Chuyện ba bà mẹ nghèo nuôi con thành Giáo sư, Tiến sỹ
Thứ năm - 12/11/2020 22:05
Có rất nhiều người mẹ Việt Nam lặng lẽ nuôi con thành Giáo sư, Tiến sỹ, đóng góp nhân tài cho đất nước. Nhưng chuyện ba bà mẹ nghèo ở làng Minh Lệ, xã Quảng Minh, thị xã Ba Đồn, tỉnh Quảng Bình nuôi con thành giáo sư, tiến sỹ là một trường hợp đặc biệt.
Năm 1947, giặc Pháp đến đóng đồn Minh Lệ, bà Hoàng Thị Mịu mới vừa 9 tuổi. Mẹ mất, cha lại ở trên chiến khu nên bà Mịu phải về ở với người cậu ruột là ông Trần Quých, xóm Tây làng Minh Lệ. Nhà ông Quých nghèo, một mảnh đất cắm dùi cũng không có. Ông phải đi rú chẻ mây, lấy móc, củ nâu về bán lấy tiền nuôi các cháu và vợ con. Thương con, cha của bà Mịu về làng lấy vợ kế. Bà Mịu có tiếp người em gái tên là Mịnh. Sau ngày hòa bình lập lại bà Thuyênh, vợ của ông Quých đã cho các con học hết đại học. Anh Trần Ngọc Vương con trai của bà học đến cấp 3, tiếng tăm đã nổi cả một vùng. Bài thi đại học của anh được chọn in vào tuyển tập những bài văn hay. Năm 1976, anh được giữ lại trường Đại học Tổng hợp Hà Nội. Năm 1994, anh sang Nga bảo vệ luận án Tiến sĩ và đến năm 2013 được phong hàm giáo sư. Anh có những công trình nghiên cứu sâu sắc và quy mô về Văn học Việt Nam trung cổ và cận đại cũng như văn hóa phương Đông. Những tác phẩm nổi tiếng của anh như: “Văn học Việt Nam dòng riêng giữa nguồn chung”; “Nhà nho tài tử và văn học Việt Nam”; “Văn học Việt Nam thế kỷ X - XIX những vấn đề lí luận và lịch sử; “Thực thể Việt nhìn từ tọa độ chữ”…vv. Anh tham gia giảng dạy đại học và sau Đại học ở các nước Nga, Pháp, Trung Quốc, Hoa Kỳ. Là trưởng đoàn của Việt Nam dự hội thảo về Trần Nhân Tông ở Đại học Harvard (Hoa Kỳ).
Chị em của bà Mịu cũng noi theo gương của bà Thuyênh nuôi dạy con cái. Trong chiến tranh chống Mỹ, mặc dù cả hai vợ chồng bà Mịu bận rộn công tác xã hội, đi dân công hỏa tuyến, chèo đò cho bộ đội qua sông nhưng các con vẫn học giỏi. Khi người chồng bị bệnh kinh niên qua đời, cửa nhà khánh kiệt. Một tay bà Mịu nuôi 8 đứa con. Bản thân bà lại bị bệnh đau lên ốm xuống không biết bao lần. Nhiều đứa con lần lượt bỏ học để đi hái củi, đốt than, bứt chổi rènh bán lấy tiền thuốc thang cho mẹ. Đứa con trai út Hoàng Văn Dũng có bận phải đi ở để có điều kiện tiếp tục học hành. Năm 1998, Dũng thi đậu 3 Trường đại học. Năm 2002, Dũng về giảng dạy ở trường Cao đẳng sư phạm Quảng Bình (nay là trường Đại học Quảng Bình). Đến năm 2011, anh nhận được học bổng toàn phần nghiên cứu sinh ở Trường Đại học Ulsan (thuộc tập đoàn Hyundai- Hàn Quốc). Năm 2014, anh hoàn thành luận án Tiến sỹ về lĩnh vực phát triển các hệ thống thông minh ứng dụng trong xe không người lái. Dũng đã xuất bản nhiều công trình khoa học, đặc biệt có 2 công trình đạt giải báo cáo tại hội thảo quốc tế và 1 bài báo được Hiệp hội Khoa học kỹ thuật Hàn Quốc công nhận là công trình xuất sắc. Đến nay, Dũng đã công bố hơn 60 bài báo khoa học quốc tế danh mục SCI, SCIE và SCOPUS. Dũng đã tham gia trình bày các công trình nghiên cứu tại các hội thảo khoa học chuyên ngành trí tuệ nhân tạo,các hệ thống thông minh của các hiệp hội Điện và Điện tử quốc tế (IEEE) tại nhiều nước như Canada, Pháp, Áo, Bồ Đào Nha, Nhật Bản, Trung Quốc, Singapore... Trong quá trình giảng dạy, Hoàng Văn Dũng vừa tham gia hợp tác nghiên cứu với Viện Telecom SudParis (Pháp), Trường Đại học Ulsan(Hàn Quốc), hợp tác nghiên cứu và giảng dạy sau đại học với nhiều trường đại học trong nước như Đại học Tôn Đức Thắng, Đại học Đà Nẵng, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, Đại học Duy Tân…. Ngày 27 tháng 11 năm 2019, Hoàng Văn Dũng đã được Hội đồng Giáo sư Nhà nước công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh Phó giáo sư. Dũng là Phó Giáo sư, Tiến sỹ trẻ nhất Quảng Bình. Hiện nay hai vợ chồng anh đang công tác tại trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật thành phố Hồ Chí Minh. Với nghị lực kiên cường của một cựu chiến binh và tấm lòng của một người mẹ, bà Mịu đã vận động các con đi học lại. Đa số các con bà đều lần lượt học hết phổ thông và tốt nghiệp đại học. Đặc biệt chị Hoàng Thị Ngân, dù đã có 2 con (con gái lớn học lớp 5) vẫn tiếp tục học xong trung học phổ thông rồi tốt nghiệp đại học. Nay chị đang công tác ở Sở Giáo dục tỉnh Khánh Hòa. Em gái của bà Mịu là bà Mịnh cũng có hoàn cảnh éo le như thế. Người chồng bà Mịnh bị tật nguyền, tai biến nặng. Bà phải đi làm người giúp việc trong Nam để có tiền gửi về nuôi chồng. Trần Hữu Duy, đứa con trai duy nhất của bà nhiều bữa phải nhịn đói đi học vẫn học giỏi nhất lớp. Sau khi tốt nghiệp trường Đại học Đà Lạt Duy được giữ lại làm giảng viên và học tiếp Cao học ở Đài Loan. Lấy xong bằng Thạc sỹ, Duy lại tiếp tục bảo vệ xuất sắc luận án Tiến sỹ Vật lý điện tử. Trong xã Quảng Minh ai cũng tấm tắc khen tấm gương của ba bà mẹ đã vượt lên hoàn cảnh nuôi dạy con cái thành tài, những người có ích cho đất nước.