Thực hiện Cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam (Cuộc vận động), Ban Chỉ đạo Cuộc vận động thị xã Ba Đồn đã làm tốt công tác lãnh đạo, chỉ đạo để đưa Cuộc vận động đi vào thực tiễn, thay đổi thói quen tiêu dùng của người dân, mỗi khi mua sắm đều chú ý nguồn gốc, xuất xứ của sản phẩm, đặc biệt ngày càng tin dùng hàng Việt.
Thời gian qua, Ban Thường trực Uỷ ban MTTQ Việt Nam thị xã đã tham mưu cho Thường trực Thị ủy ban hành văn bản chỉ đạo cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức đoàn thể từ huyện đến cơ sở triển khai thực hiện Kết luận số 107-KL/TW, ngày 10/4/2015 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với Cuộc vận động, thông báo Kết luận số 264-TB/TW, ngày 31/7/2009 của Bộ Chính trị, Chỉ thị số 24/CT-TTg, ngày 17/9/2012 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường thực hiện Cuộc vận động, đưa nội dung của thông báo Kết luận, Chỉ thị vào nghị quyết của cấp ủy và chương trình hoạt động của chính quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị-xã hội để phối hợp tuyên truyền, vận động cán bộ, công chức và nhân dân trên địa bàn thị xã triển khai thực hiện Cuộc vận động đạt hiệu quả cao nhất. Cùng với đó, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam thị xã đã phối hợp với các đơn vị thành viên cùng cấp hướng dẫn các ban, ngành, khối đoàn thể các xã, phường lồng ghép các nội dung Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” vào các phong trào hoạt động, các cuộc vận động khác như: Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”; phong trào “Phụ nữ cả nước thực hiện vệ sinh an toàn thực phẩm vì sức khỏe gia đình và cộng đồng”, phong trào “Nông dân sản xuất giỏi”, chương trình “Mỗi xã một sảm phẩm”. Qua đó giúp việc tuyên truyền được đẩy mạnh và thu hút ngày càng nhiều đoàn viên, hội viên tham gia thực hiện Cuộc vận động. Để tạo được niềm tin cho người tiêu dùng, hằng năm Ban Chỉ đạo Cuộc vận động đã phối hợp với các cơ quan chức năng của thị xã đấu tranh ngăn chặn chống hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng và không rõ nguồn gốc. Ngoài ra, thị xã cũng luôn quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp, hợp tác xã phát triển; phối hợp với các địa phương chú trọng xây dựng các sản phẩm OCOP, nhãn hiệu tập thể, góp phần giới thiệu và nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, đáp ứng yêu cầu của người tiêu dùng. Đến nay, toàn huyện có 11 sản phẩm đạt OCOP, trong đó có nhiều sản phẩm được người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh tin dùng, ưa chuộng, như: Đũa gỗ Quảng Thủy; Tỏi đen, tỏi sạch Quảng Minh; nước mắm, ruốc Nhân Thọ… Với những cách làm cụ thể, đa dạng trong tuyên truyền, nhận thức và thói quen của người tiêu dùng hàng Việt trên địa bàn thị xã đã có nhiều thay đổi đáng kể. Đến nay đã có khoảng 90% người kinh doanh và tiêu dùng tham gia hưởng ứng CVĐ; các cửa hàng tạp hóa, hàng gia dụng, nhu yếu phẩm có 85% được sản xuất trong nước; trên địa bàn thị xã ngày càng có nhiều sản phẩm chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu và thị hiếu người tiêu dùng. Bên cạnh những kết quả đạt được, trong quá trình triển khai, CVĐ “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” vẫn còn nhiều khó khăn, hạn chế. Trong đó, công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường dù đã được tăng cường nhưng tình trạng hàng giả, hàng nhái, gian lận thương mại, hàng không bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm… vẫn được bày bán nhiều trên thị trường, gây ảnh hưởng đến tâm lý người tiêu dùng, làm giảm uy tín của hàng Việt… Công tác tuyên truyền mặc dù đã được các cấp ngành chú trọng nhưng hình thức tuyên truyền vẫn chưa phong phú, còn rập khuôn, chưa thực sự đi vào chiều sâu. Với những cách làm cụ thể, đa dạng trong tuyên truyền, Ban Chỉ đạo Cuộc vận động thị xã Ba Đồn đã phát huy được vai trò, trách nhiệm khi triển khai Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt nam”, giúp thay đổi được nhận thức, thói quen mua sắm hàng Việt của người tiêu dùng, từ đó giúp hàng Việt ngày càng đứng vững trên thị trường.