Nỗ lực triển khai đưa 'tam nông' lên tầm phát triển mới
Thứ năm - 28/07/2022 09:23
Ngày 21/7, tại Hội nghị toàn quốc nghiên cứu, học tập, quán triệt Nghị quyết Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII, theo phân công của Bộ Chính trị, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh đã trình bày chuyên đề giới thiệu Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 16/6/2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Phát huy tốt vai trò trụ đỡ của nền kinh tế
Trên cơ sở tổng hợp báo cáo của các bộ, ngành, địa phương tổng kết thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 5/8/2008 của Ban Chấp hành Trung ương khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, Ban Chấp hành Trung ương thảo luận, ban hành Nghị quyết số 19-NQ/TW về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Về kết quả thực hiện, Nghị quyết số 19-NQ/TW đã nêu bật những thành tựu to lớn của toàn Đảng, toàn dân ta sau gần 15 năm thực hiện Nghị quyết 26-NQ/TW, nông nghiệp tiếp tục phát triển cả về quy mô và trình độ sản xuất, duy trì tăng trưởng ở mức khá cao, khẳng định vị thế quan trọng, là trụ đỡ của nền kinh tế, bảo đảm vững chắc an ninh lương thực quốc gia. Giai đoạn từ 2008 đến 2020, tốc độ tăng trưởng GDP ngành nông nghiệp đạt 3,01%/năm, quy mô GDP (theo quy mô điều chỉnh, tính giá so sánh) toàn ngành tăng gấp 1,4 lần. Năng suất lao động nông nghiệp đạt 55,9 triệu đồng/người, gấp hơn 4 lần so với năm 2008. Quy mô xuất khẩu nông sản tăng bình quân 8,01%/năm; năm 2020 đạt 42,34 tỷ USD; năm 2021 đạt 48,6 tỷ USD. Nông sản của Việt Nam có mặt ở 196 quốc gia và vùng lãnh thổ. Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh cho biết: Bên cạnh những thành tựu đạt được, Nghị quyết đã chỉ rõ những tồn tại, hạn chế, yếu kém. Nông nghiệp phát triển còn thiếu bền vững, tốc độ tăng trưởng có xu hướng giảm, tổ chức sản xuất kinh doanh chủ yếu vẫn dựa vào nông hộ nhỏ, thiếu liên kết; chất lượng, hiệu quả hoạt động của khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã chưa cao... Người đứng đầu Ban Kinh tế Trung ương nêu những nguyên nhân của những hạn chế, yếu kém. Trong đó, sự phối hợp giữa các bộ, ngành, cơ quan liên quan thiếu chặt chẽ; tổ chức bộ máy quản lý Nhà nước, hệ thống dịch vụ công chưa theo kịp yêu cầu phát triển. Một số cơ chế, chính sách chậm ban hành, chưa sát thực tiễn, thiếu nguồn lực thực hiện… Nghị quyết 19-NQ/TW cũng nêu rõ mục tiêu và tầm nhìn. Về mục tiêu tổng quát, căn cứ vào các mục tiêu phát triển đất nước đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045 theo Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết đã xác định mục tiêu tổng quát là: Nông dân và cư dân nông thôn có trình độ, đời sống vật chất và tinh thần ngày càng cao, làm chủ quá trình phát triển nông nghiệp, nông thôn. Nông nghiệp phát triển nhanh, bền vững, hiệu quả, bảo đảm vững chắc an ninh lương thực quốc gia… Tầm nhìn đến năm 2045 là nông dân và cư dân nông thôn văn minh, phát triển toàn diện, có thu nhập cao. Nông nghiệp sinh thái, sản xuất hàng hoá quy mô lớn, có giá trị gia tăng cao, gắn kết chặt chẽ với thị trường trong và ngoài nước, công nghiệp chế biến và bảo quản nông sản hiện đại, xuất khẩu nhiều loại nông sản đứng hàng đầu thế giới. Nông thôn hiện đại, có điều kiện sống tiệm cận với đô thị, môi trường sống xanh, sạch, đẹp, giàu bản sắc văn hoá dân tộc; quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội được bảo đảm vững chắc.
9 nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm để nâng tầm tam nông
Trên cơ sở tổng kết gần 15 năm thực hiện Nghị quyết 26-NQ/TW và những bài học rút ra từ quá trình tổ chức thực hiện, trước bối cảnh mới, sự phát triển mạnh mẽ của khoa học và công nghệ, đổi mới, sáng tạo và chuyển đổi số; để thực hiện các mục tiêu đã đề ra, Nghị quyết số 19-NQ/TW đã đề ra 9 nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm.
Nhóm nhiệm vụ, giải pháp thứ nhất, cần nâng cao vai trò, vị thế, năng lực làm chủ, cải thiện toàn diện đời sống vật chất, tinh thần của nông dân và cư dân nông thôn. "Đây là điểm mới của Nghị quyết, nhấn mạnh vai trò chủ thể của nông dân và là nhóm giải pháp quan trọng hàng đầu, có tính quyết định đến sự thành công trong tổ chức thực hiện Nghị quyết. Trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và chuyển đổi số, Nghị quyết đề ra các yêu cầu cao hơn trong việc nâng cao trình độ, nhận thức và bảo đảm quyền làm chủ của nông dân", đồng chí Trần Tuấn Anh nói. Nhóm nhiệm vụ, giải pháp thứ hai, về phát triển nền nông nghiệp hiệu quả, bền vững theo hướng sinh thái, ứng dụng khoa học - công nghệ tiên tiến, nâng cao chất lượng, giá trị gia tăng. Nghị quyết đặt ra yêu cầu phải đẩy mạnh cơ cấu lại nông nghiệp theo hướng nông nghiệp sinh thái theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng; phát triển mạnh công nghiệp sản xuất giống, vật tư nông nghiệp và cũng đưa ra một số nhiệm vụ cụ thể cho các lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, thuỷ sản, lâm nghiệp, diêm nghiệp. Trong đó, cần cơ cấu lại nông nghiệp thực chất, hiệu quả, khai thác và phát huy lợi thế nền nông nghiệp nhiệt đới, tiềm năng, lợi thế của từng vùng, miền, địa phương. Khuyến khích phát triển nông nghiệp xanh, hữu cơ, tuần hoàn, chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), giảm phát thải khí nhà kính... Nhóm thứ ba, phát triển mạnh công nghiệp, dịch vụ, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tạo việc làm tại chỗ cho lao động nông thôn, Nghị quyết đặt ra 3 nhiệm vụ, giải pháp lớn. Trong đó, cần tập trung xây dựng và tổ chức triển khai hiệu quả các quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông thôn, gắn phát triển nông nghiệp với phát triển công nghiệp, dịch vụ. Phát triển toàn diện, đồng bộ kinh tế nông thôn với cơ cấu nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ hợp lý, dựa trên khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo; phát triển mạnh công nghiệp ở nông thôn, nhất là công nghiệp chế biến nông sản, công nghiệp sản xuất thiết bị, máy móc, vật tư phục vụ nông nghiệp… Nhóm thứ tư, về xây dựng nông thôn theo hướng hiện đại gắn với đô thị hoá, Nghị quyết đặt ra nhiệm vụ, giải pháp xây dựng nông thôn mới với các yêu cầu cao hơn, toàn diện, bền vững gắn với đô thị hoá, bảo đảm thực chất, đi vào chiều sâu, hiệu quả, vì lợi ích của người dân… Nhóm thứ năm, về hoàn thiện thể chế, chính sách về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, Nghị quyết đưa ra các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm đối với hoàn thiện chính sách, pháp luật về nông nghiệp, nông dân, nông thôn; phát triển thị trường tài chính, tín dụng vi mô, các sản phẩm dịch vụ tài chính mới. Trong đó, cần tiếp tục hoàn thiện chính sách, pháp luật về nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Sửa đổi, bổ sung chính sách, pháp luật đất đai bảo đảm quản lý, sử dụng bền vững, hiệu quả đất nông nghiệp, thúc đẩy tích tụ, tập trung, sử dụng linh hoạt, hiệu quả đất lúa. Tăng đầu tư ngân sách Nhà nước giai đoạn 2021-2030 cho nông nghiệp, nông thôn ít nhất gấp 2 lần giai đoạn 2011-2020. Phát triển thị trường tài chính, tín dụng vi mô, các sản phẩm dịch vụ tài chính mới, củng cố và mở rộng hệ thống quỹ tín dụng nhân dân, bảo đảm an toàn, hiệu quả.
Nhóm thứ sáu, về tạo đột phá trong nghiên cứu, ứng dụng khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số; đào tạo nhân lực phục vụ yêu cầu phát triển nông nghiệp, nông thôn trong thời gian sắp tới. Tăng cường năng lực và hiệu quả hoạt động của các tổ chức nghiên cứu và chuyển giao khoa học - công nghệ công lập, kết hợp đẩy mạnh xã hội hóa, thu hút các doanh nghiệp đầu tư nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao; hỗ trợ thành lập các vườn ươm công nghệ…
Nhóm thứ bảy, về quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường nông thôn, nâng cao khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu, phòng, chống thiên tai, Nghị quyết đặt ra các yêu cầu cần thực hiện như: Quản lý, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả các nguồn tài nguyên gắn với bảo tồn đa dạng sinh học, chuyển mạnh sang mô hình tăng trưởng xanh. Quy hoạch sử dụng đất nông thôn gắn kết với phát triển đô thị, khai thác và phát huy nguồn lực đất đai trong xây dựng, phát triển bền vững kinh tế nông thôn; bảo đảm an ninh, sử dụng hiệu quả, tiết kiệm, bền vững nguồn nước; khuyến khích phát triển nông nghiệp tuần hoàn, tái sử dụng phụ phẩm, áp dụng công nghệ mới, tiên tiến, thân thiện môi trường…. Nhóm thứ tám, về chủ động hội nhập, hợp tác quốc tế, mở rộng thị trường, thu hút nguồn lực và đẩy mạnh chuyển giao khoa học - công nghệ. Nhóm thứ chín, về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của Nhà nước, phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Hội Nông dân và các tổ chức chính trị - xã hội, xã hội - nghề nghiệp ở nông thôn. Nghị quyết đặt ra yêu cầu đối với cấp ủy đảng, chính quyền, các tổ chức chính trị - xã hội. Về tổ chức thực hiện nghị quyết, Trưởng Ban Kinh tế Trần Tuấn Anh cho biết: Để các chủ trương, định hướng lớn của Đảng về "nông nghiệp, nông dân, nông thôn" sớm đi vào cuộc sống, Nghị quyết số 19-NQ/TW đã xác định rõ trách nhiệm của các cơ quan Trung ương, địa phương và các tổ chức chính trị - xã hội trong tổ chức thực hiện. Thực hiện nhiệm vụ được giao, Ban Kinh tế Trung ương đã xây dựng Dự thảo Kế hoạch triển khai thực hiện Nghị quyết 19-NQ/TW trình Bộ Chính trị xem xét, ban hành để giao nhiệm vụ cho các tổ chức Đảng và cả hệ thống chính trị. Việc Bộ Chính trị có Kế hoạch triển khai Nghị quyết thể hiện quyết tâm chính trị cao của Đảng ta về phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn, khắc phục yếu kém trong việc triển khai thực hiện các Nghị quyết của Đảng. "Với thành công to lớn và kinh nghiệm, bài học quý báu rút ra cùng với sự vào cuộc tích cực của cả hệ thống chính trị, sự đồng lòng của toàn xã hội, chắc chắn nông nghiệp, nông dân, nông thôn nước ta sẽ hoàn thành mục tiêu năm 2045 đưa nước ta trở thành nước phát triển, mọi người dân, kể cả nông dân và cư dân nông thôn đều có mức thu nhập cao", Trưởng Ban Kinh tế Trần Tuấn Anh bày tỏ tin tưởng. Huy Thắng https://baochinhphu.vn/no-luc-trien-khai-dua-tam-nong-len-tam-phat-trien-moi-102220721151858642.htm