NHỮNG GIẢI PHÁP “KIỂM SOÁT QUYỀN LỰC VÀ PHÒNG CHỐNG “CHẠY CHỨC, CHẠY QUYỀN” TRONG CÔNG TÁC CÁN BỘ HIỆN NAY”

Thứ hai - 18/06/2018 09:57
            “Quyền lực”, “chạy chức, chạy quyền” là hiện tượng xã hội, xuất hiện cùng với sự ra đời của Nhà nước. Do cơ cấu tổ chức bộ máy nhà nước, hệ thống pháp luật, quy chế pháp lý ràng buộc và chất lượng đạo đức công vụ của bộ máy nhà nước mà mức độ, tính chất của hiện tượng lạm dụng quyền lực và tình trạng chạy chức, chạy quyền ở mỗi quốc gia, dân tộc, ở mỗi giai đoạn lịch sử có biểu hiện khác nhau. Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời từ năm 1946, nay là nước Cộng hòa XHCN Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh trong từng giai đoạn lịch sử của cách mạng, Đảng ta luôn luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo công tác xây dựng Đảng và có nhiều giải pháp để kiểm soát quyền lực và phòng chống chạy chức, chạy quyền. Trong một vài thập niên trở lại đây khi bước vào giai đoạn cách mạng mới do tính chất, mức độ và biểu hiện lạm dụng quyền lực, hiện tượng chạy chức, chạy quyền diễn biến phức tạp, ảnh hưởng đến uy tín, vai trò lãnh đạo của Đảng, đe dọa sự tồn vong của chế độ. Do đó, trong các văn kiện Đại hội X, Đại hội XI, XII của Đảng và các hội nghị BCH TW, Đảng ta nói nhiều, nhắc nhiều và đưa ra quyết tâm chính trị rất cao để “Kiểm soát quyền lực và phòng chống chạy chức, chạy quyền trong công tác cán bộ”.              
          Công cuộc đổi mới đất nước dưới sự lãnh đạo của Đảng trong hơn 30 năm qua đã giành được nhiều thành tích to lớn, có ý nghĩa lịch sử. Những thành tựu đạt được là tiền quan trọng để xây dựng và phát triển đất nước trong tương lai. Tuy nhiên, trong quá trình mở cửa hội nhập, xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng XHCN, bên cạnh tạo ra được những nhân tố tích cực cho xây dựng, củng cố hệ thống chính trị cũng xuất hiện sự thoái hóa, biến chất, lạm dụng quyền lực được giao để trục lợi cá nhân của một số cán bộ, đảng viên trong đó có những đảng viên giữ vị trí lãnh đạo, quản lý các cấp. Một trong những nguyên nhân của tình trạng trên được Hội nghị lần thứ 6 BCHTW Đảng Khóa XII chỉ rõ: “cơ chế kiểm soát quyền lực hiệu quả chưa cao; việc công khai và trách nhiệm giải trình còn hạn chế”, cơ chế kiểm soát quyền lực chưa được tối ưu hóa, làm cho quyền lực dễ bị lợi dụng, tình trạng chạy chức, chạy quyền có cơ hội nảy sinh và diễn biến phức tạp.
          Từ thực tiễn công tác xây dựng đội ngũ cán bộ của địa phương, để kiểm soát quyền lực và phòng chống “chạy chức, chạy quyền” trong công tác cán bộ hiện nay, theo chúng tôi cần tập trung thực hiện tốt một số giải pháp sau:
          Một là, phải quán triệt, nâng cao nhận thức để đội ngũ cán bộ, đảng viên hiểu rõ và nhận thức sâu sắc rằng: sự lộng quyền, lạm quyền đến mức nghiêm trọng sẽ trở thành tha hóa; quyền lực càng cao thì nguy cơ lộng quyền, lạm quyền càng lớn; rất dễ hình thành “nhóm lợi ích” làm ảnh hưởng đến uy tín và vai trò lãnh đạo của Đảng đối với đất nước và sự tồn vong của chế độ. Vì vậy, phải xây dựng cơ chế cụ thể về kiểm soát quyền lực. Bảo đảm cho quyền lực các tổ chức và cá nhân được giao và thực thi quyền lực trong công tác cán bộ không bị lạm dụng, lộng quyền, lạm quyền, chuyên quyền, độc đoán…phục vụ lợi ích cá nhân, trái với chủ trương, đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước, ý chí của nhân dân và bản chất của chế độ.
          Hai là, kiểm soát quyền lực trong công tác tổ chức cán bộ chính là tập trung kiểm soát chủ yếu các khâu trong công tác cán bộ, cả về đánh giá, quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, luân chuyển, điều động, bố trí, sử dụng cán bộ; trong quá trình thực hiện cần phải công khai, dân chủ, minh bạch và tập trung kiểm tra, giám sát ngay từng khâu trong quá trình thực hiện. Thực hiện nghiêm quy định về khung tiêu chuẩn chức danh, định hướng khung tiêu chí đánh giá cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp như Bộ Chính trị, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành. Trong đó, tăng cường trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp, thủ trưởng các cơ quan, đơn vị trong thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ trong điều hành hoạt động của cơ quan, đơn vị, địa phương.
          Ba là, trong lãnh đạo, chỉ đạo cần mạnh dạn và quyết tâm trong triển khai thực hiện các mô hình kiêm nhiệm, nhất thể hóa các chức danh người đứng đầu các tổ chức có chức năng, nhiệm vụ tương đồng, luân chuyển bố trí lãnh đạo và người đứng đầu không phải là người địa phương…Hoàn thiện hệ thống quy chế, quy định chặt chẽ về công tác cán bộ ở tất cả các khâu. Thực hiện nghiêm các quy định về việc Đảng thống nhất lãnh đạo xây dựng và quản lý tổ chức bộ máy, biên chế, công tác cán bộ và đội ngũ cán bộ của toàn hệ thống chính trị. Quy định về thẩm quyền và trách nhiệm của người đứng đầu trong công tác cán bộ; thực hiện nghiêm quy trình “5 bước” trong công tác cán bộ…
          Thứ tư, Nâng cao hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát, để kiểm soát quyền lực, ngăn ngừa sự lạm quyền, các biểu hiện “chạy chức, chạy quyền” trong công tác cán bộ, cần chú trọng kiện toàn, nâng cao chất lượng cán bộ làm công tác kiểm tra, giám sát. Kịp thời sắp xếp, bổ sung những cán bộ của Ủy ban kiểm tra các cấp có chuyên môn, nghiệp vụ sâu về công tác kiểm tra, giám sát, có đạo đức, phẩm chất tốt, để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Cấp ủy các cấp tập trung kiểm tra, giám sát thực hiện chức trách, nhiệm vụ nhất là lĩnh vực dễ nảy sinh tiêu cực, phát huy vai trò giám sát của HĐND và Mặt trận, đoàn thể các cấp trong việc thực hiện các chủ trương, chính sách liên quan đến cán bộ, trong việc thực hiện chế độ công chức, công vụ. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát trong kê khai tài sản, thu nhập của cán bộ, đảng viên.
Năm là, cần xem xét, rà soát để phân cấp mạnh mẽ việc quản lý cán bộ cho cấp dưới, tạo sự chủ động trong bố trí, đề bạt, bổ nhiệm cán bộ, phát huy trách nhiệm của cấp ủy và người đứng đầu trong công tác tổ chức cán bộ. Siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong đảng, có hình thức xử lý kịp thời, chính xác, bảo đảm công khai, minh bạch, không có vùng cấm, ngoại lệ đối với cán bộ, đảng viên, người đứng đầu các cấp vi phạm trong thực thi quyền lực được giao. Phải bằng mọi biện pháp phát hiện các cán bộ có biểu hiện chạy chức, chạy quyền, đồng thời phải loại ngay từ đầu, không đưa vào quy hoạch, nếu có quy hoạch thì đưa ra khỏi quy hoạch, không đề bạt bổ nhiệm, bổ nhiệm lại những cán bộ có biểu hiện nêu trên.
Sáu là, cải cách chính sách tiền lương để nâng cao đời sống cho cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động. Vì xét cho cùng tiền công lao động và tiền lương là cơ sở để phản ánh giá cả sức lao động (cả lao động giản đơn và lao động phức tạp), theo quy định thị trường nếu có chế độ tiền lương hợp lý, đúng với từng chức danh, vị trí công tác, loại hình lao động thì sẻ giảm thiểu ý thức tiêu cực trong “chạy chức, chạy quyền” để có quyền lạm dụng quyền chức theo động cơ cá nhân. Như vậy mọi giải pháp đều làm cho cán bộ, công chức, viên chức không muốn chạy, không dám chạy và không chạy được; kịp thời khen thưởng, biểu dương những cách làm mới; có cả cơ chế bảo vệ những người dám đấu tranh chống “chạy chức, chạy quyền” trong cơ quan, đơn vị, địa phương.

Tác giả bài viết:  Phạm Duy Quang, Phó Bí thư Thường trực Thị ủy

Nguồn tin: Bản tin thị xã:

 Từ khóa: bí thư, thường trực

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Thống kê
  • Đang truy cập138
  • Hôm nay9,171
  • Tháng hiện tại602,132
  • Tổng lượt truy cập40,121,921
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây