Thị xã Ba Đồn xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm OCOP.
Thứ ba - 18/10/2022 20:28
Mục tiêu của Chương trình OCOP là phát triển sản phẩm OCOP nhằm khơi dậy tiềm năng, lợi thế khu vực nông thôn nhằm nâng cao thu nhập cho người dân; góp phần tiếp tục cơ cấu lại ngành nông nghiệp gắn với phát triển tiểu thủ công nghiệp, ngành nghề, dịch vụ và du lịch nông thôn; thúc đẩy kinh tế nông thôn phát triển bền vững, trên cơ sở tăng cường ứng dụng chuyển đổi số và kinh tế tuần hoàn, bảo tồn các giá trị văn hóa, quản lý tài nguyên, bảo tồn đa dạng sinh học, cảnh quan và môi trường nông thôn, góp phần xây dựng NTM đi vào chiều sâu, hiệu quả và bền vững. Xác định được mục tiêu này, thời gian qua, thị xã Ba Đồn đã chú trọng xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm OCOP trên địa bàn.
Trong khi nhiều thanh niên rời quê để tìm kiếm cơ hội việc làm mới thì anh Lê Thanh Triển lại “lội ngược dòng” khi bỏ phố về quê Quảng Thủy (TX. Ba Đồn) khởi nghiệp. Đến nay, không chỉ chuyên về đũa, anh Triển còn sản xuất đa dạng các sản phẩm mỹ nghệ từ gỗ dừa, như: Ống tăm, gáo múc rượu, giỏ trồng lan…, thu hút người tiêu dùng trong và ngoài nước. Từng có một cơ sở sản xuất đũa gỗ cao cấp làm ăn phát đạt ở TP. Hồ Chí Minh, nhưng với mong muốn tạo công ăn việc làm, tăng thu nhập cho nhiều lao động nhàn rỗi ở quê hương, năm 2018, anh Lê Thanh Triển quyết định về quê mở xưởng sản xuất. Được sự hướng dẫn và giúp đỡ của chính quyền địa phương, năm 2018, HTX Sản xuất kinh doanh và thương mại đũa gỗ Quảng Thủy (HTX đũa gỗ Quảng Thủy) được thành lập do anh làm giám đốc. Theo anh Triển, lúc mới thành lập, HTX gặp rất nhiều khó khăn nhưng khó nhất là đầu ra sản phẩm. Bởi trước đây, cơ sở của anh sản xuất chủ yếu là đũa cao cấp, nay về quê, anh lại bắt đầu từ sản phẩm đũa bình dân nên việc tìm đầu ra rất khó. Tuy nhiên, sau một hai năm, các sản phẩm của anh được nhiều người tiêu dùng biết đến, đơn đặt hàng ngày càng nhiều.
Để nâng cao hiệu quả kinh doanh, anh đã mạnh dạn vay vốn đầu tư các thiết bị công nghệ hiện đại phục vụ cho các công đoạn sản xuất. Đặc biệt, dựa vào sự hiểu biết của bản thân, tìm tòi học hỏi trên các trang mạng xã hội, anh Triển đã chế tạo được máy vót đũa, dàn máy làm đũa gỗ cao cấp nhằm phục vụ hiệu quả hoạt động tại cơ sở, đồng thời, giúp đỡ một số cơ sở sản xuất đũa nhỏ lẻ cải tiến sản xuất, nâng cao thu nhập. Đến nay, thương hiệu đũa gỗ Quảng Thủy đã được thị trường trong và ngoài nước đón nhận với nhiều sản phẩm từ cao cấp đến bình dân. Đũa gỗ mỹ nghệ hàng cao cấp được làm từ chất liệu sừng, xương, ngọc trai, ốc xà cừ... có giá trị thẩm mỹ cao, chất lượng tốt của HTX đũa gỗ Quảng Thủy hiện là sản phẩm duy nhất của TX. Ba Đồn được nâng cấp tiêu chuẩn OCOP 4 sao cấp tỉnh. Tại Quyết định số 563/QĐ-UBND ngày 09/02/2021 về công nhận kết quả đánh giá, phân hạng 33 sản phẩm OCOP cấp tỉnh. Trong đó, thị xã Ba Đồn có 03 sản phẩm được công nhận OCOP cấp tỉnh. Cụ thể 3 sản phẩm đó là: tỏi sạch Quảng Minh (HTX sản xuất tỏi và kinh doanh dịch vụ tổng hợp Cồn Nâm), nước mắm Nhân Thọ và ruốc Nhân Thọ (Cơ sở thu mua chế biến thủy hải sản của chị Trương Thị Nga). Các sản phẩm này được UBND tỉnh cấp giấy chứng nhận, được sử dụng nhãn hiệu OCOP và thứ hạng sao đạt được in trên bao bì sản phẩm theo quy định. Năm 2019, thị xã đã được công nhận 02 sản phẩm OCOP cấp tỉnh là đũa gỗ Quảng Thủy và Tỏi đen Quảng Minh. Đến thời điểm hiện tại, tổng số sản phẩm OCOP đạt 3 sao cấp tỉnh trên địa bàn là 05 sản phẩm. Với hiệu quả kinh tế mang lại từ Chương trình OCOP nên năm 2020, thị xã cũng đã có 09 sản phẩm OCOP cấp huyện được công nhận, gồm: Nem chua Quảng Long; xúc xích Quảng Long; rau sạch Quảng Thọ; tỏi sạch Quảng Minh; nước mắm Nhân Thọ; ruốc Nhân Thọ; bún khô Quảng Văn; bí đao sấy khô Quảng Phong, sợi bột cháo canh Quảng Lộc.
Để xây dựng thương hiệu cho sản phẩm OCOP, ngay từ những ngày đầu năm 2022, thị xã Ba Đồn đã tích cực hỗ trợ các chủ thể có sản phẩm OCOP được bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, nhận diện và quảng bá thương hiệu (hỗ trợ quản lý nhãn hiệu, in tem, nhãn sản phẩm OCOP; duy trì hệ thống thông tin điện tử sử dụng mã QR Code truy xuất nguồn gốc…). Năm 2022, Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP thị xã Ba Đồn tổ chức đánh giá, phân hạng và đề xuất công nhận các sản phẩm thuộc Chương trình mỗi xã một sản phẩm OCOP cấp thị xã năm 2022. Theo đó, trong năm 2022, thị xã Ba Đồn có 09 sản phẩm tham gia đánh giá, xếp hạng, nâng sao gồm: gạo hữu cơ Sông Gianh; chả lụa Đà Điểu Minh Dượng; chả da Đà Điểu Minh Dượng; chà bông heo Quảng Thuận; Dưa lưới Quảng Thuận; nước chấm Giam Hạm Quảng Văn; Nón lá Quảng Hải; bánh đa nướng Quảng Lộc; ram Ba Đồn. Trong 09 sản phẩm này có 04 sản phẩm đề nghị công nhận 03 sao và 04 sao cấp tỉnh gồm: gạo hữu cơ Sông Gianh; chả lụa Đà Điểu Minh Dượng; chả da Đà Điểu Minh Dượng; nón lá Quảng Hải. 05 sản phẩm còn lại đề nghị xét đạt 02 sao cấp huyện và làm cơ sở để tham gia xét cấp tỉnh vào năm 2023. Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP thị xã đánh giá sản phẩm OCOP lần này đều có xu hướng phát triển tốt, có khả năng cạnh tranh trên thị trường. Các thành viên Hội đồng cũng đã chỉ rõ và góp ý để chủ thể khắc phục một số tồn tại hạn chế nhằm tiếp tục hoàn thiện, nâng cao chất lượng, góp phần nâng hạng sản phẩm, nâng cao giá trị, sức cạnh tranh trên thị trường và khẳng định đặc trưng sản phẩm của quê hương Ba Đồn. Ông Nguyễn Văn Khánh-Trưởng phòng Kinh tế UBND thị xã Ba Đồn cho biết: Năm nay, các sản phẩm đăng ký tham gia đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP của các xã, phường tăng lên. điều này chứng tỏ sức lan tỏa của Chương trình OCOP là rất lớn. Thị xã sẽ phối hợp với các xã, phường đẩy mạnh thông tin tuyên truyền, nâng cao nhận thức về ý nghĩa, tầm quan trọng của Chương trình OCOP đến với người dân, đặc biệt là các chủ thể sản xuất kinh doanh. Triển khai chương trình bồi dưỡng, tập huấn nâng cao chất lượng nguồn nhân lực thực hiện Chương trình OCOP từ thị xã đến cơ sở. Bên cạnh đó, cùng với đa dạng hóa sản phẩm OCOP, việc xây dựng thương hiệu, quản lý chặt chẽ quy trình sản xuất và chất lượng sản phẩm OCOP tiếp tục được quan tâm, không thể vì số lượng mà bỏ qua chất lượng… thị xã sẽ thành lập các đoàn kiểm tra đối với chủ thể có sản phẩm đã được công nhận từ 3 sao trở lên, đồng thời xây dựng kế hoạch để đánh giá, phân hạng lại sản phẩm OCOP sau 36 tháng theo đúng quy định của Thủ tướng Chính phủ.
Địa chỉ Website: badontv.vn
Tên gọi:
BĐRT (BaDon Radio Television)
Trang thông tin điện tử tổng hợp Trung tâm Văn hóa - Thể thao và Truyền thông (Trung tâm VH-TT&TT) thị xã Ba Đồn.
Tôn chỉ, mục đích: Website được xây dựng, hoạt động nhằm đăng tải, lưu trữ các văn bản bao gồm tin tức, sự kiện,...