Thị xã Ba Đồn: Nâng cao chất lượng công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình.
Thứ bảy - 05/08/2023 10:27
Với việc triển khai nhiều giải pháp đồng bộ, thiết thực, những năm qua, chất lượng công tác dân số, kế hoạch hóa gia đình trên địa bàn thị xã Ba Đồn luôn được chú trọng thực hiện, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân.
Trong chương trình công tác hàng năm, UBND thị xã Ba Đồn đều giao chỉ tiêu thực hiện các kế hoạch, chương trình DS-KHHGĐ cho các ban ngành, địa phương. Trên cơ sở kế hoạch của thị xã, các cấp ủy Đảng, chính quyền, tổ chức chính trị - xã hội, các xã, phường đã đưa nội dung thực hiện chính sách DS-KHHGĐ vào kế hoạch thực hiện nhiệm vụ hàng năm của địa phương và tiêu chí thi đua để cán bộ, đảng viên, hội viên, đoàn viên phấn đấu thực hiện. Chính sách DS-KHHGĐ cũng được đưa vào quy ước của các khu phố, thôn, xóm; tiêu chí để thực hiện khu phố, xã, phường văn hóa trong phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư trên địa bàn thị xã. Trung tâm Y tế thị xã đã kịp thời giao chỉ tiêu, kế hoạch về dân số-kế hoạch hóa gia đình cho các xã, phường triển khai nhiệm vụ năm 2023. Ban Dân số-Kế hoạch hóa gia đình, mạng lưới cộng tác viên, chuyên trách dân số dần dần được kiện toàn theo hướng chất lượng, hiệu quả, đặc biệt chú trọng việc duy trì hoạt động thu thập thông tin, biến động dân số-kế hoạch hóa gia đình theo kịp tiến độ thời gian. Bên cạnh đó, các hoạt động tuyên truyền, nâng cao chất lượng dân số, cân bằng giới tính khi sinh tại các thôn, TDP trên địa bàn thị xã tiếp tục được triển khai. 16 xã, phường đã được thực hiện truyền thông lồng ghép dịch vụ kế hoạch hóa gia đình. Để góp phần nâng cao chất lượng dân số tại địa phương, từ nhiều năm qua, thị xã còn triển khai tư vấn và kiểm tra sức khỏe tiền hôn nhân. Qua đó, thị xã đã tập trung tuyên truyền, vận động chuyển đổi hành vi chăm sóc sức khỏe bà mẹ trẻ em nhằm nâng cao chất lượng giống nòi. Việc kiểm tra sức khỏe và tư vấn tiền hôn nhân, tư vấn sức khỏe sinh sản, sức khỏe vị thành niên, thanh niên, chăm sóc sức khỏe người cao tuổi, trẻ em cũng như các nhóm đối tượng khác tại cộng đồng đã góp phần bảo vệ và nâng cao sức khỏe cho người dân, giảm tỷ lệ phụ nữ có bệnh, tăng số phụ nữ mang thai lần đầu có kiến thức, thực hành chăm sóc sức khỏe và nuôi con theo khoa học. Đến nay, chương trình đã được triển khai trên 16/16 xã phường, phụ nữ mang thai được tư vấn và tiếp cận dịch vụ khám sàng lọc trước sinh và sơ sinh ngày càng đông, hiệu quả hơn. Sau khi được tư vấn về các biện pháp chăm sóc sức khỏe sinh sản, kế hoạch hóa gia đình, hướng dẫn sử dụng các biện pháp tránh thai hiện đại…, các chị em phụ nữ trong độ tuổi sinh được khám, điều trị phụ khoa và thực hiện các biện pháp tránh thai hiện đại như: tiêm thuốc tránh thai, uống thuốc tránh thai, đặt dụng cụ tử cung…Thông qua chiến dịch, nhiều phụ nữ đã thay đổi nhận thức và hành vi, tự nguyện sử dụng các biện pháp KHHGĐ, sinh ít, sinh thưa để có điều kiện chăm sóc và nuôi dạy con tốt. Bên cạnh đó, thị xã cũng thường xuyên tăng cường sự quan tâm, vào cuộc của cả hệ thống chính trị để triển khai các hoạt động can thiệp giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh, triển khai lồng ghép tuyên truyền, vận động từng bước hạn chế và kiểm soát chênh lệch giới tính khi sinh trên địa bàn. Nâng cao hiệu quả truyền thông giáo dục, chuyển đổi hành vi về bình đẳng giới, mất cân bằng giới tính khi sinh, nâng cao vai trò vị thế của người phụ nữ và trẻ em gái trong các gia đình sinh con một bề, vai trò của nữ giới trong sự phát triển bền vững đối với xã hội và trong gia đình. Tiếp tục thực hiện và nhân rộng các hoạt động của mô hình: “Can thiệp giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh”. Tổ chức phối hợp giữa các cơ quan chức năng tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát nhằm ngăn chặn các hành vi lựa chọn giới tính thai nhi theo quy định của pháp luật hiện hành. Tập trung chỉ đạo và nâng cao hiệu quả hoạt động “tư vấn, chăm sóc sức khoẻ người cao tuổi dựa vào cộng động” nhằm cung cấp kiến thức cho các cụ người cao tuổi về các dấu hiệu của quá trình lão hoá và từ đó biết cách phòng tránh bệnh, tật liên quan đến tuổi già, giúp tăng cường công tác chăm sóc sức khoẻ người cao tuổi, phát huy vai trò người cao tuổi trong đời sống gia đình và xã hội. Nhờ đó đến nay, việc thực hiện các phương pháp KHHGĐ được triển khai 16/16 xã, phường, tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên bình quân hăng năm giảm 1,24%/năm. Với những khó khăn, thách thức, đội ngũ những người làm công tác dân số-kế hoạch hóa gia đình thị xã tiếp tục nỗ lực, phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ, mục tiêu đã đề ra, đồng thời, nhanh chóng kiện toàn bộ máy, nâng cao chất lượng chuyên môn, thích nghi với môi trường làm việc mới. Tuy nhiên, sự hỗ trợ, giúp sức, đồng thuận về nhiều mặt từ chính quyền các cấp đóng một vai trò quan trọng.