Bác Hồ vào thăm Quảng Bình

Thứ sáu - 22/06/2018 09:36
Trong bối cảnh đất nước chia cắt hai miền, chưa có điều kiện vào thăm miền Nam, thành đồng Tổ quốc cho thỏa lòng mong ước, để động viên nhân dân miền Nam trường kỳ kháng chiến giải phóng dân tộc và trực tiếp động viên nhân dân Quảng Bình – Vĩnh Linh vượt qua khó khăn, hàn gắn viết thương chiến tranh, cải tạo và phát triển kinh tế - xã hội, xứng đáng là tiền đồ của miền Bắc XHCN, với tình cảm sâu nặng của mình, Bác Hồ đã dành thời gian vào thăm Quảng Bình.
          6 giờ 45 phút, ngày 16/6/1957, chuyến máy bay mạng số hiệu Li-203 chở Bác và Đoàn cán bộ Trung ương vào Quảng Bình. Cùng đi với người có đồng chí Đại tướng Nguyễn Chí Thanh - Ủy viên Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam, đồng chí Hoàng Văn Diệm, Chủ tịch Ủy ban Hành chính Liên khu 4 và một số cán bộ Trung ương. Các đồng chí trong Tỉnh ủy, Ủy ban hành chính tỉnh, đại diện các ban ngành, đoàn thể, các vị nhân sỹ, linh mục, nhà sư tập trung đón Bác tại sân bay Đồng Hới. Các địa phương trong tỉnh và Đặc khu Vĩnh Linh cử đại diện về thị xã Đồng Hới dự mít tinh.
          8 giờ 15 phút, ngày 16/6/1957, chiếc máy bay chở Bác và Đoàn cán bộ Trung ương xuất hiện trên bầu trời Đồng Hới rồi từ từ hạ cánh xuống sân bay. Khi người bước xuống sân bay, tất cả các đại biểu đại diện cho cán bộ, đảng viên, quân và dân tỉnh nhà xúc động đón Bác trong niềm vui dâng trào.
          Đoàn xe chở Bác và Đoàn cán bộ Trung ương tư từ tiến vào thị xã Đồng Hới, dọc hai bên đường, nhân dân đổ ra đường vừa vẫy cờ chào đón Bác, vừa hoan hô nhiệt liệt. Các tầng lớp nhân dân kéo vào thành Đồng Hới, mỗi người một lá cờ trong tay với vẻ mặt rạng rỡ, xúc động.
          Vừa đặt chân đến Đồng Hới, Người đã làm việc ngay với các đồng chí trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bác hỏi tỉ mỉ về: Công tác xây dựng Đảng, số lượng đảng viên, tình hình đoàn kết trong Đảng, đoàn kết toàn dân sau sửa sai cải cách rộng đất, tình đoàn kết giữa lương và giáo; giữa miền xuôi và miền ngược; giữa vùng mới giải phóng và vùng tự do, giữa nhân dân địa phương và cán bộ, bộ đội, đồng bào miền Nam ra tập kết,… về tình hình khôi phục và phát triển kinh tế, hàn gắn vết thương chiến tranh.
          16 giờ, ngày 16/6/1957, Bác nói chuyện với ba vạn đồng bào, cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang Quảng Bình và Đoàn Dân chính Đảng Đặc khu Vĩnh Linh tại sân vận động thị xã Đồng Hới.
          4 giờ sáng, ngày 17/6/1957, Bác dành thời gian gặp gỡ, nói chuyện với cán bộ, chiến sĩ Sư đoàn 325 đóng quân tại Hải Thành, Đồng Hới. 5 giờ sáng, ngày 17/6/1957, Bác lên máy bay trở về thủ đô Hà Nội.
          Dẫu thời gian vào thăm chưa nhiều, chưa đáp ứng được lòng mong mỏi, khát vọng của quân và dân Quảng Bình, nhưng với khoảnh khắc lịch sử ấy, với các cuộc làm việc với lãnh đạo tỉnh, hay nói chuyện với nhân dân, thăm các chiến sỹ lực lượng vũ trang… Người đã để lại cho toàn Đảng, toàn quân, toàn dân Quảng Bình những tình cảm thiêng liêng, sâu nặng với tấm lòng yêu thương vô bờ bến và hơn hết là những chỉ dẫn ân cần thể hiện rõ những quan điểm, tư tưởng chỉ đạo mang tính chiến lược, kịp thời, lâu dài, sâu sắc cho sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc và quê hương Quảng Bình.
Năm tháng trôi qua, những lời căn dặn, nhắc nhở của Người vẫn mãi mãi trường tồn và tỏa sáng trong tâm hồn mỗi một người dân Quảng Bình. Chúng ta cùng nhau ôn lại một số lời dạy của Bác.
          Về đẩy mạnh sản xuất, thực hành tiết kiệm, Bác căn dặn: “Đẩy mạnh sản xuất phải bảo vệ sản xuất, hoa màu, lúa, tài sản cho nhân dân, phải phòng chống bão lụt. Phải tranh thủ đắp đê trước lụt; phải bảo vệ rừng, tôn trọng pháp luật Nhà nước về bảo vệ rừng, rừng vàng, biển bạc, phá rừng là phá kho vàng Nhà nước; đẩy mạnh sản xuất phải đi đôi với thực hành tiết kiệm, sản xuất và tiết kiệm là hai chân để đi lên chủ nghĩa xã hội, sản xuất mà không tiết kiệm, làm chừng nào, ăn hết chừng ấy thì không còn gì để xây dựng thêm; muốn xây dựng phải có tiền – tiền ở đâu ra – Chính phủ không có tiền, tiền do nhân dân làm ra – tiền đó từ thuế. Phải giải thích, cổ động, gương mẫu trong việc thu, nộp thuế kịp thời và đầy đủ”…
          Về nhiệm vụ xây dựng và phát triển kinh tế, Bác căn dặn: “Đối với Quảng Bình, nghề biển, nghề rừng cũng quan trọng không kém nghề ruộng. Hơn nữa, Quảng Bình còn có những thứ đặc biệt mà các nơi khác trên miền Bắc ít có. Xưa nay Quảng Bình nghèo khổ là vì đế quốc, phong kiến bóc lột, kìm kẹp, vì chiến tranh tàn phá. Ngày nay, chúng ta đã có hòa bình để xây dựng xã hội; nếu biết dùng đúng và dùng tốt tài nguyên và lao động của mình thì Quảng Bình sẽ giàu có, không những đời sống của nhân dân trong tỉnh được nâng lên mà còn đóng góp một phần quan trọng cho Nhà nước”.
          Trong phiên làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bác hỏi rất kỷ về tình hình đoàn kết trong Đảng, trong các tầng lớp nhân dân, đoàn kết giữa các vùng miền, giữa nhân dân địa phương và cán bộ, bộ đội, đồng bào miền Nam ra tập kết… Bác căn dặn:
          “ Đảng phải biết quan tâm đầy đủ đến đời sống quần chúng, nên chú ý đến cuộc sống của đồng bào miền núi.
          Cần phải về cơ sở luôn, có đi nhiều mới nắm được tình hình để giải quyết, không đi không biết tình hình mà giải quyết đâu”.
          Bác nhấn mạnh: “Đoàn kết nhân dân, đoàn kết càng cao, thành tích càng nhiều, thắng lợi càng lớn”.
Ngay sau khi kết thúc chuyến thăm của Chủ tịch Hồ Chí Minh, hơn 300 cán bộ cốt cán toàn tỉnh đã họp để phát động phong trào thi đua, kiên quyết khắc phục khuyết điểm, phát huy các ưu điểm, ra sức thực hiện tốt các nhiệm vụ do Người đề ra. Tỉnh đã ra Nghị quyết phát động một đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng trong toàn Đảng bộ và nhân dân để quán triệt và quyết tâm thi đua thực hiện tốt những lời Bác Hồ dạy.
Sự kiện Bác Hồ vào thăm Quảng Bình và những tình cảm sâu sắc, những lời dạy bảo ân cần, những lời khen ngợi, động viên kịp thời của Người đối với Đảng bộ và nhân dân Quảng Bình trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước là tiền đề quan trọng, là động lực truyền thêm sức mạnh, ý chí quật cường, động viên cán bộ, đảng viên, quân và dân tỉnh ta thi đua lao động sản xuất, hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ hàn gắn vết thương chiến tranh, cải tạo và phát triển kinh tế xã hội, làm nên một Quảng Bình “sản xuất giỏi, chiến đấu giỏi”, xứng đáng là tuyến đầu của miền Bắc xã hội chủ nghĩa, hậu phương lớn, trực tiếp của tiền tuyến lớn miền Nam.
Ôn lại những kỷ niệm sâu sắc, những tình cảm, lời dạy bảo ân cần của Bác dành cho Đảng bộ, quân và dân Quảng Bình, trân trọng và tự hào trước những tình cảm, sự kỳ vọng mà Bác Hồ đã dành cho nhân dân tỉnh Quảng Bình, phát huy truyền thống quê hương “Hai giỏi”, Đảng bộ và nhân dân thị xã Ba Đồn nguyện học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, quyết tâm xây dựng thị xã Ba Đồn ngày càng giàu đẹp, văn minh.

Tác giả bài viết: B.B.T Bản tin thị xã

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Thống kê
  • Đang truy cập202
  • Máy chủ tìm kiếm1
  • Khách viếng thăm201
  • Hôm nay27,451
  • Tháng hiện tại110,714
  • Tổng lượt truy cập34,540,241
SĐT nhận cung cấp thông tin
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây