Nữ phó giám đốc “truyền lửa” nghề may cho đồng nghiệp
Thứ ba - 08/03/2022 13:36
Đào tạo những lao động phổ thông trở thành những công nhân có tay nghề giỏi, đóng góp trí lực lâu dài cho công ty là công việc thầm lặng mà chị Phan Thị Hồng, Phó giám đốc Công ty may Thăng Long cơ sở 2 đã làm thời gian qua góp phần tạo nên chất lượng và uy tín của công ty.
Sinh năm 1984, tại làng quê nghèo của xã Quảng Lưu, huyện Quảng Trạch, năm 15 tuổi chị đã một mình vào Sài Gòn vừa đi học vừa đi làm thêm để có tiền trang trải cuộc sống. Được giới thiệu vào làm tại một công ty chuyên may mặc, chị đã phát huy được tài năng và sự tân tâm, trách nhiệm của mình với công việc. Năm 2019, chị nhận lời về Quảng Bình làm việc cho công ty may Thăng Long cơ sở 2, tại TDP Cầu, phường Quảng Thuận, thị xã Ba Đồn. Trò chuyện thêm với chị Hồng, chị chia sẻ: “Sau thời gian dài làm việc ở xứ người, nhận thấy người dân quê mình vào đây làm cũng nhiều, sống ở đất khách, vừa xa nhà, chi phí cuộc sống ở phố cũng tốn kém, vì vậy tôi đã nhận lời vào làm việc cho công ty tại quê mình với mong muốn được làm việc gần nhà, đóng góp một phần sức lực của mình đưa công ty phát triển, một phần tạo được công ăn việc làm cho con em ngay tại quê hương”. Theo chị Hồng cho biết, công ty May Thăng Long là công ty chuyên may mới những mặt hàng xuất khẩu, như: áo da; áo gió hai lớp; đồ thể thao; đồ bảo hộ; áo phông... Các mặt hàng của công ty chủ yếu tiêu thụ ở thị trường nước ngoài, như: Nhật, Mỹ, Anh, Hàn Quốc…” vì vậy đòi hỏi công nhân ở đây phải có tay nghề giỏi để sản xuất các sản phẩm đạt chất lượng, đáp ứng nhu cầu xuất khẩu. Để đào tạo nên những lao động giỏi, nhiệt tình và trách nhiệm với công việc, chị Hồng đã áp dụng mô hình “Đẩy mạnh đào tạo tại chỗ, lấy cũ đào tạo mới” ngay tại công ty, bước đầu khi tiếp nhận lao động mới, chị Hồng giao cho chuyền trưởng phân công công đoạn. Chị trực tiếp cùng các công nhân có kinh nghiệm đảm nhiệm kèm cặp hướng dẫn theo dõi, đánh giá tay nghề và định hướng phát triển cho từng công nhân. Qua đó, chị sẽ bố trí công đoạn may phù hợp với trình độ tay nghề của từng lao động, không gây khó khăn, áp lực khiến công nhân phải bỏ việc. Công nhân đã thành thạo công đoạn được phân công sẽ được thực hiện công đoạn khác để nâng cao tay nghề, thành thạo nhiều công đoạn, có thể đảm nhận được nhiều vị trí khác nhau, sẵn sàng nhận nhiệm vụ khi cần. “Để đào tào được những công nhân giỏi, gắn bó lâu với nghề, trước hết bản thân tôi phải làm gương trước. Việc đi sớm, về muộn là điều hiển nhiên với tôi, mặc dù đã được giao đảm nhân chức danh Phó giám đốc nhưng bản thân tôi vẫn luôn đặt mình vào vị trí của từng công nhân để làm việc, vì bản thân mình cũng từ công nhân mà lên. Hiểu được tâm lý, hoàn cảnh gia đình của mỗi một công nhân và cả năng khiếu của họ thì từ đó mình mới khai thác được hết khả năng để đào tạo đúng hướng. Việc truyền cảm hứng để cho các công nhân yêu thích với từng đường kim, mũi chỉ là yếu tố then chốt để nâng cao tay nghề cho từng người”- chị Phan Thị Hồng, tâm sự. Khi có đội ngũ lao động cứng tay nghề, chị đề xuất với lãnh đạo công ty mở rộng phân xưởng và đầu tư thêm máy móc để có thể nâng quy mô sản xuất các mặt hàng lên. Sau nhiều nỗ lực của chị Hồng và lãnh đạo công ty, công ty May Thăng Long cơ sở 2 từ chỗ chỉ có 250 công nhân vào làm việc nay đã lên gần 1.000 công nhân với mức thu nhập bình quân từ 7 -15 triệu đồng/người/tháng. “Trước đây, tôi phải vất vả đi xin việc khắp nơi, nhưng công việc không ổn định và không phù hợp, nhưng từ khi xin vào làm ở đây, được chị Hồng-phó giám đốc công ty và anh chị em trong phân xưởng quan tâm, hướng dẫn giúp đỡ nên tôi đã quen dần với công việc. Đến nay, thì tôi có thề làm thành thạo và còn có thể hướng dẫn cho những công nhân mới vào làm. Thực sự tôi rất cám ơn chị Hồng, vì có chị mà tôi đã “bén” duyên với nghề mà mình yêu thích và bản thân tôi cũng đã có dự định sẽ gắn bó lâu dài với nghề này.” Chị Phạm Thị Mỹ Duyên, tổ chuyền may số 3 bộc bạch. Từ đầu năm 2020, cũng như nhiều doanh nghiệp khác trong cả nước, công ty may Thăng Long phải đối mặt với những khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19. Trước nguy cơ đóng cửa do làn sóng đại dịch, chị Hồng đã áp dụng nhiều sáng kiến hiệu quả để duy trì hoạt động. Trong đó, việc duy trì đưa đón công nhân theo phương châm “một cung đường, hai điểm đến” được thực hiện trong suốt quá trình chống dịch, đảm bảo an toàn cho công nhân là việc làm được chị Hồng đặt lên hàng đầu, vì vậy việc tuyên truyền nhắc nhở công nhân thực hiện 5K và tiêm vắc xin đầy đủ được chị triển khai thường xuyên. Nhờ những nỗ lực vượt khó đó, mà nhiều đơn hàng từ các tỉnh phía Nam đặt tại công ty ngày càng nhiều hơn, uy tín công ty được nâng lên, nhờ vậy doanh thu trong năm qua đạt gần 30 tỷ đồng. Ông Nguyễn Ngọc Vỹ, Giám đốc công ty May Thăng Long cơ sở 2 chia sẻ thêm “Chị Hồng là người có kinh nghiệm, bởi chị từng là một công nhân dày dặn kinh nghiệm, với gần 25 làm việc trong ngành may mặc, chị đã có nhiều sáng kiến hay giúp công ty vượt qua được giai đoạn khó khăn. Chị còn là người quản lý gần gũi, am hiểu và nắm bắt được tâm tư anh chị em công nhân vì vậy công ty luôn đoàn kết, cùng nhau nỗ lực phấn đấu, mọi công việc giao cho chị Hồng chị đều hoàn thành đúng kế hoạch vì vậy được cấp trên rất tin tưởng”. Bằng sự nhiệt tình, cởi mở và thân thiện của mình, chị Hồng luôn được các đồng nghiệp quý mến, tin yêu. Tin rằng, bằng tài năng và trách nhiệm, chị Phan Thị Hồng sẽ còn tiếp tục truyền cảm hứng, đam mê và rèn luyện nên những tay nghề giỏi, góp phần đưa ngành may mặc phát triển tại thị xã Ba Đồn nói riêng và tỉnh Quảng Bình nói chung.
- Buổi sáng (từ thứ 3 đến thứ 7):
+ Từ 5h10 phút đến 5h30 phút: Phát lại chương trình truyền thanh chiều hôm trước của Trung tâm Văn hóa - Thể thao và Truyền thông (Trung tâm VH-TT&TT) thị xã.
+ Từ 5h30 phút đến 6h00 phút: Tiếp âm Đài phát thanh - Truyền hình Quảng Bình;
+ Từ 6h00 phút đến...