Làng Thọ Đơn, phường Quảng Thọ (TX. Ba Đồn) nằm bên Quốc lộ 1, nổi tiếng với nghề đan lát có lịch sử hàng trăm năm, gắn liền từ thuở sơ khai mở đất lập làng. Đan lát từng là nghề "câu cơm" cưu mang, nuôi nấng bao thế hệ người làng Thọ Đơn vượt qua những giai đoạn khốn khó.
Ngày nay, dù không còn là nghề chính mưu sinh nhưng người làng vẫn cố gắng duy trì, tiếp nối "ngón nghề" được truyền đời từ cha ông, như một cách néo giữ những giá trị truyền thống giữa vòng xoay cuộc sống hiện đại. 400 năm "lửa nghề" vẫn cháy
Gọi là làng, nhưng nay Thọ Đơn đã được "nâng cấp" thành tổ dân phố sau khi chia tách địa giới hành chính huyện Quảng Trạch cũ để thành lập TX. Ba Đồn. Phường Quảng Thọ nằm ở khu vực trung tâm của đô thị trẻ với tốc độ đô thị hóa ngày càng cao. Ở Thọ Đơn cũng vậy, nhưng tiếng chẻ lạt, gõ nan lóc cóc, tiếng nói chuyện rầm rì của các bà, các chị ngồi đan dưới những rặng tre rợp bóng quanh các con đường vào làng, là dấu nét còn lưu giữ mang phong vị của "làng".
Làng Thọ Đơn có lịch sử hình thành gần 400 năm, những người lớn tuổi nhất làng cũng không biết rõ nghề đan lát có từ bao giờ, chỉ nhớ được thế hệ trước chỉ dạy rồi duy trì cho đến hiện tại. Và đến nay, làng Thọ Đơn nổi tiếng gần xa với nghề đan lát.
Bà Đoàn Thị Vần, năm nay 65 tuổi nhưng có thâm niên nghề đan lát hơn 50 năm. Bà Vần được bà ngoại dạy cách đan lát từ thuở mới lớn đến khi về nhà chồng và đến nay vẫn theo nghề. Bà kể, thế hệ của bà hầu như nhà nào ở Thọ Đơn cũng biết đan lát, bất kể đàn ông hay đàn bà, người già hay con trẻ. Có những giai đoạn, nghề đan rất thịnh vượng bởi mang lại thu nhập chính cho người làng. Vài năm trở lại đây, khi sức khỏe dần đi xuống, bà Vần cùng chồng ít làm những việc nặng của đồng áng, chủ yếu nhận làm những sản phẩm đan lát như rổ, rá loại nhỏ theo đơn đặt hàng của các nhà hàng, quán ăn trên địa bàn.
Theo thống kê của chính quyền địa phương, hiện nay làng Thọ Đơn có hơn 500 hộ vẫn làm nghề đan lát và hàng chục cơ sở thu mua, phân phối sản phẩm đi các vùng trong và ngoài tỉnh. Doanh thu mỗi năm ước tính khoảng 20-30 tỷ từ các sản phẩm thủ công đan lát.
Với tay nghề thâm niên, sản phẩm của bà Vần làm ra được thu mua ngay tại nhà. "Có tuổi rồi, làm ít lại có thu nhập là vui. Mấy đứa cháu trong nhà đều làm quen với nghề đan từ nhỏ, có thể sau này không theo nhưng phải biết cái nghề của cha ông để lại", bà Vần cười chia sẻ.
Trước đây, sản phẩm đan lát của làng Thọ Đơn chủ yếu là các vật dụng phục vụ sản xuất nông nghiệp và sinh hoạt hàng ngày, như: Thúng, mủng, nong, nia, rổ, rá... Độ mươi năm gần đây, nhiều người làng còn nhận đan thuyền thúng cho ngư dân các làng biển lân cận đi lộng (gần bờ).
Theo nhiều người làng, nghề đan lát không khó nhưng đòi hỏi tính tỉ mẫn, khéo léo trong từng công đoạn. Nguyên liệu đan được người thợ có kinh nghiệm lựa chọn từ những cây tre to, thẳng, thưa đốt được chặt hạ vào mùa rét lạnh trong năm để tránh mối, mọt. Những thân tre được cắt thành từng khúc và chẻ thành từng sợi tùy độ dày mỏng để làm nan, vành hoặc lạt buộc rồi phơi. Sau khi phơi khô, người thợ sẽ đem vót phẳng và đan rồi nứt, lận để tạo ra thành phẩm.
Mỗi sản phẩm lại có một kỹ thuật đan khác nhau nên thời gian hoàn thành và giá trị sản phẩm cũng khác nhau, đồng thời cũng phụ thuộc vào tay nghề của từng người thợ. Những thợ "bậc thầy" như bà Vần nếu làm cật lực, mỗi ngày cũng bỏ túi được vài trăm nghìn tiền công.
Trải qua thời gian, Thọ Đơn là một trong những làng nghề hiếm hoi vẫn tiếp tục được duy trì, phát triển. Về Thọ Đơn, không khó để bắt gặp hình ảnh những người thợ cần mẫn dưới bóng tre làng hay ngồi bên hiên nhà với đôi tay thoăn thoắt đưa những thanh nan tre vào khung chính xác, vừa uốn, vừa đan, vừa luôn miệng chỉ dạy cho con trẻ, những hậu duệ của làng.
Néo giữ hồn làng
Theo thống kê của chính quyền địa phương, hiện nay làng Thọ Đơn có hơn 500 hộ vẫn làm nghề đan lát và hàng chục cơ sở thu mua, phân phối sản phẩm đi các vùng trong và ngoài tỉnh. Doanh thu mỗi năm ước tính khoảng 20-30 tỷ đồng từ các sản phẩm đan lát là con số đáng mơ ước của các làng nghề truyền thống trong nền kinh tế thị trường thời hội nhập.
Thế nhưng, không phải ngẫu nhiên mà các sản phẩm đan lát từ làng nghề Thọ Đơn được thị trường ưa chuộng và càng không phải ngẫu nhiên gần 2/3 số hộ vẫn giữ nghề truyền thống dù thực tại đan lát không còn là nghề chính của hầu hết người làng.
Cũng như những vùng khác, người làng Thọ Đơn cũng phải hòa nhập với cuộc sống hiện đại và thành công với nhiều ngành nghề khác nhau. Tuy nhiên với họ, nghề đan lát truyền từ đời này sang đời khác đã ăn vào máu thịt, là hồn cốt từ thuở khai khẩn lập làng. Nhiều người làng, dù làm những việc khác nhau, bất kể sang nghèo nhưng hễ rảnh rỗi, họ lại xắn tay vào đan như một thói quen ăn vào tiềm thức.
Quá cái tuổi xưa nay hiếm, nhưng mỗi ngày cụ Lê Thị Hồng vẫn tỉ mẫn xỏ từng nan tre thành liếp. Tuổi cao, tay yếu, cụ đành phải nhờ mấy đứa cháu uốn, nận thành từng chiếc thúng, cái mẹt. Xong xuôi, cụ đích thân "nghiệm thu", không đạt chuẩn thì phải làm lại. Cụ Hồng kể, nghề đan lát đã cưu mang, nuôi nấng bao thế hệ người làng vượt qua những giai đoạn khốn khó. Mấy chục năm quen với nghề, nay mỗi ngày không đụng đến nan tre là thấy thiếu thiếu.
Nghề đan lát ở Thọ Đơn chủ yếu dùng nguyên liệu là cây tre nên gần như nhà nào cũng giữ lại bụi tre trong vườn nhà. Ngày nay, nguồn nguyên liệu khá phong phú từ các vùng lân cận chuyển về nhưng theo những bậc cao niên, tre trồng quanh làng làm ra sản phẩm có độ bền, dẻo dai hơn. Từ bao đời nay, người trẻ ở Thọ Đơn vẫn thường được người lớn răn dạy phải học, phải giữ cho được nghề đan lát truyền thống của tổ tiên để lại. Trải qua mấy trăm năm, với nhiều biến thiên của thời cuộc, nhưng ngọn "lửa nghề" vẫn cháy từ đời này qua đời khác, như gạch nối giữa quá khứ và hiện tại của người làng Thọ Đơn.