Người lính 30 tháng 4 năm ấy

Thứ năm - 26/04/2018 01:22
Ngày 30/4/1975, đại thắng mùa xuân đã làm thất bại hoàn toàn cuộc chiến tranh xâm lược và ách thống trị thực dân mới của đế quốc Mỹ ở miền Nam, giải phóng hoàn toàn miền Nam, kết thúc vẻ vang cuộc chiến tranh cứu nước lâu dài nhất, khó khăn nhất và vĩ đại nhất trong lịch sử chống ngoại xâm của nhân dân ta. Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ IV tháng 12/1976 đánh giá: “Năm tháng sẽ trôi qua nhưng thắng lợi của nhân dân ta trong sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước mãi mãi được ghi vào lịch sử dân tộc ta như một trong những trang chói lọi nhất, một biểu tượng sáng ngời về sự toàn thắng của chủ nghĩa anh hùng cách mạng và trí tuệ con người, đi vào lịch sử thế giới như một chiến công vĩ đại của thế kỷ XX, một sự kiện có tầm quan trọng quốc tế to lớn và có tính thời đại sâu sắc.
   Đại thắng mùa xuân 1975 đã chứng minh trí tuệ và tài thao lược của Đảng ta trong lãnh đạo và chỉ đạo chiến tranh cách mạng, cũng như chứng minh tinh thần quật khởi của người dân Việt Nam trong đấu tranh chống ngoại xâm. Chiến thắng đã chấm dứt ách thống trị của chủ nghĩa đế quốc và chế độ phong kiến ở nước ta, hoàn thành cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân, thống nhất đất nước, đồng thời mở ra một kỷ nguyên mới của dân tộc, cả nước cùng tiến lên CNXH.
Cùng với cả nước, trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, quân và dân tỉnh Quảng Bình, trong đó có huyện Quảng Trạch cũ (nay là thị xã Ba Đồn và huyện Quảng Trạch) đã đoàn kết một lòng, vừa lao động sản xuất, vừa chi viện sức người, sức của cho chiến trường miền Nam. Cùng với hậu phương hai miền Bắc, Trung, quân và dân thị xã Ba Đồn ngày nay nói riêng đã hoàn thành trách nhiệm nghĩa vụ của hậu phương đối với tiền tuyến lớn miền Nam, góp phần quan trọng vào chiến công chung của cả nước.
   Ngày nay, hầu hết thế hệ cán bộ, chiến sỹ tham gia cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước đã trở về đời thường, đa số các đồng chí phục viên xuất ngũ, có những đồng chí chuyển ngành về công tác tại các cơ quan, đơn vị, có đồng chí là thương, bệnh binh, có đồng chí bị nhiễm chất độc hoá học, có người mang trong mình mảnh đạn, có người do bệnh tật, tuổi cao không còn nữa… Tuy mỗi người một hoàn cảnh khác nhau, song đại đa số CCB vẫn mang trong mình tinh thần, bản lĩnh của Bộ đội Cụ Hồ, tiếp tục phát huy tinh thần 30/4 trong điều kiện mới, với ý chí và nghị lực của một người lính, không cam chịu đói nghèo, lạc hậu, khắc phục khó khăn vươn lên ổn định cuộc sống gia đình và đóng góp cho xã hội. Nhiều đồng chí đã trở thành những cán bộ lãnh đạo tham gia cấp uỷ, chính quyền các cấp, trở thành những doanh nhân, những hộ sản xuất, kinh doanh giỏi, tạo công ăn việc làm cho người lao động, giúp đỡ đồng đội còn khó khăn và tích cực hoạt động đền ơn đáp nghĩa…, được cấp uỷ, chính quyền và nhân dân ghi nhận, đánh giá cao.
Với phẩm chất của bộ đội Cụ Hồ hết lòng vì công việc, đồng chí Lê Thanh Tịnh nhập ngũ chiến trường miền Nam từ tháng 2 đến tháng 4 năm 1975, sau giải phóng ông tiếp tục làm quân quản Sài Gòn tại biên giới Tây Nam, tháng 8 năm 1978 ông học tại trường Sỹ quan lục quân 1. Tới năm 2010, ngay khi vừa nghỉ hưu, đồng chí Lê Thanh Tịnh công tác tại Chi hội khuyến học khu phố, đến tháng 9 năm 2015 đồng chí được hội viên tín nhiệm bầu giữ chức Phó Chủ tịch Hội Cựu chiến binh thị xã Ba Đồn. Với cương vị được giao, ông lại dồn tâm trí xây dựng tổ chức Hội vững mạnh, lăn lộn với cơ sở, chỉ đạo phong trào Cựu chiến binh giúp nhau xóa nghèo, làm kinh tế giỏi. 
Giờ đây, sau 43 năm, dẫu cán bộ chiến sỹ nhiều thế hệ của các trung đoàn mỗi người một ngả, mỗi người một công việc khác nhau, nhưng ai cũng lưu giữ những kỷ niệm sâu sắc một thời hào hùng là người lính. 
    Trưởng thành từ trong quân ngũ, được tôi luyện trong chiến đấu và trở về sau những gian khổ, hy sinh cho độc lập dân tộc, hơn 5.900 hội viên cựu chiến binh, trong đó có gần 500 cựu binh trực tiếp tham gia cuộc tổng tiến công mùa xuân năm 1975 trên mảnh đất thị xã Ba Đồn hôm nay lại hòa mình vào công cuộc xây dựng quê hương, đất nước. Bằng nghị lực, bản lĩnh của người lính “Bộ đội cụ Hồ”, họ luôn phát huy bản chất, truyền thống tốt đẹp của người lính năm xưa, tích cực tham gia xây dựng bảo vệ Đảng, Nhà nước, chế độ XHCN và bảo vệ nhân dân; nêu cao tinh thần tự lực, tự cường, huy động tối đa mọi nguồn lực, để giúp nhau phát triển kinh tế, giảm nghèo nhanh và bền vững, vươn lên làm giàu hợp pháp. Tích cực chăm lo bảo vệ quyền và lợi ích của CCB, xây dựng tổ chức Hội trong sạch vững mạnh, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị, đoàn kết một lòng, xây dựng quê hương thị xã Ba Đồn ngày một đi lên. 
     Nhân kỷ niệm 43 năm ngày giải phóng miền Nam thống nhất đất nước, lãnh đạo cấp ủy, chính quyền, các Ban ngành đoàn thể Thị xã Ba Đồn bày tỏ lòng tri ân đối với những đóng góp, hy sinh to lớn của các cựu chiến binh thị xã, chia sẻ những mất mát, những khó khăn trong cuộc sống đời thường mà các đồng chí đã và đang trải qua. Tin tưởng rằng, với bản lĩnh bộ đội cụ Hồ, các cựu binh năm xưa sẽ tiếp tục vượt lên mọi khó khăn, thử thách, tích cực lao động, sản xuất, kinh doanh, xây dựng gia đình no ấm, hạnh phúc, tham gia giáo dục truyền thống yêu nước và truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ, góp phần xây dựng quê hương thị xã Ba Đồn ngày càng giàu đẹp. 

Tác giả bài viết: Hoài Thu

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Thống kê
  • Đang truy cập69
  • Hôm nay11,962
  • Tháng hiện tại287,334
  • Tổng lượt truy cập39,107,396
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây