MỖI NGƯỜI HÃY THỰC HIỆN NẾP SỐNG VĂN HÓA, VĂN MINH ĐÔ THỊ TRONG CỘNG ĐỒNG DÂN CƯ

Thứ hai - 15/08/2022 10:23
Thực hiện Kế hoạch số 1171 của UBND thị xã về việc xây dựng nếp sống văn hóa, văn minh đô thị trên địa bàn thị xã, giai đoạn 2021 – 2025, UBND thị xã Ba Đồn ban hành “Một số quy định về thực hiện nếp sống văn hóa, văn minh đô thị trong cộng đồng dân cư” với những quy định cụ thể trên các lĩnh vực như sau:
MỖI NGƯỜI HÃY THỰC HIỆN NẾP SỐNG VĂN HÓA, VĂN MINH ĐÔ THỊ TRONG CỘNG ĐỒNG DÂN CƯ
THỰC HIỆN NẾP SỐNG VĂN MINH ĐỐI VỚI GIA ĐÌNH
Gương mẫu chấp hành đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; tích cực tham gia các hoạt động của địa phương. Thực hiện tốt quyền và nghĩa vụ công dân; không vi phạm pháp luật Nhà nước, quy định của địa phương và quy ước, hương ước cộng đồng. Giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội; vệ sinh môi trường; nếp sống văn hóa nơi công cộng; bảo vệ di tích lịch sử văn hóa, cảnh quan của địa phương; tích cực tham gia các hoạt động xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư. Không vi phạm các quy định về thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội; không sử dụng và lưu hành văn hóa phẩm độc hại; không mắc các tệ nạn xã hội; tham gia tích cực bài trừ tệ nạn xã hội và phòng chống các loại tội phạm. Tham gia thực hiện đầy đủ các phong trào thi đua, các sinh hoạt, hội họp ở cộng đồng. Gia đình hòa thuận, hạnh phúc, tiến bộ, tương trợ giúp đỡ mọi người trong cộng đồng. Vợ chồng bình đẳng, thương yêu giúp đỡ nhau tiến bộ. Không có bạo lực gia đình dưới mọi hình thức; thực hiện bình đẳng giới; vợ chồng thực hiện sinh con đúng quy định, cùng có trách nhiệm nuôi con khỏe, dạy con ngoan. Gia đình nề nếp; ông bà, cha mẹ gương mẫu; con cháu thảo hiền; giữ gìn các giá trị văn hóa gia đình truyền thống, tiếp thu có chọn lọc các giá trị văn hóa mới về gia đình.
Giữ gìn vệ sinh phòng bệnh; nhà ở ngăn nắp; khuôn viên xanh-sạch-đẹp; sử dụng nước sạch, nhà tắm và  nhà tiêu hợp vệ sinh; các thành viên trong gia đình có nếp sống lành mạnh, thường xuyên luyện tập thể dục thể thao. Tích cực tham gia chương trình xóa đói, giảm nghèo; đoàn kết tương trợ xóm giềng, giúp đỡ đồng bào hoạn nạn; hưởng ứng phong trào đền ơn đáp nghĩa, cuộc vận động “Ngày vì người nghèo” và các hoạt động nhân đạo khác ở cộng đồng. Tổ chức lao động, sản xuất, kinh doanh, công tác, học tập đạt năng suất, chất lượng, hiệu quả. Trẻ em trong độ tuổi đi học đều được đến trường, chăm ngoan, hiếu học; người lớn trong độ tuổi lao động có việc làm thường xuyên, thu nhập ổn định, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Có kế hoạch phát triển kinh tế gia đình, chủ động “Xóa đói giảm nghèo”, năng động làm giàu chính đáng. Kinh tế gia đình ổn định, thực hành tiết kiệm; đời sống vật chất, văn hóa tinh thần của các thành viên trong gia đình ngày càng nâng cao. Không có hành vi gây lây truyền dịch bệnh; không để xảy ra ngộ độc thực phẩm, trẻ em bị suy dinh dưỡng; trẻ em được tiêm chủng đầy đủ và phụ nữ có thai được khám định kỳ; thực hiện tốt công tác dân số kế hoạch hoá gia đình.
THỰC HIỆN NẾP SỐNG VĂN MINH TRONG VIỆC CƯỚI
Thực hiện các thủ tục kết hôn theo đúng quy định của pháp luật; tiến hành các nghi thức hôn lễ đảm bảo trang trọng, tiết kiệm, vui tươi, lành mạnh, phù hợp với phong tục, tập quán, truyền thống văn hoá của từng địa phương, dân tộc, tôn giáo và phù hợp với hoàn cảnh của hai gia đình. Đối với cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức khi tổ chức cưới cho con hoặc bản thân phải gương mẫu, không tổ chức linh đình; không mời khách dự cưới trong giờ làm việc, không tổ chức tiệc cưới nhiều lần, nhiều ngày hoặc ở nhiều địa điểm khác nhau. Nhạc trong đám cưới phải lành mạnh, vui tươi; âm thanh đảm bảo không vượt quá độ ồn cho phép; không mở nhạc trước 06 giờ sáng và sau 22 giờ đêm. Không được sử dụng phương tiện, cơ sở vật chất của Nhà nước phục vụ cho việc cưới. Khuyến khích tổ chức đám cưới bằng tiệc ngọt. Vận động nhân dân tổ chức tiệc cưới tại Nhà văn hóa các thôn, tổ dân phố để tránh tình trạng lấn chiếm lòng đường khi dựng rạp cưới làm mất mỹ quan đô thị và ảnh hưởng đến an toàn giao thông.
THỰC HIỆN NẾP SỐNG VĂN MINH TRONG VIỆC TANG
Việc tang phải được tổ chức theo quy định của pháp luật về đăng ký và quản lý hộ tịch, pháp luật về bảo vệ môi trường, pháp luật về y tế và các quy định pháp luật khác có liên quan. Lễ tang phải được tổ chức chu đáo, trang nghiêm, tiết kiệm, phù hợp với tập quán, truyền thống văn hoá dân tộc và hoàn cảnh gia đình người qua đời. Uỷ ban nhân dân xã, phường có trách nhiệm tạo điều kiện thuận lợi cho việc tổ chức lễ tang chu đáo; vận động gia đình có người từ trần xoá bỏ các hủ tục lạc hậu, các hành vi mê tín dị đoan trong lễ tang. Việc quàn ướp thi hài thực hiện theo Thông tư số 02  ngày 26 tháng 5 năm 2009 của Bộ Y tế hướng dẫn vệ sinh trong hoạt động mai táng và hỏa táng. Không cử nhạc tang trước 06 giờ sáng và sau 22 giờ đêm; âm thanh đảm bảo không vượt quá độ ồn cho phép. Trường hợp người qua đời theo một tôn giáo, trong lễ tang được sử dụng nhạc tang của tôn giáo đó; không sử dụng các nhạc khúc không phù hợp trong lễ tang. Người qua đời phải được chôn cất trong nghĩa trang; trường hợp chưa xây dựng được nghĩa trang, Uỷ ban nhân dân xã, phường có trách nhiệm hướng dẫn nhân dân tổ chức chôn cất phù hợp với quy hoạch quỹ đất của địa phương. Việc tổ chức ăn uống trong lễ tang chỉ thực hiện trong nội bộ gia đình, dòng họ và phải đảm bảo vệ sinh, an toàn thực phẩm. Nghiêm cấm lợi dụng việc tang để hành nghề mê tín dị đoan dưới mọi hình thức; nghiêm cấm lợi dụng việc tang để cản trở việc thực hiện các quyền và nghĩa vụ công dân trước pháp luật. Không lấn chiếm lòng đường để dựng rạp; không rãi các loại tiền và vàng mã dọc đường đưa tang. Người qua đời được lưu giữ quan tài tại nhà không quá 48 tiếng. Nếu bị bệnh dịch, truyền nhiễm lưu giữ tại nhà không quá 24 tiếng và phải thực hiện theo quy định của Bộ Y tế.
THỰC HIỆN NẾP SỐNG VĂN MINH TRONG TỔ CHỨC LỄ HỘI
Nghi thức lễ hội phải được tiến hành trang trọng, tiết kiệm, phù hợp với truyền thống văn hóa dân tộc. Trong khu vực lễ hội cờ Tổ quốc phải được treo trang trọng, cao hơn cờ hội, cờ tôn giáo tại địa điểm lễ hội và trong thời gian tổ chức lễ hội. Trang phục đẹp, lịch sự, phù hợp với thuần phong mỹ tục. Ứng xử có văn hóa, không có các hành vi làm ảnh hưởng tới không khí trang nghiêm của lễ hội; giữ gìn vệ sinh môi trường, đảm bảo an ninh, trật tự khi dự lễ hội; không lợi dụng lễ hội để tổ chức cờ bạc, hành nghề mê tín dị đoan, không đốt đồ hàng mã trong khu vực lễ hội. Duy trì và nâng cao chất lượng của các lễ hội trên địa bàn thị xã; khôi phục, bảo tồn và phát huy các giá trị của lễ hội gắn với phát triển du lịch địa phương. Thực hiện tổ chức lễ hội đúng với quy định; khuyến khích hình thức mở lễ hội trong dịp tổ chức các sự kiện lớn của địa phương; thực hiện tốt tổ chức lễ hội gắn với công tác xã hội hóa các hoạt động.
THỰC HIỆN VĂN MINH TRONG ĐẢM BẢO AN NINH TRẬT TỰ
Tích cực tham gia đẩy mạnh phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”; chấp hành nghiêm chỉnh các quy định của pháp luật, tạo nếp sống tự quản theo pháp luật trong từng cộng đồng dân cư. Không tham gia vào các hoạt động chống Đảng, chống chính quyền Nhân dân, phá hoại khối đại đoàn kết dân tộc; phá hoại các mục tiêu, công trình kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh, quốc phòng; không tuyên truyền, phát triển đạo trái pháp luật, gây mâu thuẫn, phức tạp trong nội bộ Nhân dân; không khiếu kiện đông người và vượt cấp trái pháp luật. Chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật về an ninh mạng; tích cực tham gia các hoạt động phòng ngừa, đấu tranh, tố giác các loại tội phạm, tệ nạn xã hội và các hành vi vi phạm pháp luật khác. Chấp hành nghiêm các quy định và chế tài của pháp luật trong đảm bảo an toàn giao thông: không chở quá số người quy định; đội mủ bảo hiểm khi điều khiển mô tô, xe máy; không lạng lách, đánh võng, sử dụng rượu bia khi tham gia giao thông…Các hộ gia đình, nhà ở, cở sở sản xuất kinh doanh tự tháo dỡ lồng sắt “chuồng cọp”, mở lối thoát nạn thứ hai, tự trang bị dụng cụ, phương tiện chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ để bảo đảm các điều kiện về thoát nạn khi không may có sự cố cháy, nổ xảy ra…
THỰC HIỆN NẾP SỐNG VĂN MINH TRONG BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG
  Mỗi hộ gia đình phải có dụng cụ, thiết bị phù hợp chứa rác thải sinh hoạt. Phân loại rác thải sinh hoạt vào các dụng cụ, thiết bị phù hợp, đảm bảo không rò rỉ, phát tán ra môi trường. Thu gom, phân loại rác thải sinh hoạt đúng vị trí quy định của địa phương để tổ chức làm dịch vụ vệ sinh môi trường thu gom, vận chuyển, xử lý hoặc đổ thải đúng nơi quy định.  Nộp phí vệ sinh môi trường đầy đủ, đúng hạn. Tăng cường tái chế, tái sử dụng rác thải sinh hoạt. Không vứt, đổ rác thải, nước thải ra lòng đường, vỉa hè, sông suối, ao, hồ, đầm, kênh mương, đồng ruộng và nơi công cộng. Không gây tiếng ồn, độ rung quá mức cho phép gây ảnh hưởng đến sinh hoạt của cộng đồng dân cư xung quanh, đặc biệt trong khoảng thời gian từ 22 giờ ngày hôm trước đến 06 giờ sáng ngày hôm sau. Không tập kết các loại vật liệu xây dựng, phế thải xây dựng, hàng hóa trên lòng đường, vỉa hè, nơi công cộng gây cản trở giao thông, gây ô nhiễm môi trường. Không được lấn chiếm, xây dựng trái phép công trình, nhà ở, công trình nhà vệ sinh, chuồng trại chăn nuôi gia súc, gia cầm trên mặt nước hoặc trên bờ tiếp giáp mặt nước hồ, ao, kênh, mương, rạch. Khi phát hiện nước sông có dấu hiệu bất thường, bị ô nhiễm phải có thông báo kịp thời tới các cơ quan chức năng.
THỰC HIỆN NẾP SỐNG VĂN MINH ĐẢM BẢO MỸ QUAN ĐÔ THỊ
  Không lấn chiếm vỉa hè, lòng lề đường làm nơi kinh doanh, mua bán gây mất mỹ quan đô thị; không đậu đỗ phương tiện sai quy định, gây cản trở giao thông, không lấn chiếm lòng đường, hè phố gây cản trở giao thông; không treo bảng hiệu, quảng cáo sai quy định, lắp đặt mái che di động ảnh hưởng đến an toàn giao thông và mỹ quan đô thị; nghiêm cấm việc treo, dán quảng cáo, rao vặt trên cây xanh, cột điện, công trình công cộng. Không tổ chức cúng xóm, cúng ở ngã ba đường nhằm bài trừ các hủ tục lạc hậu, mê tín dị đoan, tạo môi trường văn hóa trong sạch lành mạnh, đảm bảo mỹ quan đô thị.
Thị xã Ba Đồn đã trở thành đô thị loại 4, đang từng ngày hội nhập và phát triển. Để xây dựng Ba Đồn trong tương lai là đô thị xanh, sạch, đẹp và văn minh, mỗi người dân thị xã hãy tích cực hưởng ứng và chấp hành nghiêm túc các quy định về thực hiện nếp sống văn hóa, văn minh đô thị trong cộng đồng dân cư.
 Hãy hành động để xây dựng và giữ gìn Ba Đồn sáng- xanh- sạch- đẹp!
Giao tiếp, ứng xử văn minh, lịch sự là tôn trọng bản thân và mọi người!
 Mỗi người dân thị xã Ba Đồn luôn ứng xử văn hóa- hành động văn minh!
 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

GIỚI THIỆU TỔNG QUAN WEBSITE BADONTV.VN - TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TỔNG HỢP TRUNG TÂM VĂN HÓA-THỂ THAO VÀ TRUYỀN THÔNG THỊ XÃ BA ĐỒN

Địa chỉ Website: badontv.vn Tên gọi: BĐRT (BaDon Radio Television) Trang thông tin điện tử tổng hợp Trung tâm Văn hóa - Thể thao và Truyền thông (Trung tâm VH-TT&TT) thị xã Ba Đồn. Tôn chỉ, mục đích: Website được xây dựng, hoạt động nhằm đăng tải, lưu trữ các văn bản bao gồm tin tức, sự kiện,...

Thống kê
  • Đang truy cập166
  • Máy chủ tìm kiếm20
  • Khách viếng thăm146
  • Hôm nay30,035
  • Tháng hiện tại583,499
  • Tổng lượt truy cập34,114,218
SĐT nhận cung cấp thông tin
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây