Quảng Thủy từng bước đột phá trong xây dựng Nông thôn mới

Thứ sáu - 18/09/2020 08:11
Đồng chí Nguyễn Hải Thường, Bí thư Đảng ủy xã Quảng Thủy gọi điện cho tôi: “Thầy ơi! Về Quảng Thủy có nhiều mô hình hay lắm thầy ạ. Quảng Thủy đã hoàn thành chương trình xây dựng nông thôn mới. Bây giờ tiếp tục xây dựng các tiêu chí nâng cao”.
Đàn vịt của anh Trung trong khu chăn nuôi trồng trọt tổng hợp
Đàn vịt của anh Trung trong khu chăn nuôi trồng trọt tổng hợp
               Anh Trần Đức Thắng, Chủ tịch Hội Nông dân dẫn tôi đi các thôn xem một số mô hình sản xuất kinh doanh mới trong xã. Giờ tôi mới có dịp đi khắp cả làng Lâm Xuân. Quảng Thủy đã khác xa nhiều so với hồi tôi đang học cấp 3. Sau 46 năm rời xa mái trường cấp ba Nam Quảng Trạch, đây là lần đầu tiên tôi đi đến từng nhà hỏi thăm tình hình sức khỏe, kinh tế của những người quen cũ. Có nhiều người đã chết, có một số người theo con cái ra thành phố, đi làm ăn xa.
           Hồi đó - năm học 1972 – 1973, trường cấp 3 Nam Quảng Trạch từ thôn Cao Cựu Biên xã Quảng Hòa chuyển lên đây sơ tán. Thầy trò mang vác, chặt rào, trét đất mất gần cả tháng trời. Trường cách nhà đến 5 cây số nên sang năm học lớp 10 thi tốt nghiệp phổ thông tôi phải ở trọ để học ôn. Bố tôi xin cho ở nhà của chị Thoán, một sinh viên của ông đang học trường sư phạm (10+3) Quảng Bình. Hàng tuần tôi phải về nhà lấy gạo và thức ăn lên. Cả xã Quảng Thủy hồi đó không có chợ nên mẹ tôi sắm cho một hộp mắm muối đủ ăn cả tuần. Hai chị bạn cùng lớp nhưng lớn tuổi hơn tôi cũng đến ở chung. Chị Trương Thị Ngân Hoa có mái tóc quăn nên bạn bè thường gọi là “Hoa Niu tơn”. Chị là người Minh Lệ cùng xóm với tôi. Chị đã từng học sư phạm hệ (7+3) rồi đi dân công hỏa tuyến phục vụ chiến dịch Đường 9 - Nam Lào. Chị hơn tôi 6 tuổi.
          Quảng Thủy là một xã thuần nông trên đồng đất chiêm trũng đầy nước đúng như cái tên gọi của nó. Nước ở đây lơ lớ nên không uống được. Cả xã uống nước Khe Cà dẫn về một cái bể ở sát cửa hàng. Xã có ba cánh đồng lớn gọi là “Đồng Trên”, “Đồng Dưới”, “Đồng Sau” và một con hói nhỏ ngăn cách với làng Hạ Thôn (xã Quảng Tân). Người dân nơi đây sống giàu tình nghĩa, thủy chung, đùm bọc thương yêu nhau như anh em ruột thịt. Cả làng có tinh thần đoàn kết và nhất trí cao. Trong kháng chiến chống Pháp cả làng đã nhất tề “hạ rầm” làm công sự để đánh địch. Cả làng đào một chiến hào dài 1,5 km nối với Bắc Sơn xã Quảng Sơn phía trên lát rầm phủ đất cỏ. Ông Nguyễn Quang Thông, người tham gia trận chống càn ngày 3/4/1947 kể lại. Hồi đó do chưa nắm được chiến thuật đánh du kích lại đánh nhau giữa nơi đồng quang mông quạnh nên ta bị tổn thất nặng nề, 39 chiến sỹ và 10 dân thường hy sinh...
         Cả xã chỉ có một cái cửa hàng mậu dịch, một nhà trạm xá và mấy cái nhà kho của các đội sản xuất. Nhà trường được xã cho một khu đất rộng chừng ba héc ta để thầy trò sản xuất trồng lúa. Thầy Hiến, một giáo sinh sư phạm (7+3) Quảng Bình mới “ra lò” được điều về đây phụ trách lao động. Thầy hướng dẫn khâu kỹ thuật trồng lúa và điều động nhân lực các lớp. Đất đai ở đây không được màu mỡ như đất bồi ở làng tôi. Xã Quảng Thủy không có lợi thế “Nhất cận thị, nhì cận sông” nên chẳng ai làm nghề đi rú rừng và buôn bán. Đa số người dân chăm chỉ sản xuất nông nghiệp chứ ít khi đi ra khỏi lũy tre làng...
          Anh Thắng dẫn tôi đến hiện trường đang giải tỏa mặt bằng để làm đường bê tông. Có một nhóm phóng viên của Đài Truyền thanh - Truyền hình thị xã Ba Đồn đang về quay phim ở đó. Gặp tôi, Chủ tịch ủy ban nhân dân xã Nguyễn Duy Trinh rất vui mừng. Năm 1985, xuất ngũ về lại ngành tôi đã đem thư của Nguyễn Đình Tri, anh trai Trinh đang ở trường Hạ sỹ quan xe tăng I đến cho gia đình. Tri không trở lại nghề dạy học mà chuyển sang đơn vị quân đội làm kinh tế. Người chú ruột của Tri là Thiếu tướng Nguyễn Bình Sơn đã xin cho Tri vào làm trong công ti xuất nhập khẩu Minh Hải. Trinh ở nhà lúc đó đã có máy xay xát lúa phục vụ bà con. Trinh cho biết dân số ở đây chưa tới 3 ngàn nhân khẩu. Bốn thôn ở cách xa khu trung tâm nhưng đường đi lại khá thuận tiện. Xã bắt tay vào xây dựng nông thôn mới từ năm 2011. Kinh tế chủ yếu là độc canh cây lúa, ngành nghề lúc đó chưa phát triển. Tỷ lệ hộ nghèo chiếm tới 14%. Xã chưa đạt một tiêu chí nào trong bộ tiêu chí quốc gia xây dựng nông thôn mới. Mãi đến năm 2015 mới hoàn thành được 8/19 tiêu chí. Thu nhập bình quân đầu người đạt 15 triệu đồng/năm, tỷ lệ hộ nghèo đã giảm xuống còn 11,5%. Hơn 4 năm tiếp theo, ngoài nguồn vốn từ ngân sách nhà nước, nhân dân xã Quảng Thủy đã đóng góp gần 500 triệu đồng để xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu như điện, đường, trường, trạm... Đặc biệt để tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động sản xuất nông nghiệp, bà con đã tự nguyện đóng góp gần 1 tỷ đồng để bê tông hóa hệ thống kênh mương nội đồng trên địa bàn xã. Chính quyền xã đã thực hiện lồng ghép các nguồn vốn tập trung đầu tư xây dựng đường giao thông, thủy lợi, trường học...; đồng thời, tuyên truyền, vận động người dân đóng góp sức người, sức của xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn. Tổng chiều dài đường trục thôn, xóm của xã là 9,4 km nhưng lúc đó chỉ mới cứng hóa được 2,8 km. Các tuyến đường ngõ xóm và đường trục chính nội đồng vẫn chưa được cứng hóa. Tiêu chí môi trường còn gặp khó khăn trong việc thu gom và xử lí rác thải, do thiếu nguồn kinh phí ban đầu để xây dựng khu tập kết rác, lò đốt rác, xe chở rác và một số vật dụng khác. Xã Quảng Thủy không được hưởng lợi từ các chương trình đặc thù của nhà 3 nước như: Chương trình 134, chương trình 135, chương trình xã bãi ngang...như ở một số xã khác nên đời sống của người dân hết sức khó khăn.
          Vận dụng một cách hợp lý, những tiêu chí cần ít nguồn vốn đầu tư được xã ưu tiên thực hiện trước. Đến cuối năm 2018, xã đã đạt 16/19 tiêu chí, 3 tiêu chí còn lại là Giao thông, cơ sở vật chất văn hóa và tiêu chí trường học được thực hiện trong năm 2019. Với sự đoàn kết nhất trí cao của Đảng bộ và toàn thể nhân dân trong xã, liên tục 9 năm gồng mình phấn đấu xây dựng nông thôn mới, đến cuối năm 2019, thu nhập bình quân đầu người đã tăng lên tới 35,4 triệu đồng trong năm; tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 1,51% (10/664 hộ). Nhân dân đã đóng góp 18 tỉ 827 triệu đồng chiếm 18,6% tổng kinh phí huy động.
          Điều đáng nói là ngay từ năm 2009 cả 5 thôn Quảng Thủy đều có nhà văn hóa và năm 2019 được nâng cấp trang bị thêm một số thiết bị phục vụ sinh hoạt văn hóa cộng đồng. Cả xã đến nay đã có 1 điểm chợ tại thôn Thượng Thủy với 1 đình chợ chính, có nhà vệ sinh, hệ thống thoát nước, khu vực tập kết rác, khuôn viên bê tông và hàng rào khang trang. Dù xa sông nước nhưng cá tôm tươi ở đây mùa nào cũng có và rẻ hơn các chợ ven sông. Chợ được quy hoạch 10 ki ốt trong đình chợ và 6 ki ốt cho thuê đất với 36 gian hàng. Các hộ kinh doanh chấp hành tốt quy định của chính quyền, nhà nước.
            Hệ thống giáo dục của xã không ngừng phát triển. Đáng chú ý nhất là trường TH &THCS Quảng Thủy, đơn vị đầu tiên của ngành giáo dục thị xã Ba Đồn theo mô hình trường ghép (tiểu học và trung học cơ sở) được nhận bằng “Trường đạt chuẩn quốc gia”. Năm học 2019 – 2020 có 2 thầy giáo trong trường Hoàng Minh Quang và Hồ Quang Yên, đạt danh hiệu chiến sỹ thi đua cấp tỉnh. Kể từ ngày ra trường, thầy Hồ Quang Yên năm nào cũng có học sinh thi đạt giải học sinh giỏi môn Vật lý. Thầy được tặng bằng khen của chủ tịch tỉnh Quảng Bình và được bổ nhiệm làm cán bộ quản lý đầu năm 2020. Gặp tôi, Yên khoe là đã làm hồ sơ gửi lên Sở Giáo dục đề nghị Bộ giáo dục tặng bằng khen. Hoàng Minh Quang thì chậm rãi hơn. Anh là một hiệu trưởng chắc chắn, cẩn thận. Mới gặp lần đầu ta đã thấy ở anh luôn toát lên một vẻ tự tin trong công việc. Quang là con một cô bạn đồng nghiệp với tôi. Dạy môn Hóa học. Hồi mới học xong cao đẳng sư phạm Quảng Bình, Hoàng Minh Quang được bố trí về dạy toán ở trường THCS Quảng Minh quê tôi. Nhiều giáo viên trẻ mới ra trường lúc đó còn chơi bời, uống rượu với thanh niên địa phương và ngay cả học sinh, nhưng Quang thì rất đứng đắn. Anh sống có mực thước và rất chăm lo công tác chuyên môn. Khi làm hiệu trưởng ở Quảng Thủy, mặc dù nhà trường thiếu hiệu phó Quang vẫn đứng mũi chịu sào dẫn dắt đơn vị đạt danh hiệu tập thể lao động tiên tiến.
3
Hoàng Minh Quang và Hồ Quang Yên là hai thầy giáo đạt danh hiệu chiến sỹ thi đua cấp tỉnh của trường TH&THCS Quảng Thủy
            Rời trường Tiểu học và Trung học cơ sở Quảng Thủy, anh Trần Đức Thắng dẫn tôi đến nhà anh Nguyễn Binh Nhất, xem một mô hình sản xuất kinh doanh trồng nấm có nhiều triển vọng. Đây là sản phẩm tận dụng phế thải nông nghiệp, quay vòng. Cuối vụ gặt, anh chị thu gom rơm rạ về dự trữ trong vườn. Sau khi thu hoạch nấm xong, xác rơm rạ, xen lu lô ủ làm phân bón ruộng rất tốt. Anh chị tiếp tôi dưới giàn mát. Thấy đứa con trai ngồi trên chiếc xe lăn cúi đầu chào chúng tôi, anh Thắng nói cháu bị tàn tật do tai nạn. Anh Nhất người nhỏ nhắn nhưng rất nhanh nhẹn. Chị Đào có khuôn mặt trái xoan, phúc hậu, hiền lành. Hai vợ chồng đều sinh năm 1968. Dù cuộc sống vất vả nhưng những nét xuân sắc của một thời con gái vẫn để lại trên khuôn mặt dễ thương của chị. Anh chị có ba đứa con. Vì phải nuôi một đứa con tàn tật và hai con đi học đại học nữa nên hoàn cảnh kinh tế những năm trước đây quá khó khăn. Năm 2016, con gái anh chị lấy chồng là kỹ sư Trần Anh Đức, ở trường Đại học nông lâm Huế. Đức đã hướng dẫn cho cả nhà mở xưởng trồng nấm. Sẵn có điều kiện ở giữa đồng quê thừa thải các phế liệu nông nghiệp như rơm rạ chẳng mất tiền mua. Anh chị đã chở nguyên liệu về trồng thử ba loại nấm rơm, nấm sò và mộc nhĩ. Bước đầu thu được hơn 200 kg nấm rơm, hơn 500 kg nấm sò và 100 kg mộc nhĩ. Với giá bán nấm rơm 120 ngàn đồng/kg, nấm sò 35 ngàn đồng/kg, mộc nhĩ 130 ngàn đồng/kg, năm đầu anh chị đã thu được 55 triệu đồng. Phấn khởi họ tiếp tục mở rộng quy mô sản xuất, tuyển thêm 5 nhân công làm theo mùa vụ, mỗi năm thu nhập được khoảng 150 triệu đồng. Bình quân mỗi người làm được trả từ 3 đến 4 triệu đồng mỗi tháng.
1
Vợ chồng anh Nhất đang giới thiệu kỹ thuật trồng nấm rơm
                 Tạm biệt anh Nhất, chị Đào, chúng tôi đến khu chăn nuôi trồng trọt tổng hợp của vợ chồng anh Nguyễn Quang Trung và chị Huỳnh Thị Thu Thủy. Trời đã đứng bóng. Nắng như đổ lửa nhưng hai vợ chồng anh vẫn đào hố để trồng cây. Người nào cũng ướt đẫm mồ hôi. Anh nói cây dự án mới đưa về phải trồng cho kịp. Đây là đồng đất thấp trũng, chua phèn ngày xưa trồng lúa kém hiệu quả phía ngoài trường cấp 3 cũ với diện tích gần 2 mẫu. Anh chị dành 5 sào để trồng lúa cung cấp lương thực và phục vụ chăn nuôi. Số đất còn lại làm chuồng chăn nuôi trâu bò, ngan, vịt và gà chọi. Anh đào xung quanh khu vườn một dãy hồ để thả cá và dùng làm nơi ngan vịt xuống tắm. Số đất đắp lên anh dùng trồng cây ăn quả. Trong trang trại anh thường xuyên có trên 400 con vịt đẻ trứng, 200 con ngan và 100 con gà chọi. Trung cho biết khi gặp con gà chọi hay, có thể bán được giá trên một chục triệu đồng. Là một người đã từng bươn chãi làm ăn nhiều năm trong miền Nam, Trung cũng đúc rút được một số kinh nghiệm về chăn nuôi, trồng trọt. Tính sơ sơ mỗi năm anh cũng thu lãi trên 150 triệu đồng.
           Buổi chiều chúng tôi đến xưởng cơ khí sản xuất tổng hợp của hội viên nông dân Nguyễn Văn Hợp. Năm 2011 lúc xã bắt tay vào xây dựng các tiêu chí nông thôn mới thì anh là đối tượng đầu tiên được lãnh đạo xã chú ý, động viên. Với số vốn ít ỏi anh mở xưởng sửa chữa xe máy và làm thêm hàn xì để đúc rút kinh nghiệm. Đến năm 2014, anh được chính quyền, Hội Nông dân xã tạo điều kiện vay vốn Ngân hàng chính sách xã hội và Ngân hàng AGRIBANK 900 triệu đồng mua phương tiện máy móc. Mỗi năm anh thu nhập 300 triệu đồng. Trừ các khoản chi phí mỗi năm anh cũng thu lãi trên 150 triệu đồng. Đặc biệt sáng kiến sản xuất tay vơ cho máy gặt đập liên hoàn thu hoạch những ruộng lúa bị ngã do mưa bão của anh đã được giải thưởng cuộc thi sáng tạo Nhà nông tại tỉnh Quảng Bình. Hiện tại anh đang cải tiến, chế tạo máy cán sợi bột. Xưởng cơ khí tổng hợp của anh đã giải quyết cho từ 3-5 lao động có việc làm với lương bình quân từ 7-9 triệu đồng mỗi tháng.
          Điều để lại dấu ấn trong tôi nhất là xưởng sản xuất đũa gỗ của xã. Xưởng đã thực hiện thành công mô hình sản xuất liên kết theo chuỗi mang lại thu nhập ổn định với mức lương 3 - 5 triệu đồng cho 30 lao động địa phương. Điều này tôi cũng đã nghe đài báo nói nhiều rồi nay không cần nói thêm nữa. Đồng chí bí thư Đảng ủy nói bài học lớn nhất của Đảng bộ thu được trong phong trào xây dựng nông thôn mới là biết lắng nghe, biết tập hợp sức mạnh của toàn dân. Chính vì thế trên cơ sở xã hội hóa, cùng với nguồn vốn của Trung ương, của tỉnh, thị xã và của xã, các doanh nghiệp, người dân và con em quê hương đã đóng góp hàng tỷ đồng để xây dựng cơ sở hạ tầng, trong đó, có 107 hộ dân tham gia hiến hơn 2.400 m2 đất, hơn 1.100 m hàng rào và hàng nghìn ngày công để làm đường giao thông nông thôn. Cái thành công lớn nhất của Quảng Thủy là tình hình an ninh trật tự ổn định. Không có người hút hít, buôn bán ma túy như một số xã lân cận. Người dân ở đây rất an tâm xây dựng nông thôn mới.
        Nhờ sự nỗ lực cùng cách làm phù hợp, từ một xã nghèo, cơ sở hạ tầng còn thiếu thốn, đến nay Quảng Thủy kết cấu hạ tầng như cơ sở vật chất văn hóa, đường giao thông, trường học, trạm y tế, hệ thống điện, nước sinh hoạt được đầu tư cơ bản hoàn thiện với mức độ hài lòng của người dân đạt trên 90%. Hoàn thành công cuộc xây dựng nông thôn mới là mục tiêu của mỗi đảng viên, mỗi người nông dân chúng ta làm cho nước mạnh, dân giàu.
         Trong thời đại công nghệ 4.0, việc ứng dụng khoa học kỹ thuật vào đời sống, sản xuất sẽ là động lực bứt phá đi tắt đón đầu trong xây dựng nông thôn mới. Quảng Thủy đã có cách đi đúng hướng trong xây dựng nông thôn mới, làm cơ sở, tiền đề để từng bước xây dựng nông thôn mới nâng cao.

Tác giả bài viết: CTV Hoàng Minh Đức

Tổng số điểm của bài viết là: 20 trong 4 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 4 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Thống kê
  • Đang truy cập174
  • Máy chủ tìm kiếm27
  • Khách viếng thăm147
  • Hôm nay42,475
  • Tháng hiện tại42,475
  • Tổng lượt truy cập41,187,929
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây