Kỉ niệm 128 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890-19/5/2018)

Thứ sáu - 18/05/2018 11:05
Trong những ngày tháng Năm lịch sử, mỗi người dân Việt Nam đều nhớ đến ngày sinh nhật Bác Hồ kính yêu với tấm lòng trân trọng, biết ơn và thành kính. Đã 49 năm Bác đi xa nhưng sự nghiệp, tư tưởng và tấm gương đạo đức vĩ đại, sáng ngời của Người vẫn sống mãi trong sự nghiệp cách mạng của dân tộc.
Cách đây 128 năm, Chủ tịch Hồ Chí Minh tên thật là Nguyễn Sinh Cung sinh ra ở xã Kim Liên, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An trong một gia đình nhà nho yêu nước. Người sinh ra và lớn lên ở một địa phương có truyền thống yêu nước, anh dũng chống giặc ngoại xâm. Sống trong hoàn cảnh đất nước chìm dưới ách đô hộ của thực dân Pháp, thời niên thiếu và thanh niên của Người đã chứng kiến nỗi khổ cực của đồng bào dưới xiềng xích thực dân, phong kiến. Chứng kiến những phong trào yêu nước của nhân dân bị kẻ thù đàn áp trong bể máu, Người sớm có chí đuổi thực dân, giành độc lập cho đất nước đem lại tự do, hạnh phúc cho đồng bào.
Xuất phát từ lòng yêu nước, thương dân vô bờ bến, năm 1911 Nguyễn Ái Quốc đã ra đi tìm đường cứu nước với khát vọng cháy bỏng giành độc lập tự do cho dân, cho nước. Người bôn ba khắp năm châu bốn biển, vừa lao động, học tập, vừa quan sát, nghiên cứu lý luận và kinh nghiệm các cuộc cách mạng điển hình trên thế giới.
Tháng 12 năm 1920, Người tham gia hoạt động trong Đảng Xã hội Pháp, là một trong những người sáng lập Đảng Cộng sản Pháp và trở thành người cộng sản đầu tiên của Việt Nam. Cũng từ đây, Người tích cực chuẩn bị về tư tưởng, chính trị, tổ chức cho việc thành lập Đảng Cộng sản ở Việt Nam.
Nhờ những hoạt động tích cực của Nguyễn Ái Quốc và những cộng sản Việt Nam, chủ nghĩa Mác – Lênin đã thực sự đi sâu vào phong trào công nhân và phong trào yêu nước Việt Nam, điều kiện để thành lập chính đảng vô sản ở nước ta đã chín muồi.
Từ ngày 6 tháng 1 đến ngày 7 tháng 2 năm 1930, tại Cửu Long, Hương Cảng, Trung Quốc, Nguyễn Ái Quốc đã triệu tập hội nghị thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam.
Với sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam do Người sáng lập vào năm 1930, cùng Cương lĩnh chính trị đầu tiên của Đảng, đường lối cách mạng Việt Nam đã cơ bản được hình thành, con đường cứu nước của Việt Nam đã cơ bản được xác định. Sự đúng đắn ngay từ đầu của tư tưởng, đường lối cách mạng Việt Nam do Hồ Chí Minh vạch ra đã được thực tiễn chứng minh và khẳng định và chính trong quá trình vận động của cách mạng, tư tưởng, đường lối đó ngày càng được bổ sung, phát triển và hoàn thiện dần, trở thành ngọn đuốc soi đường cho cách mạng Việt Nam.
Từ năm 1930 - 1940, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc tiếp tục hoạt động cho sự nghiệp giải phóng của dân tộc Việt Nam và các dân tộc bị áp bức khác trong điều kiện vô cùng khó khăn, gian khổ.
Năm 1941, Người về nước triệu tập Hội nghị lần thứ 8 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương, xác định đường lối đấu tranh giải phóng dân tộc, chỉ đạo thành lập Việt Nam độc lập đồng minh Hội (Việt Minh), tổ chức lực lượng vũ trang giải phóng, xây dựng căn cứ địa cách mạng, lãnh đạo nhân dân khởi nghĩa từng phần và tổng khởi nghĩa giành chính quyền trong cả nước.
Cách mạng Tháng Tám năm l945 thắng lợi. Ngày 02 tháng 9 năm 1945, tại Quảng trường Ba Đình, Người đọc bản Tuyên ngôn độc lập, tuyên bố thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa; tổ chức Tổng tuyển cử tự do trong cả nước, bầu Quốc hội và thông qua Hiến pháp dân chủ đầu tiên của Việt Nam. Quốc hội khóa I (năm 1946) đã bầu Người làm Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Dưới sự lãnh đạo của Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta đã đập tan âm mưu đen tối của các thế lực thù địch, phản động, bảo vệ và giữ vững chính quyền cách mạng.
Tại Đại hội lần thứ II của Đảng (năm 1951), Người được bầu làm Chủ tịch Ban Chấp hành Trung ương Đảng. Dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, cuộc kháng chiến của Nhân dân Việt Nam chống thực dân Pháp xâm lược đã giành thắng lợi vẻ vang, kết thúc bằng chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ năm 1954 "lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu".
Miền Bắc hoàn toàn giải phóng, Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp tục lãnh đạo Nhân dân ta thực hiện đồng thời hai nhiệm vụ chiến lược của cách mạng Việt Nam là tiến hành cách mạng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc, đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc, hoàn thành cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân trong cả nước.
Đại hội lần thứ III của Đảng (năm 1960), đã nhất trí bầu lại Chủ tịch Hồ Chí Minh làm Chủ tịch Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam. Quốc hội khóa II, khóa III bầu Người làm Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
Cùng với Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đề ra đường lối đúng đắn lãnh đạo cuộc kháng chiến vĩ đại của Nhân dân Việt Nam chống chiến tranh xâm lược của đế quốc Mỹ; lãnh đạo thắng lợi sự nghiệp cải tạo xã hội chủ nghĩa và xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc; đặt nền móng và không ngừng vun đắp tình hữu nghị giữa dân tộc Việt Nam với các dân tộc trên thế giới, giữa Đảng Cộng sản Việt Nam với các đảng cộng sản và phong trào công nhân quốc tế.
Ngày 02 tháng 9 năm 1969, Chủ tịch Hồ Chí Minh qua đời, để lại muôn vàn tiếc nuối cho toàn Đảng, dân tộc Việt Nam và nhân dân thế giới.
Công lao của Chủ tịch Hồ Chí Minh với dân tộc ta như non cao, biển rộng. Người đã gắn bó và hiến dâng trọn đời mình cho sự nghiệp cách mạng của Đảng ta và dân tộc ta, hết lòng, hết sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân cho đến hơi thở cuối cùng. Tên tuổi và sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh sẽ còn mãi với non sông đất nước, sống mãi trong lòng mỗi chúng ta. Người đã để lại cho chúng ta và các thế hệ mai sau một gia tài đồ sộ, một di sản hết sức quý báu, đó là tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Tư tưởng của Người là tài sản tinh thần vô giá, mãi mãi là ngọn đuốc soi đường cho cuộc đấu tranh vì độc lập tự do, vì chủ nghĩa xã hội của nhân dân Việt Nam.

Nguồn tin: (Theo http://tbu.edu.vn)

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Lịch phát thanh hàng ngày

- Buổi sáng (từ thứ 3 đến thứ 7): + Từ 5h10 phút đến 5h30 phút: Phát lại chương trình truyền thanh chiều hôm trước của Trung tâm Văn hóa - Thể thao và Truyền thông (Trung tâm VH-TT&TT) thị xã. + Từ 5h30 phút đến 6h00 phút: Tiếp âm Đài phát thanh - Truyền hình Quảng Bình; + Từ 6h00 phút đến...

Thống kê
  • Đang truy cập111
  • Hôm nay15,482
  • Tháng hiện tại328,255
  • Tổng lượt truy cập39,148,317
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây