy của một số thầy cô giáo đã và đang gây ra sự lãng phí không đáng có và hạn chế hiệu quả của việc tuyên truyền nâng cao ý thức chống rác thải nhựa. Nhựa là một chất liệu đã và đang sản xuất ra nhiều vật dụng tiện ích cho cuộc sống.
Vấn đề ở đây là chúng ta đã và đang lạm dụng thứ vật liệu này với việc sản xuất ra hàng loạt vật dụng sử dụng một lần như túi ni lông, hộp đựng thức ăn, ly nhựa đựng đồ uống, ống hút, áo mưa tiện lợi, các loại vỏ chai đựng nước…
Vấn đề cốt lõi để hạn chế và đẩy lùi rác thải nhựa, góp phần bảo vệ môi trường chính là tuyên truyền để mọi người thấy rõ tác hại của rác thải nhựa, từ đó lựa chọn cách thức sử dụng hiệu quả thay vì hiểu sai quy định, bài trừ một cách triệt để và cực đoan như trong những câu chuyện kể trên.
Tác giả bài viết: Ngọc Mai (Báo Quảng Bình)
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
- Buổi sáng (từ thứ 3 đến thứ 7): + Từ 5h10 phút đến 5h30 phút: Phát lại chương trình truyền thanh chiều hôm trước của Trung tâm Văn hóa - Thể thao và Truyền thông (Trung tâm VH-TT&TT) thị xã. + Từ 5h30 phút đến 6h00 phút: Tiếp âm Đài phát thanh - Truyền hình Quảng Bình; + Từ 6h00 phút đến...