Cần bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trên địa bàn thị xã Ba Đồn.
Thứ tư - 21/09/2022 15:05
Thực hiện Chỉ thị số 30-CT/TW ngày 22/01/2019 của Ban Bí thư về việc tăng cường sự lãnh đạo của Đảng và trách nhiệm quản lý của Nhà nước đối với công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và Kế hoạch số 1976/KH-UBND ngày 17/9/2021 về thực hiện Chương trình phát triển các hoạt động bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tỉnh Quảng Bình giai đoạn 2021 – 2025. Trong những năm qua, công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng được cấp ủy, chính quyền, Mặt trận và đoàn thể chính trị - xã hội các cấp trên địa bàn thị xã Ba Đồn quan tâm thực hiện và đã đạt được những kết quả quan trọng.
Mặt trận và đoàn thể chính trị - xã hội thị xã đã tuyên truyền, phổ biến chính sách và pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng thông qua các hội nghị; truyền thông trên các phương tiện truyền thanh, truyền hình và phương thức điện tử để tăng cường tương tác với người tiêu dùng; tổ chức hoạt động tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng cho nhóm người tiêu dùng yếu thế với nội dung, hình thức tuyên truyền phù hợp. Thông qua các hoạt động đó đã nâng cao trách nhiệm, trình độ, năng lực của cơ quan quản lý Nhà nước, tổ chức xã hội, doanh nghiệp và nhận thức của người tiêu dùng nhằm đạt được những kết quả cụ thể trong công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, góp phần bảo đảm công bằng xã hội và sự phát triển bền vững của thị xã; đưa công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trên địa bàn thị xã trở thành hoạt động phổ biến giúp khẳng định vai trò, vị trí, tầm quan trọng của công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ, thực chất, liên tục và lâu dài. Tuy nhiên, các quy định hiện nay về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng chỉ phù hợp với các giao dịch, kinh doanh - tiêu dùng có tính truyền thống, chưa đáp ứng một số phương thức giao dịch mới, hiện đại với sự phát triển của thương mại điện tử và công nghệ số. Nội dung phổ biến pháp luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng còn thiếu trọng tâm, trọng điểm, chưa sát với nhu cầu; đối tượng phổ biến mới chỉ tập trung ở vào nhóm công chức, viên chức, cán bộ thực hiện công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tại cấp tỉnh, chưa lan tỏa tới các vùng sâu, vùng xa, chưa tiếp cận trực tiếp tới người tiêu dùng, chưa có hoạt động tuyên truyền cụ thể với các nhóm đối tượng người tiêu dùng đặc thù... Để công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trên địa bàn thị xã trở thành hoạt động phổ biến, thường xuyên và liên tục, thời gian tới, thị xã Ba Đồn cần tăng cường hơn nữa trách nhiệm quản lý Nhà nước như người đứng đầu các cấp ủy, chính quyền, cơ quan, đơn vị phải xác định công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên và lâu dài, có trách nhiệm chỉ đạo tổ chức, triển khai thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin và các thành tựu khoa học kỹ thuật nhằm nâng cao hiệu quả công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; chú trọng đào tạo, nâng cao trình độ chuyên môn, đạo đức công vụ, ý thức, trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, công chức tham gia công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Bên cạnh đó, thị xã cũng cần đẩy mạnh truyền thông, đa dạng hình thức tuyên truyền, đổi mới nội dung tuyên truyền, phổ biến, giáo dục chính sách, pháp luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; công khai, thông tin rộng rãi, đầy đủ, bằng nhiều hình thức đến người tiêu dùng về tiêu chuẩn, chất lượng hàng hóa, dịch vụ và cảnh báo những nguy cơ gây mất an toàn cho người tiêu dùng; tổ chức lồng ghép hoạt động bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng với thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”; song song với đó, các ngành chức năng cần chú trọng công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát bằng việc thực hiện có hiệu quả giải pháp, biện pháp phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, hàng kém chất lượng trên địa thị xã để kịp thời phát hiện, ngăn chặn hành vi xâm phạm quyền lợi, sức khỏe gây thiệt hại về kinh tế và đe dọa tính mạng của người tiêu dùng; không để lưu thông trên thị trường những hàng hóa, dịch vụ không đảm bảo chất lượng hoặc có nguy cơ gây mất an toàn cho người tiêu dùng; Cùng với đó, cần nâng cao vai trò, trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh nhằm tạo một môi trường kinh doanh lành mạnh, gắn trách nhiệm của doanh nghiệp trong thực thi pháp luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng với việc nâng cao lợi thế cạnh tranh sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ; tuyên truyền, vận động tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ nghiêm túc tuân thủ nghĩa vụ đối với người tiêu dùng, lấy sự hài lòng của người tiêu dùng làm thước đo, coi đây là lợi thế cạnh tranh, sự phát triển bền vững của doanh nghiệp… Với nhiều biện pháp được triển khai, hy vọng quyền lợi người tiêu dùng trên địa bàn thị xã Ba Đồn sẽ được đảm bảo góp phần tạo niềm tin vào các sản phẩm hàng hóa, kích cầu tiêu dùng trên địa bàn thị xã.